Suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa (13/01/2019)
CHÚA NHẬT THỨ NHẤT THƯỜNG NIÊN (13/01/2019)
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
A. Lời Chúa: Is 40, 1-5.9-11 (hoặc Is 42,1-4.6-7); Tt 2,11-14; 3,4-7 (hoặc Cv 10,34-38); Lc 3,15-16.21-22.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Ðấng Mêsia. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Ðức Giêsu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
Đó là lời Chúa
B. Những chú giải cần lưu ý
Đấng Messia: tức là “Đấng được xức dầu”: Muộn nhất là từ đầu thế kỷ II trước công nguyên, trong Do Thái giáo Palestin, có kết tinh một nỗi niềm chờ mong Đấng Messia. Như lời sấm của ngôn sứ Nathan trong sách Samuel quyển hai (2Sm 7, 14-17): “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi”. Điều này đã tiết lộ lời hứa của Thiên Chúa là ban cho một vương tộc và minh nhiên qui chiếu về vua David (vị Vua thay thế vua Sa-un) trong lịch sử như là “Đấng được xức dầu” của Thiên Chúa Giacob. Trong niềm mong chờ đó, thật dễ hiểu khi dân chúng thấy Gioan Tẩy giả với cách sống và lời kêu gọi sám hối của ông rất “Tiên tri”, đã có hy vọng ông chính là Đấng phải đến – Messia. Nhưng thật đáng yêu cho sự thật thà và khiêm nhường của Gioan! khi ông đã thẳng thắn trả lời và giới thiệu trước về Đấng Messia đích thực: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Đó là lời chứng của Gioan tẩy giả – người mà Đức Giêsu đã khen tặng: "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc 7,28a) là một con người đã nhận đúng vị thế của mình trước Thiên Chúa, là đến cả việc xách dép cho Ngài còn không xứng và đó cũng chính là sự khiêm nhường đích thực. Như mục đích sống của ông đã được viết trong Tin Mừng Gioan (Ga 3, 30): Người phải lơn lên, còn tôi phải nhỏ lại.
Phép rửa trong Thánh Thần và lửa: Nước trong Bí tích rửa tội, theo sách Giáo lý Công giáo là có ý nói về nghi thức bên ngoài, được thực hiện trên thân xác; còn lửa là biểu tượng diễn tả sự biến đổi bên trong tâm hồn. Trong khi nước chỉ đạt tới bề mặt của các sự vật, thì lửa thấm sâu vào, là đốt nóng lên, là thanh luyện như có câu: “Lửa thử vàng – gian nan thử sức”, và lửa cũng có nghĩa là ánh sáng Đức Kitô như ta có thể thấy rõ ý tưởng này trong Thánh lễ Vọng Phục sinh, Đức Kitô chính là Ánh sáng chiếu soi thế giới. Trong phép rửa của Đấng Messia thiết lập, chúng ta sẽ gặp lửa của Thánh Thần, bởi vì chính Ngài thánh hóa các tâm hồn. Lửa trong bí tích Rửa tội là lửa tình yêu của Chúa Giêsu trải rộng trên trái đất này. Như Kinh Thánh có câu: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (Lc 12, 49).
- Hoặc sách Công vụ Tông đồ có kể: Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 4-5).
- Và Công vụ Tông đồ cũng có nói đến lưỡi lửa: Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2, 1-4).
CẦU NGUYỆN – PHƯƠNG THẾ TUYỆT VỜI TRONG TƯƠNG GIAO VỚI THIÊN CHÚA
- Chính trong cầu nguyện mà Đức Giêsu với tư cách một con người đã KÍNH CẨN – KHIÊM HẠ – VÂNG LỜI để thiết lập một tương giao với Thiên Chúa, và được Ngài chuẩn nhận qua việc thần hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”. Đây là lời Chúa Cha công bố tước hiệu Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu, để nói lên sự hiệp nhất thâm sâu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, có nghĩa là Chúa Giêsu đồng bản tính với Chúa Cha. Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể qua việc chịu phép rửa, khởi đầu sứ mạng cứu độ nhân loại, đó là điều đẹp lòng Chúa Cha. Chính sự Khiêm hạ và Vâng lời này đã nâng phẩm giá của con người Đức Giêsu lên làm con của Thiên Chúa, vì phải là một người con thảo mới luôn mong muốn làm theo ý Cha.
- Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người: Đối với Đức Giêsu, việc cầu nguyện thực sự là một việc làm thường xuyên và liên tục trong cả cuộc đời dương thế của Ngài, đã thấy hoạt động cầu nguyện của Ngài rất dày đặc: Xem thêm (5,16; 6,12; 9,18.28-29; 11,1)… Mặt khác, lời cầu nguyện của người Kitô hữu chủ yếu hệ tại việc cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, và nói về sự liên đới giữa cầu nguyện trong cộng đoàn và ân huệ của Thánh Thần.
- “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13)
- “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 31).
SÁNG KIẾN CỦA THIÊN CHÚA – LIÊN ĐỚI ĐỂ CỨU ĐỘ
- Phép rửa của Gioan là một nghi thức chỉ sự sám hối do đó đã hàm ý người chịu phải có tội. Vậy Đức Giêsu có tội không? Chúa không có tội nhưng Ngài đã gánh lấy mọi tội lỗi loài người, để rồi Ngài cúi mình sám hối xin Gioan làm phép rửa cho. Đây chính là sáng kiến của Thiên Chúa, Ngài sai Con Một xuống thế làm người để chấp nhận liên đới với loài người tội lỗi, bất toàn và khổ đau…
- "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi." Ðức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. (24) Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh” (St 3, 22-24).
- Do tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt hoàn toàn. Cho nên loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và phải đắm chìm trong cõi chết… Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Giê-su đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người, và Ngài đã bước xuống dòng sông Gio-đan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.” Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội lỗi bất phục tùng của A-đam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam mới là Chúa Giêsu, mà cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.
- Được đầy sức mạnh Thánh Thần, được chuẩn nhận trong ý thức về Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa, luôn hiệp thông đặc biệt với Cha, Đức Giêsu vĩnh viễn lãnh nhận sứ mạng bắt tay vào công trình cứu độ, theo ý định của Thiên Chúa mà hôm nay chúng ta nghe Luca kể lại ngay tại ngưỡng cửa của sứ vụ công khai của Đấng Cứu Thế. Với biến cố Thánh Thần được ban xuống, Con Thiên Chúa đã bước vào cuộc đời nhân loại để khai mở thời đại Nước Trời – thời đại sau hết. Đối với chúng ta cũng vậy, cầu nguyện là lúc thuận tiện nhất để gặp gỡ và nhận lãnh hồng ân của Thánh Thần, Ngài sẽ hướng dẫn, biến đổi đời sống chúng ta nên con cái Thiên Chúa.
C. Chúng ta sống lời Chúa
1. Trước khi xóa tội nhân loại bằng Máu và Lửa, Đức Giêsu đã sám hối thay cho nhân loại, bằng việc dìm mình xuống sông Jordan, để được Gioan (kẻ chẳng đáng xách dép cho Ngài) rửa tội. Đời sống Kitô hữu của chúng ta cũng phải vươn tới và sống Mầu nhiệm Vượt qua này, phải hạ mình kính thờ Thiên Chúa, cầu nguyện để lắng nghe và vâng phục Thánh ý Chúa. Đây chính là thái độ cần có của người con đối với Cha, chính Đức Giêsu đã sống tâm tình này với Thiên Chúa Cha. Cho nên mỗi Kitô hữu phải noi gương Chúa Giêsu sống yêu mến, khiêm tốn và vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
- Thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô – gương mẫu trọn lành của Thiên Chúa đã dạy: “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”. (Lc 22, 27).
- Hoặc ở đoạn khác Ngài nói: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". (Mc 10, 14-15).
- Sống Lời Chúa là chấp nhận mình, chấp nhận người qua việc sống yêu thương, vui tươi để phục vụ người khác vì” Ở đâu có Kitô hữu ở đó có niềm vui” (ĐGH Phanxicô). Nhất là những người bé mọn, hèn mạt nhất trong xã hội. Cần có một lối sống khiêm hạ trong cuộc sống hàng ngày như Đức Giêsu tại làng Nazareth, Sự khiêm hạ chống lại mọi tư tưởng và khuynh hướng ích kỷ cá nhân, chống lại khuynh hướng muốn thống trị, tinh thần khiêm nhường phục vụ là chống lại thói lười biếng và huênh hoang tự đắc.
