Sen và Bùn – Chúa nhật XXVIII thường niên

11-10-2024 0 bình luận by

Với chiến dịch “chống tham nhũng” của nhà nước, gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều quan chức phải trình diện trước vành móng ngựa và kếc cục là phải “vào lò”. Họ là những người lợi dụng chức quyền, tham ô của nhà nước và của cá nhân. Số tiền mà họ làm thất thoát đều là những con số làm người ta giật mình. Khi khám xét nhà của một số quan chức, cơ quan chức năng phát hiện vô số tài sản như tiền, vàng, bìa đỏ sở hữu đất đai. Số tài sản mà họ đang chiếm hữu, đủ để nuôi cả gia đình nhiều thế hệ. Vậy mà họ vẫn còn tham lam và ăn chặn của dân. Trước những vụ đại án, người ta chỉ biết thốt lên: lòng tham vô đáy.

Lòng tham xuất hiện từ bao giờ? Có lẽ nó xuất hiện từ khi con người hiện hữu trên trái đất. Người ta tham tiền, tham quyền, tham danh vọng. Ông A-đam và bà E-và đã tham danh vọng, cứ nghĩ là có thể được nên giống như Thiên Chúa, nên đã mềm lòng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn mà phạm tội. Kinh Thánh cũng kể cho chúng ta rất nhiều vụ việc liên quan đến lòng tham. Bất kể ở địa vị hoàn cảnh hay bậc sống nào, lòng tham vẫn thường trực trong tâm khảm của con người. Vì tham mà sinh ra bạo lực, chém giết, chia rẽ, hận thù, lừa lọc và cãi vã. Sống hoàn thiện là biết làm chủ bản thân, không bị lòng tham điều khiển, nhờ đó sống thanh thoát như bông sen giữa đầm lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Tuy phê phán lòng tham, nhưng chúng ta phải công nhận rằng vật chất cần thiết cho cuộc sống nhân sinh. Đóa sen với bùn lầy là hai thực tại khác biệt nhau. Tuy vậy, sen mọc lên được là nhờ bùn. Không có bùn, sen không có chất dinh dưỡng và không thể nở hoa. Vậy nên mối duyên giữa sen và bùn cứ luôn bền chặt và gắn bó với nhau. Tương tự như thế, con người sống ở đời cũng cần có vật chất. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhiều lần lên án người giàu, nhưng không phải vì họ giàu. Họ bị lên án vì quá tham lam, quá gắn bó với của cải như thể vật chất là lý tưởng của cuộc đời. Họ cũng bị phê phán vì dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân. Đây cũng là quan điểm và giáo huấn của các ngôn sứ trong Cựu ước.

Thánh Mác-cô kể về một chàng thanh niên muốn đi theo Chúa Giêsu. Dựa vào những gì anh nói, chúng ta có thể kết luận, anh là người đạo đức theo truyền thống, luôn lo lắng tuân giữ các giới răn. Tuy vậy, có thể nói giáo huấn của Cựu ước chỉ dừng lại ở những gì anh đang tuân giữ. Chúa Giêsu còn muốn mời gọi anh dấn thân hơn trong sự buông bỏ để đi theo Người. Chúng ta không phủ nhận hay phê phán thiện chí của anh. Tuy vậy, anh chưa sẵn sàng theo Chúa Giêsu, vì sự níu kéo của vật chất còn rất mạnh, anh chưa nỡ buông ra. Nơi khác trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng ra điều kiện cho những ai muốn theo Chúa, như: hãy để người chết chôn người chết; Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa; vì con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,57,62). Chính Chúa Giêsu làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta về sự từ bỏ, để toàn tâm toàn ý dấn thân cho sứ vụ loan báo Nước Trời.

“Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao!” Đây là lời than vãn của Chúa Giêsu, trước sự kiện người thanh niên buồn bã bỏ đi. Nhân dịp này, Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ – và dạy chúng ta hôm nay – về sự khôn ngoan khi sử dụng của cải. Lời nói của Chúa Giêsu chắc hẳn gây sốc đối với chúng ta: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời”. Trước sự sửng sốt của các môn đệ, Chúa Giêsu đã trấn an các ông: Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Điều đó có nghĩa, cứ phó thác mọi sự cho Chúa và thiện chí sống tốt, Ngài sẽ lo liệu, vì Ngài quyền năng và yêu thương con người.

Khi đề cập tới của cải, Phụng vụ khuyên chúng ta; hãy học lấy sự khôn ngoan. Đức Khôn ngoan là chủ đề chính của Bài đọc I trích từ cuốn sách cũng mang tựa đề là sách Khôn ngoan. Dưới ánh sáng mạc khải Kitô giáo, Đức Khôn ngoan là chính Đức Giêsu. Chọn sống khôn ngoan là chọn Đức Giêsu như lý tưởng của đời mình. Sống như Đức Giêsu là con đường nên hoàn thiện, vì Người là Đấng thánh của Thiên Chúa. Cuộc đời dương thế của Người, mọi hành vi và lời nói, đều là mẫu mực cho chúng ta.

Để nên người khôn ngoan, thánh Phaolô khuyên chúng ta: hãy chuyên tâm học hỏi và sống Lời Chúa, vì Lời Chúa có sức mạnh vô song. Lời Chúa soi sáng tâm hồn và giúp chúng ta phân biệt tốt xấu. Lời Chúa cũng giúp chúng ta can đảm để buông bỏ mọi sự, bước theo Chúa Giêsu và làm môn đệ của Người.

Lòng tham vẫn luôn là cơn cám dỗ dằn vặt chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta thành đạt trong sự nghiệp, để có một cuộc sống ổn định, vừa nuôi sống gia đình và bản thân, vừa có thể sẻ chia với anh chị em đang có nhu cầu. Nếu trần gian là một đầm lầy, thì mỗi người hãy cố gắng để tỏa hương như đóa sen giữa đầm lầy đó.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW