Ngọn lửa thần linh – Bài giảng Lễ Hiện Xuống
Họ mở tung cánh cửa trước đó còn đóng kín. Họ mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu. Lời giảng ấy có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày hôm ấy có ba ngàn người xin theo Đạo. Ngọn lửa là Thánh Thần có sức mạnh thật kỳ diệu. Đó là ngọn lửa thần linh.
Lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Tác giả sách Công vụ Tông đồ kể lại: vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như hình lưỡi lửa trên mỗi tông đồ trong lúc các ông đang cầu nguyện xung quanh Đức Maria. Kể từ giây phút Chúa Thánh Thần ngự đến, các ông trở thành những chứng nhân can đảm của Đấng Phục sinh. Họ mở tung cánh cửa trước đó còn đóng kín. Họ mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu. Lời giảng ấy có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày hôm ấy có ba ngàn người xin theo Đạo. Ngọn lửa là Thánh Thần có sức mạnh thật kỳ diệu. Đó là ngọn lửa thần linh.
Công dụng của lửa trước hết là để sưởi ấm. Vào thời cuộc sống còn hoang sơ cũng như hiện nay tại miền thôn quê hẻo lánh, người ta cần có lửa để sưởi ấm vào mùa đông. Chúa Thánh Thần là Đấng sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Do tội lỗi, tâm hồn chúng ta trở nên băng giá, sức sống bị bóp nghẹt. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được ơn tha tội và được hồi sinh, trở nên ấm áp bình an. Chúa Thánh Thần vừa ban cho chúng ta sự ấm áp của tình Chúa, vừa giúp chúng ta tìm thấy sự ấm áp của tình người, nhờ đó mối tương quan với tha nhân sẽ được cải thiện, chan hòa và bừng cháy yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại, vào chính ngày Phục sinh, Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ. Lúc đó các ông đang buồn sầu hoang mang sợ hãi. Chúa đã sưởi ấm tâm hồn các ông bằng Thánh Thần. Nhờ vậy, nỗi buồn nơi các ông biến mất, các ông vui mừng vì được thấy Chúa và tin vào những gì Người đã dạy trước đó.
Công dụng của lửa cũng để soi sáng. Trong đêm tối, ngọn lửa sẽ giúp người ta không lạc đường và tránh được những nguy hiểm. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng tâm hồn các tín hữu, nhờ đó họ biết đường ngay nẻo chính và không bị lạc đường. Con đường lý tưởng là chính Chúa Giêsu. Điểm tới của con đường ấy là hạnh phúc đích thực, vì con đường này dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Cuộc sống trần gian như dòng sông trôi về muôn hướng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta biết chọn hướng đi đem lại hạnh phúc cho tương lai cuộc đời mình. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mỗi người Kitô hữu cũng trở nên ánh sáng để soi cho những ai lầm đường lạc lối, chỉ cho họ thấy con đường chân lý, cảnh báo những nguy hiểm giúp họ an vui.
Chức năng của lửa cũng là để tôi luyện. Những thanh sắt thô sơ, nhờ tác động của lửa, sẽ trở thành dụng cụ công hiệu sắc bén trong đời sống hằng ngày. Nhờ Chúa Thánh Thần giúp sức, người tín hữu sẽ trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô, góp phần chinh phục thế gian và làm cho vương quốc tình yêu lan rộng. Cuộc tôi luyện nào cũng cần phải hy sinh gian khổ. Để trở nên dụng cụ của Chúa, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần thanh luyện, như lửa luyện sắt. Được trang bị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ can đảm và trung thành với Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các Thánh tử đạo là những người được Chúa Thánh Thần tôi luyện, nên các ngài không khuất phục trước cường quyền và bạo chúa, kiên quyết một niềm theo Chúa Kitô và trung tín đến cùng.
Chúa Thánh Thần tác động nơi cuộc đời người tín hữu, uốn nắn điều chỉnh, để nhờ đó, bớt đi những nết xấu, tăng thêm nhân đức. Ngài tưới gội ân sủng của Ngài nơi chúng ta, làm cho sự sống vui tươi lạc quan hơn. Thánh Phaolô so sánh Giáo Hội như một thân thể, gồm nhiều chi thể khác nhau. Chi thể nào cũng quý, cũng đáng trọng. Chính Chúa Thánh Thần nối kết các chi thể trong thân thể Giáo Hội để tạo nên sự hài hòa đồng bộ. Nhờ Chúa Thánh Thần mà các chi thể hiệp thông với nhau, chia sẻ vui buồn và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời góp phần làm cho thân thể được lớn mạnh.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến! đó là lời cầu nguyện của cả Giáo Hội hoàn vũ trong những ngày này. Thực ra, Chúa Thánh Thần đã đến từ ngày Lễ Ngũ Tuần và chưa bao giờ Ngài lìa xa chúng ta. Ngài hiện hữu trong vũ trụ như hơi thở đối với một thân xác. Ngài hiện diện trong Giáo Hội như linh hồn làm cho Giáo Hội sống và hoạt động. Khi cầu xin Ngài ngự đến, là chúng ta tái khám phá sự hiện diện và hoạt động của Ngài, đồng thời mở rộng tấm lòng để Ngài thực sự đi vào mọi lãnh vực đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ được Ngài soi sáng, sưởi ấm, thanh luyện và thánh hóa. Cuộc sống sẽ chan hòa niềm vui khi có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta.
+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org