Ngày thứ hai chuyến viếng thăm Georgia của ĐTC Phanxicô
Thứ bẩy hôm qua là ngày thứ hai ĐTC viếng thăm mục vụ Georgia. Ngài đã có bốn sinh hoạt chính: chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại sân vận động Meskhi, gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời, gặp gỡ các bệnh nhân và nhân viên của các tổ chức bác ái của Giáo Hội công giáo tại trung tâm của dòng Camilliano, và thăm nhà thờ chính toà thượng phụ Svetyskhoveli. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.
Lúc 9 giờ rưỡi sáng ĐTC đã rời Toà Sứ Thần để đến sân vận động Meskhi để dâng thánh lễ cho tín hữu. Sân vận động này là một trung tâm thể thao đa dụng, mang tên cầu thủ Mikhail Miskhi năm 1988 được bầu làm cầu thủ túc cầu Georiga giỏi nhất của thế kỷ 20. Đuợc xây lại năm 2001 sân vận động có 27.000 chỗ ngồi, và là sân vận động lớn thứ hai trong nước, sau sân vận đông Boris Paichadze.
Tại Georgia các Giáo Hội kitô gồm Latinh, Armeni công giáo, Assiro-canđê, Tin lành baptist và Luther họp gặp gỡ nhau hàng tháng để thảo luận trao đổi ý kiến liên quan tới các vấn đề tôn giáo và tụ hạp nhau trong buổi cầu nguyện đại kết ngày 25 tháng giêng. Cũng có một Hội đồng các tôn giáo bao gồm 20 giáo hội. Đã có nhiều đại điện các giáo hội này hiện diện trong thánh lễ của ĐTC. Hiện diện trong thánh lễ cũng có đại diện chính quyền dân sự, đại diện của Toà Thượng Phụ Georgia, của Đức Thượng Phụ và Công Đồng Canđê, đông đảo đại diện Giáo Hội Armeni công giáo và các Giáo Hội kitô khác.
Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc lễ kính thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, và mời gọi mọi người hãy mở toang cánh cửa con tim và cuộc sống cho sự ủi an của Chúa, và chia sẻ sứ mệnh cấp thiết của Giáo Hội là là tiếp nhận và cống hiến sự an ủi của Thiên Chúa cho mọi người. Ngài nói:
** Sự an ủi mà chúng ta cần giữa các biến cố giao động của cuộc sống là chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong con tim. Bởi vì sự hiện diện của Ngài trong chúng ta là suối nguồn của sự ủi an đích thực, tự do khỏi sự dữ nó đem đến hoà bình và làm cho niềm vui lớn lên. Vì vậy, nếu chúng ta muốn được an ủi cần phải dành chỗ cho Chúa trong cuộc sống. Và để Chúa có thể ở ổn định trong chúng ta, cần mở cửa cho Ngài vào, chứ không để Ngài đứng ở ngoài. Có những cánh cửa của sự ủi an cần phải để rộng mở luôn, bởi vì Chúa Giêsu thích vào qua ngã đó: đó là Phúc Âm đưọc đọc mỗi ngày và đem theo mình, lời cầu nguyện thinh lặng và thờ lậy, Xưng Tội, Thánh Thể. Chính qua các cánh cửa này mà Chúa vào và ban hương vị mới mẻ cho mọi sự. Nhưng khi cánh cửa con tim đóng kín, ánh sáng của Ngài không tới được và chúng ta ở trong bóng tối. Khi đó chúng ta quen với khuynh hướng bi quan, với các điều không chạy, với các thực tại sẽ không bao giờ thay đổi. Và kết cục chúng ta khép kín mình trong buồn sầu, dưới hầm của âu lo, một mình trong chính mình. Nhưng nếu chúng ta mở toanh các cánh cửa của sự ủi an, thì ánh sáng của Chúa vào được!
Tuy nhiên, ngôn sứ Isaia không chỉ nói Thiên Chúa sẽ an ủi chúng ta như một bà mẹ an ủi con thơ, ông còn thêm rằng Chúa sẽ an ủi trong thành Giêrusalem, là thành của Thiên Chúa, trong cộng đoàn. Sự an ủi được tìm thấy trong Giáo Hội, là nhà của sự ủi an. Chính ở đây Chúa muốn an ủi. Là người sống trong Giáo Hội tôi có là người đem lại sự an ủi của Thiên Chúa không? Tôi có biết tiếp đón tha nhân như khách trọ, và an ủi người mệt mỏi chán chường không? Cho dù có bị khổ đau khốn khó và khép kín, kitô hữu luôn luôn được mời gọi trao ban hy vọng cho người chịu trận, và hồi sinh người mất tin tưởng, đem ánh sáng của Chúa Giêsu, hơi ấm sự hiện diện của Ngài, sự nghỉ ngơi và tha thứ của Ngài tới cho biết bao người khổ đau, chịu thử thách, bất công và sống trong lo âu. Kitô hữu được mời gọi chia sẻ sứ mệnh của Giáo Hội là tiếp nhận và trao ban an ủi. Vì thế quen khép kín trong một môi trường giáo hội bé nhỏ thì không tốt. Cần phải chia sẻ các chân trời rộng rãi, các chân rộng mở cho niềm hy vọng, can đảm khiêm tốn ra khỏi chính mình.
Nhưng điều kiện để nhận đuợc sự an ủi của Thiên Chúa là trở nên con trẻ (Mt 18,3-4). Để tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa cần có con tim bé nhỏ: chỉ khi còn bé chúng ta mới được ở trên cánh tay của mẹ.
ĐTC nói tiếp trong bài giàng: Chúa Giêsu đã nói: “Ai trở nên như trẻ nhỏ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4) Sự cao cả thực sự của con người là ở chỗ nó trở thành bé nhỏ trước Thiên Chúa. Không phải các tư tưởng cao siêu và học hành nhiều giúp hiểu biết Thiên Chúa, nhưng là sự bé nhỏ và tin tưởng của con tim. Để là lớn trước Đấng Tối Cao, không cần phải chất chứa danh dự và uy tín, các của cải trần gian, nhưng là dốc đổ chính mình. Trẻ em là người không có gì để cho, và nhận tất cả. Nó giòn mỏng yếu đuối và tuỳ thuộc cha mẹ. Ai trở nên trẻ nhỏ thì nghèo chính mình, nhưng giầu Thiên Chúa.
Thật tốt cho chúng ta, nếu luôn biết nhớ rằng chúng ta luôn luôn và trước hết là con cái Thiên Chúa: không phải chủ nhân của cuộc sống, nhưng là con cái của Thiên Chúa Cha, không phải là những người tự lập và tự đủ, nhưng là con luôn luôn cần được bồng ẵm trên tay, nhận tình yêu và sự tha thứ. Phúc cho các cộng đoàn kitô sống sự đơn sơ tinh tuyền này của Tin Mừng! Nghèo phương tiện, nhưng giầu Thiên Chúa. Phúc cho các chủ chăn không theo cái luận lý của thành công thế gian, nhưng theo luật của tình yêu: tiếp đón, lắng nghe và phục vụ. Phúc cho Giáo Hội không tín thác nới các tiêu chuẩn của chủ trương chức năng và hiệu quả có tổ chức, và không chú ý tới hình ảnh bề ngoài.
Kết thúc bài giảng ĐTC đã trích lại nhiều tư tưởng của thánh nữ Teresa Hài Đồng liên quan tới con đường thơ ấu thiêng liêng. Mở đầu bài giảng ngài cũng đã lấy lại một câu thánh nữ Teresa viết trong các tác phẩm tự thuật: “Số phụ nữ yêu Thiên Chúa nhiều hơn nam giới rất nhiều”, và ĐTC ca tụng giá trị và vai trò của nữ giới tại Georgia gồm các thế hệ biết bao bà nội bà ngoại và người mẹ tiếp tục giữ gìn và thông truyền đức tin, đã được gieo vào lòng đất này bởi Nữ thánh Hài Đồng và đem nước mát sự ủi an của Thiên Chúa vào trong biết bao nhiêu tình trạng sa mạc và xung khắc của xã hội.
Trước khi ban phép lành cho mọi người ĐTC đã cám ơn ĐC Pasotto về lời chào nhân danh cộng đoàn Latinh, Armeni, và Assiro canđê, Đức thượng phụ Sako, các Giám Mục Canđê, ĐC Minassian, và những người từ Armenia tới, cũng như tín hữu đến từ khắp nước Georgia. Ngài cũng cám ơn các giới chức chính quyền, tín hữu Giáo Hội Armeni tông truyền và tín hữu các Giáo Hội khác, đặc biệt là đại diện Giáo Hội chính thống Georgia.
Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh vào ban chiều.
Lúc 3 giờ rưỡi chiều ĐTC đi xe tới nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời cách đó 9 cây số để gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Đây là nhà thờ của Giáo Hội công giáo Latinh, do các cha dòng Capucino xây trên nền một hà thờ cũ hồi đầu thế kỷ XX với tài trợ của Bộ Truyền Giáo. Dưới thời cộng sản Liên Xô nhà thờ bị đóng cửa, sau đó bị trưng dụng làm công sở, rồi nhà chơi thể thao. Ngày 15 tháng 8 năm 1999 nhà thờ được tái thánh hiến bởi ĐTGM Giovanni Battista Re, hồi đó là Phụ tá quốc vụ khanh. Trong thư gừi nhân dịp này ĐGH Giaon Phaolô II viết: “Nhà thờ nhắc nhớ nỗi khổ đau của đất nước Georgia và các hy sinh của dân tộc công giáo… Tuy nhiên nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời giờ đây lại vươn lên như biểu tượng của niềm hy vọng mới cho Georgia”. Đức Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm nhà thờ trong chuyến công du Georgia trong hai ngày 8-9 tháng 11 năm 1999.
Giáo Hội công giáo Latinh hồi sinh sau thời kỳ bị bách hại khốc liệt. Tuy bé nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn vì các dấn thân trong lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ Giáo Hội đã bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng và tái tổ chức cuộc sống. Đa số các linh mục là người nước ngoài. Linh mục bản xứ đầu tiên đưọc thụ phong năm 1998, sau đó có thêm 4 tân linh mục nữa. Hiện đang có 9 phó tế vĩnh viễn đang được đào tạo. Các nữ tu Thừa Sai bác ái của Mẹ Têresa là dòng đầu tiên đến hoạt động tại Georgia sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Tiếp đến có các cha dòng Camilliano, và từ năm 1994 có các cha Dòng Năm Dấu Thánh và từ vài năm nay có thêm các cha dòng Capucino.
ĐTC đã được ĐC Pasotto Giám quản tông toà tiếp đón, rồi ngài vào viếng Mình Thánh Chúa. Bên trong nhà thờ có 250 linh mục, tu sĩ và chủng sinh.
Buổi gặp gỡ đã diễn ra dưới hình thức chia sẻ chứng từ. Sau khi lắng nghe 4 chứng từ chia sẻ và ghi chép một số điểm được nêu lên ĐTC đã trả lời buông và khích lệ các linh mục tu sĩ nam nữ chủng sinh và giáo dân biết duy trì vững mạnh đức tin đã nhận được từ ông bà cha mẹ, sống và thông truyền nó. Duy trì ký ức để nó giúp lớn lên và sinh hoa trái. Ngài kể cho mọi người nghe chuyện một bà cụ già 80 tuổi người Armeni nhưng sống tại Georgia vẫy tay chào ngài. Khi nói chuyện bà cho biết bà đã đi xe bus 6-7 giờ để cố ý đến gặp ĐGH là người kế vị Thánh Phêrô. Hôm sau ngài lại gặp cùng bà cụ đó lại vẫy ngài. Ngài hỏi: “Ủa hôm qua tôi đã gặp bà rồi mà!”, bà nói : “Hôm nay con đi xe bus hai giờ tới để gặp ĐTC, người dại diện Chúa Giêsu. Ngài hỏi tại sao, bà cụ trả lời: “đức tin mà thưa cha”. Phụ nữ Georgia nổi tiếng là mạnh mẽ và có đức tin vững vàng đó là gia tài quý báu mà họ thông truyền cho con cháu. Gốc rễ đức tin của từng người là bà nội bà ngoại và mẹ chúng ta. Vì vậy cần nhớ lại quá khứ, có ký ức, can đảm sống trong hiện tại và hy vọng nơi tương lai.
ĐTC đã đặc biệt nhắn nhủ các linh muc tu sĩ nam nữ và chủng sinh hãy nhớ lại ơn gọi đời thánh hiến của mình, khi được Chúa Thánh Thần đánh động, như một linh mục trẻ đã chia sẻ. Cha kể lại rằng hồi còn bé có lần trông thây một linh mục cha nói với mẹ “Mai mốt con muốn trở thành như cái ông kia kià mẹ” Và khi lớn lên cha đã làm linh mục như lòng mong ước khi còn bé.
Ký ức ơn gọi giúp chúng ta vượt thắng các khó khăn cám dỗ trong cuộc sống và kiên trì trong ơn gọi. ĐTC khuyên các người sống đời thánh hiến đừng bao giờ quay lại đàng sau, nhưng kiên trì vững vàng tiến bước với các yêu đuối và tội lỗi của mình, với các khó khăn và chưóng ngại có thể gặp trong cuộc sống, các hiểu lầm, các thất bại, chán nản ngã lòng. Và nhất là phải xác tín rằng lòng thương xót Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.
Liên quan tới các khó khăn của cuộc sống hôn nhân, mà hàng giáo sĩ và tu sĩ thường gặp phải trong việc mục vụ gia đình, ĐTC khuyến khích các linh mục tu sĩ và toàn cộng đoàn phải tiếp đón, đồng hành và tìm mọi cách giúp các cặp vợ chồng gặp khó khăn cứu vãn hôn nhân của họ. Khi cha mẹ lục đục và muốn ly dị ly thân, Thiên Chúa và con cái đau khổ biết bao, vì như thế là làm nhọ hình ảnh của Thiên Chúa và gây thiệt hại cho con cái. Khi bị cám dỗ thấy một người đàn bà hay đàn ông khác trổi vượt hơn vợ hay chồng mình, cần phải xin Chúa giúp đỡ ngay để thắng vượt cám dỗ đó. Để duy trì hạnh phúc các cặp vợ chồng phải biết tiếp đón nhau, đồng hành với nhau, cùng nhau phân định và cùng nhau hội nhập. Có ba từ cần sử dụng liên tục là: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Chúng cho phép cuộc sống gia đình tiến tới. Và ĐTC khuyên các cặp vợ chồng đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà với nhau, với các cử chỉ hay lời nói đơn sơ, kể cả một cái vuốt ve trìu mến không lời. Các lục đục, khó khăn, bất hoà, hiểu lầm, cãi cọ là những điều bình thường có thể xảy ra trong gia đình. Dù có cãi nhau, đĩa bay chén bay, hay cái gì đi nữa, đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà với nhau.
Gia đình ngày nay bị tấn công bởi biết bao nhiêu tư tưởng thực dân như ý niệm về giống. Phải bảo vệ gia đình chống lại các ý thức hệ thực dân đó, và chạy đến với hai bà Mẹ: Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta và Mẹ Giáo Hội. ĐTC nói:
Chúa Giêsu thích làm cho Giáo Hội tiến tới với hai phụ nữ: đó là Mẹ của Ngài, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng ta và Hiền Thê của ngài là Giáo Hội. Với hài bà mẹ này Giáo Hội tiến tới vững vàng. Chúa yêu thích làm cho Giáo Hội tiến tới như thế và phụ nữ là những người thông truyền đức tin và bảo vệ đức tin. Các đan sĩ Georgia thường nói: khi gặp các tấn công hay khổ đau khốn khó, tín hữu cần chạy đến trú ẩn đưới áo choàng của Mẹ Maria. Đức Maria là mẹ, Giáo Hội là mẹ. Với hai bà mẹ này chúng ta tiến bước vững vàng trong cuộc sống đức tin.
Vấn đề sau cùng được ĐTC nhắc đến là vấn đề đại kết. Hãy để các khó khăn thần học cho các thần học gia thảo luận. Chúng ta hãy sống cởi mở, sống tình bạn, cộng tác với nhau trong các việc bác ái. Đừng muốn hoán cải người khác, không được chiêu dụ các tín đồ chính thống. Họ là anh em của chúng ta. Vì các lý do lịch sử và nhiều lý do phức tạp khác chúng ta rơi vào tỉnh trạng hiện nay, nhưng hãy biết chấp nhận nhau, sống thân hữu với nhau, đồng hành với nhau, cầu nguyện cho nhau và cùng nhau hoạt động bác ái, không lên án. Đó là sống đại kết.
ĐTC đặc biệt cảnh cáo các linh mục tu sĩ chủng sinh và tín hữu chống lại tinh thần trần tục. Chúa Giêsu đã là người cương quyết và mạnh mẽ chống lại tinh thần thế tục này, và trong bữa Tiệc Ly đã xin Thiên Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khởi tình thần trần tục. Tóm lại cần phài duy trì vững mạnh đức tin đã nhận lãnh được từ thế hệ ông bà cha mẹ, giữ gìn, sống, và thông truyền nó cho những người khác, và biết chạy đến ẩn náu dước bóng áo choàng của Mẹ Maria.
ĐTC đã cùng mọi người đọc một kinh Kính Mừng. Tiếp đến cộng đoàn hát kinh Lậy Cha và ĐTC lãnh phép lành toà thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican.net