Quê hương với vận nước

20-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Quê hương với vận nước by

1. VIỆT NAM ĐỘC LẬP

Trong bối cảnh của cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, với khí thế của cao trào dành độc lập dân tộc ở các nước bị trị, đêm 9-3-1945, Nhật đã thực hiện cuộc đảo chánh Pháp, chấm dứt chế độ cai trị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam suốt gần một thế kỷ. Tổ Quốc Việt Nam nói chung và Quê Hương Kẻ Sặt nói riêng, tuy trong khoảng thời gian 9 năm, nhưng đã có biết bao biến chuyển vũ bão, như sẽ lược thuật sau đây:

Ngày 10/03/1945, Bảo Đại xé Hòa Ước Giáp Thân 1884 với Pháp, và Việt Nam trở thành một Quốc Gia Độc Lập trong Khối Thịnh Vượng Chung Đông Nam Á cùng Nhật.

Ngày 17/04/1945, ông Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các.  Đó là chính phủ quốc gia đầu tiên, theo thể chế tây phương.

Nhưng bộ tham mưu Nhật ở Việt Nam vẫn giữ những cơ quan hành chánh quan trọng. Chính sách cũng hà khắc không kém thực dân Pháp. Người ta gọi là Phát Xít Nhật.

Một liên đoàn quân đội Nhật đến trú đóng tại Kẻ Sặt. Bộ chỉ huy đặt tại cơ sở huyện lỵ, và những đơn vị đóng ở những tư gia rộng rãi.

Tháng 8 năm 45, hai trái bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ tàn phá hai đảo Hiroshima và Nagasaki. Nhật Hoàng xin đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.

Thi hành quyết nghị của hội nghị Postdam, quân Anh giải giới quân Nhật ở phía nam Vĩ Tuyến 16 và quân Tàu giải giáp quân Nhật ở phía bắc Vĩ Tuyến 16. Thế là Kẻ Sặt lại gặp nạn ‘’Tàu phù’’ trú đóng, sau nạn phát xít Nhật.

2. CÁCH MẠNG MÙA THU

Ngày 17-08-1945, Tổng Hội Công Chức Bắc Kỳ tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội một cuộc biểu tình đòi Nhật trả độc lập thực sự cho Việt Nam. Cán bộ Việt Minh cũng có trong Ban chấp hành Tổng hộI, trương cờ đỏ sao vàng để biến thành cuộc biểu tình của quần chúng. (Việt Minh hay Mặt Trận là tên gọi tắt của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội ).

Thế rồi từ trung ương đến địa phương, Mặt Trận cướp được chính quyền, không tốn một viên đạn, thành lập Chính Phủ Cách Mạng lâm thời.

Kẻ Sặt là một trong những địa phương thời đó cũng bừng bừng trong khí thế ‘’cách mạng mùa thu’’. Một cuộc biểu tình vĩ đại được tổ chức tại công viên Huyện Bình Giang, tọa lạc ngay Thị Xã Kẻ Sặt, với rừng cờ và biểu ngữ, với những lời hô vang dậy vì lòng yêu nước…

Rồi ‘’Tuần Lễ Vàng’’ diễn ra tại nhà ‘’Xéc’’ (Cercle, phòng hội hình vòng tròn), thu góp vô số hoa tai, nhẫn, dây chuyền v.v…vì… Đất Nước !

Cũng trong thời gian này, các đoàn thể ái quốc được thành lập như: Thanh Niên Cứu Quốc, Phụ Nữ Cứu Quốc, Công Giáo Cứu Quốc, Việt Nhi v.v…Thanh thiếu niên thi đua học tập quân sự, hội họp, ca hát, đeo súng gỗ, đội mũ chào mào bằng giấy xi măng…

Phong trào Bình Dân Học Vụ với phương pháp ‘’i tờ’’ đã giúp nhiều người biết đọc biết viết.

Hoạt động thể thao cũng như kịch nghệ của thanh niên Kẻ Sặt rất sôi nổi hào hứng.

Do ảnh hưởng của cao trào quốc gia mới, nên thiếu niên từng khu xóm đã kết hợp lại thành những đảng riêng, được trang bị gậy gộc, gươm giáo và lựu đạn ứng chế (bằng tro và mảnh chai) để đánh nhau. Ba nhóm kình chống dữ dội thuộc Khu Hạ, Khu Trung và Khu Thượng. Chính quyền xã lúc đó cũng đành bất lực trong việc duy trì trật tự.

Riêng Phong Trào Phụ Nữ Cứu Quốc Kẻ Sặt mới độc đáo, với sự kiện người chỉ huy là cô Bốn Hạnh đứng trên bậc điếm tuần, mặc quần xóoc, đeo kiếm và thổi còi.

Cùng với phong trào các đoàn thể quốc gia, có một hội đoàn công giáo tiến hành với khẩu hiệu ‘’Thiên Chúa và Tổ Quốc’’ được hình thành. Đó chính là Hội Nam Thanh Công Giáo, Địa phận Hải Phòng. Đặc biệt, Ban Quản Trị tiên khởi của hội lại hoàn toàn do thanh niên xứ Sặt đảm trách. Hội đoàn này đã có những hoạt động tích cực, nhất là đã tổ chức một cuộc mít tinh vĩ đại tại công trường nhà hát lớn thành phố cảng Hải Phòng, để đòi hỏi nhà cầm quyền mới phải tôn trọng Tự Do Tín Ngưỡng.

 3. CHIẾN TRANH VIỆT PHÁP

Trong khuôn khổ giải quyết cuộc Đệ Nhị Thế Chiến của Quốc Tế, khi quân Anh giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16, thì quân Pháp núp theo quân Anh để trở lại Việt Nam.

Ngày 6-3-1946, chính phủ Việt Minh ký hiệp định sơ bộ, công nhận cho Pháp đem quân đổ bộ lên Hải Phòng và đóng ở những địa điểm trọng yếu thay thế quân Trung Hoa. Đây chính là nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt Pháp kéo dài từ 1946 đến 1954.

Sau những cuộc thương thuyết Việt Pháp bất thành và ý đồ tái chiếm Đông Dương của Pháp đã gây nên nhiều vụ rắc rối, lúc 8 giờ tối ngày 19-12-1946, Việt Minh tổng tấn công Pháp.  Chiến tranh chính thức bùng nổ.

Cuộc chiến lan tới Kẻ Sặt. Lúc đầu, thanh niên tự vệ Sặt cũng chống lại Pháp, nhưng rồi chỉ còn bộ đội V.M. Họ dùng ngọn tháp giữa làm pháo đài cố thủ. Từ đồn Cầu Sắt, Quân Pháp bắn ‘’canon’’ làm gẫy gọng vó, 7 bộ đội tử thủ đều bị hạ sát.

Sau trận máy bay Pháp dội bom làng Chanh, dân làng ta mới chịu bỏ nhà cửa, ruộng vườn mà gồng gánh tản cư đi các làng: Hà, Đầng, Quàn, Cao Xá, Từ Xá, Phương Quan, Minh Châu thuộc huyện Thanh Miện.

Có một bài thơ theo thể song thất lục bát gọi là Bài Ca Tản Cư, tác giả là ông Khóa Thanh đã ghi lại giai đoạn lịch sử này… (Xem phần Phụ Bản).

4. HỘI TỀ VÀ PHÁ TỀ

Chiếm được nhiều địa phương quan trọng trong đó có Kẻ Sặt là hàng đầu. Giữa năm 1947, Pháp lập ‘’Hội Tề’’ để chiêu dụ dân các làng tản cư trở lại.

