Sơ lược Giáo xứ Kẻ Sặt nơi diễn ra Công đồng Bắc Kỳ năm 1900

29-12-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Sơ lược Giáo xứ Kẻ Sặt nơi diễn ra Công đồng Bắc Kỳ năm 1900 by

Cũng thời kỳ cấm đạo của vua Tự Đức, năm 1862 có nhiều Đầu mục, Thứ mục, Binh lính (còn gọi là ông Vệ) và giáo dân có đạo bị bắt, bị xử trảm quyết, trong đó phải kể đến 26 Anh Hùng Tử Đạo làng Tráng Liệt.

SƠ LƯỢC GỐC TÍCH GIÁO XỨ KẺ SẶT
TRÁNG LIỆT BÌNH – HẢI DƯƠNG – GP. HẢI PHÒNG

Dân Kẻ Sặt hãnh diện vì đã có một lịch sử trên 400 năm, nghĩa là làng Kẻ Sặt đã có từ khi các Thừa sai người Âu đến truyền bá Phúc Âm ở Việt Nam (1553, đời Lê Trang Tôn). Ánh sáng Phúc Âm tới làng Tráng Liệt–Bình, Phủ Bình Giang, Tỉnh Đông (Hải Dương) từ cuối thế kỷ XVI. Năm 1626, các cha Dòng Tên nhận sứ mạng truyền giáo ở Đàng Ngoài (Bắc-Phần) và tổ chức các Giáo xứ. Làng Tráng Liệt–Bình, nhờ có một vị trí thuận tiện, đã được chọn làm trụ sở truyền bá Phúc–Âm của cả xứ Đông, và năm 1630 Tráng Liệt–Bình được thành lập Giáo xứ, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Từ đó Giáo xứ Kẻ Sặt là một trong những giáo xứ kỳ cựu nhất ở Việt Nam. Thánh đường thứ nhất được xây cất ở Khu Thượng (Địa điểm nhà Phước cũ, nay là trụ sở Trung Ương Dòng nữ Đa-minh Mẫu Tâm Hải Phòng).

Sau một nửa thế kỷ truyền giáo, các cha Dòng Tên rút khỏi Việt Nam. Xứ truyền giáo miền Đông Đàng Ngoài được Tòa Thánh giao cho các cha Dòng Đa-minh người Tây Ban Nha. Năm 1676, cha Juan de Santa Cruz (Cha Thập), vị Thừa sai Đa-minh thứ nhất tới Đàng Ngoài, đã một thời gian hoạt động. Năm 1695, Tráng Liệt trở thành một giáo xứ toàn tòng Công giáo, với dân số khoảng 1.000 người. Đức Cha Lezoli Cao, vị Giám mục Đa-minh tiên khởi của Địa phận Đông, đã được tấn phong Giám mục tại giáo xứ này ngày 02/02/1702. Trong thời bách hại đạo, Tráng Liệt thường là nơi trú ẩn có bảo đảm của các thừa sai. Năm 1712, Chúa Trịnh Cương cấm đạo, làng Tráng Liệt bị đốt ra tro, chỉ có ngôi Thánh Đường vừa sửa may mắn thoát nạn. Năm 1721, Trịnh Cương cấm đạo lần nữa, Tráng Liệt bị bổ vây và cướp phá, 150 giáo dân bị án phát lưu thảo tượng. Ông Luca Thu (60 tuổi) phải đày đi La Phù (Quảng Yên), và chết rũ tù ở đó, ông là đấng tử đạo tiên khởi của Giáo xứ.

