Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 54
Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay có chủ đề, là câu trích từ sách Xuất hành, đoạn 10 câu 2: “Để ngươi có thể kể lại và ghi khắc trong ký ức. Cuộc sống trở thành câu chuyện”.
Chúa nhật, ngày 24/5/2020, Giáo hội cử hành Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 54. Trong sứ điệp nhân ngày này, Đức Thánh cha Phanxicô cảnh giác chống phổ biến những chuyện giả dối, tai hại, những tin tức không kiểm chứng, đồng thời ngài cổ võ thông truyền những gì đưa ra ánh sáng sự thật và cả những hành vi anh hùng trong đời sống thường nhật.
Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay có chủ đề, là câu trích từ sách Xuất hành, đoạn 10 câu 2: “Để ngươi có thể kể lại và ghi khắc trong ký ức. Cuộc sống trở thành câu chuyện”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha đề cao giá trị của truyện kể và ngài nhấn mạnh rằng điều cấp thiết đối với thế giới Công giáo là vượt thắng cám dỗ của những chuyện phá hoại. Ngài viết:
“Tôi muốn dành sứ điệp năm nay về đề tài trình thuật, vì tôi tin rằng để không lạc hướng, chúng ta cần hô hấp sự thật của những chuyện tốt lành, những chuyện xây dựng chứ không phá đổ; các chuyện giúp tìm lại được những căn cội và sức mạnh để tiếp tục cùng nhau tiến bước. Trong tình trạng hỗn độn của những tiếng nói về sứ điệp vây quanh chúng ta, chúng ta cần một trình thuật nhân bản, nói với chúng ta về chúng ta và về vẻ đẹp nơi chúng ta. Một trình thuật biết nhìn thế giới và các biến cố một cách dịu dàng, cần kể lại cuộc sống đi từ môi trường sinh động, biểu lộ sự liên kết của các mối dây nối kết chúng ta với nhau”.
Tránh những chuyện không tốt lành
Trong đoạn hai của sứ điệp, Đức Thánh cha đặc biệt cảnh giác chống “những chuyện làm cho chúng ta bị mê hoặc, chúng thuyết phục chúng ta nghĩ rằng để hạnh phúc, chúng ta luôn cần phải có của cải, chiếm hữu và tiêu thụ. Hầu như chúng ta không nhận thấy mình đang trở thành những người ham nghe những chuyện tầm phào, “ngồi lê đôi mách”, bao nhiêu bạo lực và giả dối chúng ta tiêu thụ. Nhiều khi trong các cuộc giao tiếp, thay vì những câu chuyện xây dựng, như những chất keo nối kết những liên hệ xã hội và kết cấu văn hóa, người ta tạo ra những câu chuyện phá hoại và khiêu khích, làm tiêu hao và phá vỡ những sợi dây mong manh nối kết cuộc sống chung.”
Đức Thánh cha cảnh giác thêm rằng: “Khi kết hợp những thông tin không kiểm chứng, lặp lại những lập luận thuyết phục tầm thường và giả dối, tấn công bằng những tuyên bố thù hận, người ta sẽ không xây dựng lịch sử con người, nhưng tước bỏ phẩm giá của con người”.
Giá trị những chuyện tốt lành
Đức Thánh cha cổ võ phổ biến những chuyện tích cực và khẳng định rằng: “Trong khi những chuyện bị sử dụng với mục đích lạm dụng và tìm quyền lực chẳng kéo dài được, thì một chuyện tốt lành có thể vượt qua những biên cương không gian và thời gian. Dù đã qua nhiều thế kỷ, những chuyện ấy vẫn thời sự vì chúng nuôi dưỡng cuộc sống”.
“Trong một thời đại mà sự giả mạo ngày càng tối tân hơn, đạt tới mức độ tột đỉnh, chúng ta cần có sự khôn ngoan để đón nhận và sáng tạo những chuyện chân, thiện, mỹ. Chúng ta cần có can đảm loại bỏ những chuyện dối trá và gian ác. Chúng ta cần kiên nhẫn và phân định để khám phá những chuyện giúp chúng ta mất hướng đi chính, giữa bao nhiêu xâu xé ngày nay; chúng ta cần những chuyện đưa ra ánh sáng sự thật về con người chúng ta, và cả về những điều anh hùng trong đời sống thường không được biết đến”. (SS Vat. 24-1-2020)
Nguồn: vietnamese.rvasia.org