Nước Trời và tiệc cưới – Thứ Năm Tuần XX Thường Niên
Nước Trời và tiệc cưới (Mt 22, 1-14)
1. Hình ảnh tiệc cưới
Hình ảnh “tiệc cưới” thật quen thuộc đối với chúng ta, bởi vì tiệc cưới cũng là một sự kiện mà ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm; có thể chúng ta chưa và sẽ không bao giờ làm đám cưới, nhưng chắc chắn đã từng đi ăn cưới. Tuy nhiên, dụ ngôn “tiệc cưới” của Đức Giê-su lại gây ra cho chúng ta nhiều thắc mắc, thậm chí những vấn nạn, bởi lẽ dụ ngôn có nhiều điều điều lạ lùng, hay không bình thường.
Tiệc cưới là một trong những hình ảnh rất sống động diễn tả lời ca tụng, chính vì thế Đức Giê-su hay dùng để nói về Nước Trời, cùng đích của sáng tạo và lịch sử cứu độ. Tiệc cưới là hình ảnh sống động diễn tả lời ca tụng, bởi vì đó là nơi chốn của niềm vui (lời ca tiếng hát) và hiệp thông (một cơ hội lớn để qui tụ), và là cơ hội để tạ ơn, ca tụng Chúa và chúc mừng nhau. Đó là tâm tình của Thánh Lễ Hôn Phối và nghi thức cầu nguyện tại gia đình hai họ khi tiễn và đón cô dâu.
Và để chia vui và hiệp thông với mọi người trong lời chúc mừng và tạ ơn, mỗi người được mời phải ra khỏi nhà, đôi khi phải đi thật xa và thật sớm, phải tạm dừng nhịp sống bình thường và quen thuộc của mình, phải tạm gác công việc đôi khi quan trọng và cấp bách và nhất là phải ra khỏi những bận tâm để có một tâm hồn cởi mở, có được sự tự do nội tâm.
Trong dụ ngôn, những người được mời đã không làm được như vậy: được mời trước, và được thỉnh tại nhà một lần nữa, họ vẫn không chịu đến! Nhà vua lại sai các tôi tớ đi mời thêm một lần nữa, và đây là lần thứ ba với lời dặn tha thiết: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”(c. 4) Chúng ta cần cảm nhận rằng, cả lời mời gọi lẫn lời từ chối đều được đẩy tới mức độ triệt để. Nhưng, như chúng ta thấy, họ không ra khỏi được thế giới riêng của mình, họ như là bị giam ở trong đó và vì thế tất yếu dẫn đến bạo lực:
Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. (c. 5-6)
Đó chính là năng động tất yếu của sự chối từ và đóng kín. Thái độ ngược lại là ra khỏi mình để chia vui, hiệp thông, chúc mừng và ca tụng; và thái độ này làm cho chúng ta được tự do với những gì giam cầm chúng ta, và giải thoát khỏi những năng động đóng kín gây chết chóc. Chúng ta đôi khi cũng có thái độ và hành động tương tự đối với lời mời gọi nhưng không và tha thiết của Chúa đến tham dự cầu nguyện, Thánh Lễ, hay những dịp gặp gỡ để diễn tả niềm vui và hiệp thông.
2. Những điều lạ lùng
Một vị vua mở tiệc cưới cho hoàng tử là điều bình thường, nhưng cách vua mời các quan khách thì thật là lạ: vua đã gởi “thiệp mời” trước rồi, nhưng sắp đến ngày cưới lại sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời. Điều này lạ, nhưng cũng không quá lạ, nhất là đối với chúng ta ngày nay, vì người đã nhận được thiệp mời rồi, vẫn có thể nhận được lời nhắc nhở qua điện thoại hay tin nhắn trước ngày lễ.
Điều lạ lùng hơn là khi nhà vua thêm một lần nữa sai những đầy tớ khác đi, và lần thứ hai này có một sứ điệp rất quảng đại, rất tha thiết và rất hiếu khách:
Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” (c. 4)
Từ chối không đến dự tiệc cưới vì bận việc, phải đi thăm nông trại, phải đi buôn (những việc cần phải tiến hành đúng lúc), cũng là chuyện bình thường; nhưng “bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết” là điều hoàn toàn không bình thường. Điều này thật không bình thường trong dụ ngôn, nghĩa là trong câu chuyện Đức Giêsu đang kể, nhưng lại là điều có thật trong lịch sử: những người được Thiên Chúa sai đến để nói về tình yêu nhưng không và lòng thương xót của Thiên Chúa đều đã bị bách hại ; và tất cả các nhân chứng bị bách hại trong lịch sử loài người hội tụ nơi Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, Đấng bị loại trừ “hoàn hảo” nhất; điều này đã diễn ra trong quá khứ, những vẫn còn đang diễn ra hôm nay và sẽ còn như thế nữa.