2. Nếu chúng ta sống trung thành nếp sống con cái là Khiêm nhường, Lắng nghe và Vâng phục với Cha, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe Chúa Cha tuyên bố: “Con là con của Cha”. Rồi Ngài sẽ đưa chúng ta vào trong cuộc sống vinh quang của Ngài; còn trong lúc này, Ngài sẽ ban niềm an ủi, ơn soi sáng, và đủ mọi thứ ân huệ cho chúng ta. Như sách Tông đồ Công vụ nói: Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận.
3. Vào lúc Đức Giêsu chịu phép rửa, trời đã mở ra: giữa con người và Thiên Chúa, lại có thể có quan hệ thân tình. Cái hàng rào giữa Thiên Chúa và chúng ta, đã bị dựng lên do tội lỗi của loài người (Với Adam làm đại diện), nay được hủy bỏ, bởi bây giờ đã có một con người (là Thiên Chúa Ngôi Hai tự hạ làm Người Giêsu) luôn Tâm giao trong yêu mến với Thiên Chúa. Trời đã đóng lại vì tội lỗi, nay lại mở ra để Thần Khí được ban xuống trên một con Người có khả năng đón nhận Ngài trọn vẹn. Kể từ nay, qua con người tên là Giêsu này, mọi người lại có thể đi tới được với Chúa Cha. Như Tông đồ công vụ viết: Quý vị biết rõ: Ðức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. (Cv 10, 38). Là người Kitô hữu chúng ta cần luôn cảm tạ Thiên Chúa vì đây chính là niềm hy vọng hằng sống của chúng ta.
4. Chính là trong khi cầu nguyện mà Đức Giêsu thiết lập được một tương quan với Thiên Chúa là Cha. Chúng ta cũng cần làm như vậy, cầu nguyện là những khoảnh khắc ưu tuyển để gặp gỡ Thiên Chúa, và nhận được dồi dào hơn nữa các ân huệ của Thánh Thần. Vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện – cầu nguyện luôn và cầu nguyện liên lỉ.
5. Qua Bí tích Thánh Tẩy và với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa ở với chúng ta qua mọi hoạt động trong đời sống… Cũng như Đức Giêsu và cùng với Đức Giêsu, chúng ta được ơn Chúa Thánh Thần dẫn dắt để loan báo cho người khác, nhất là với những người kém thế trong xã hội, với thông điệp cần loan báo là: họ cũng là “con yêu dấu” của Thiên Chúa, dù chúng ta có nghèo hèn hay tội lỗi mấy đi nữa, tất cả chúng ta cũng cùng được kêu gọi để tháp nhập làm một với thân thể của Đức Kitô hằng sống, không thể chấp nhận chuyện chúng ta chê chán hay cô lập nhau. Chúng ta không chỉ loan báo bằng môi miệng, nhưng bằng cả việc làm nữa, vì lời nói có thể gió bay nhưng gương lành thì lôi cuốn. Đối với những người chịu đau khổ, chỉ lời nói bằng môi miệng thôi thì không đủ để an ủi họ, mà phải hành động nhằm giúp đỡ họ qua cơn đau khổ. Hiện nay còn nhiều người và nhiều gia đình đang đau khổ vì tội lỗi, lạnh nhạt, ngoại tình, mất niềm tin hay các tệ nạn xã hội đang lôi kéo và hành hạ họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, sống và chia sẻ niềm Tin và Hy vọng vào Tin Mừng Đức Kitô (thực thi Bác ái trong khiêm nhường) với họ. Nếu có thể, hãy mạnh tay lôi những đứa con lầm lạc, thác loạn, tệ nạn đến với Bí tích Giao hòa và nhận lãnh Thánh Thể để chúng được ủi an, mạnh sức và ngược sóng trở về với Chúa. Xin đừng bàng quan và vô cảm nữa, hãy sắn tay áo lên và hành động nhân danh Đức Tin, lòng Cậy Trông vào ơn Chúa, chắc chắn Chúa chẳng để chúng ta thất bại khi thi hành Thánh ý Ngài, như chính Ngài đã làm Người để đồng hành và nâng đỡ chúng ta.
Chúa nhật 13/01/2019
Đốm lửa nhỏ