Người hành khất trong cung lòng Thiên Chúa
Có bao giờ ta nghĩ cuộc đời mình cũng giống như một người hành khất? Là một người hành khất ta sống dựa trên của bố thí, dựa trên lòng thương xót của người khác; là một người hành khất, ta sống kiếp lang thang, này đây mai đó; là một người hành khất, ta không có gì cho mình; là một người hành khất, ta chẳng có gì bảo đảm cho cuộc sống mai này, no bữa nào hay bữa nấy; là một người hành khất, ta ngửa tay xin ân huệ cuộc đời. Đời ta ở trong lòng thương xót của người khác.
Chắc là ta không bao giờ muốn cuộc đời mình như thế? Vậy mà ta sinh ra đã là người hành khất. Ta hành khất trên dòng chảy cuộc đời. Ta hành khất biết bao ân huệ từ Trời, từ con người và từ cuộc sống. Ta hành khất sự sống phát sinh từ Thiên Chúa, hình hài từ mẹ cha, giòng sữa ngon nuôi ta thủa bé và bao ân cần vất vả của mẹ cha. Ta cũng hành khất biết bao ân tình trìu mến, những quan tâm chăm sóc và tình tương thân tương ái của bao con người. Cuối cùng, ta là người hành khất gõ cửa thiên đàng, gõ cửa lòng thương xót Chúa cho cuộc sống mai hậu của mình. Ta là người hành khất tình thương, nhưng cũng là người hành khất được yêu thương.
“Ngửa tay xin” khiến lòng ta hổ thẹn, tuy nhiên, sống tâm tình của một người dám “ngửa tay xin” lại giúp ta biết khiêm tốn đón nhận và quý trọng những gì ta nhận được. Khi ta biết chân quý những ân huệ ấy, ta mới cảm nhận được rằng mình được yêu thương, và cuộc đời mình đầy ý nghĩa. Người dám ngửa tay xin là một người khiêm nhượng thật trong lòng. Ta biết ta đầy bất toàn giới hạn và như thế, ta biết ta cần cầu xin Thiên Chúa. Ta kinh nghiệm bao lần mình cũng mạnh miệng tuyên tín như Phê-rô (Mt 26, 33), rồi cũng vấp ngã chối thầy đây đẩy (Mt 26, 69-75). Ta biết ta cũng có những lỗi lầm chừa mãi không xong (2Cr 12, 7). Giữa hoang tàn vụn vỡ ấy của tâm hồn, ta biết ta cần ngửa tay van xin lòng thương xót Chúa.
Có lẽ nào người hành khất lại xúc phạm đến chính người ban ơn? Vậy mà bao lần ta đã làm như thế. Ta nhận ơn mà chẳng có lấy một lời biết ơn. Ta vô tình từ khước tình thương. Ta bội bạc trong cách sống và lỗi phạm để cho trái tim hay thương xót của Thiên Chúa phải thổn thức nghẹn ngào. Mỗi lần ta phạm tội, ta mang trái tim ấy lên đồi Can-vê, đóng đinh vào thập giá và lấy lưỡi đòng mà đâm thâu qua.
Tin Mừng khắc họa cho ta một Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy không phải là một tình yêu lý thuyết xa vời, tình yêu ấy đã yêu ta bằng một trái tim con người của Ngôi Lời nhập thể. Trái tim ấy luôn có chỗ cho những con người bé nhỏ nghèo hèn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30). Trái tim ấy thấu cảm tâm tư ta và đến với ta bằng sự dịu ngọt chữa lành (Tv 138; Ga 4, 1-39). Trái tim ấy đáp ứng những bàn tay ta xòe ra cầu khẩn. (Mt 8, 1; Mt 15, 22). Và trên hết, trái tim ấy đã bị ta đâm qua để mở lối ân sủng cho ta bước vào. Trái tim Thiên Chúa nhân hậu biết bao, yêu thương biết dường nào.
Như người trộm lành may mắn “trộm” được kho tàng Nước Trời (Lc 23, 39-43), và như La-da-rô được lòng thương xót Chúa an ủi đặt vào trong cung lòng Tổ phụ Ab-ra-ham (Lc 16, 23), chúng con, “những người hành khất”, cầu xin lòng thương xót Chúa, xin cho chúng con cũng được an nghỉ nơi cung thánh lòng thương xót Chúa. Amen
Vũ Chí Kiên, SJ