Như Cha sai Thầy – Bài giảng Chúa nhật XV Thường niên B
Như Chúa đã sai các môn đệ, hôm nay Người cũng sai chúng ta, là những người tín hữu, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo. Tất cả mọi tín hữu đều có ơn gọi thừa sai, loan truyền Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với bậc sống và điều kiện của mình.
Đức Giêsu là Đấng Thiên sai. Tại Hội đường Nagiarét, khi về thăm quê và đọc Lời Chúa ngày Sabát, trước sự ngỡ ngàng của những người đồng hương, Chúa đã xác quyết Người là Đấng Thiên sai, khi tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (x. Lc 4, 16-22). Khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu mời gọi mọi người cộng tác với sứ vụ thiên sai của Người. Người đã chọn gọi các môn đệ, đào tạo các ông và sai các ông lên đường để loan báo Tin Mừng cứu độ. “Như Cha sai Thày, Thày cũng sai anh em!”, Chúa Giêsu đã nói như thế khi sai các môn đệ. Noi gương Thày mình, các ông nhiệt thành lên đường. Sau khi Chúa Giêsu về trời, nhờ những vị thừa sai đầu tiên này mà Tin Mừng như một dòng chảy nhanh chóng lan toả đến mọi miền thế giới.
Những người được chọn và sai đi không hẳn là người uyên bác tài giỏi. Ngôn sứ Amos đã thú nhận: tôi không phải dòng dõi ngôn sứ, mà chỉ là một người chăn chiên bò và chuyên đi hái sung, nhưng Chúa đã chọn, gọi tôi và nói: ‘Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta’. Sống ở thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, vào thời Nam Bắc phân tranh, Amos là người phía Bắc. Ông là vị ngôn sứ của người nghèo. Giáo huấn của ông gồm những lời phê phán mạnh mẽ những người giàu có bóc lột dân nghèo. Ông cũng kêu gọi dân chống bạo lực, gian dối, mời gọi họ trung thành với Chúa. Như thế, sự khôn ngoan can đảm nơi các ngôn sứ đến từ Chúa. Ngài sai các ông đi và hướng dẫn cho các ông những điều các ông rao giảng. Các ngôn sứ là người chuyển tải ý muốn của Chúa. Lời rao giảng của các ông vừa là lời động viên khen ngợi, nhưng cũng là những lời phê bình chỉ trích và đôi khi lên án quyết liệt những hành vi và lối sống sa đoạ của dân. Ngôn sứ không nhằm làm hài lòng con người và chiều theo những khuynh hướng đam mê của họ, nhưng là làm vừa lòng Thiên Chúa và giữ gìn kỷ cương trật tự.
Như Chúa đã sai các môn đệ, hôm nay Người cũng sai chúng ta, là những người tín hữu, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo. Tất cả mọi tín hữu đều có ơn gọi thừa sai, loan truyền Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với bậc sống và điều kiện của mình. Thánh Phaolô đã nói lên vinh dự cao quý của người Kitô hữu: “Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài” (Bài đọc II). Ca tụng vinh quang ân sủng của Chúa, đó chính là giới thiệu và loan truyền để Người được nhận biết giữa những người đang sống xung quanh chúng ta.
Thành công của sứ vụ loan báo Tin Mừng không lệ thuộc vào những phương tiện trần gian, cũng không do sức riêng của con người, nhưng là do Chúa. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dặn dò các môn đệ rất kỹ lưỡng. Người dạy các ông phải buông bỏ để thanh thoát nhẹ nhàng, dễ dàng lên đường mà không bị dính bén hay ràng buộc. Hành trang quan trọng là lòng tín thác nơi Thiên Chúa. Chúa cũng dạy các ông phải kiên trì. Bởi lẽ sứ điệp Tin Mừng không dễ dàng được chấp nhận bởi con người mọi thời đại, nhất là đối với những người đã có sẵn thành kiến với Giáo Hội. Truyền giáo không phải là mua chuộc, cũng không phải là gây áp lực bắt người khác phải theo. Truyền giáo là nói về lòng nhân lành của Chúa, đồng thời trình bày niềm hạnh phúc của những ai tin vào Ngài. Niềm hạnh phúc ấy, không phải là một công thức bên ngoài, nhưng được cảm nghiệm và lan toả từ chính cuộc sống của người loan báo.
Mỗi khi thánh lễ kết thúc, linh mục chủ tế nói với cộng đoàn phụng vụ: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Nhiều người hiểu đây là một lời chào tạm biệt. Không phải vậy. Đó là lời sai đi. Linh mục vừa thay mặt Chúa Giêsu, vừa thay mặt cho Giáo Hội để sai chúng ta lên đường. Người tín hữu, sau khi đã được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa, nay lên đường với nghị lực mới. Thánh lễ là một cuộc lên đường, là một khởi đầu mới với những năng lượng đón nhận từ nơi Chúa.
Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng trần gian!” (Ga 8,12). Với các môn đệ, Người cũng khẳng định: “Anh em là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-16). Lời Chúa vừa nhắc đến danh dự của người tín hữu, vừa gợi cho họ nhớ đến sứ mạng phải toả sáng nơi lòng cuộc đời bằng chính đời sống khiêm nhường và yêu thương.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org