Thánh Đaminh rao giảng Tin mừng bằng chứng tá đời sống
Dẫn nhập – Trong Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ”, số 42, Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã dạy:
“Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Kitô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được. Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta đang tiếp tục sứ mạng của Người, là “Vị Chứng Nhân” tuyệt hảo (Kh 1,5 ; 3,14) và là khuôn mẫu cho chứng tá Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đang đồng hành với Giáo hội trên bước đường của Giáo hội, đồng thời liên kết Giáo hội với lời chứng của người về Chúa Kitô” (Ga 15,26-27).
Quả vậy, ngược dòng thời gian với 8 thể kỷ trước, chúng ta bắt gặp chân dung một nhà truyền giáo vĩ đại là thánh Đaminh. Ngài đã rao giảng Tin mừng bằng cách dấn thân vào chính vấn nạn của thời đại, ngài đã cho thấy Lời Chúa là nguồn mạch và chìa khóa vạn năng của việc rao giảng Tin mừng, và ngài đã sống như một chứng tá, sống chính niềm xác tín mà ngài đang rao giảng.
1. Chứng tá về lòng thương cảm
Sử sách của Dòng ghi lại rằng:
“Khi khám phá thấy cư dân miền Nam nước Pháp đã theo lạc giáo từ lâu, cha thánh tràn đầy thương cảm với bao linh hồn đáng thương bị lầm lạc. Ngay đêm đầu đến trọ tại thành phố Toulouse thánh Đaminh đã mạnh mẽ, quyết liệt tấn công người chủ quán, dùng nhiều lý lẽ vững mạnh để thuyết phục ông. Người chủ quán đã bị khuất phục trước lẽ khôn ngoan và tinh thần của vị khách : nhờ sự can thiệp của Thần Khí Thiên Chúa, thánh Đaminh đã đưa người ấy trở về với đức tin” (LIB s. 15).
Chính lòng thương cảm đã thúc đẩy Thánh Đaminh phải hành động. Một trong những tu sĩ đầu tiên của Dòng, một người đáng tin cậy, là anh Stêphanô đã làm chứng trong án phong thánh rằng: vào khoảng năm 1195, vào thời điểm thánh Đaminh còn đang là sinh viên Thần học tại Đại học Palencia, Tây Ban Nha, thì có một nạn đói khủng khiếp. Động lòng trắc ẩn trước những anh chị em đói khổ, thánh Đaminh đã bán những cuốn sách tự tay ngài ghi chú, cùng với những vật dụng khác nữa, để trao tặng cho người nghèo. Ngài nói: “Tôi không muốn học trên những tấm da chết, trong khi có những người chết vì đói” (VIE 35).
Nhạy cảm trước đau khổ của người khác chính là đặc tính sâu sắc đã chi phối suốt cả cuộc đời của thánh Đaminh và ngài đã vận dụng tất cả năng lực của mình để tìm mọi cách thức, mọi biện pháp nhằm giải thoát con người khỏi đau khổ. Đã hai lần, khi không còn gì để bán nữa, ngài xin được bán mình làm nô lệ để có tiền giúp đỡ những người nghèo khó. Sau này, chính ngài đã thiết lập một viện tế bần ở Palencia.
Đúng là mối thương cảm trước nỗi khổ đau của con người đã đụng chạm đến tận tâm hồn chàng sinh viên Đaminh trẻ tuổi và đã không bao giờ rời bỏ chàng nữa. Có thể nói, lòng thương cảm là nét đặc trưng đầu tiên nơi con người thánh Đaminh. Lòng thương cảm này giúp thánh nhân đi vào mối hiệp thông sâu xa với nỗi khổ đau của người khác. Đó chính là lòng thương cảm của Đức Giêsu, lòng thương cảm thánh Đaminh đã học được dưới chân thập giá.
Lòng thương cảm nơi thánh Đaminh không phải là một thứ tình cảm ủy mị, nhưng là một tấm lòng quảng đại, sẵn sàng mở ra để sẻ chia và xao xuyến trước nỗi đau của người anh em đồng loại. Người không thể chịu đựng nổi khi có những người phải sống trong cảnh khốn cùng. Cảnh cùng khốn ấy có thể là sự đói khát về vật chất, nhưng sâu xa hơn còn là sự đói khát tinh thần, đói khát chân lý. Nếu nói như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, thì chúng ta khâm phục biết bao trước tấm lòng của cha thánh Đaminh. Thánh nhân đã nhận được từ Trời cao ân sủng là lòng thương xót trước nỗi đau khổ của người khác. Ngài đã tỏ hiện lòng thương cảm ấy khi nạn đói xảy ra tại Valencia và ngài còn tỏ hiện trong suốt cuộc đời của mình.
Lòng thương cảm nơi thánh Đaminh không hề là mớ lý thuyết xuông, nhưng là những việc làm cụ thể, những việc làm có thể định hướng và thay đổi cả cuộc đời của thánh nhân. Chính lòng thương cảm là động lực thúc đẩy ơn gọi của thánh Đaminh. Thánh nhân đã thực sự xao xuyến khi nhận thấy nỗi khổ của những người lầm lạc, do u minh mà đã chạy theo lạc giáo, xa rời Giáo hội. Thánh Đaminh thực sự là một con người nhạy cảm với vấn nạn thời đại của mình. Rất nhiều nhân chứng đã nhìn thấy thánh Đaminh khóc và cầu nguyện lớn tiếng giữa màn đêm cô tịch: “Lạy Chúa, rồi số phận của những người tội lỗi sẽ ra sao?” Hình ảnh cảm động ấy thật đẹp biết bao, hình ảnh ấy dường như phản ánh mẫu gương của chính Đức Giêsu thương khóc khi thấy thành Giêrusalem dửng dưng trước sứ điệp tình yêu của Người. Vì cảm nhận sâu xa tình yêu của Chúa, muốn nhận lấy cuộc khổ nạn của Đức Kitô làm của mình, và cảm nhận sức nặng tội lỗi của thân phận con người, thánh Đaminh hay rơi lệ khi cử hành thánh lễ.
Nếu phải mô tả chân dung của thánh Đaminh với những nét đẹp tinh thần, thì những lời vắn tắt sau đây của chân phước Giordano de Saxe thật là cảm động và chính xác:
“Thánh Đaminh đón nhận mọi người với lòng bác ái bao la, và bởi vì thánh nhân yêu mến mọi người, nên được mọi người yêu mến. Người có luật riêng cho mình là vui với người vui và khóc với người khóc, đầy lòng thương cảm và tận tâm lo cho người khác, đồng chịu nỗi khổ đau với người khác” (LIB 107).
Khi thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, thánh Đaminh mong muốn rằng các anh em của ngài chia sẻ cùng một nỗi thương cảm, cùng một lòng trắc ẩn ấy. Ngài muốn rằng các anh em ra đi rao giảng với một lệnh truyền duy nhất: đem đến cho con người đang rơi vào cảnh khốn cùng thể lý cũng như tinh thần, câu trả lời phát xuất từ trái tim của Thiên Chúa. Chính vì thế, là môn sinh của thánh Đaminh, ước chi đời sống chứng tá của mỗi chúng ta trở thành lời giảng hùng hồn về lòng thương cảm của Thiên Chúa.
2. Nối tiếp chứng tá lòng thương cảm của thánh Đaminh
Để nối tiếp chứng tá lòng thương cảm của thánh Đaminh, chúng ta phải làm gì ? Thay cho những trình bày lý thuyết, tôi xin kể ra đây hai mẩu chuyện thực tế:
1. Trong những ngày Đại hội Giới trẻ vừa qua tại Brazil, trang báo điện tử Vietcatholic đã đăng tải một câu chuyện cảm động về Anh Felipe Passos, người thanh niên này đã làm cho hàng triệu con tim rúng động khi anh chia sẻ câu chuyện riêng tư của mình trong đêm canh thức 27/7, tại bãi biển Copacabana trước sự hiện diện cuả Đức Giáo Hoàng và 3 triệu khách hành hương.
Anh kể lại đã tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid vào năm 2011, và đã cam kết hai lời hứa thiêng liêng. Anh hứa sẽ sống trong sạch cho đến khi kết hôn và chăm chỉ làm việc để gây quĩ cho nhóm Ponta Grossa, một nhóm thanh niên cầu nguyện ở tiểu bang Paraná của Brazil, để có thể cùng nhau tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới một lần nữa, tổ chức năm nay tại Rio de Janeiro.
Với nguồn tài chánh eo hẹp, Felipe và nhóm bạn bè gây vốn bằng cách làm thêm nhiều công việc nặng nhọc và cùng một lúc chuẩn bị tinh thần bằng cầu nguyện, tôn thờ Thánh Thể, ăn chay và làm việc phúc đức.
Nhưng một sự khủng khiếp đã xảy ra cho họ.
Anh kể với giọng xúc động rằng: "Vào tháng Giêng năm nay, hai ngày trước khi tôi lên 23 tuổi, hai thanh niên đã đột nhập vào nhà của tôi, súng trên tay, đòi cướp số tiền mà chúng tôi đã dành dụm với rất nhiều hy sinh. Tôi nghĩ về những nỗ lực rất lớn cuả nhiều ngày tháng, về những hy sinh cuả những người trong gia đình, của bạn bè và đồng nghiệp … tất cả những cái ấy sắp bị cướp đi trong khoảnh khắc và vì thế mà tôi cương quyết sẽ bảo vệ nó."
Anh Felipe thành công trong việc bảo vệ số tiền tiết kiệm của nhóm, nhưng anh đã bị trúng đạn, viên đạn ấy hầu như kết liễu cuộc sống của anh.
Felipe nói: "Đối với bệnh viện thì tôi đã chết, tim ngừng đập nhiều lần, và các bác sĩ đã nói với cha mẹ tôi rằng 'cậu bé này không có hy vọng,’ nhưng tôi vẫn còn ở đây và nhóm của tôi vẫn còn đến đây được chỉ vì lòng thương xót của Chúa".
Toàn thể bãi biển đông nghịt người hầu như bị lên cơn sốc trong một sự im lặng đến nghẹt thở, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn anh chăm chú.
Anh Felipe tả lại cảnh tượng anh bị hôn mê, thở qua ống dưỡng khí, trong khi cộng đoàn giáo xứ của anh liên lỉ cầu nguyện và làm việc hy sinh hãm mình cho anh. Cuối cùng… thì anh tỉnh dậy, điều đầu tiên anh xin là được rước Mình Thánh Chuá, anh hồi phục nhanh chóng.
Nhưng Felipe đã bị bất toại phải ngồi xe lăn, anh cho biết, "đây là cây thập giá, cây thập giá Chúa gửi đến cho tôi để tôi có thể đi tới gần Ngài hơn, sống nhiều hơn trong ân sủng và tình yêu của Chuá."
Ba triệu tiếng vổ tay nổ ran, nhưng Felipe ngăn họ lại:
"Xin im lặng!", anh nói. "Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần!"
Người thanh niên 23 tuổi yêu cầu mọi người hãy cầm lấy thập giá mà họ đang đeo ở trên cổ lên, và nhìn vào thánh giá đó. Anh xin mọi người suy ngẫm trong im lặng với những câu hỏi: "Thập giá mà Chúa đã ban cho tôi là gì ? Thập giá mà Ngài muốn tôi thực hiện cho tình yêu của Ngài là gì ?"
Tất cả mọi người, kể cả Đức Giáo Hoàng đã cầm thánh giá lên…
Câu chuyện thương tâm của người thanh niên trẻ đã tạo ra một thời khắc không bao giờ quên được cho 3 triệu người có mặt trong đêm canh thức trên bãi biển Copacabana. Anh cũng mời gọi chúng ta làm chứng cho Chúa bằng việc nhận ra và đón nhận thập giá đời mình, hầu có thể bước theo Chúa Kitô.
2. Câu truyện thứ hai, không phải xảy ra ở Brazil hay một nơi nào xa lạ, nhưng là câu truyện của chính chúng ta. Theo thông lệ hàng năm, cứ vào dịp mừng kính thánh Đaminh – bổn mạng giáo xứ, giáo xứ Đaminh – Ba Chuông tổ chức ngày hiến máu nhân đạo, như là hoạt động bác ái thiết thực mừng thánh thánh bổn mạng. Sáng Chúa nhật vừa qua, 28/07/2013, đã có tổng số 142 lượt người hiến máu, với 190 đơn vị máu. Máu là chính sự sống, là tặng vật cao quý nhất Thiên Chúa ban cho con người, và chính tặng vật này lại trở thành quà tặng con người trao hiến cho nhau. Rất cảm động khi có một em gái bị nhân viên y tế từ chối không cho hiến máu, vì em bị tụt huyết áp; thế nhưng em cố nài nỉ xin được hiến máu để sẻ chia chút gì đó là chính sự sống của mình. Chắc chắn nghĩa cử cao đẹp này của cộng đoàn là một lời chứng về lòng thương cảm sâu xa, cách nào đó chúng ta đang họa lại mẫu gương sống động của thánh Đaminh trong chính đời sống của mình.
Kết luận
Kính thưa cộng đoàn, để kết thúc những tâm tình chia sẻ này, chúng ta cùng xác tín với nhau 2 điểm cụ thể:
1. Lời nói xuông chỉ là cho người ta ăn "bánh vẽ", chỉ là trò "mị dân", khiến con người thời nay rất dị ứng. Xã hội chúng ta ngày nay đang bị mang tiếng là một xã hội vô cảm, chúng ta cần diễn tả đức tin bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, nhất là những việc làm thể hiện lòng thương cảm đối với anh chị em của mình.
2. Ý thức ơn gọi và vai trò Kitô hữu của mình, chúng ta đừng quên rằng, chứng tá đời sống không chỉ là của các cá nhân mà còn phải là chứng tá của cả gia đình và cộng đoàn nữa. Dẫu biết rằng sống chứng tá nhiều khi chúng ta phải chấp nhận thua thiệt, mất mát, chấp nhận trở thành kẻ lội ngược dòng với tâm thức của con người thời đại. Xin Chúa thương sử dụng mỗi chúng ta như khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Lm. Quốc Văn, OP