Người chết nối linh thiêng vào đời
NGƯỜI CHẾT NỐI LINH THIÊNG VÀO ĐỜI [1]
“Bâng khuâng tháng Mười Một
Tha thiết quyện trầm hương
Chạnh nhớ người đã khuất
Vời vợi niềm nhớ thương.”
(Trầm Thiên Thu)
Mỗi năm, Giáo hội dành riêng tháng mười một, lại nằm trong mùa lá vàng rơi, để nhớ tới các linh hồn. Mở đầu tháng này là Lễ Mừng Các Thánh; tiếp đến là thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn vào ngày mùng hai tháng này. Lặng nhìn lá vàng rơi, mỗi chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội kính nhớ đến các linh hồn đã qua đời, đó là tổ tiên ông bà cha mẹ. Bởi chưng, "việc tưởng nhớ, cầu nguyện cho những người đã an nghỉ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc đạo đức và thánh thiện" (2Mcb 12,53-45).
Mầu nhiệm các thánh thông công
Có một điều chúng ta cũng cần làm sáng tỏ hơn là hiện nay “các sách giáo lý đều cắt nghĩa rằng có sự thông công giữa Giáo hội chiến đấu trên mặt đất, với Giáo hội khải hoàn trên trời và Giáo hội đau khổ nơi luyện tội. Thật ra, không phải là có ba Giáo hội, nhưng chỉ có một Giáo hội mở rộng lên trên các giới hạn không gian và thời gian. Giáo hội không phải chỉ gồm các tín hữu hiện sống trên dương gian này. Nó còn bao gồm hết tất cả những người công chính từ tạo thiên lập địa cho đến ngày tận thế. Nó bao gồm hầu như tất cả nhân loại, xét vì Chúa muốn cho hết tất cả mọi người được cứu rỗi. Nó bao trùm cả những người chưa gia nhập Giáo hội hữu hình nhưng đã trở nên công chính nhờ ơn Chúa. Nhất là nó bao trùm những người thân yêu của ta đã ra đi, và ta mong có ngày gặp lại; nó bao trùm Đức Kitô, Đức Maria, các thánh: tất cả muốn coi ta là anh em trong Đức Kitô.” [2]
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu đôi chút về từ ngữ. Thuật ngữ “các thánh thông công” có hai nghĩa: “hiệp thông trong các sự thánh”, tức là thông phần vào các thiện ích của ơn cứu độ (sancta) và “hiệp thông giữa những người thánh”, tức là sự hiệp thông vô hình giữa những người thông phần (sanctis). [3] Công đồng Vatican II quả quyết như sau: “Giáo Hội chính là mầu nhiệm hiệp thông giữa các thánh”, bởi tất cả các tín hữu họp thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu, do đó phải tin là có sự hiệp thông những điều thiện hảo trong Giáo hội.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lấy lại ý tưởng của Đức Phaolô VI khi giải thích rằng: “Giáo Hội là sự hiệp thông giữa các thánh, có nghĩa là tham gia một cách sống động vào hai điều: một là các Kitô hữu tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, hai là đức ái lưu chuyển trong cộng đoàn các tín hữu ở trần thế và ở thế giới bên kia”. Ngài nói thêm: “Ta có được sự hiệp thông này là nhờ Lời Chúa và các bí tích…” [4].
Như cũng có cùng quan điểm ấy, thánh Tôma Aquinô cho rằng: “Bởi tất cả các tín hữu họp thành một thân thể duy nhất, cái tốt của người này được thông truyền cho các người khác… nên phải tin là có sự hiệp thông những điều thiện hảo trong Hội Thánh. Thành phần quan trọng nhất trong Hội Thánh là Ðức Ki-tô, vì Người là Ðầu… Do đó, sự thiện hảo của Ðức Ki-tô được thông truyền cho tất cả các chi thể và sự hiệp thông này được thực hiện qua các bí tích của Hội Thánh” (Thánh Tôma Aquinô, symb. 10).
Quả thế, “sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Hội Thánh xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được tăng cường nhờ việc thông truyền cho nhau những của cải thiêng liêng” (LG 49). Chính vì lẽ đó mà thánh phụ Đaminh đã nói với các anh em khi lâm chung rằng: “Xin anh em đừng khóc, sau khi chết tôi sẽ có ích cho anh em hơn, sẽ giúp đỡ anh em hiệu quả hơn khi tôi còn sống”.
Cứ theo lẽ đó, mầu nhiệm “các thánh thông công” (communio sanctorum) nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không lẻ loi cô đơn trong con đường cứu rỗi. Trong khi mà một số tôn giáo khác nhấn mạnh đến sự cố gắng cá nhân để được cứu độ, thì Kitô giáo chủ trương rằng ơn cứu rỗi được Thiên Chúa ban cho cộng đồng Giáo hội, đứng đầu là Đức Kitô. Chúng ta lĩnh nhận ơn cứu rỗi nhờ sự tham gia vào cộng đồng ấy.” [5] Song, trong mối dây hiệp nhất ấy, liệu chúng ta có thể giúp ích được các linh hồn đang ở nơi luyện ngục được không? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này ngay sau đây.
Làm cách nào để giúp các linh hồn
Thật ra, hạn từ “Luyện Ngục” không phải là một nơi chốn của đau khổ, mà là một tình trạng chưa trọn vẹn kết hợp trong vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với những linh hồn đang ở nơi luyện ngục, các ngài có điều an ủi là các ngài biết mình kính mến Chúa và biết Chúa thương yêu mình. Lại xác tín rằng: các hình khổ đó chỉ nhằm mục đích thanh luyện mình để được hoàn toàn trong sạch mà thôi. Cho nên các ngài không buồn chán, mà còn ước ao chịu khổ để chóng được lên thiên đàng. Đồng thời, các ngài cũng ước ao được chúng ta trợ giúp nữa.
Về phần chúng ta, thiết nghĩ việc giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục là giữ luật buộc ta phải thi hành mầu nhiệm “các thánh thông công”, vì có lần thánh Phaolô đã dạy rằng: “Trong một thân mình, một chi thể đau, thì các chi thể khác cũng phải đau lây; một chi thể được vinh dự, thì các chi thể khác cũng được hưởng nhờ” (1Cr 12,26).
Như một gợi ý cho vấn đề này, Đức cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ cho rằng có 4 cách có thể giúp các linh hồn: trước hết, cũng là cách tốt nhất, là xin lễ chỉ cho họ; thứ đến là hãy năng cầu nguyện cho các linh hồn ấy, hợp với kinh nguyện của Giáo hội trong lễ an táng và lễ giỗ; thứ ba là năng dâng các việc lành của ta chỉ cho họ như: ăn chay, hãm mình, bố thí, chu toàn phận sự, chịu các đau khổ gặp phải hằng ngày v.v…; và cuối cùng là lãnh ơn xá chỉ cho họ.
Ở đây, Đức cố Giám mục cũng lưu ý rằng giá trị của ơn đại xá là tha hết các hình phạt đáng chịu vì tội đã phạm và đã được tha. Cho nên một linh hồn nào ở luyện ngục, mà được nhờ một ơn đại xá, thì được lên thiên đàng ngay lập tức. Vậy, khi còn sống ở đời này, mỗi chúng ta hãy làm việc đền tội nhiều và hãy hết sức cứu giúp các linh hồn ở luyện ngục bằng các việc lành phúc đức. Đó cũng là mua chuộc nhiều bạn hữu (x. Lc 16,9), để khi đến lượt mình, họ sẽ “đón ta vào Cung Điện đời đời” vậy.
Tháng mười một đối với người Công giáo là tháng nhớ về những người đã khuất. Đó là những bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy cùng nhau thắp lên một nén hương lòng chân thành qua việc xin lễ, hy sinh và cầu nguyện cho các ngài để biểu lộ lòng tri ân cảm tạ; đồng thời, trong niềm hân hoan vui sướng, chúng ta cũng ý thức được rằng các ngài cũng đang cầu nguyện cho chúng ta, những người con trong Giáo hội lữ hành, được kiên vững trong đức tin mà nỗ lực sống thánh thiện, để rồi mai ngày, chúng ta cũng sẽ cùng với các ngài được đồng thanh hát ca ngợi khen vinh quang Chúa muôn đời.
Nguyện xin dâng tất cả những linh hồn thân yêu vào vòng tay từ ái của Thiên Chúa với lời nguyện ước đơn hèn này:
“Mong toàn thể người thân yêu bạn hữu
Đã ly trần, nay nghỉ giấc bình an
Được Ngài thương cho hưởng phúc thiên đàng
Hầu ca tụng tán dương Ngài muôn thuở.” [6]
[1] Trịnh Công Sơn, Nối vòng tay lớn.
[2] Phan Tấn Thành, Hiểu để sống Đức tin (Roma: 2009), Tập 1, tr. 371.
[3] x. Nguyễn Quang Thạnh, Hiệp thông – ý niệm then chốt giúp hiểu sách GLHTCG (Rôma: 1995), tr. 13.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici, số 19.
[5] Phan Tấn Thành, Hiểu để sống Đức tin (Roma: 2009), Tập 1, tr. 370.
[6] CGKPV, Phần cầu cho các tín hữu đã qua đời, Thánh thi Kinh chiều.
Martino Vũ Thái Hiệp, OP (05/11/2013)