Năm mới tập trung vào những điều chính yếu
Trong những ngày đầu năm, chúng ta thường có những dự phóng mới, kế hoặch mới cho tương lai. Các công ty, xí nghiệp thường đưa ra những chương trình mới cho năm mới.
Đối với các kitô hữu, Giáo Hội mời gọi chúng ta dành năm 2014 này để tân phúc âm hóa gia đình. Phúc âm hóa gia đình có nghĩa là biến đời sống gia đình đượm chất Tin Mừng hơn, đồng thời xây dựng đời sống gia đình dựa trên các tiêu chuẩn và giá trị Tin Mừng. Để thực hiện được mục tiêu này cho năm mới, chúng ta cần phải tập trung sống những điểm chính yếu mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta thực hành, đó là: tập trung vào điều chính yếu là Đức Kitô; tính khẩn trương của việc đi ra ngoài để gặp gỡ; tính tối thượng của việc làm chứng.
1. Tập trung vào điều chính yếu là Đức Kitô
Ngày hôm nay, sống trong thời đại bùng nổ thông tin và sự đầy đủ tiện nghi, chúng ta bị ngập lụt bởi các thông tin và công việc. Vì thế, chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng không biết phân biệt được đâu là điều chính yếu của đời sống. Chúng ta dễ bị mất hút và phân tán trong những điều phụ thuộc, những điều thứ yếu và vô bổ. Chúng ta cần phải biết phản tĩnh về nguy cơ này để có thể tập trung vào những điều chính yếu của Đức Tin. Chúng ta cần phải phát xuất lại từ Đức Kitô và phải xây dựng đời sống kitô hữu dựa trên nền tảng là Đức Kitô.
Thánh Phaolô Tông Đồ là một mẫu gương sống động cho chúng ta về việc tập trung cuộc đời mình vào Chúa Kitô. Sau khi đã trở lại, Phaolô đã yêu mến Chúa với một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt. Ngài xác tín rằng: “Tôi coi tất cả là rơm rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8); “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”; “Không có gì tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Rm 8, 35-39); “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Để tân phúc âm hóa gia đình, mỗi người kitô hữu hãy tập trung vào điều chính yếu là Đức Kitô. Anh chị em hãy xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô. Anh chị em hãy mặc lấy tâm tình của Đức Kitô mà đối xử với nhau đó là tâm tình yêu thương và trắc ẩn. Anh chị em hãy trở nền đồng hình đồng dạng với Đức Kitô vì Ngài là căn tính của chúng ta. Anh chị em hãy huy động tất cả mọi năng lực thể lý, con tim và tinh thần của mình cho tình yêu Chúa Kitô.
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, không nên vô ích phân tán chúng thành quá nhiều những điều phụ thuộc hay phù phiếm, mà phải tập trung vào thực tại nền tảng, là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với lòng thương xót của Người, với tình yêu của Người, và yêu thương anh chị em như Người đã yêu. Một phương án được sinh động hóa bởi óc sáng tạo và óc tưởng tượng của Chúa Thánh Thần, Đấng cũng luôn thúc đẩy ta đi theo những con đường mới mẻ, một cách can đảm và không trở thành cứng ngắc!
Đừng để xảy ra một chương trình mục vụ của ta tán loạn, rời rạc, kết cục, mỗi người mỗi đi theo đường lối riêng của mình mà không có sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
2. Tính khẩn trương của việc đi ra ngoài để gặp gỡ người khác
Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới vẫn đang bị thống trị bởi nền văn hóa của loại trừ và thù địch. Con người vẫn còn đối xử và nhìn người khác như là kẻ thù của nhau, nếu không muốn nói nhiều lúc đối xử với nhau như chó sói. Người kitô hữu hôm nay cần phải xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ. Chúng ta cần phải biết làm chứng cho con người hôm nay bằng việc ra khỏi mình, đi ra ngoài để gặp gỡ người khác với thái độ tôn trọng và đối thoại.
Tinh thần năng động này là một phần trong sứ mệnh cao cả của Chúa Kitô nhằm đem sự sống đến cho thế gian, đem tình yêu Chúa Cha đến cho nhân loại. Con Thiên Chúa đã ‘ra khỏi’ thân phận thần linh của mình và tới gặp ta. Giáo Hội hiện diện ngay bên trong chuyển dịch này, nên mọi Kitô hữu đều được mời gọi đi ra ngoài và gặp gỡ người khác, đối thoại với những người không cùng suy nghĩ như ta, với những người có niềm tin khác, hay những người không hề có bất cứ niềm tin nào. Để gặp gỡ mọi người, vì tất cả chúng ta đều có chung điều này: ta được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Ta có thể đi ra ngoài để gặp gỡ mọi người, một cách không sợ sệt và không để mất tư cách chi thể của mình.
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo Hội là nhà có cửa luôn mở rộng không những để mọi người tìm được sự đón mời, được thở bầu khí yêu thương và hy vọng, mà còn để ta có thể ra ngoài đem tình yêu và hy vọng này cho người khác. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta ra khỏi nơi chúng ta đóng khung và dẫn chúng ta tới các ngoại biên của nhân loại.
3. Tính tối thượng của việc làm chứng
Thời nay, chúng ta thường được chứng kiến một thái độ dửng dưng đối với đức tin, coi nó như không ăn nhằm gì tới đời sống con người nữa.
Tân phúc âm hóa là làm đời sống đức tin bừng tỉnh trở lại trong tâm trí người đồng thời với chúng ta. Tân phúc âm hóa bằng cách biểu lộ cách sống đức tin của chúng ta một cách cụ thể, qua tình yêu, hoà hợp, vui tươi lẫn đau khổ… Vì tâm điểm của việc phúc âm hóa là làm chứng cho đức tin và đức ái. Thời nay, điều chúng ta đặc biệt cần là các chứng tá đáng tin, những người dùng đời và lời mình biến Tin Mừng thành hữu hình, làm bừng lên việc lôi cuốn người ta tới Chúa Giêsu Kitô, tới vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Tân phúc âm hóa theo tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là biến lòng thương xót Chúa thành hữu hình đối với con người ngày nay, sử dụng ngôn ngữ thương xót, tâm tình thương xót của Chúa Giêsu đối với những con người chúng ta gặp gỡ và phục vụ.
Mỗi người đã chịu phép rửa đều là “người mang Chúa Kitô” (a “cristoforo”) như các giáo phụ xưa quen nói. Bất cứ ai đã gặp Chúa Kitô, biết Chúa Kitô đều cảm thấy cần đem Chúa Giêsu đến với người khác (xem Ga 4). Tuy nhiên, nhìn lại mình, chúng ta mới chỉ chăm lo việc giữ đạo hơn là truyền đạo. Vì thế, trong năm mới này, chúng ta cần có những nỗ lực mới và chuyển hướng mới cho sứ vụ truyền giáo.
Theo tinh thần đó, lời của thánh Phaolô phải là lời mà mỗi người chúng ta tâm niệm trong năm mới này: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng’ (1Cr 9,16). Để kết thúc, xin mượn câu đối xuân:
“Tân phúc âm hóa theo phương pháp mới nhanh như ngựa.
Kitô hữu sống Lời phải canh thân mạnh chính mình!"
Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương (01/02/2014)