Ôn lại lịch sử Cứu độ

19-04-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Ôn lại lịch sử Cứu độ by

BÀI GIẢNG LỄ VỌNG PHỤC SINH

Sách lễ Rôma gọi đêm canh thức Vọng Phục Sinh là Mẹ của các đêm canh thức, điều đó cho thấy tầm quan trọng của các lễ nghi được cử hành. Với những chỉ dẫn về nghi thức vừa tỉ mỉ vừa khắt khe, Giáo Hội muốn các tư tế thực hiện đúng tinh thần của Phụng vụ, nhằm diễn tả cho Dân Chúa ý nghĩa sâu xa của Đêm Vọng này, đồng thời lãnh nhận được những sứ điệp Giáo Hội muốn chuyển tải qua các nghi thức ấy. Những chỉ dẫn của Phung vụ về bàn thờ cũng cho thấy một khung cảnh thê lương u buồn: Bàn thờ không trải khăn, nhà tạm để trống, không cử hành thánh lễ hay một nghi thức nào, trừ Phụng vụ các Giờ Kinh, cho đến đêm canh thức vọng Phục Sinh… Có thể giải thích sự vắng vẻ thê lương ấy nhằm diễn tả việc Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: “Chết và táng xác, xuống ngục tổ tông”. 

Ban chiều, các cộng đoàn tín hữu tham dự chặng đường Thánh Giá. Khi suy niệm đường Thánh Giá, chúng ta tìm về cội nguồn của ơn Cứu độ là cái chết của Chúa Giêsu để kín múc từ đó sức mạnh và nghị lực cho Đức tin và cho cuộc sống. Tại một số giáo xứ, từng đoàn người mang tang trắng trên đầu làm thành đoàn rước dài suy niệm đường Thánh Giá. Đoàn rước đi vòng quanh làng rồi tiến về mô hình hang đá tượng trưng cho nấm mồ của Chúa. Khi suy niệm từng chặng đường Chúa đã đi qua, người tín hữu nhìn thấy chặng đường cuộc đời của chính mình, cũng ngã quỵ, cũng bị đè bẹp dưới sức nặng của thập giá, cũng bị đánh đòn, đội mão gai và cũng có khi phải đối diện với những lời phỉ nhổ của người đời. Nhờ suy tư những đau khổ của Chúa trên con đường thập giá, họ không còn thấy đơn lẻ vì từ nay có Chúa cùng vác đi với họ  để an ủi nâng đỡ họ trên mọi nẻo đường đời.

Khi cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, toàn thể Giáo Hội giống như người nai nịt gọn gàng, tỉnh thức sẵn sàng đợi chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Trong khi chờ đợi như vậy, Giáo Hội ôn lại tất cả những điều kỳ diệu Chúa đã làm trong lịch sử. Có 9 bài đọc Lời Chúa trích từ Cựu Ước và Tân Ước được đề nghị cho đêm canh thức này, nhưng trong thực tế, vì lý do thời gian nên các linh mục được phép chỉ đọc ba bài đọc trích từ Cựu Ước và hai bài trích từ Tân Ước gồm có Thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma và Tin Mừng Thánh Matthêu (cho phụng vụ năm A). Khi hệ thống ý nghĩa của các bài đọc, chúng ta có một cái nhìn tổng quát và toàn diện về sự can thiệp của Chúa trong lịch sử nhân loại. Những bài đọc cũng cho thấy những giai đoạn khác nhau của lịch sử Cứu độ. Thiên Chúa tạo dựng và luôn quan tâm săn sóc con người. Khi dựng nên con người và vũ trụ vạn vật (Bài đọc I – St 1,1-2,2), dường như Thiên Chúa thu bớt mình lại để nhường chỗ cho họ được hiện hữu, giống như nước thủy triều rút xuống nhường chỗ đất khô cho con người. Khi ký kết giao ước với con người (Bài đọc II – St 22,1-18), Thiên Chúa hạ mình xuống để nhận con người làm “đối tác” ngang hàng với mình. Khi giải phóng dân Ít-ra-en khỏi Ai Cập (Bài đọc III – Xh 14,15-15,1), Thiên Chúa được giới thiệu như Đấng giải phóng con người. Ngài cũng luôn quan tâm đến con người và lắng nghe lời cầu nguyện của họ.

Tất cả những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa trong Cựu Ước chỉ là hình bóng và sự chuẩn bị cho việc can thiệp lạ lùng hơn, đó là sự phục sinh sáng láng uy quyền của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể (Bài Tin Mừng). Nhờ Chúa Giêsu phục sinh,chính chúng ta được ơn tái sinh làm con người mới khi còn sống ở đời này và được bảo đảm sẽ phục sinh trong hạnh phúc vĩnh cửu (Bài thư Thánh Phaolô – Rm 6,3-11). Như thế, nếu thuở ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất vũ trụ và con người, thì nay, Ngài thực hiện một cuộc sáng tạo mới trong Chúa Giêsu phục sinh. Nếu ở thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Abraham bằng máu chiên bò, thì nay Ngài ký kết giao ước mới bằng máu của Con Một Ngài đã đổ ra trên thập giá. Nếu ngày xưa, qua trung gian ông Môisen, Chúa đã dùng cánh tay uy quyền mà giải phóng dân Ít-ra-en ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập, thì nay, nhờ Đức Giêsu là ông Môisen mới, Thiên Chúa đã giải phóng nhân loại khỏi ách kìm kẹp của tội lỗi. Sự giải phóng này được thực hiện cụ thể qua Bí tích Thanh tẩy. Nhờ Bí tích này, các tín hữu được dìm mình vào dòng nước của ân sủng. Họ vượt qua sự chết để vươn tới sự sống, như người Ítraen vượt qua Biển Đỏ  năm xưa. Vì thế, những gì đã xảy ra trong Cựu Ước vẫn mang tính thời sự đối với con người thời nay.

Đêm Canh thức gồm 4 phần, mỗi phần nhằm diễn tả sự Quan Phòng kỳ diệu của Chúa và những khía cạnh của đời sống Kitô hữu. Phần nào cũng quan trọng và gồm chứa những ý nghĩa rất sâu sắc:

  • Nghi thức làm phép lửa và rước nến Phục Sinh diễn tả việc Đức Giêsu ra khỏi nấm mộ tối tăm và chính Người là ánh sáng bừng lên giữa đêm đen của cuộc đời. Ánh sáng ấy lan tỏa và chiểu rọi cả nhân loại, dẫn đưa ta ra khỏi tối tăm lầm lạc của tội lỗi.
  • Phụng vụ Lời Chúa giúp ta nhìn lại lịch sử Cứu độ để thấy Chúa đã hành động như thế nào vì lòng yêu thương con người.
  • Phụng vụ Phép Rửa nhắc ta Bí tích Thanh Tẩy ta đã được giải phóng khỏi mọi tội lỗi và hãy cố gắng sống cho phù hợp với danh nghĩa Kitô hữu.
  • Phụng vụ Thánh Thể cho ta được hiệp thông trọn vẹn với Đấng Sống Lại giờ đây trở nên Bánh và Rượu nuôi dưỡng linh hồn các tín hữu. Từ đây, khi tham dự Hy tế thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta “loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Người Kitô hữu có sứ mạng trở nên nhân chứng của Đấng Phục Sinh giữa lòng đời.

Chúa đã sống lại! Chúa đã chiến thắng thần chết. Mục đích của đời sống tín hữu Kitô là sống cho Chúa và sống với Chúa ở đời này và sẽ được sống lại với Chúa trong hạnh phúc bất diệt.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW