Năm thánh trong Thánh Kinh là năm của lòng thương xót
Năm Thánh trong Thánh Kinh nhằm giúp dân sống tình huynh đệ cụ thể, trợ giúp lẫn nhau. Có thể nói nó là “năm thánh của lòng thương xót”, bởi vì được sống trong việc chân thành tìm kiếm thiện ích của người anh em cần được trợ giúp.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy việc thành lập năm thánh trong Thánh Kinh, như kể trong sách Lêvi. Nó là một thời điểm tột đỉnh của cuộc sống tôn giáo và xã hội của dân Israel. ĐTC giải thích Năm Thánh như sau:
Cứ mỗi 50 năm “trong ngày đền tội” (Lv 25,9), khi lòng thương xót Chúa được khẩn cầu trên toàn dân, tiếng tù và loan báo một biến cố giải phóng lớn. Chúng ta đọc thấy trong sách Lêvi: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.” (Lv 25,10.13). Theo các chỉ dẫn này, nếu có ai đã bị bó buộc bán đất đai hay nhà của mình, trong năm thánh có thể tái chiếm hữu chúng. Và nếu có ai đã mắc nợ và không thể trả chúng nên bị bó buộc phải phục vụ chủ nợ, thì có thể được tự do trở về gia đình mình, và có lại được gia tài của mình.
Đó đã là một loại “tha nợ tổng quát”, qua đó mọi người đuợc phép trở về tình trạng ban đầu, với việc xóa bỏ mọi nợ nần, trả lại đất đai và lại có thể hưởng sự tự do của các thành phần dân Thiên Chúa. Một dân tộc “thánh thiện”, trong đó các chỉ dẫn như chỉ dẫn của năm thánh nhằm chống lại sự nghèo túng và bất bình đẳng, bằng cách bảo đảm cho mọi người một cuộc sống xứng đáng và một việc phân chia đất đai công bằng để có thể ở và lấy ra từ đó thực phẩm nuôi thân. Ý tưởng chính yếu đó là đất đai thuộc về Thiên Chúa và đã được uỷ thác cho con người (x. St 1,28-29), và vì thế không ai có thể chiếm hữu nó cho riêng mình bằng cách tạo ra các tình trạng bất bình đẳng.
Điều này hôm nay chúng ta có thể nghĩ tới nó, và tái suy tư. Mỗi người trong con tim mình hãy nghĩ xem mình có quá nhiều sự không. Tại sao lại không để lại cho những người không có gì cả? Mười phần trăm, năm mười phần trăm… Tôi nói: Xin Chúa Thánh Thần gợi hứng cho từng người trong anh chị em.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Với năm thánh ai đã trở thành nghèo túng lại có điều cần thiết để sống, và ai đã trở thành giầu có thì trả lại cho người nghèo những gì đã lấy của họ. Mục đích đã là một xã hội dựa trên sự bình đẳng và tình liên đới, nơi sự tự do, đất đai và tiền của lại trở thành một thiện ích cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ của vài người, như đang xảy ra bây giờ, nếu tôi không lầm… Hay ít nhiều các con số không chắc chắn, nhưng 80% của cải toàn nhân loại nằm trong tay của 20% tống số dân hoàn cầu. Đây là một năm thánh – và tôi nói lên điều này khi nhắc tới lịch sử cứu rỗi của chúng ta – để hoán cải, để cho con tim chúng ta trở thành lớn lao hơn, quảng đại hơn, là con Thiên Chúa hơn, với nhiều tình yêu hơn. Tôi xin nói với anh chị em một điều: nếu ước mong này, nếu năm thánh này không đi tới các túi, thì không phải là năm thánh đích thật. Anh chị em đã hiểu chưa? Và điều này là ở trong Thánh Kinh đấy! Giáo hoàng này không chế ra đâu: Nó ở trong Thánh Kinh đấy! Mục đích như tôi đã nói đó là một một xã hội dựa trên sự bình đẳng và tình liên đới, nơi sự tự do, đất đai và tiền của lại trở thành một thiện ích cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ của vài người.
ĐTC giải thích thêm mục đích của năm thánh như sau:
Thật thế, năm thánh có nhiệm vụ giúp dân sống một tình huynh đệ cụ thể, được làm thành bởi việc trợ giúp nhau. Chúng ta có thể nói rằng năm thánh kinh thánh đã là một “năm thánh của lòng thương xót”, bởi vì được sống trong việc chân thành tìm kiếm thiện ích của người anh em cần được giúp đỡ.
Các cơ cấu và luật lệ khác cai quản cuộc sống của dân Thiên Chúa cũng nằm trong đường hướng này, để có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa qua kinh nghiệm của con người. Trong các điều luật này chúng ta tìm thấy các chỉ dẫn có giá trị cho cả ngày nay nữa, khiến cho chúng ta suy tư. Chẳng hạn, luật kinh thánh dậy đóng thuế thập phân, dành cho các thầy Levi, đặc trách phụng tự, vì các vị không có đất đai, và dành cho người nghèo, trẻ mồ côi, người goá bụa (x. Đnl 14,22-29). Nghĩa là người ta thấy trước rằng một phần mười của việc thu hoạch hay của các khoản đến từ các sinh hoạt khác, được trao cho những người không được che chở và ở trong tình trạng cần, như thế để tạo ra các điều kiện thuận tiện cho sự bình đẳng tương đối bên trong dân, trong đó tất cả mọi người phải sống như anh chị em với nhau.
Cũng có luật liên quan tới các của đầu mùa nữa. Nó là cái gì vậy? Phần đầu tiên của việc thu hoạch mùa màng, là phần quý báu nhất, phải được chia sẻ với các thầy Lêvi và người ngoại quốc (x. Đnl 18,4-5; 26,1-11), là những người không có ruộng đồng, và như vậy đối với họ đất đai cũng là nguồn của thực phẩm và sự sống.” Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta”. (Lv 25,23). Chúng ta tất cả là khách trọ của Chúa, trong khi chờ đợi quê hương trên trời (x. Dt 11,13-16); 1 Pr 2,11), được mời gọi khiến cho thế giới tiếp đón chúng ta có thể ở được và nhân bản. Và biết bao của đầu mùa người may mắn hơn có thể cho người đang gặp khó khăn.
Biết bao nhiêu của đầu mùa! Các của đầu mùa không phải chỉ là các hoa trái của ruộng đồng, mà của mọi sản phẩm của lao động, của lương bổng, của tiền tiết kiệm. của biết bao nhiêu điều người ta có thể có và đôi khi người ta phung phí.
Điều này cũng xảy ra ngày nay nữa. Trong Văn phòng từ thiện của toà thánh có biết bao nhiêu thư được gửi tới bên trong có chút tiền: “Đây là một phần lương của con để giúp ngưởi khác.” Và đây là điều đẹp: giúp đỡ người khác, giúp đỡ các tổ chức từ thiện, các nhà thương, nhà dưỡng lão… cho những người ngoại quốc, người xa lạ và khách qua đường. Chúa Giêsu đã là khách qua đường bên Ai Cập.
Chính khi nghĩ tới điều này Thánh Kinh liên tục khích lệ đáp trả lại các lời xin vay mượn một cách quảng đại, không tính toán hẹp hòi và không đòi lãi không thể trả được: “Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được (các) ngươi, thì (các) ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên (các) ngươi. Với nó, (các) ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và người anh em của (các) ngươi sẽ có thể sống bên (các) ngươi. (Các) ngươi không được cho nó vay bạc của (các) ngươi để lấy lãi và vay lương thực của (các) ngươi để ăn lời.”. Giáo huấn này luôn luôn thời sự.
Biết bao gia đình sống trên vỉa hè, nạn nhân của nạn cho vay ăn lời cắt cổ! Chúng ta hãy cầu nguyện để trong năm thánh này Chúa cất khỏi con tim của tất cả mọi người ước muốn có nhiều của cải hơn, là nạn cho vay nặng lãi. Ai quảng đại trở lại là người cao cả.
Biết bao nhiêu tình trạng cho vay nặng lãi chúng ta bị bó buộc trông thấy, và chúng có thể đem tới cho các gia đình biết bao khổ đau và âu lo! Và biết bao lần, trong tuyệt vọng, biết bao người kết thúc trong việc quyên sinh, vì họ không chịu đựng được nữa và không có hy vọng, không có bàn tay giơ ra trợ giúp họ: chỉ có bàn tay tới bắt họ trả tiền lãi thôi. Đây là một tội trọng, cho vay nặng lãi là một tội trọng kêu lên tới Thiên Chúa. Trái lại, Chúa đã hứa phước lành cho người mở rộng tay cho đi một cách rộng rãi (x. Dnl 15,10). Ngài sẽ cho bạn gấp đôi, có lẽ không phải là tiền bạc nhưng các sự khác, nhưng Chúa sẽ luôn luôn cho bạn gấp đôi.
Anh chị em thân mến. sứ điệp kinh thánh rất rõ ràng: can đảm rộng mở cho sự chia sẻ và đó là lòng thương xót! Và nếu chúng ta muốn lòng thương xót từ Thiên Chúa, thì hãy bắt đầu lòng thương xót giữa chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu lòng thương xót giữa các người đồng hương, giữa các gia đình, giữa các dân tộc, giữa các đại lục. Góp phần vào việc thực hiện môt trái đất không có người nghèo có nghĩa là xây dựng một xã hội không kỳ thị, dựa trên tình liên đới đưa tới viêc chia sẻ những gì mình có, trong một việc phân chia các tài nguyện dựa trên tình huynh đệ và công lý.
ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, trong đó có các đoàn hành hương đến từ Pháp, Anh, Ai len, Croatia, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ba Lan. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,
Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho nhau trong mùa chay, là thời gian của sự hoán cải, để có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa và thông truyền nó cho các anh chị em nghèo khó nhất.
Chào các trẻ em giúp lễ giáo phận Bolzano-Bresanone, do ĐC Ivo Muser hướng dẫn, cũng như Hiệp hội “Cho ngai toà thánh Phêrô” , ĐTC nói trong các ngày tới đây ngài sẽ tông du Mêxicô và gặp gỡ Đức Thượng Phụ Kirill bên Cuba. Ngài xin mọi người giúp lời cầu nguyện cho hai biến cố này. ĐTC cũng chào các giáo viên và học sinh các trường Barreiro, Bragança, Coimbra và Lisboa Bồ Đào Nha. Ngài chúc mọi người giống Chúa Giêsu và gặt hái nhiều hoa trái trong mùa chay năm thành này. Ngài cũng chào ca đoàn Thánh Rafka đến từ Libăng và các tín hữu Trung Đông. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói mùa chay trong Năm Thánh là dịp thuận tiện để xin Chúa tha thứ cho mọi sự dữ và mở rộng trái tim cho các công việc bác ái.
Ngài cũng chào các giám đốc hiệp hội Giáo hoàng truyền giáo giáo phận Italia, thành viên phong trào Giang tay, và các giáo viên giáo lý giáo phận Concordia Pordenone, cũng như học sinh nhiều trường khác nhau. Ngài cầu chúc việc bước qua Cửa Thánh giúp họ là chứng nhân cho Chúa qua các công tác trợ giúp bác ái.
Với ngưởi trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nói lễ Tro mở đầu mùa chay bắt đầu lộ trình ơn thánh như một cuộc trở về với Thiên Chúa Cha Từ Bi. Ngài khích lệ người đau yếu dâng các khổ đau cho ơn hoán cải của những người sống xa Chúa, và nhắn nhủ các đôi tân hôn xây dựng cuộc sống gia đình trên đá tảng tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày 11 tháng 2 hôm nay là ngày lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là Ngày quốc tế các bệnh nhân lần thứ 24 được cử hành tại Nagiarét. Trong sứ điệp cho năm nay chúng ta đã suy tư về vai trò không thể thay thế được của Mẹ Maria trong tiệc cưới làng Cana. “Người bảo bất cứ điều gì, hãy làm điều đó” (Ga 2,5). Trong sự lo lắng của Mẹ Maria phản ánh sự dịu hiền của Thiên Chúa và lòng lành vô biên của Chúa Giêsu Từ Bi. Tôi xin mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các bệnh nhân và làm cho họ cảm thấy tình yêu thương của chúng ta. Ước chi sự dịu hiền của Mẹ Maria hiện diện trong cuộc sống của biết bao nhiêu người ở bên cạnh các bệnh nhân bằng cách biết tiếp nhận các nhu cầu của họ, kể cả những nhu cầu không thể nhận ra, vì được nhìn với con mắt tràn đầy tình yêu thương.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải, RadioVaticana 10.02.2016