“Ông này là Con Thiên Chúa” – Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2021

25-03-2021 Chức năng bình luận bị tắt ở “Ông này là Con Thiên Chúa” – Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2021 by

Lời tuyên xưng « Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa » ở phần cuối của trình thuật, như một đáp số cho mọi vấn nạn đặt ra về một Con người bị treo và chết trên thập giá.

Phụng vụ khai mạc Tuần Thánh bằng trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, mà chúng ta quen gọi là “Bài Thương Khó”. Bằng những góc nhìn và điểm nhấn khác nhau, tất cả bốn tác giả Tin Mừng đều kể lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Bài Thương Khó trích Tin Mừng Thánh Máccô được đề nghị cho năm Phụng vụ B. Tác giả dẫn chúng ta đi theo Chúa Giêsu từ làng Bêtania, nơi có gia đình thân thiết với Người. Chúng ta cùng với Chúa Giêsu trải qua những sự kiện quan trọng: bữa tiệc Vượt Qua (cũng gọi là bữa tối cuối cùng), sự phản bội của Giuđa, việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, việc Chúa cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu bị bắt, cuộc đối chất và xét xử và lên án tử cho Người bởi Công nghị Do Thái, sự phản bội của Phêrô, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Philatô, chặng đường thập giá và cuộc khổ nạn của Người. Lời tuyên xưng « Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa » ở phần cuối của trình thuật, như một đáp số cho mọi vấn nạn đặt ra về một Con người bị treo và chết trên thập giá. 

Những gì được liệt kê trên đây giống như một cuốn phim quay nhanh, giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đồng thời rút ra những bài học quan trọng và hữu ích cho đời sống Đức tin. Hãy cùng chiêm ngắm chân dung Chúa Giêsu được diễn tả trong Bài Thương khó: 

Cuộc thương khó của Chúa là cuộc thương khó vì tình yêu. Chúa Giêsu đã trung thành cho đến chết, trung thành với tình yêu vô biên của Chúa Cha. Người cũng trung thành với tình yêu vô biên đối với nhân loại. 

Chúa Giêsu đã chấp nhận cuộc thương khó này một cách hoàn toàn tự nguyện.  Người đã bẻ gẫy quyền lực của sự chết trong con người, tức là quyền lực tội lỗi. Tội lỗi đã khiến một số luật sĩ và Biệt phái hận thù và kích động bạo lực nơi dân chúng. Tội lỗi cũng khiến Philatô và đám đông hằn học ùa theo những lời vu khống. Tội lỗi cũng khiến cho các môn đệ sợ hãi chạy trốn và cuối cùng, tội lỗi khiến cho Phêrô chối Thày mình mà không hề ngượng ngùng. 

Đối diện với cơn sóng tội lỗi và bạo lực hung dữ, Chúa Giêsu vẫn thể hiện một tình yêu cho đến cùng. Người vẫn nhìn con người với cái nhìn yêu thương, ngay cả khi bị đóng đinh trên thập giá. Đó là cái nhìn mời gọi tình yêu và sống cho tình yêu. 

Đương nhiên, khi thấy bạo lực và sự chết, Chúa Giêsu đã run sợ, vì Người là Thiên Chúa nhưng cũng là con người. Trên thập giá, Người đã cảm thấy cô đơn và dường như bị Chúa Cha bỏ rơi. Tuy vậy, vượt trên tất cả, đó là lòng trung thành của Người. Người đã chấp nhận cuộc thương khó, như Người đã chấp nhận hạ mình mang lấy thân phận nô lệ phàm nhân. Sự chết của Người là sự chết tự trao ban, cũng như sự sống của Người đã hiến dâng trọn vẹn cho sứ mạng được Chúa Cha trao phó. Cây thập giá là dụng cụ để thi hành cuộc thương khó, đã trở thành dấu chỉ để nhận ra môn đệ của Người. Cây thập giá cũng là điểm quy tụ muôn dân, để cùng quy hướng về Đấng Cứu độ: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đấttôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12,32). 

Màu áo đỏ của Phụng vụ lễ Lá nhắc lại cho chúng ta sự sỉ nhục của đám quân lính Rôma. Sự sỉ nhục này, lạ thay, lại mang tính tiên tri. Bởi lẽ vào lúc Chúa chịu thương khó, Đấng sẽ bị đóng đinh trên thập giá được phủ bằng áo khoác đỏ. Màu đỏ là sắc màu y phục của vua chúa. Chiếc áo này khẳng định với chúng ta: Chúa Giêsu là Vua và ngai toà của Người chính là cây thập giá. 

Vị vua cao cả đã hiến thân làm người nô lệ. Vị Vua Giêsu đã tự huỷ mình ra không, như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Bài đọc II. Vị Vua này không giống như các vua chúa trần gian. Đó là Vị Vua yêu thương nhân loại. Người muốn cho con người được hiện hữu và được hạnh phúc. Đó cũng là Vị Vua đến trần gian để bẻ tan xiềng xích, kêu gọi con người xoá bỏ hận thù và bạo lực do tội gây nên. 

Thánh Máccô đã kể với chúng ta, viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy, liền nói : «Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa». Viên đại đội trưởng là một quân nhân Rôma, tức là người ngoại đối với người Do Thái. Ông cũng là người tham gia thi hành án tử trong vụ Chúa Giêsu. Lúc Người còn sống thì ông lại không tin Người, nhưng chính lúc Người tắt thở thì ông lại nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Cái chết thánh thiện và tự nguyện của Chúa Giêsu chính là một bằng chứng hùng hồn cho thân thế và sự nghiệp của Người. 

Hôm nay và những ngày sắp tới của Tuần Thánh, chúng ta suy tư cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta hãy tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho thế giới hôm nay nhận ra nơi Đấng chịu đóng đinh tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại. Xin cho thế giới mở rộng tấm lòng để đón nhận Chúa Giêsu. Một khi đón tiếp Người, cuộc sống sẽ có ý nghĩa, gia đình sẽ hạnh phúc, lương tâm sẽ thanh thản và thế giới sẽ bình an.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW