Niềm vui đích thực – Bài giảng Chúa nhật III Mùa Vọng năm C
Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau nơi hang đá máng cỏ. Trời với đất nên một nơi Hài Nhi Giêsu. Đón nhận Chúa Cứu Thế là đón nhận niềm vui.
Ngày 24 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp Niềm Vui của Tin Mừng. Trong Thông điệp này, vị Chủ chăn tối cao của Giáo Hội công giáo dành một phần quan trọng để diễn tả niềm vui của người tín hữu. Đức Thánh Cha đã khởi đi từ những chứng từ của Cựu ước và Tân ước để chứng minh niềm vui là sứ điệp căn bản của Kinh Thánh. Niềm vui cũng là phần thưởng Chúa ban cho những ai tin cậy Ngài. Trong phần mở đầu, Đức Thánh Cha đã viết: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến” (Số 3). Ngài cũng phê phán những tín hữu “sống đời mình như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục sinh” (Số 6).
Khía cạnh hân hoan vui mừng của Đức tin đã bị nhiều người quên lãng. Có thể đây là ảnh hưởng của một lối dạy giáo lý khiếm khuyết, nhấn mạnh đến sự thưởng phạt, và trình bày Thiên Chúa như một vị thần nghiêm khắc khô khan. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ngài đến trần gian để đem niềm vui cho con người. Nội dung Tin Mừng chính là niềm vui, là Bonne Nouvelle, tức là tin tốt.
Người Kitô hữu sống trong niềm vui, vì có Chúa luôn hiện diện. Ngôn sứ Sôphônia đã ca tụng Chúa với tâm tình hân hoan. Có Đức Chúa hiện diện, không còn chi phải sợ, kể cả tang tóc, tai ương, bạo lực và ngay cả sự chết. Không chỉ vị ngôn sứ, mà Chúa cũng « nhảy mừng » trong ngày lễ hội hân hoan. Cuộc sống này đáng yêu biết bao, vì Chúa hiện diện và chia sẻ niềm vui với con người. Có Chúa là có tất cả, vì Ngài là nguồn hạnh phúc.
Tuy vậy, để được hưởng trọn vẹn niềm vui Chúa ban, chúng ta phải sửa soạn tâm hồn. Một lần nữa, sứ điệp mà Chúa muốn nhắn gửi chúng ta qua Gioan Baotixita được nhắc lại. « Tôi phải làm gì ? », đó là câu hỏi của các binh sĩ, những người thu thuế và cả đoàn dân đông đảo đang xếp thành hàng dài để đến với ông bên bờ sông Giorđanô. Gioan Tẩy giả như một thày thuốc bắt mạch và kê đơn cho từng con bệnh, đồng thời đưa ra những lời khuyên cụ thể để giúp họ được chữa lành. Để chuẩn bị đón Chúa vào tâm hồn nhân dịp lễ Giáng Sinh, mỗi chúng ta cũng tự đặt câu hỏi : « Tôi phải làm gì đối với Chúa và đối với anh chị em xung quanh? ». Câu hỏi này giúp ta xác định mình đang đi về đâu, đồng thời mời gọi chúng ta trở về với Chúa để được hưởng trọn vẹn niềm vui Chúa ban cho những ai yêu mến Ngài. Đời sống và lời rao giảng của Gioan Tẩy giả là gương mẫu cho chúng ta về sự khiêm nhường. Khi nói về Đấng Cứu độ, ông tự coi mình chỉ là đầy tớ, không xứng đáng cởi quai dép cho Người. Trước những người đang tò mò đặt câu hỏi về thân thế của mình, ông khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Sa mạc là nơi vắng bóng người, chỉ có nắng và gió. Lời nói trong sa mạc dễ bị mất hút trong khoảng không gian mênh mông. Gioan Tẩy giả kêu gọi mọi người sám hối theo lệnh truyền của Chúa. Chứng từ khiêm tốn của ông đã lay động con tim nhiều người và thúc đẩy họ đến dìm mình trong dòng nước để được ơn tha thứ.
Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau nơi hang đá máng cỏ. Trời với đất nên một nơi Hài Nhi Giêsu. Đón nhận Chúa Cứu Thế là đón nhận niềm vui. Điều này được chứng minh nơi Đức Maria trong ngày truyền tin. Ngay vừa khi được Ngôi Lời ngự đến trong lòng, Mẹ đã ca lên bài ca tạ ơn tuyệt vời (Magnificat). Những người chăn chiên ở đồng quê Belem vui mừng vì được chiêm ngưỡng Đấng Cứu Thế, họ tôn vinh ca tụng Chúa trong niềm hân hoan vui mừng (x. Lc 2,20). Nối bước Đức Mẹ và các mục đồng, mỗi tín hữu chúng ta cần phải cảm nhận niềm vui trong đời sống Đức tin. Thánh Phaolô khuyên chúng ta, dầu cuộc đời này còn nhiều truân chuyên đau khổ và phong ba bão táp, chúng ta vẫn giữ được cho mình niềm vui, vì Chúa gần đến. Không phải Chúa gần đến với hình hài một trẻ thơ ở hang đá Belem năm xưa, nhưng Chúa đang đến với chúng ta mỗi ngày mỗi phút mỗi giây trong cuộc đời.
"Tôi phải làm gì?". Đó là câu hỏi của nhiều người đặt ra cho Thánh Gioan Tẩy giả. Đó cũng phải là câu tự vấn của mỗi chúng ta trước mặt Chúa trong khi chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Bởi lẽ, những tâm hồn chứa đầy tham vọng, chẳng còn chỗ cho Người ngự đến. Những ai khiêm cung đón Chúa sẽ được niềm vui đích thực, vì Người là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org