“Ta hãy lấy đức tin bù lại” – Bài giảng Chúa nhật XX thường niên

17-08-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở “Ta hãy lấy đức tin bù lại” – Bài giảng Chúa nhật XX thường niên by

Con người không thể dùng lý trí mà chứng minh sự hiện diện của Chúa trong Hình Bánh và Hình Rượu. Chính vì vậy, trong bài ca kính Mình Thánh, chúng ta hát: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì” (Ca kính Thánh Thể – Tantum ergo).

Trong bốn Chúa nhật liên tiếp, Lời Chúa trong Phụng vụ đều mang nội dung chính là giáo huấn về Bí tích Thánh Thể. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Bí tích này đối với đời sống của Kitô hữu. Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (GH 11). Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo cũng tiếp nối giáo huấn của Công đồng để tái xác quyết điều này (x. SGLGHCG số 1324). Tuy vậy, không ít Kitô hữu hiểu và ý thức được điều này. Trong một bài chia sẻ về Bí tích Thánh Thể, Phó tế Mike Houghton cho biết, theo kết quả một cuộc thăm dò, có đến trên 50% tín hữu Công giáo không tin sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Điều này dễ hiểu, vì “đây là màu nhiệm đức tin”. Con người không thể dùng lý trí mà chứng minh sự hiện diện của Chúa trong Hình Bánh và Hình Rượu. Chính vì vậy, trong bài ca kính Mình Thánh, chúng ta hát: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì” (Ca kính Thánh Thể – Tantum ergo).

Những đoạn Tin Mừng được đọc trong bốn Chúa nhật (từ Chúa nhật 16 đến Chúa nhật 20 Thường niên, năm B) đều được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan, và khởi đi từ việc Chúa Giêsu làm “dấu lạ” cho bánh hóa ra nhiều. Từ năm cái bánh lúa mạch và hai con cá của một bé trai mang theo, Chúa đã nhân ra nhiều và nuôi năm ngàn người ăn no nê dư thừa, không kể phụ nữ và trẻ em. Việc nhân bánh ra nhiều được những người đương thời đón nhận nhiều cách khác nhau. Trước tình trạng này, Chúa Giêsu đã tranh luận với người Do Thái về đề tài “bánh hằng sống”. Khởi đi từ bánh vật chất và manna trong hành trình sa mạc, Chúa Giêsu đã từng bước mạc khải cho họ về Bánh Trường sinh và quả quyết: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Nếu chỉ căn cứ vào ngôn từ, đây quả là một điều mạo phạm và kiêu ngạo. Người Do Thái đã lập tức phản ứng trước lời tuyên bố này: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Với những lời lẽ khôn ngoan và đầy uy quyền, Chúa Giêsu đã chứng minh cho họ sự khác biệt giữa manna và Bánh Hằng Sống mà Người sẽ ban. Tổ tiên của người Do Thái đã ăn manna và đã chết. Những ai ăn Bánh Hằng Sống là Thịt của Người thì sẽ được trường sinh. Nhờ kết hợp với Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, các tín hữu được hiệp thông trong tình yêu viên mãn của Ba Ngôi  Thiên Chúa.

“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Đây cũng là vấn nạn được đặt ra, mỗi khi chúng ta nói về Bí tích Thánh Thể. Bởi lẽ điều mà chúng ta nhìn thấy sau khi truyền phép, không là gì khác một tấm bánh và một ly rượu bình thường. Tuy vậy, Thiên Chúa quyền năng đã sáng tạo mọi sự từ hư vô, có lẽ nào Người không làm cho bánh hóa thành Thịt và rượu hóa thành Máu của Người? Như thế, sự hiện của Chúa Giêsu chỉ có thể được đón nhận bằng đức tin và lòng yêu mến. Tin vào quyền năng vô biên của Chúa và vào tình thương của Người. Tình  thương ấy đã thể hiện qua việc trao ban chính thân mình làm của ăn của uống cho con người. Chính vì vậy, “ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Nếu giác quan thể lý bất lực trước huyền nhiệm Thánh Thể, thì đức tin lại khẳng định với chúng ta: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Thánh Thể là bữa tiệc Chúa dọn sẵn cho chúng ta. Tác giả sách Châm ngôn đã diễn tả bữa tiệc chính Đức khôn ngoan thết đãi những ai thiện chí và thành tâm kiếm tìm Chúa. Ai đến với bàn tiệc này sẽ được hạnh phúc no nê (Bài đọc I). Người Kitô hữu vừa cung kính tôn thờ Thánh Thể, vừa sống ý nghĩa của Thánh Thể trong cuộc đời. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”. Đó là lời căn dặn của Chúa Giêsu khi Người lập Bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã trao ban chính bản thân mình cho chúng ta. Chúng ta cũng phải noi gương Người để sống tinh thần chia sẻ, cảm thông và liên đới với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ cô đơn và bất hạnh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Mane Nobiscum Domine – lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” đã viết: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng” (Mane Nobiscum Domine, số 24).

Thánh Thể vừa nuôi dưỡng đức tin của chúng ta, vừa giúp chúng ta canh tân đổi mới để nên giống Chúa. Sự canh tân này cần có nỗ lực cộng tác từ phía chúng ta. Thánh Phaolô khuyên mọi người hãy tận dụng thời gian hiện tại, từ bỏ mọi nết xấu như chơi bời say sưa, rượu chè trụy lạc. Hãy dùng thời gian để cầu nguyện và tôn vinh Chúa bằng những bài thánh ca cùng Thánh vịnh. Đây chính là một hình ảnh lý tưởng của cộng đoàn tín hữu, được thấm nhuần tâm tình cầu nguyện và tình bác ái huynh đệ. Bí tích Thánh Thể là mối dây liên kết mọi người trong tình hiệp nhất yêu thương, vì mọi người đều được nuôi dưỡng bằng một lương thực thiêng liêng là thịt và máu Đức Kitô.

“Ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế, ta sẽ suy nhược. Người ta hỏi: ‘Các sơ tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ? ‘ – Trong Thánh lễ không phải chỉ có việc rước lễ, mà thánh lễ còn làm dịu đi cơn đói của Chúa Giêsu. Người nói: ‘Hãy đến với Ta’. Người đói chính linh hồn ta »  (Mẹ Têrêsa Calcutta – được trích trong Youtcat, Tr. 176).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW