Sự chúc phúc của Thiên Chúa
Để nên một trong tình yêu, đôi bạn trẻ đã phải bỏ đi những cái riêng của bản thân mà đến với nhau. Nhiều đôi bạn đã cảm thấy thật hạnh phúc vì “được bỏ đi” ít nhất là cái tôi của mình, tuy nhiên cũng không ít những đôi bạn mang trong mình nỗi sầu vì “bị bỏ đi” thật nhiều cái tự do. “Được” hay “bị” đều nằm trong suy nghĩ của mỗi cá nhân trong đời sống hôn nhân gia đình. Cảm nhận hôn nhân là sự “chia ngọt sẻ bùi” hay “đeo gông vào cổ” là do cách thức chúng ta đón nhận và trao ban tình yêu mà thôi!
Thiên Chúa chẳng bao giờ làm ngơ trước từng người con của Ngài, nhất là khi cả hai cùng thề hứa trước mặt Chúa. Đời sống hôn nhân chưa bao giờ được xem là dễ dàng, thế nên Ngài lại càng tuôn đổ ân huệ nhiều hơn cho những ai đang xây đắp và gìn giữ đời sống ấy. Cái khó khăn của những người sống đời gia đình là làm sao biết dùng tất cả những gì Chúa ban một cách khôn ngoan, để làm phong phú cho đời sống của mình.
Chúa ban cho chúng ta sự tự do để đến với Ngài, chúng ta đã dùng sự tự do đó như thế nào? Có thể nói đây là một ân huệ rất quan trọng quyết định đời sống hôn nhân của chúng ta. Khi tự do trong đức tin, chúng ta có quyền chọn lựa giữa Thiên Chúa hay một loài thụ tạo nào khác. Chọn lựa Thiên Chúa là để Ngài dẫn chúng ta đến nguồn hạnh phúc vô biên, đến những giá trị vĩnh cửu mà không phải đợi đến đời sau, mà ngay từ đời này chúng ta đã được hưởng. Khi cả hai cùng đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, chắc chắn cả hai sẽ cùng đi trong đường lối Chúa; đó là đường lối của tình yêu, của chung thủy, và thành tín. Như thế, người kia sẽ không còn mang trong mình cái tôi ích kỷ, hay cảm thấy bị mất tự do khi chung sống với người bạn đời của mình. Hạnh phúc tồn tại là do được san sẻ với nhau trong mọi sự, được thấy ý nghĩa của những hy sinh, và nhất là một sự trao ban tình yêu vô vị lợi.
Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để mưu sinh, chúng ta có dùng sự khôn ngoan ấy không? Khôn ngoan của Thiên Chúa không như khôn ngoan của con người. Chúng ta phải chịu thua thiệt khi sống đúng luật công bằng, phải bị xem thường khi không biết mưu toan giả dối, phải đón nhận sự chê cười khi thật thà ngay thẳng, phải chấp nhận sự loại trừ khi không biết hùa theo đám đông… Khi sự khôn ngoan của con người thắng thế, thì quyền lực của ma quỷ làm chủ con người chúng ta. Sẽ chẳng thể có tình yêu khi anh và em không chấp nhận sự thua thiệt trong đời sống gia đình: Anh phải nhậu nhẹt ư? Em cũng phải tìm thú vui riêng cho mình! Anh tốn hàng giờ để giải trí ư? Em cũng phải thư giãn với bạn bè!… Cứ như thế, mỗi người vô tình xây một lâu đài kiên cố cho riêng mình, những bức tường đã trở nên rào cản tình yêu, chỉ còn lại sự cân đo đong đếm mà thôi. Cũng không thể tồn tại sự chân thật trong gia đình khi cả hai đều không mở lòng. Có nhiều lúc, chúng ta thật vô tâm chẳng để ý tới người bạn đời của mình đang nghĩ gì hay lo lắng việc gì. Dường như chúng ta đề cao cái gọi là “tôn trọng sự riêng tư” của anh ấy hay cô ấy một cách thái quá, đến độ sự tôn trọng ấy trở nên sự biện hộ cho thái độ hờ hững của chúng ta; vô tình tạo nên một khoảng cách càng ngày càng xa của cả hai, khiến cho sự níu kéo trở nên quá khó khăn và không cứu vãn được. Càng tệ hại hơn là khi cả hai không dám đối diện trước mặt Thiên Chúa, cũng không dám đối diện với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Mỗi người đều có một phía để quyết định, dẫu biết rằng phía ấy không hề có sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chúa ban cho chúng ta mọi thứ hiện hữu nơi trần gian này để chúng ta được phát triển; có những thứ sẽ trở nên phương tiện tốt lành, và có những thứ sẽ là cản trở cho chúng ta. Dùng chúng như thế nào đây? Chắc chắn, Chúa đòi hỏi chúng ta phải biết sử dụng và gạt bỏ. Sử dụng mọi thứ khiến cho cuộc đời của chúng ta được sinh hoa kết trái như: sức khỏe để phục vụ, công việc để sinh lợi, tiền của để san sẻ… Và biết gạt bỏ những thứ làm cản trở con đường theo Chúa như: sức khỏe để hoang phí, công việc để ô danh, tiền của để hưởng thụ… Sự hiện diện của người chồng hoặc người vợ trong cuộc đời của chúng ta sẽ biến chúng ta trở nên tình yêu của Thiên Chúa. Chẳng ai là người hoàn hảo, nhưng khi có tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nên hoàn hảo. Có tình yêu của Thiên Chúa nghĩa là cả hai cùng biết kéo Ngài vào đời sống của mình và để Ngài làm chủ cuộc đời của mình. Chỉ cần sự hiện diện của Ngài, chắc chắn đời sống hôn nhân gia đình sẽ bền vững vì chính Ngài là Tình Yêu.
Quả thật, Thiên Chúa luôn chúc phúc cho đời sống hôn nhân gia đình. Nếu chúng ta gặp nhiều trở ngại, thì hãy nhìn lại xem: chúng ta đã biết nài xin Chúa ngự trị trong cuộc sống của chúng ta chưa? Nài xin Chúa có nghĩa là để cho Ngài làm việc trên chúng ta theo ý của Ngài, đừng bắt Ngài đi theo con đường của chúng ta; vì chỉ có con đường của Ngài, chúng ta mới đạt được hạnh phúc viên mãn mà thôi!
Therese Trần Thị Kim Thoa
Nguồn: dongten.net