Ơn cứu độ muôn dân – Bài giảng Chúa nhật VI Phục sinh năm B
Qua việc thực thi đức yêu thương, chúng ta giới thiệu ơn Cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho muôn người, Đấng Cứu độ muôn dân. Đấng ấy đang sống và hiện diện giữa chúng ta.
Dựa trên truyền thống các ngôn sứ, Người Do Thái tin rằng ơn Cứu độ chỉ được ban cho dân tộc Do Thái, vì đó là dân được tuyển lựa. Các môn đệ đều là người Do Thái. Họ đã theo Chúa Giêsu và được Người giáo huấn. Tuy vậy, các ông vẫn mang não trạng chật hẹp của truyền thống. Một số trong các ông tin Thày mình là một chính trị gia, đến để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của người La mã, vì thế, vào lúc Chúa phục sinh quy tụ các ông và chuẩn bị lìa xa các ông mà về trời, vẫn có người trong số môn đệ hỏi Chúa: “Thưa Thày, có phải bây giờ là lúc Thày khôi phục vương quốc Israen không?” (Cv 1,6).
Chính vì ảnh hưởng bởi não trạng tự tôn dân tộc, mà ông Phêrô lúng túng khi có người ngoại, tức là không phải người Do Thái, xin gia nhập Đạo. Chính Thiên Chúa đã can thiệp qua hai thị kiến để giúp ông Phêrô và các tông đồ thoát khỏi những băn khoăn này. Ngài vừa sai sứ thần đến với ông Cornêliô, vừa cho ông Phêrô thấy một thị kiến là một tấm khăn lớn buộc bốn góc từ trời thả xuống đất, trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết, cùng mọi thứ chim trời. Đó là những con vật luật Do Thái cấm ăn vì coi là vật không thanh sạch. Chúa đã giải thích cho ông Phêrô: đừng gọi là ô uế những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch. Qua thị kiến này Chúa muốn khẳng định: ơn cứu độ được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô dành cho mọi dân tộc, không loại trừ ai. Vì Đức Kitô là Ánh sáng muôn dân, là Mặt trời công chính rạng soi cho mọi nước.
Thực ra, trong giáo huấn của Chúa Giêsu, đã nhiều lần Người khẳng định tính hoàn vũ của ơn Cứu độ. Người nhấn mạnh đến tình thương của Chúa Cha, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên những kẻ lành cũng như người dữ, làm cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất nhân. Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với người phụ nữ Samari, Đức Giêsu đã phá bỏ mọi rào cản và thành kiến, đồng thời Người khẳng định: đã đến lúc việc thờ phượng không còn giới hạn bởi ranh giới địa lý hay chủng tộc, mà là lúc những ai thờ phượng Chúa thì thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Qua câu nói của ông Caipha Thượng tế: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt", Thánh sử Gioan nhận ra đó là một lời tiên tri: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối” (Ga 11,50-52). Chúa Giêsu cũng đã tuyên bố: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Như thế, cây thập giá, hay đúng hơn là cái chết của Chúa Giêsu là điểm quy tụ muôn dân. Cây thập giá cũng là điểm kết nối, giao hoà Thiên Chúa với nhân loại, để rồi từ nay, không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nhưng tất cả những ai đang sống dưới gầm trời này, nếu họ kêu cầu Danh Đức Giêsu Kitô, thì họ được cứu độ. Mặc dù Giáo Hội tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại, Giáo Hội cũng công nhận những tinh hoa của các nền văn hoá như hạt giống của Lời. Vì vậy, những ai không được nghe nói đến Chúa Giêsu và ơn Cứu độ của Người, nhưng thành tâm sống theo chỉ dẫn của lương tâm, thì họ cũng thuộc về Vương quốc Chân lý của Chúa Giêsu.
Với lời tuyên bố của thánh Phêrô: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” Giáo Hội sơ khai đã bước sang một trang sử mới. Từ nay mọi người đều có thể gia nhập Đạo Chúa. Đức tin vào Đức Giêsu đã vượt qua biên giới Do Thái để đến với dân ngoại. Sau này, với thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại, một viễn cảnh mới được mở ra. Thánh Phaolô xác tín rằng, mình được chọn để đem Tin Mừng của Chúa đến với các dân ngoại. Vì vậy, ông nỗ lực cố gắng thiết lập các cộng đoàn. Những cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô là những gian nan chông gai, nhưng vị tông đồ dân ngoại vẫn can đảm hy sinh, vì ông được Chúa nâng đỡ: “Ơn Ta đủ cho con”.
Ơn Cứu độ thực hiện trong Đức Kitô đã mở ra một thế giới mới. Không còn biên giới, không còn rào cản, không còn phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ. Thế giới mới Chúa Giêsu thiết lập có một ngôn ngữ mới: đó là tình yêu. Tiếp nối lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong Chúa nhật trước, lời mời gọi “ở trong Thày” được nhắc đi nhắc lại, như một điểm nhấn nổi bật. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Mẫu mực của yêu thương không phải là một vĩ nhân trần thế, nhưng là chính Chúa Giêsu. “Như Thày đã yêu”, đó chính là cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa Giêsu đã chứng minh lời dạy này bằng cuộc khổ nạn thập giá.
Một khi chuyên tâm thực hiện lời dạy yêu thương của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ trở thành “bạn hữu” của Người. “Anh em là bạn hữu của Thày, nếu anh em thực hành những điều Thày truyền dạy”. Thật là một vinh dự lạ lùng! Chúng ta là con người còn đầy yếu đuối và tội lỗi, lại có thể trở nên bạn hữu của Đấng Cứu thế. Quả vậy, một khi thực thi những giới răn của Người, nhất là giới răn yêu thương, thì chúng ta sẽ luôn có Chúa là người đồng hành, là người chia vui sẻ buồn, là người tâm huyết, gần gũi và thân tình. Khái niệm Chúa Giêsu là “bạn hữu” giúp chúng ta đi vào sự kết hợp bền chặt thâm sâu với Người, nhờ đó, chúng ta có sự bình an và niềm vui nội tâm, là nền tảng định hướng cho mọi suy tư và hành động trong cuộc sống hằng ngày.
Yêu thương là sáng kiến đến từ Thiên Chúa, vì chính Ngài đã yêu chúng ta trước (Bài đọc II). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm gương cho chúng ta về đức yêu thương. Người đã hiến mạng sống mình trên thập giá vì yêu thương nhân loại và để đền tội cho chúng ta. Người tín hữu được Chúa sai vào lòng cuộc đời sống và loan truyền tình yêu thương cho tha nhân, đồng thời làm chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống. Vâng, Chúa đã chọn và đang cắt cử chúng ta vào cuộc sống xã hội còn đầy những khó khăn phức tạp, để hát lên niềm vui của Tin Mừng và để làm chứng Chúa đã phục sinh.
Qua việc thực thi đức yêu thương, chúng ta giới thiệu ơn Cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho muôn người, Đấng Cứu độ muôn dân. Đấng ấy đang sống và hiện diện giữa chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org