Sống và nuôi dưỡng lời Chúa trong làng Sặt
Kẻ Sặt (Tráng Liệt, Bình Giang, Hải Dương), một xứ đạo lớn với khoảng 5000 giáo dân, đi qua hơn 300 năm thăng trầm cùng lịch sử, là quê hương của nhiều chứng nhân tử đạo và là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của hạt mến tin đã được gieo vào lòng đất Việt.
Nhà thờ Kẻ Sặt – Ảnh: Yên Lam
Kẻ Sặt là nơi ghi dấu những tháng ngày miệt mài phục vụ đoàn chiên của vị thánh linh mục tử đạo Vinhsơn Ðỗ Yến cùng 26 chứng nhân đã đổ máu vì niềm tin vào Ðức Kitô. Có lẽ vì được kế thừa dòng máu anh hùng của bậc tiền nhân mà dù đi đến đâu, nếp sống đạo được truyền thừa qua bao đời vẫn được người làng Sặt gìn giữ và thi hành. Ðiều này có thể dễ dàng nhận thấy khi đến thăm xứ đạo Kẻ Sặt (gốc) ở Hải Dương và xứ Sặt (di cư) ở giáo phận Xuân Lộc. Cách xa nhau hai miền Nam – Bắc nhưng từ tên xứ, tên khu, nếp làng đều giống nhau, ngay cả phương cách hoạt động trong xứ đạo cũng như nhau. Ở xứ này, giới cao niên đóng một vai trò rất quan trọng. Các cụ với kinh nghiệm sống lâu đời, với những trải nghiệm thực tiễn phong phú là “hội đồng cố vấn” nòng cốt cho mọi sinh hoạt làng xứ. Từng hoạt động dù lớn hay nhỏ đều được đưa ra bàn thảo cùng các bậc lão thành rồi mới đem vào thực hiện. Ðiều đó đảm bảo sự công khai, đồng thuận cao độ trong toàn thể cộng đoàn và mọi việc đều có thể tiến hành thuận lợi. Cha chánh xứ Phêrô Nguyễn Văn Nguyên nhận định: “Tinh thần chủ động, nhiệt thành trong mọi hoạt động luôn thể hiện rõ nơi cộng đoàn Kẻ Sặt. Mọi người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc làm cho giáo xứ ngày một thăng tiến. Ðây là môi trường tốt để các sinh hoạt đạo đức dễ đạt được hiệu quả mong muốn và tạo nên sự cuốn hút mạnh mẽ lan rộng khắp nơi”.
Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên dâng lễ tạ ơn dịp nhận sứ vụ mới tại quê hương Kẻ Sặt – Ảnh: Gx Kẻ Sặt
Người Sặt nổi tiếng giỏi kinh thương. Có nhận xét rằng người Sặt đi đến đâu cũng buôn bán thành công, lập làng, lập chợ sầm uất. Khả năng ấy có lẽ đã được hình thành nhờ sự nhạy bén tư duy cùng điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên đã ưu đãi nơi đây. Làng Sặt nằm gọn trong khúc uốn của sông Nghĩa Giang (sông Sặt – một nhánh của sông Hồng). Ðây là nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và là tuyến giao thông thuận tiện để lưu chuyển hàng hóa ra vào. Ðời sống người dân nhờ đó mà được phát triển nhiều.
Song với người Sặt, tiến bộ về kinh tế không là tất cả, giữ nếp nhà đạo, sống đức tin là phần cốt lõi không thể lãng quên vì bất cứ lý do nào đi nữa. Việc học hỏi giáo lý của lớp trẻ luôn được các gia trưởng coi trọng. Thiếu nhi được cha sở, tu sĩ, giáo lý viên dạy kiến thức đạo ở nhà thờ và được phụ huynh tiếp tục đồng hành sống đạo khi ở nhà. Noi gương ông bà, cha mẹ, anh chị…; các em tiếp nối sợi dây tin yêu đã đi qua bao thế hệ, để làm cho Kẻ Sặt luôn sốt sắng lửa mến Chúa. Ai đó ghé thăm giáo xứ vào những dịp lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh, sẽ cảm nhận được bầu khí sinh hoạt trang nghiêm mà không kém phần hân hoan. Mọi thành phần trong xứ luôn liên kết chặt chẽ để cùng nhau dựng xây điều tốt đẹp và ngăn trở những điều tiêu cực xâm lấn vào đời sống hằng ngày. Tinh thần đoàn kết là điểm sáng của cộng đồng này.
Ðến nay vẫn chưa xác minh được thời điểm chính xác hạt Tin Mừng được gieo vào Kẻ Sặt. Có tài liệu viết rằng năm 1627, một linh mục thừa sai dòng Tên đã đến làng Tráng Liệt rao giảng Tin Mừng. Tài liệu khác lại ghi giai đoạn các thừa sai đến đây là vào năm 1676 – 1677. Lời Chúa nhờ công sức của các vị mà được đem đến cho con chiên làng Sặt. Mọi người gia nhập đạo và làng thành giáo xứ toàn tòng vào năm 1695. Trong những cuộc bách đạo xảy ra ở thế kỷ 18, 19 nhiều người con của họ đạo đã ngã xuống để niềm tin nơi đây được củng cố. Việc di cư vào Nam trong khoảng giữa thế kỷ 20 khiến cho xứ này mất đi chừng 80% số giáo dân. Ði qua tất cả những thay đổi ấy, xứ đạo Kẻ Sặt vẫn tồn tại và lớn mạnh đến ngày nay.
Đoàn diễu hành trong ngày thứ 6 Tuần Thánh – Ảnh: Gx Kẻ Sặt
“Quê nhà là kỷ niệm, niềm tự hào, là điểm tựa chúng tôi nhớ hoài và kể lại cho cháu con dù ở nơi nào đi nữa” là chia sẻ của cụ Phạm Thanh Cứu, một người con Kẻ Sặt đã vào Nam sinh sống 65 năm. Ðức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên khi về quê dâng thánh lễ tạ ơn cùng bà con chòm xóm quen thuộc đã xúc động chia sẻ: “Quê hương hai chữ thân thương, ngọt ngào; về với quê hương như tìm được sự nâng đỡ và sức mạnh cho đời sống thiêng liêng và hành trình bước theo Chúa. Hơn bao giờ hết, hôm nay tôi đã cảm nhận được những điều tuyệt vời ấy. Cũng tại nơi nhà thờ này, tôi đã khởi đầu ơn gọi từ năm 11 tuổi cho đến bây giờ Chúa đặt làm mục tử của Tổng Giáo phận Hà Nội. Xin tạ ơn Chúa nhân từ và tri ân quý đấng bậc, quý thân nhân, ân nhân cùng tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, đã trợ giúp tôi trên chặng đường đã qua. Xin tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ, để tôi có thể chu toàn sứ vụ mà Chúa đã trao phó”.
Tháng 5 tiến hoa dâng Mẹ
Ði Hải Dương, thăm làng Sặt, nếm miếng bánh đa ngọt ngào, thơm mùi vừng nướng, cay cay vị gừng và nghe kể chuyện đời, chuyện đạo xưa nay. Như một vị lão làng đã chứng kiến bao cuộc bể dâu suốt hơn 300 tuổi, xứ đạo Kẻ Sặt là một trong số những đàn anh đi trước để nhiều họ đạo khác nhìn về và có thêm động lực hầu tiếp tục vượt chông gai giữa đời.
YÊN LAM
Nguồn: cgvdt.vn