Tháng ba mừng kính bổn mạng Giáo hội
Tông huấn “Redemptoris Custos – Đấng chăm sóc Đấng Cứu Thế” (số 1) viết:
“Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu”. Vì thế, Giáo Hội đã dành tháng Ba hàng năm để mừng kính Thánh Cả Giuse, Bổn mạng của Giáo Hội và cũng là Bổn Mạng và gương mẫu của các người lao động và các gia trưởng. Ngài đã sống cuộc đời lao động để nuôi sống gia đình. Chính Chúa Giêsu, dù là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, cũng được gọi là “con của bác thợ mộc” (Lời dẫn Phụng vụ mở đầu tháng Ba trong Lịch Phụng vụ – “Những ngày Lễ Công Giáo”).
Giới thiệu về Thánh Giu-se bạn trăm năm Đức Maria, Thánh sử Mat-thêu chỉ viết ngắn gọn: “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se.” Tiếp theo là một tin gây sửng sốt: “Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai” (Mt 1, 18). Theo lẽ thường tình, gặp những trường hợp như vậy, thì chắc chắn người chồng sẽ làm ầm ĩ, rồi tố giác ra làng xã để xử (chiếu theo luật Mô-sê có thể bị ném đá cho đến chết), ấy là chưa kể ở thời đại ngày nay, anh chồng còn “tự xử án vợ” bằng cách thượng cẳng chân hạ cẳng tay hoặc “xin tí huyết” nữa. Tuy nhiên, “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1, 19).
Khi tường thuật về thái độ của Thánh Giu-se trước sự kiện thụ thai "lạ lùng" của Đức Maria, không còn từ ngữ nào xứng hợp hơn để diễn tả đức tính của ngài, vì quả thật ngài chính là “người công chính”. Theo từ nguyên thì công chính là công bằng ngay thẳng. Người công chính là người “cái gì của Xê-da trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21), liêm khiết trong mọi sự, công bằng trong mọi việc, hòa nhã với mọi người, yêu người như yêu chính mình (“ái nhân như ái thân”). Từ ngữ “người công chính” thật sự đã diễn tả được trọn vẹn đức tính chính yếu của Thánh Giu-se. Cũng vì đức tính công chính như vậy, nên sau khi nghe lời sứ thần truyền tin, "Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.” (Mt 1, 24-25).
Ngay từ Cựu Ước, đức công chính đã được các ngôn sứ diễn tả rất tỉ mỉ và chốt lại một điểm chung: “Ai sống đời công chính sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa”. Điều đó là tất nhiên, nhưng càng về sau, thì những người cầm cân nảy mực trong Do-thái giáo (kinh sư, luật sĩ, Pha-ri-sêu…) lại càng vin vào lý lẽ “người công chính là người tuân giữ trọn vẹn lề luật”, để “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.” (Mt 23, 4-5). Họ đã bị chính Đức Giê-su Thiên Chúa vạch trần tâm địa: “Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà… Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ…, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23, 24-28).
Vấn đề đặt ra không phải là quá câu nệ vào lề luật, chỉ biết “nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật.” (Mt 23, 23). Thánh Giu-se thì hoàn toàn khác hẳn. Ngài là dòng dõi vương quyền (dòng dõi vua Đa-vít), nhưng sống đời khó nghèo với lòng tín phục tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chính nhờ lòng tin mà Thánh Giu-se được nên người công chính. Ngài đã sống đúng như lời nhận xét của Thánh Phao-lô về tổ phụ Ap-ra-ham: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin… Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính.” (Rm 4, 13-21).
Một người công chính như vậy hẳn nhiên là rất đẹp lòng Thiên Chúa, nên trong công trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giu-se giữ những vai trò vô cùng cao trọng: Cao trọng trong vai trò là bạn trăm năm của Đức Maria Thánh Mẫu của Thiên Chúa, trong vai trò là dưỡng phụ của Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người, trong vai trò là gia trưởng của Thánh gia Na-da-rét. Chính Đức Maria đã có lần xác nhận và đề cao vai trò quan trọng này của Thánh Giu-se. Ấy là khi Thánh gia lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ, năm Đức Giê-su 12 tuổi. Thánh Giu-se và Đức Maria đã lạc mất con trong 3 ngày, và khi gặp lại, Mẹ đã nói với Con: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Đến ngay như Đức Giê-su cũng không quên vai trò Thánh Giu-se khi Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?". (Lc, 2, 48-49). Tiếng gọi thân thương “cha mẹ” đã nói lên vai trò cao trọng vô song của 2 cộng tác viên đắc lực nhất của Thiên Chúa (Đức Maria và Thánh Giu-se) trong công trình cứu độ nhân loại.