Nhiều người đã hồi cư về thành hay làng cũ. Dân làng Kẻ Sặt dần dà cũng trở về hết để làm ăn sinh sống ở nơi xưa, dưới Thể Chế Quốc Gia đang hình thành…

Nhưng không khí chiến tranh vẫn còn phủ đầy. Mọi nhà phải nỗ lực với công tác củng cố hào lũy và các pháo đài để chống lại phía bên kia. Pháo đài hay bốt (poste) là các cổng làng như Cổng Giỏ, Cổng Kẻ, Cổng Đằng Ngái, Cổng Đằng Bùi hay Cao Đại v.v…

Cứ mỗi chiều tối đến, già trẻ, lớn bé lại phải vác chiếu chăn lên nhà thờ ngủ vì sợ V.M xâm nhập vào ban đêm bắt đi. Một số người từng bị giam tại huyện Quỳnh Côi.

Nhiều trận đánh dữ dội giữa dân làng với Việt Minh đã diễn ra trong khoảng hai năm 1947 và 1948.  Điển hình nhất là những trận sau:

Trận Giàng Dóc: Khoảng giữa năm 1947, vào một đêm tấn công, V.M. đã đặt mìn phá xập một gian nhà rẫy để xâm nhập thánh đường. Với sức mạnh của tinh thần đoàn kết và ý chí quyết giữ vững làng xóm, nhất là thánh đường, nên chỉ bằng gậy gộc mà dân làng đã chống trả hữu hiệu trước mọi cuộc tấn công. Đó là những Trận Giàng Dóc. Một Bài Vè Giàng Dóc thể loại dân gian còn lưu truyền. Có những câu như:

‘’Mồng Bẩy thánh Sáu rành rành,
Họp bàn các cụ tán thành việc dân.
Công Giáo kiến thiết dần dần,
Để mà giữ lấy trong dân trong làng.
Dù sao chớ vội hoang mang,
Bao nhiêu gậy gộc dóc giàng mang ra…’’

Trận Đốt Nhà Cha:  Cuối năm 1947, V M lại mở cuộc tổng công kích Nhà Xứ và Thánh Đường.

Nhiều gian nhà xứ, kể cả nhà hai tầng bị phóng hỏa đốt trụi. Nấp dưới gầm phản, cậu Núi (tức Cha Sơn, một vị mục tử bình dị và có lòng với quê hương) đã bị lia mã tấu trong bóng đêm, khiến cậu bị nhiều vết thương nơi đầu, mà vẫn được Chúa gìn giữ. (Tuy nhiên ,cũng có tin nói rằng cậu Núi bị nạn tại họ Xuân Điện, xứ Nam Am vào năm 1950 sau này, cùng với cha Nghĩa bị chém vỡ đầu ).

Về phía Thánh Đường, nhiều khẩu súng bắn chỉ còn một viên đạn chót. Nhưng cuối cùng, phía bên kia đã phải rút lui. Thầy Hiện lúc đó trở thành một vị chỉ huy quân sự can trường.

Anh Phạm Xuân Lùng là thanh niên duy nhất bị tử thương bởi một viên đạn bắn vào đầu. Cả làng tiếc thương anh là một chiến sĩ kiên cường. Anh được an táng trong công trường nhà thờ, gần cây tháp bên, từ Ao Lấp nhìn lên.

Trận Đầu Năm 1948: Các đợt tiến công phá tề khác vào làng Sặt đều thất bại. Xác banh vì lựu đạn dưới chân các pháo đài cổng làng. Có trận họ xâm nhập vào nhà Cụ Lang Nghi để làm cứ điểm tấn kích Thánh Đường, nhưng bị bao vây cho tới sáng, rồi viện binh Pháp từ Cầu Sắt sang đã giải quyết chiến trường.

Nhiều trận tấn công vào nhà thờ còn tái diễn… với những hồi kèn thúc quân nghe đến rùng rợn. Nhưng sự kiên quyết và lòng cậy trông của giáo dân còn mạnh mẽ hơn.