Sự kiện những kẻ tàn ác và sát nhân bị tru diệt, đó là điều bình thường trong lịch sử và cả trong lịch sử cứu độ nữa, như lời Thánh Vịnh nói: “Cho bọn ác nhân sa vào hố chính chúng đào” (Tv 141, 10). Bởi lẽ, ai chọn hành xử bạo lực, thì sẽ chứng kiến bạo lực đổ xuống trên chính mình. Nhưng tiệc cưới đã chuẩn bị xong và đã bày ra bàn rồi, mà đưa quân đi đánh nhau, quả là điều rất lạ lùng! Ở đây không phải là thanh toán một vài người nhưng là tiêu diệt cả một thành, nghĩa là phải tiến hành chiến tranh ! Sau cùng, Nhà Vua quyết định mời tất cả mọi người:
Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. (c. 9)
Đây là một trong những chi tiết lạ lùng nhất của dụ ngôn và chi tiết này nói lên cách tuyệt vời ơn huệ quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người không phân biệt. thể hiện nơi Đức Giê-su. Ơn huệ Thánh Lễ hằng ngày nhắc nhớ và diễn tả cho chúng ta tình yêu quảng đại và nhưng không này của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều lạ lùng lớn nhất và cũng là cũng là khó khăn lớn nhất của dụ ngôn, chính là vấn đề “y phục lễ cưới”.
Chúng ta thường đi thẳng vào ý nghĩa đạo đức hay luân lí của hình ảnh “y phục lễ cưới”: trách nhiệm luân lí, lương tâm ngay thẳng, những việc đạo đức và bác ái… Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt chi tiết “y phục lễ cưới” vào trong toàn bộ dụ ngôn, chúng ta thấy có nhiều điều không bình thường:
Đang đi đường, được kéo vào phòng tiệc, thì làm sao mà có áo đẹp và đúng nghi thức được.
Những người kia cũng từ ngoài đường đi vào đột xuất, tại sao họ có y phục lễ cưới, còn người này thì không? Tại sao chỉ có một người? Xét cho cùng xắc xuất rất ít: một trên nhiều ngàn người!
“Y phục lễ cưới” không thể là đức hạnh hay đời sống luân lí được, vì trong phòng cưới đầy người: “xấu tốt”: « Các đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách » (c. 10).
Tóm lại, hình ảnh “y phục lễ cưới” vừa không khớp với toàn bộ câu chuyện, vừa khó tìm ra ý nghĩa. Chính vì thế, Giáo Hội cho phép không đọc phần này; để cho phần kết của dụ ngôn trở nên “có hậu” hơn [1].
3. Ơn huệ “y phục lễ cưới”
Tuy nhiên, chi tiết này lại là đỉnh cao của dụ ngôn, dụ ngôn này và của hai dụ ngôn trước, dụ ngôn “hai người con” và dụ ngôn “những tá điền sát nhân”, được thánh sử Mát-thêu kể lại trong Mt 21, 28-46:
Lời của nhà vua ngỏ đích thân với một người được mời; hình ảnh này muốn nói cho chúng ta rằng, những người trong phòng tiệc không thể là một đám đông ô hợp, dù trước đó họ đã là như thế, và từng người trong phòng tiệc không thể là vô danh với nhau và nhất là với Nhà Vua.
Nhà Vua ước ao đi vào tương quan đích thân với từng người được mời. Và riêng với người này, Ngài chất vấn về cái thiếu của anh ta, cái thiếu rất quan trọng và rất thiết yếu. Trước mặt Chúa, trước ân huệ và lòng thương xót của Chúa, ai trong chúng ta cũng đều thiếu điều gì đó rất quan trọng, rất riêng tư và rất sâu thẳm; và chỉ có một mình Chúa và chúng ta mới biết được thôi.
Chúa hỏi và Chúa chờ đợi chúng ta trả lời. Thiếu sót nghiêm trọng của nhân vật trong dụ ngôn có lẽ không phải là « y phục », cho bằng anh đã “câm miệng”, vì sợ hãi hay vì không muốn mở lòng ra, đi ra khỏi chính mình để đáp lời Nhà Vua với tất cả con người thật của mình và kêu cầu lòng thương xót.
Từ ngoài đường vào phòng tiệc cưới, không ai có được “y phục lễ cưới”. Chúng ta hãy đáp lại lời mời của Chúa và cả lời chất vất nữa; chúng ta hãy giãi bày con người thật của mình và xin Ngài ban cho chúng ta “y phục lễ cưới”.
Thực ra Chúa ban cho chúng ta rồi, chúng chỉ cần mặc vào thôi, đó ơn công chính mà Thiên Chúa ban không cho mỗi người chúng ta nơi Đức Giêsu:
Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. (Rm 3, 23 -24)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.
[1] Đó là khi dụ ngôn này được công bố vào Chúa Nhật XXVIII, Thường Niên, Năm A.