Thời bách hại của vua Tự Đức, năm 1861 Tráng Liệt cũng như các làng Công giáo khác, phải phân tán sáp nhập vào các làng lân cận, vì thế mới có danh từ “phân sáp” để chỉ những làng bị giải tán như vậy. Cũng thời kỳ cấm đạo của vua Tự Đức, năm 1862 có nhiều Đầu mục, Thứ mục, Binh lính (còn gọi là ông Vệ) và giáo dân có đạo bị bắt, bị xử trảm quyết, trong đó phải kể đến 26 Anh Hùng Tử Đạo làng Tráng Liệt. Khi cuộc bách hại chấm dứt năm 1884 các thừa sai Tây Ban Nha trở lại để tái thiết lập Giáo xứ, thấy địa thế làng “phân sáp” (Tráng Liệt – Bình) này sầm uất như “Kẻ Chợ” (Thành phố), nên muốn đặt tên cho là “Kẻ Sáp”. Nhưng các ngài đã đọc sai vần, thay vì “Sáp” thì đọc ra là “Sặt”. Từ đó, Tráng Liệt – Bình mới có tên mới là làng Kẻ Sặt.

TÓM LƯỢC NHỮNG MỐC SỰ KIỆN QUAN TRỌNG CỦA GIÁO XỨ KẺ SẶT
TỪ KHI ĐÓN NHẬN ĐỨC TIN ĐẾN NAY ĐỂ GHI NHỚ

  • Năm 1630: Giáo xứ Kẻ Sặt (tên gọi ngày nay) được chính thức thành lập và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Bổn mạng.
  • Năm 1676: Cha Juan de Santa Cruz (Cố chính Thập), vị thừa sai dòng Đa-minh ra Đàng ngoài giảng đạo và có lui tới làng Tráng Liệt. Những năm sau, Cha Lezoli Cao, thừa sai dòng Đa-minh coi sóc xứ Đông và Cha Juan de Santa Cruz coi sóc xứ Bắc. Trong đó làng Tráng Liệt được hai cha hết lòng khen ngợi về cung cách trọng thị mỗi khi các ngài ở lại xứ.
  • Tráng Liệt được cha chính Địa phận Đàng ngoài Francois Deydier (Cha Phan) chọn làm trụ sở truyền bá Phúc Âm của cả miền Bắc An Nam (Việt Nam). Khi ngài được tấn phong Giám mục, Đức Cha Deydier đã đặt Tòa giám mục đầu tiên của Địa phận Đàng Ngoài tại Tráng Liệt, tiền thân của các Địa phận Miền Bắc, kể cả Địa phận Hải Phòng.
  • Năm 1695: Tráng Liệt từ một làng có cả lương lẫn giáo, trở thành một Giáo xứ toàn tòng Công Giáo, với dân số khoảng trên 1.000 người.
  • Ngày 02/02/1702: Cha Lezoli Cao được tấn phong Giám mục tại Kẻ Sặt.
  • Năm 1721: Thời Chúa Trịnh, có 150 anh hùng đức tin làng Sặt bị hành quyết, chôn chung một hố tại cánh đồng gần làng Vạc. Năm 1924, dân làng đã cải táng về tại khu ao vực. Nay thi hài của các ngài đang an nghỉ tại Nghĩa địa Công giáo của Giáo xứ.
  • Ngày 8/6/1838: Dưới triều vua Minh Mạng, cha Vinh-sơn Đỗ Yến (quê Trà Lũ, Nam Định) là cha chính xứ Kẻ Sặt, đã bị bắt và chịu phúc tử đạo ngày 30/6/1838. Ngài được phong chân phước năm 1900, và được tuyên phong hiển thánh ngày 19/6/1988. Cha thánh Vinh-sơn Đỗ Yến đã được dân làng Kẻ Sặt đặt làm Thành Hoàng, vì Ngài có công lớn gìn giữ bảo vệ dân làng trong hoàn cảnh khó khăn nhất của thời cuộc.
  • Năm 1858 – 1862: Có nhiều Đầu mục, Thứ mục, Binh lính (ông Vệ) và giáo dân có đạo bị bắt, bị xử trảm quyết. Trong đó phải kể đến 26 Anh Hùng Tử Đạo làng Tráng Liệt – Bình.
  • Năm 1870: (Ngày 3/8 năm Canh Ngọ) một trận bão lớn đã gây hư hại nặng nề cho ngôi nhà thờ của Giáo xứ tại Khu Thượng. Khi xét thấy việc đi lại không mấy thuận tiện cho nên cha chính Bắc (Père Batholomeo) đã quyết định xây dựng nhà thờ mới và chuyển vị trí xây cất nhà thờ mới về trung tâm làng. Công việc xây dựng nhà thờ phải mất nhiều năm, qua nhiều cha trông coi công trình đồ sộ với kết cấu toàn bộ khung, cột, kèo bằng thép được mang từ Pháp sang. Việc xây dựng ngôi nhà thờ Kẻ Sặt còn có công rất lớn của cha Garcia Liêm (Dòng Đa-minh) là cha chính xứ Kẻ Sặt. Ngày 5/10/1904 Cha Garcia qua đời tại giáo xứ Kẻ Sặt.
  • Năm 1883: Đức cha Terrés Hiến, Giám mục Địa phận Đông lập Trường Lý – Đoán (Đại chủng viện) tại Kẻ Sặt.
  • Năm 1900: Từ ngày 11/02 đến ngày 6/3, tại Giáo xứ Kẻ Sặt là nơi tổ chức: Hội Công Đồng miền Bắc lần thứ nhất. Tham dự Công đồng miền này gồm 6 Giám mục, 8 nghị phụ. Đức cha Terrés Hiến, Giám mục địa phận Đông chủ tọa Công đồng.
  • Ngày 23/4/1906  Đức cha Terrés Hiến tạ thế, và thì hài Ngài được an táng tại lòng nhà thờ Kẻ Sặt.
  • Ngày 14/10/1906: Tại Giáo xứ Kẻ Sặt, thừa sai Nicasio Arellano Huy, được tấn phong Giám mục hiệu tòa Cocussus, do Đức Cha Valasco Khâm, Giám mục Địa phận Bắc chủ phong. (trước khi từ trần Đức Cha Terrés Hiến đã xin tòa thánh cho cha Nicasio Arellano Huy làm Giám mục kế vị ngài).
  • Ngày 9/12/1917: Tại Giáo xứ Kẻ Sặt, thừa sai Francisco Ruiz de Azua Minh được tấn phong Giám mục. Cũng năm đó thành lập Hội thánh Giuse, gây quỹ để giúp việc truyền giáo, thành lập Hội thánh Camilo giúp đỡ kẻ liệt.
  • Năm 1922: Hoàn thành đại công trình nhà thờ Kẻ Sặt với tầm vóc và quy mô đồ sộ, to lớn bậc nhất Địa phận lúc bấy giờ.
  • Ngày 19 tháng 3 năm 1933. Cha Francois Gomez de Santiago (Gomez Lễ) được tấn phong Giám mục tại xứ Kẻ Sặt do Đức khâm sứ Dreyer chủ phong và hai Đức cha Đông và Trung phụ phong. Tham dự lễ tấn phong còn có nhiều Đức Giám mục, giáo sĩ và tu sĩ thuộc nhiều địa phận miền Bắc, có các quan chức phần đời và đông đảo bà con giáo dân tham dự.
  • Năm 1945: Cha Giuse Chất, chính xứ Kẻ Sặt được làm Cố Chính địa phận Hải Phòng. Ngài qua đời ngày 9/9/1952, tại nhà xứ Kẻ Sặt và được an táng tại nghĩa địa Giáo xứ.
  • Năm 1954: Sau khi ký hiệp định đình chiến 20/7 là thời điểm đầy biến động và ly tán. Làng sặt một thời tan hoang, vườn không nhà trống. Người ta ước tính có tới 80% số giáo dân di cư vào Miền Nam. Đất nước tạm thời bị chia cắt cho đến ngày 30/4/1975, Nam – Bắc sum họp một nhà, nhiều con dân Kẻ Sặt Miền Nam có dịp trở về cố hương.
  • Cuối năm 1954: Cha Gioan Kim Nguyễn Quang Mỹ từ Đông Khê (Quảng Ninh) được bài sai về làm cha chính xứ Kẻ Sặt, đồng thời ngài cũng là cha chính địa phận. Ngài qua đời ngày 23/11/1977 tại Tòa Giám mục Hải Phòng và thi hài đã được đưa về an táng tại Nghĩa địa Công giáo Kẻ Sặt.
  • Năm 1979: Cha Phê-rô Đoàn Văn Kiểm được bài sai về làm chính xứ Kẻ Sặt đến năm 1987.
  • Ngày 01 tháng 12 năm 1989: Cha Đaminh Nguyễn Chấn Hưng được bài sai về làm chính xứ Kẻ Sặt. Tháng 6 năm 1997, cha Đaminh cho tiến hành trùng tu nhà thờ Kẻ Sặt, chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm Công đồng và đón năm thánh 2000.
  • Ngày 14/10/1999: Kẻ Sặt được ấn định để khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 100 năm Công đồng miền (1900 – 2000). Đây cũng là dịp con dân Kẻ Sặt Bắc – Nam sum họp mừng biến cố trọng đại này. Nhân dịp này, giáo xứ cũng đón nhận Sắc Tòa Thánh ban ơn Toàn xá.
  • Ngày 4/01/2003: Đức Tân Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, người con của Giáo xứ Kẻ Sặt về quê hương dâng lễ tạ ơn. Trước đó, ngày 02/01/2003 Ngài được tấn phong Giám mục tại nhà thờ chính tòa Hải Phòng.
  • Ngày 02/02/2004: Tại Kẻ Sặt, Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 11 thầy Phó tế.
  • Năm 2008: Cha Gioan Baotixita Bùi Văn Nhượng về nhận chính xứ Kẻ Sặt.
  • Ngày 11/6/2011 Đức tổng giám mục Leopoldo Girelli khâm sứ tòa thánh và Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên giám mục Hải phòng, thăm mục vụ giáo xứ Kẻ Sặt.
  • Năm 2012: Đức Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên thiết lập ngày hành hương truyền thống của linh mục Giáo phận Hải phòng vào ngày 30/6 là ngày mừng kính cha thánh Vinh-sơn Đỗ Yến, Tử Đạo. Và chọn Ngài làm quan thầy linh mục đoàn Hải Phòng.
  • Ngày 13 tháng 12 năm 2015: Giáo xứ Kẻ Sặt được vinh dự tổ chức lễ Khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót cấp Giáo phận, do Đức Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ sự nghi thức mở cửa Thánh và Thánh lễ, cùng với 76 linh mục triều và dòng. Số giáo dân tham dự ước tính trên 10 ngàn người. Trước nghi thức mở cửa năm thánh, đã diễn ra một cuộc rước long trọng từ đền thánh An-tôn về nhà thờ Kẻ Sặt.
  • Ngày 27/3/2017: Cha Phêrô Nguyễn Văn Nguyên về nhận chính xứ Kẻ Sặt cho đến nay.
  • Ngày 6/10/2019: Đức Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, về Kẻ Sặt quê hương dâng lễ tạ ơn về sứ vụ Ngài mới lãnh nhận. Trước đó, ngày 17/11/2018 Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Giáo phận Hà Nội. Ngày 18/12/2018 Ngài nhận xứ vụ tại Nhà thờ chính tòa Hà Nội.
  • Ngày 28/12/2020: Thánh lễ tạ ơn nhân kỷ niệm 120 năm Công đồng Kẻ Sặt (1900 – 2020). Tôn vinh 26 Anh Hùng Tử Đạo làng Sặt, tri ân các bậc tổ tiên. Nhân dịp này, có sự hiện diện của quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ và nhất là bà con giáo dân Kẻ Sặt 2 miền Nam – Bắc sum họp.
  • Giáo xứ hướng tới năm 2022: Nhân kỷ niệm 100 năm hoàn thành đại công trình thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt (1922 – 2022) chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đức Maria Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, Cha thánh Vinh-sơn Đỗ Yến, các Anh Hùng Tử Đạo Làng Sặt để hân hoan vui mừng hướng tới ngày hồng phúc đó.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW