Ngày Tết lì xì gì cho nhau?
Chỉ còn gần một tuần nữa là cả đất nước Việt Nam, những con người và các gia đình bước vào một năm Âm Lịch 2014 – Tết Giáp Ngọ, mà vì đó ai ai cũng thấy nhà nhà lo lắng và người người lo lắng và tất bật để làm những việc còn lại để có thể vui vẻ và thư thái hưởng trọn những ngày sum họp bên gia đình và người thân. Tết gắn liền với những nét văn hoá mà tự bản chất vốn rất tốt đẹp: một cơ hội lớn để hoà giải sau một năm với biết bao bất hoà, một dịp tốt lành để thể hiện tấm lòng với các bậc sinh thành, một thời gian thuận tiện cho những gặp gỡ và chia sẻ sau một năm xa cách, một dịp may để mọi người gửi đến nhau những lời chúc và nguyện ước tốt lành cho một năm mới, một cơ hội để bằng hữu ngồi lại ôn cố tri tân và khuyến khích nhau trong bước đường năm mới… Song, tốt đẹp là thế và cao cả là thế, vậy mà cứ mỗi lần Tết gần về là ai nấy đều cảm thấy một sự nặng trĩu, một nỗi thống khổ, một sự gượng ép, và một sự nhàm chán…đến mức khó tả và muốn né tránh hết. Tại sao thế?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chán ngán và nặng nề này nơi hầu hết mọi người, song nguyên nhân căn bản nhất và sâu sa nhất là vì người ta đã "đánh mất tình yêu thuở ban đầu". Ai cũng biết, chỉ có tình yêu mới mang lại sự hàn gắn, gần gũi, sẻ chia, bình an, và niềm vui. Mà ngày Tết là thời điểm của Mùa Xuân, mùa của niềm vui và tình yêu, ấy thế mà trong trái tim của mỗi người thì vẫn còn đó cái lạnh giá của mùa Đông và cái oi ả của mùa Hè, và cái ảm đạm của mùa Thu, thế nên khó ai có thể cảm nếm hết cái bầu khí của tình yêu. Hận thù, chia rẽ, tham lam, ích kỷ, thiếu quan tâm, thiếu yêu thương, đổ vỡ, mục nát… ở trong trái tim và trong mỗi gia đình đã ngăn dòng chảy của tình yêu vốn chỉ mong được chảy tràn vào mùa của nó – Mùa Xuân. Có còn chăng là một chút trách nhiệm, một chút bổn phận, sự thờ ơ, sự giả hình, và cả những đối phó khi gặp nhau vào mỗi độ sum họp. Ai cũng cảm nghiệm được và thấy rất rõ những lời chúc ngoài môi miệng, những nụ cười chiếu lệ qua loa, những quà biếu nhưng thiếu lòng thành, những đón nhận mà thiếu sự biết ơn chân thành… nhưng không ai có can đảm để quyết tâm hàn gắn, chữa lành, và yêu thương, mà chỉ phớt lờ để mong cho những ngày này chóng qua để mình trở về với cuộc sống riêng mình, đường ai nấy đi, nhà ai nấy sống. Và đương nhiên, trong câu chuyện này, thì người làm lớn phải là những người thực hiện bước trước và là người cầm trịch niềm vui và hạnh phúc trong gia đình. Nếu những người lớn ấy mà cứ nhởn nhơ ích kỷ đợi chờ bậc con cháu vuốt ve cái tôi và sự tự mãn, thì vẫn còn đó những mỏi mệt từ thế hệ này qua đến thế hệ kế tiếp như chúng ta đang trải nghiệm ngày nay.
Thứ đến, phải kể đến yếu tố kinh tế hoá và lợi ích hoá nơi cõi lòng con người. Người ta kỳ vọng ai đó biếu mình những món quà ngon, giá trị cao, độc và lạ…thế rồi nếu có chăng thì cũng chỉ được một vài năm, còn sau đó thì chỉ đẩy nhau vào sự bế tắc triền miên. Trong khi đó, bản chất của quà biếu là lời nói thành hiện thực của người biếu. Nghĩa là nó thể hiện lòng quý mến đối với người được biếu tặng, chứ điều đó không hề can hệ gì đến giá trị hay tính chất của món quà biếu. Thế nhưng khốn thay, ai ai cũng định giá tình yêu, lòng thành kính, và trái tim của người khác bằng thứ vật chất vô tri, ngang qua giá trị và độ độc đáo. Theo đó giá trị càng cao, tính chất càng độc lạ thì càng làm cho người nhận thêm phần phấn khích và vui tươi. Từ đó, họ công nhận rằng người này hay người kia ít hay nhiều quý mến mình hơn. Từ đó mới sinh ra lòng đố kỵ và sự lòng tự ái nơi các thành viên trong gia đình. Bởi những bậc lớn hơn thể hiện niềm vui cách rạng ngời khi thấy con cháu này biếu tặng và lì xì những món quà giá trị lớn và tính chất độc lạ cao, còn lại thể hiện sự thờ ơ, nhận cho qua lần chiếu lệ đối với những người ít có khả năng tài chính hơn… Vậy thì ai còn dám vui vẻ thể hiện tình cảm của mình vào những năm tới? Lẽ nào niềm vui của chúng ta chỉ hệ tại ở những thứ vật chất chóng qua này? Lẽ nào tình yêu và lòng thành kính được đánh đồng bởi những thứ phù phiếm vô tri này chăng? Niềm vui ngày Tết và niềm vui sum họp được đánh đổi bằng niềm vui khi được nhận quà độc lạ?
Vật chất thắng thế tinh thần, giá trị kinh tế vượt trên niềm vui, độ độc lạ vượt thắng sự kỳ lạ của tình yêu và bình an… và giờ đây ai nấy lòng nặng trĩu, kẻ trên người dưới, kẻ xa người gần, kẻ giàu người nghèo, kẻ gần người lạ…hết thảy gần như để mình bị nhiễm độc bởi những thứ chóng qua thay cho sự viên mãn. Thế nên, chả trách sao lòng người cứ mãi nặng nề, cứ mãi băn khoăn, cứ hoài mỏi mệt, và ngán ngẩm, kinh hãi, và bế tắc để đón không khí Tết, không khí Xuân… Nếu cứ thế thì cho dù có là bao nhiêu mùa xuân nữa trôi qua thì có chăng chỉ càng làm gia tăng sự mỏi mòn, mệt mỏi, và chán chường cho đến khi nào con người chấp nhận một thực tại mới, mang lấy một tinh thần mới, thể hiện một thái độ mới cách đúng đắn, phù hợp, và chân thực dành cho nhau và cho cuộc sống này. Lúc ấy, niềm vui đích thực của Mùa Xuân sẽ đổ về từ trời cao, vì Đấng là Mùa Xuân Vĩnh Cửu, là Chúa Xuân muôn đời hằng khát khao con cái của Ngài vui hưởng những gì là tốt đẹp và cao quý nhất mà Ngài ban tặng. Vậy thì nếu Xuân này phải lì xì gì cho nhau, phải biếu gì cho nhau, thì xin ngay từ bây giờ hãy cho nhau sự đổi mới, sự canh tân, sự điều chỉnh thái độ, sự cao quý tinh thần, sự cảm thông, sự ủi an, sự hiểu biết, sự trân trọng, và cả những mong đợi của bản thân, để khi diện đối diện với người mình yêu thương, ai nấy đều cảm nghiệm được một niềm vui, một sự bình an, và một niềm vui bất tận mà không quà cáp, không giá trị, và không sự độc đáo nào có thể thay thế được. Và đó chính là SỰ THỊNH VƯỢNG mà CHÚA XUÂN muốn ban tặng cho mỗi người chúng ta và ngang qua chúng ta đến cho nhau.
Joseph C. Pham