Những vị thánh nhận biết trước tiên cách sống sót qua đại dịch
GƯƠNG CHỨNG NHÂN : Những vị thánh nhận biết trước tiên cách sống sót qua đại dịch
Hơn thế nữa, họ còn biết cách biến đại dịch thành dịp để phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng loại…
Tìm một vị thánh từng phục vụ các nạn nhân bệnh dịch hạch hay các dịch bệnh khác có thể là một cuộc đấu tranh – bởi vì có quá nhiều vị để chọn!
Trong thời Dịch hạch Cyprian thế kỷ thứ 3 (kinh hoàng với 5.000 người bị chết một ngày ở Rome), các báo cáo cho thấy các Kitô hữu đã chạy đi cứu giúp những người đau khổ, mong muốn chăm sóc họ với bất cứ giá nào. Tại Alexandria (nơi hai phần ba dân số bị chết vì bệnh dịch này), Thánh Dionysius đã viết về các Kitô hữu: “Không sợ nguy hiểm, họ lãnh trách nhiệm chăm sóc các bệnh nhân, giúp đỡ mọi nhu cầu của họ và phục vụ trong Chúa Kitô và ra đi với họ trong hạnh phúc thanh thản; vì họ đã bị lây nhiễm bởi những người khác mắc bệnh, tự mình gánh lấy bệnh tật của những người thân cận và vui vẻ chấp nhận nỗi đau của họ.”
Trên thực tế, rất nhiều Kitô hữu đã chết khi chăm sóc người bệnh ở Alexandria, nhóm các anh hùng vô danh đã được dành riêng một ngày lễ (28 tháng 2) và được tôn sùng như là các vị tử đạo.
Khi virus corona lan rộng khắp toàn cầu, khiến nhiều người mắc bệnh và sợ hãi hơn nhiều, chúng ta hãy cầu xin các vị thánh sau đây từng chiến đấu với bệnh dịch hạch và các đại dịch để vượt qua và chiến thắng trong hành trình này.
Thánh Godeberta của Noyon (khoảng năm 700) chăm sóc người bệnh theo cách ít trực tiếp hơn nhiều người khác. Một tu viện có ảnh hưởng lớn đến những người sống gần tu viện của thánh nữ, Godeberta khuyến khích họ cầu nguyện cho mau qua dịch hạch. Sau ba ngày họ ăn chay hãm mình, bệnh dịch đã bất ngờ kết thúc.
Thánh Roch (Rôcô) (1295-1327) bắt đầu cuộc hành hương đến Rome khi Ngài 20 tuổi, khất thực trên mọi nẻo đường. Khi đến Ý, Ngài phát hiện ra một đất nước bị tàn phá bởi dịch hạch. Rôcô bắt đầu chăm sóc những người lạ mà Ngài gặp (thường chữa cho họ một cách kỳ diệu) cho đến khi chính Ngài mắc phải căn bệnh này. Không quen biết ai, nên Rôcô đã ẩn vào rừng để chết, nhưng một con chó địa phương đã mang thức ăn cho Ngài và liếm vết thương cho đến khi Rôcô được bình phục.
Thánh Charles Borromeo (1538-1584) là một Hồng Y khi nạn đói và dịch hạch tấn công Milan. Mặc dù hầu hết các quý tộc chạy trốn khỏi thành phố, Đức Hồng Y Borromeo đã quy tụ các tu sĩ ở lại để nuôi và chăm sóc cho những người đói và bệnh tật. Họ nuôi sống hơn 60.000 người mỗi ngày, nguồn lương thực phần lớn do Đức Hồng Y chu cấp. Ngài cũng đích thân đến thăm những người mắc bệnh dịch hạch và tắm rửa vết loét cho họ, ngài cũng đã viết di chúc lần đầu tiên và đã chuẩn bị cho cái chết. Nhưng Đức Hồng Y tốt bụng đã được sống sót, sống thêm sáu năm sau cái gọi là “Bệnh dịch hạch thời thánh Charles Borromeo”.
Thánh Henry Morse (1595-1645) sinh ra là một tín hữu Tin Lành người Anh nhưng đã trở thành một linh mục Dòng Tên và trở về Anh để phục vụ một cách bí mật. Phần lớn công việc của Ngài là phục vụ các nạn nhân bệnh dịch hạch, cả trong đợt bùng phát năm 1624 và một lần nữa (sau khi Ngài bị trục xuất khỏi Anh nhưng bí mật trở lại) vào năm 1635. Trong những năm 1635-1636, cha Morse bị nhiễm bệnh dịch ba lần nhưng đều đã phục hồi sau mỗi lần nhiễm bệnh. Khi Ngài bị bắt sau đó, người ta đã xem xét công ngài phục vụ các nạn nhân bệnh dịch hạch và ngài đã được tha. Lần tiếp theo nữa, Ngài bị bắt, nhưng không còn được khoan hồng như trước, và Henry Morse đã chịu tử vì đạo.
Thánh Virginia Centurione Bracelli (1587-1651) là một góa phụ giàu có khi dịch hạch xảy ra ở Genève. Thánh nữ cho rất nhiều người bệnh trú trong nhà mình; Hết chỗ, bà thuê một tu viện bỏ trống, rồi xây thêm nhà ở. Mặc dù bệnh dịch đã chấm dứt, bệnh viện Virginia, vẫn tiếp tục phục vụ hàng trăm người bệnh và dòng tu mà Virginia thành lập giữa bối cảnh này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Chân phước Peter Donders (1809-1887) là một linh mục dòng Chúa Cứu thế người Hà Lan, đã phục vụ tại Suriname trong 45 năm. Ngài đấu tranh cho quyền lợi của những người nô lệ, truyền giáo cho người bản địa và chăm sóc người bệnh trong dịch bệnh (mà Ngài đã khuất phục trong một thời gian ngắn). Ngài đã dành ba thập kỷ cuối đời để phục vụ trong một trại cùi và vận động chính quyền chăm sóc tốt hơn cho đồng bào mình.
Thánh Jose Brochero (1840-1914) là một linh mục người Argentina. Ngay sau khi chịu chức, Cha Jose đã chăm sóc người bệnh qua một trận dịch tả và ngài không hề bị nhiễm. Sau đó, để phục vụ giáo dân, Ngài đã cho xây dựng 125 dặm đường và kết nối giáo xứ qua thư từ, các dịch vụ điện báo và một tuyến đường sắt. Cuối cùng, Ngài mắc bệnh phong và bắt đầu bị mù, sau đó Ngài đã nghỉ hưu, giã từ cả sứ vụ hoạt động và công việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực. Ngài đã dành hơn 40 năm phục vụ như linh mục, y tá, người vận động hành lang, thợ mộc và công nhân xây dựng.
Thánh nữ Maryne (1838-1918) đã đáp lại tiếng gọi của nhà vua Hawaii để đưa các chị em nữ tu của mình đến Hawaii và phục vụ những người phong cùi ở trung tâm Thánh Damien Molokai. Mặc dù nhiều người lo sợ căn bệnh này, khi ấy bị cho là cực kỳ dễ lây lan, nhưng Marianne cam đoan với các chị em của mình rằng không ai trong số họ sẽ bị mắc phải. Thông qua các thực hành vệ sinh nghiêm ngặt và nhờ ơn Chúa, các Chị em đã làm việc với những người phong cùi ở Molokai trong gần một thế kỷ mà không ai trong số họ mắc phải căn bệnh khủng khiếp này.
Đình Chẩn dịch từ aleteia.org
Nguồn: phatdiem.org