Suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật II Mùa Vọng năm C
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (09/12/2018)
Lời Chúa: Br 5,1-9 ; Pl 1,4-6.8-11 ; Lc 3,1-6
1. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
(1) Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, (2) Khanna và Caiphai làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. (3) Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, (4) như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
(5) Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
(6) Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đó là lời Chúa
2. Chia sẻ: Sám hối – Tại sao phải sám hối?
Như bài chia sẻ CN I mùa vọng chúng ta đã nhìn nhận tính bất toàn và hữu hạn của trần gian. Chẳng cuộc vui nào là mãi mãi, chẳng lạc thú nào là hoàn hảo. Vậy cùng đích của đời người là gì, nếu không phải là Hạnh phúc và hơn nữa là một Hạnh phúc vĩnh cửu? Thiên Chúa ngỏ lời yêu thương qua Thánh Gioan Tiền hô, mời gọi chúng ta ”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối chính là một thái độ sống cần có để đạt được Hạnh phúc vĩnh cửu.
- Vậy sám hối đích thực là như thế nào?
- Thiên Chúa vốn đã và vẫn yêu thương con người, Ngài mời gọi con người bước vào Hạnh phúc đích thực của Ngài, nơi đó không có sự chết hay sự hữu hạn như trần gian. Khi Thiên Chúa mời gọi tôi sống Hạnh phúc, vậy tôi đã sống Hạnh phúc như Thiên Chúa muốn không? Tại sao tôi không Hạnh phúc?
- Hãy xem lại cách chúng ta sống: Tôi sống với bản thân như thế nào? Tôi sống với người khác như thế nào? Tôi sống với Thiên Chúa như thế nào? Tôi sống với vạn vật như thế nào?. Và tôi có thực sự sống như Thiên Chúa muốn tôi sống không? Hãy nhìn vào cách mà người ta gây bất hạnh cho nhau, dễ thấy chính cái cách chúng ta sống với nhau đã làm chúng ta trở nên bất hạnh hay hạnh phúc.
- Do đó sám hối chính là nhận ra mình chưa thật sự sống như phải sống. Là nhận ra mình chưa thật sự sống như Thiên Chúa muốn, là chưa sống yêu thương tha thứ… để được Hạnh phúc.
- Phải chăng tôi đã quá bận tâm và lo lắng về những thứ hữu hạn như cơm áo gạo tiền mà thiếu một niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng yêu thương sẽ ban cho tôi thứ tôi thực sự cần (xem Mt 6,25). Phải chăng tôi muốn có thật nhiều và vô hạn cho tôi, gia đình tôi, đó chính là tội mà tôi đã phạm giống như Nguyên tổ của tôi đã phạm. Hay tôi cần thật nhiều để tích trữ trong nhiều năm và nhiều thế hệ con cháu tôi? Thật đáng tiếc là ngay ngày mai tôi có thể chẳng còn để thụ hưởng điều đó (xem Lc 13.20).
- Phải chăng tôi muốn mọi người phải tùng phục tôi bất kể tự do của họ?
- Và một câu hỏi phải đặt ra: Đã sám hối thì phải làm gì?
- Đức Giêsu là Thiên Chúa đã cho chúng ta câu trả lời: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Nghĩa là Vui với người vui và khóc với người khóc. Chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này như ngạn ngữ có câu: “Niềm vui được chia sẻ – niềm vui nhân đôi, nỗi buồn được chia sẻ – nỗi buồn chia đôi”. Từng chút từng ngày niềm vui nhân lên và buồn phiền vơi dần. Hạnh phúc dần lớn lên trong lệnh truyền yêu thương của Thiên Chúa – Bình an tới.
- Lạy Chúa con đã hiểu và Sám hối:
- Bấy lâu nay con chưa sống Yêu thương như Chúa dạy: Chúa dựng nên con để tôn vinh Chúa trong Tín thác – Khiêm nhường – Vâng lời và yêu thương Chúa! vậy mà cuộc đời con có mấy khi ở cùng Chúa và ở với Chúa.
- Bấy lâu nay con chưa sống Yêu thương như Chúa dạy: Con hủy hoại bản thân trong những lạc thú chóng qua, đam mê những mục tiêu nhỏ mọn mà bỏ quên Chúa và giới răn Ngài.
- Bấy lâu nay con chưa sống Yêu thương như Chúa dạy: Con chỉ quan tâm đến bản thân và các đòi hỏi ích kỷ của nó, mà bỏ quên mọi người cũng như ước mong và nhu cầu được yêu thương của họ.
- Bấy lâu nay con chưa sống Yêu thương như Chúa dạy: Vì những lợi ích cá nhân nhỏ hẹp con vẫn bất chấp môi trường sống của cộng đồng. Hủy hoại môi trường văn hóa bằng lối cư xử bất nhã, hủy hoại môi trường tự nhiên bằng xả rác, xả thải,… sử dụng tài nguyên Chúa ban một cách phí phạm vô lối hay hủy hoại môi trường xã hội bằng việc lấn chiếm lòng lề đường đến bất chấp sự an nguy của người khác…
CN II Mùa vọng 2018
Đốm Lửa Nhỏ