Chính vì thế, nên trong tất cả các thánh, ngoại trừ Đức Maria, Thánh Giu-se được nhắc đến nhiều nhất với lòng tôn trọng, sùng kính đặc biệt và vì thế ngài đã được Hội Thánh tuyên phong là Thánh Cả. Lịch phụng vụ của Giáo Hội đã dành 2 ngày lễ kính: Ngoài lễ trọng “Thánh Giu-se Bạn Trăm Năm của Đức Maria” (quen gọi là lễ Thánh Giu-se Bầu Cử – 19/3), còn có lễ Thánh Giu-se Thợ (01/5); hơn thế nữa, còn dành cả tháng 3 hàng năm để mừng kính ngài. Bởi vậy nên ngày 8/12/1870, Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX đã công bố Thánh Giu-se là Bổn Mạng Giáo Hội hoàn vũ, của nhiều thánh, nhiều đoàn thể, nhiều hội dòng và của rất đông các tín hữu. Riêng Giáo Hội Việt Nam cũng nhận ngài làm Thánh Quan Thầy Bầu Cử.
Khi nhận Thánh Giu-se làm Bổn Mạng, không những Giáo Hội “xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh, cho khỏi các mưu kế giặc thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy” (Kinh “Ông Thánh Giu-se Bầu Cử”), mà còn muốn cậy nhờ Thánh Giu-se giúp cho việc hiệp nhất các Ki-tô hữu. Hiệp nhất là một trong những mối bận tâm lớn của nhiều người, đặc biệt của các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Dường như ai nấy đều cảm thấy có trách nhiệm và phải cộng tác để làm cho Giáo Hội được hiệp nhất, thể theo thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Giu-se đã điều khiển Thánh gia trong tinh thần yêu thương, hiệp nhất với Đức Maria và Chúa Giê-su, thì cũng hướng dẫn Giáo Hội trong cùng một tinh thần ấy, để các tín hữu trong Giáo Hội được liên kết với nhau nên một (“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” – Ga 17, 20-21).
Hẳn cũng vì vậy mà Đức Thánh Cha Gio-an XXIII đã đặt Công đồng Va-ti-ca-nô II – một Công đồng có sắc thái hiệp nhất rõ rệt – dưới sự bảo trợ của Thánh Giu-se. Đến như Đức Giáo Hoàng đương kim cũng khẳng định: “Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Ki-tô Giáo bắt đầu hôm thứ bảy tuần trước, và sẽ kết thúc vào thứ bảy tới, ngày Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại. Sáng kiến tinh thần và rất quý giá này liên quan đến cộng đồng Ki-tô hữu hơn một trăm năm qua. Đó là một thời gian dành riêng để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những người đã được Rửa Tội, theo ý muốn của Đức Ki-tô: “rằng tất cả được nên một” (x. Ga 17:21). (Huấn dụ của ĐTC. Phanxicô về Hiệp Nhất Ki-tô Giáo ban hành ngày 22/01/2014).
Nhân nói đến việc Giáo Hội chọn Thánh Giu-se làm bổn mạng, thiết nghĩ cũng cần tìm hiểu xem vì sao có tục lệ nhận thánh bổn mạng? Việc này quen gọi là việc “đặt tên thánh” cho những trẻ sơ sinh (hoặc những tân tòng) khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Việc đặt tên thánh (hay còn gọi là tên thứ hai sau tên khai sinh, mang ý nghĩa tâm linh) có nguồn gốc từ tục lệ Do-thái giáo trước thời Lưu Đày. Sau khi cha mẹ sinh con 1 tuần, thì sẽ bế con vào hội đường để tham dự nghi lễ đặt tên, gọi là tên thánh. Đến thời Lưu Đày, thì Do-thái bỏ tục lệ này. Mãi cho đến thế kỷ XII, Do-thái nhận thấy cần giữ tập tục này lại, nên lại trở về truyền thống đặt tên thánh cho đến ngày nay.
Đó là một truyền thống rất tốt đẹp. Khi sinh con, cha mẹ đặt tên khai sinh cho con trong xã hội, đến khi nhận Phép Rửa (được sinh ra lần thứ hai) thì cũng cần đặt tên thánh khai sinh cho con trong Hội Thánh (“Bí Tích Rửa Tội, theo một nghĩa nào đó, là thẻ căn cước của Ki-tô hữu, là giấy khai sinh của họ. Đó là việc được sinh ra trong Hội Thánh.” – bài Giáo Lý ĐTC. Phan-xi-cô ban hành ngày thứ tư 13/11/2013). Khi chọn cho con mình một tên thánh, các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình sẽ sống cuộc đời thánh thiện như vị thánh đó. Ngoài ra, còn bao hàm ý nghĩa là cầu mong vị thánh đó luôn bảo trợ cuộc sống tâm linh cho đứa trẻ và là cầu nối bầu cử (cầu bầu, tiến cử) đắc lực trước ngai tòa Thiên Chúa.
Tóm lại, những cảm nghiệm sâu sắc về Thánh Cả Giu-se – Bổn mạng Giáo Hội, bổn mạng mỗi gia đình, mỗi Ki-tô hữu – đã đặt ra trước mắt người tín hữu một hướng lộ cho hành trình tìm kiếm Nước Thiên Chúa; đó là luôn phải gắn liền việc cầu nguyện với việc noi gương Thánh Cả trong mọi tình huống của cuộc sống. “Điều này đòi hỏi một điều gì đó nhiều hơn. Nó đòi hỏi phải cầu nguyện nhiều, phải khiêm nhường, suy nghĩ và hoán cải liên tục. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này, cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu, ngõ hầu chấm dứt gương mù này và làm cho nó không còn ở với chúng ta nữa.” (Huấn Dụ của ĐTC Phanxicô –nt-).]
Cầu nguyện liên tục để được Thần Khí Chúa soi sáng và hướng dẫn con đường đi tới việc cộng tác với Thiên Chúa ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Âu-tinh). Và để đạt được hiệu quả tối đa trong việc cộng tác với Thiên Chúa, thì không gì bằng hãy noi gương Thánh Cả Giu-se, luôn khiêm nhường tỉnh thức lắng nghe Lời Chúa, mau lẹ thực thi Thánh ý Chúa, phục vụ Chúa và anh em trong tinh thần sống 3 lời khuyên Phúc Âm (Ngôn sứ, Tư tế, Vương giả) mà Thánh Cả đã nêu gương hết sức mẫu mực. Phải có nhiều người cộng tác như vậy thì máu thánh Chúa đổ ra cứu chuộc tưới xuống nhân loại mới trổ sinh ra được nhiều sự sống mới: Sự sống bình an, sự sống yêu thương, sự sống dẫn về Thiên quốc.
Sống trong một thế giới nhiễu nhương, chứa đầy hận thù ghen ghét hơn là yêu thương đùm bọc, súng đạn nhiều hơn lương thực, và cũng không thiếu những Hê-rô-đê thời đại luôn lùng giết Hài nhi Giê-su; mỗi người Ki-tô hữu, trong tháng Ba hàng năm, hãy noi gương Thánh Cả Giu-se dâng cho Chúa một quyết tâm biến cải gia đình mình nên như một Thánh Gia Na-da-rét. Một cách cụ thể là hãy hiệp cùng Giáo Hội chọn Thánh Cả Giu-se làm bổn mạng gia đình, bổn mạng các bậc gia trưởng và nói chung là bổn mạng mỗi cá thể thành viên trong gia đình. Chỉ có như vậy, mới mong canh tân việc “Phúc-Âm-hóa đời sống Gia đình” cho ngày một tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
Trong tâm tình đó, xin cùng hợp hoan “CẦU XIN THÁNH GIA” (TCCĐ): ĐK. Giu-se trong xóm nhỏ khó nghèo thuở xưa, miền Na-da-rét, Thánh Gia Người vui sống. Nêu gương cho tất cả gia đình cần lao, tình yêu tha thiết với cảnh đời đơn nghèo. TK1. Cho người cha hết sức yêu mến tận tình, biết nêu gương sáng chốn gia đình. Dù bao phong trần lòng được luôn sướng vui. Vững tay đưa thuyền qua sóng đời. TK 2. Cho người mẹ biết giữ hạnh phúc gia đình, sống vui theo chí hướng trung thành. Nhiệt tâm giáo dục đoàn trẻ thơ dấu yêu, lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều. TK 3. Cho đoàn con cái biết tôn kính vâng lời, biết noi gương mến Chúa yêu người. Hồn luôn giữ gìn được màu hoa trắng trong, xứng nên ngôi đền Chúa Thánh Thần.
JM. Lam Thy ĐVD.