Có lần họ bắn bazoka lên thủng cả tháp chuông. Cha xứ Chấn đã phải giải tội tập thể cho mọi người trú trong nhà thờ. Những hồi chuông từ ba cây tháp luôn đổ từng hồi linh thiêng, và cũng là những tiếng chuông báo động. Và đồn Cầu Sắt đã tiếp ứng hữu hiệu.

Không bao giờ phía bên kia đạt được mục đich chiếm làng hay chiếm nhà thờ. Có nhiều phần tử khi ra hàng đã khai rằng ban đêm khi xâm nhập làng, thường thấy một Bà Áo Trắng cầm gươm thấp thoáng lướt trên những ngọn tre bao quanh làng. Điều đó chứng tỏ rằng Nữ Vương Văn Côi, đấng bổn mạng của giáo xứ Kẻ Sặt, đã bảo vệ dân xứ chúng ta trong suốt thời kỳ đen tối đó vậy.

Đối với Việt Minh thì như thế… Nhưng đối với quân đội viễn chinh Pháp lại cũng chẳng hơn gì. Dân làng ta lâm vào cảnh sống một cổ hai  tròng, như lời mô tả trong Bài Ca Tản Cư:

‘’Nửa sợ Việt, nửa sợ Tây;
Sợ Việt trông thấy, sợ Tây nghi ngờ ’’.

Thật vậy, ban ngày mà mỗi khi nghe tiếng súng kêu ‘’tắc, bọp’’ là mọi người biết Tây sang, tức là họ từ đồn bên kia Cầu Sắt sang sông để đi càn các làng.

Tây là cách gọi thông thường quân đội viễn chinh Pháp khi trở lại Việt Nam, cũng gọi là quân Lê-Dương (Légion étrangère francaise) gồm những tù binh của Pháp sau Đệ Nhị Thế Chiến, từ các nước: Đức, Ý, gọi là tây trắng và Maroc,  Algérie, Sénégal, gọi là tây đen.

Mỗi lần Tây sang, dân làng lại phải một phen chậy trốn vào Nhà Cha, Nhà Mụ. Có người bị bắn chết vì Tây nghi ngờ là V.M. Cứ nói ‘’Con lậy quan lớn’’ để mong được tha, nhưng chúng có hiểu đâu. Còn phụ nữ thì vô cùng lo sợ vì đã có người đã bị chúng hãm hiếp.

Một số gia đình lại phải đi tản cư nữa. Nhưng lần này họ không còn đi về vùng kháng chiến, mà đi tới vùng thành thị như Hải Phòng, Hòn Gai để lánh nạn và làm ăn…

5. ĐỜI SỐNG DÂN LÀNG

Cơ quan quân sự  ở tại cơ sở Huyện Bình Giang trước ngoài phố Sặt, nay gọi là Bốt Đỏ (Poste Rouge), vì quét vôi mầu đỏ. Vị trí này cũng gọi là Tiểu Khu (secteur), đảm trách hành quân một vùng rộng lớn thuộc hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.

Quận hành chánh quốc gia đặt tại nhà Cụ Trùm Quế ở Khu Hạ.

Một hội đồng tề gồm có quý ông: Ông Tiên Khuể, Ông Tổng Pháp, Ông Lý Cử. 

Nhiệm vụ của các vị này thật vô cùng khó khăn và nguy hiểm, vì không những phải giúp đỡ dân trong buổi giao thời nhiều việc rắc rối, lại phải nương theo ý muốn của quân đội Pháp nữa; nhất là còn thêm mối lo lắng bị V.M. thanh trừng.

Và quả thực, ông Tiên Khuể đã là người hy sinh đầu tiên; kế đó là ông Bạ  Sâm bị bắn nhầm, vì đáng lẽ đối tượng nhắm vào là ông Tiên Quế ở làng Me Kiều lên ở trọ.

Tinh trạng phu phen do Tây đòi hỏi và tệ nạn bắt bớ của nhóm tay sai Pháp gọi là Phòng Nhì (Deuxième Bureau) còn là nỗi hãi hùng cho nhiều người có máu mặt trong làng. Thật là một thời buổi nhố nhăng, vô trật tự và bất an ninh.

6. THỂ CHẾ MỚI HÌNH THÀNH

Năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại đang sống lưu vong tại Hồng Kông trở về nước, xác lập Chính Thể Quốc Gia Việt Nam trong Khối Liên Hiệp Pháp. Thực tế là chính thể mới này chỉ cai trị các vùng do Pháp kiểm soát trên toàn lãnh thổ Bắc, Trung, Nam.

Rồi Quân Đội Quốc Gia được thành hình. Người thanh niên Kẻ Sặt đầu tiên là anh Phạm Văn Đĩnh được vận động theo học khóa 1, Trường Sĩ Quan Việt Nam tại Huế. Một số thanh niên khác đã trúng tuyển vào Trường Võ Bị Địa Phương Hà Nội (École militaire regional). Còn số đông vào Cảnh Sát thành phố và nhập ngũ Vệ Binh Bắc Phần (Garde Viet Nam Nord).

Trong khi đó, một số thanh niên làng vẫn tiếp tục theo Kháng Chiến ở vùng Hậu Phương. Người ngoài kháng chiến thì tự gọi là ‘’Cách Mạng’’, và gọi người ở trong là ‘’Dân Tề’’, thậm chí là ‘’Việt Gian’’; sau này, còn gọi là ‘’nguỵ’’ nữa. Người trong vùng thuộc thể chế mới thì tự gọi là ‘’Quốc Gia’’, và gọi những người kháng chiến là Việt Minh hay gọi tiếng lóng là ‘’Vẹm’’; sau này, còn gọi là Việt Cộng hay gọi tắt V.C. theo âm tiếng Mỹ là ‘’Vi Xi’’.

Bên nào cũng cho mình mới có chính nghĩa, trong khi cả đôi bên đều tuỳ thuộc vào viện trợ của những nước ngoài và cùng bị chi phối trong bàn cờ thế giới. Thật là một thời buổi trớ trêu, do hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt của đất nước gây nên nỗi đau huynh đệ tương tàn, phân cách chiến tuyến, chia rẽ tình nghĩa cùng một cội nguồn dân tộc, một quê hương, thậm chí cùng là cha con anh em trong một gia đình và gia tộc với nhau…

Vấn đề quả là phức tạp và tế nhị.  Nhưng sự thật khách quan là thế đấy. Dù sao, đó chỉ là những giai đoạn nhất thời, và dần dần cũng trôi vào dĩ vãng cả thôi, để trả lại nguyên vẹn tình kết đoàn yêu thương…

Giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1952, các vị sau đây đã lãnh nhận trách nhiệm quản trị làng xã Kẻ Sặt: Ông Lý Tròn, Ông Lý Nhượng, Ông Lý Tính.

(Ông Lục Cầu tuy không giữ chức vụ nào ở làng, nhưng ông là  người Sặt  từng làm tỉnh trưởng Sơn Tây).

7. XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG

Một số sự kiện đáng ghi trong công cuộc xây dựng cộng đồng Kẻ Sặt vào thời kỳ này như sau:

Trường Trung Tiểu Học Văn Côi do cha xứ Liêm sáng lập đầu năm 1949. Sĩ số thuộc làng xứ, nam cũng như nữ khá đông đảo. Ngoài ra, còn có những học sinh từ các làng lân cận lên Kẻ Sặt ở trọ và theo học nữa

Đặc biệt, một số học sinh có điều kiện còn ra Hải Phòng và lên Hà Nội theo học chương trình giáo dục Pháp tại các trường Saint Joseph hay Puginier. Mỗi dịp về quê hương nghỉ hè là thời gian tuyệt vời của tuổi trẻ, với những cuộc đạp xe đi chơi quanh làng, những buổi bơi lội trên sông hay trong các ao làng, những môn chơi thể dục thể thao, vũ thuật sôi nổi và những buổi học hè hào hứng, tạo nên bao kỷ niệm khó phai mờ…

Cùng thời gian này, các hội đoàn công giáo tiến hành được tái lập, nhất là Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể và Liên Minh Thánh Tâm được huấn luyện ở Thái Hà Ấp, Hà Nội.

Cuộc rước vĩ đại Đức Mẹ Fatima thánh du ngày 11 tháng 10 năm 1950, suốt từ Quán Gõi về tới Nhà Thờ Chính nói lên lòng sốt sáng và tài tổ chức của giáo dân Kẻ Sặt.

Tháng 6 năm 1951, quận Chi Khê được thành lập theo tổ chức hành chánh mới, thay thế huyện Bình Giang. Và quận lỵ hành chánh được đặt tại nhà Ông Trùm Quế ở Khu Hạ.

Cuộc khánh thành Nghĩa Địa Kẻ Sặt diễn ra ngày 17 – 12 – 1951, do Đức Quyền Giám Mục Hiển làm phép.

Nguyên từ trước, mỗi gia đình thường có một ruộng táng mả riêng, nên mộ chí thấy rải rác khắp nơi. Từ năm 1948, thời Cha Chính Thi, dân xứ đã khởi công xây dựng một nghĩa địa tân tiến tại cánh đồng Mả Trẩy gần Cầu Sắt. Công trình xã hội và tôn giáo này lúc đó mang tính chất cải cách mạnh mẽ vì những bất đồng ý kiến về quan niệm cũng như về quyền lợi… Một uỷ ban kiến thiết gồm những vị thức thời, có thiện chí và nhiều hy sinh trước dư luận bảo thủ, do ông Thủ Nghiệp đứng đầu, đã quyết tiến hành cho tới khi hoàn thành.

Cây tháp giữa được tu sửa và đặt Tượng Chúa Giêsu Vua năm 1952, dưới thời cha Lê Duy Thức. Đức Giám Mục Trương Cao Đại, giám mục tiên khởi Địa Phận Hải Phòng về khánh thành.

Nhà giải trí Ánh Sáng được xây cất ở giữa Khu Trung và Khu Hạ, thường chiếu  những phim Việt Nam đầu tiên như phim Cánh Đồng Ma. Đây cũng là nơi các đoàn kịch vọng cổ tới trình diễn.

Chợ Sặt được di chuyển ra Cầu Xộp vì nhu cầu quân sự. Chợ mới này vẫn là nơi thu hút đông đảo dân các vùng lân cận đến mua bán.

Năm 1953, tình hình vùng quốc gia đã trở nên ổn định hơn. Nền hành chánh địa phương được cải tổ, do đó chức vụ Lý Trưỏng ở xã không còn nữa mà được thay thế bằng ‘’Chủ Tịch Hội Đồng Hương Chính’’. Ông Bá Kiệm đang tản cư ở Hải Phòng lại được triệu hồi về làng lãnh nhận trách nhiệm này, sau 8 năm gián đoạn công vụ. Trong chánh quyền xã theo tổ chức  mới, còn có Địa Phương Quân và Cảnh Sát.

Thời kỳ này, đời sống dân làng đang trên đà tái thiết và phát triển về mọi mặt. Nhà ở tại bốn khu đều được tái thiết. Nhiều cửa hiệu ở ngài Phố buôn bán lại sầm uất. Ruộng vườn được cầy cấy trồng trọt như xưa, với cuộc trắc nghiệm dẫn thuỷ nhập điền đầu tiên. Nói chung, đời sống bình thường thời tiền chiến đang tiến lên trên đà phục hồi. 

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW