Thánh lễ đầu tiên của ĐTC tại Cuba ngày 20-09-2015
LA HABANA. Sáng Chúa nhật 20.09.2015, ĐTC cử hành thánh lễ đầu tiên tại Cuba nơi Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô của Cuba vào lúc 9 giờ sáng giờ địa phương. Trong thánh lễ, Ngài kêu gọi các tín hữu phục vụ tha nhân vô vị lợi nhất là những người yếu thế.
Sau đây là nội dung chính bài giảng của ĐTC, Ngài nói:
“Tin Mừng ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta khi Ngài đặt một câu hỏi tò mò với các môn đệ: “Dọc đường anh em bàn tán về chuyện gì thế?” (Mc 9, 33)…Tin Mừng khẳng định- các môn đệ đã lặng thinh. Bởi vì trên đường các ông đã tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm” (Mc 9, 34). Các môn đệ đã xáu hổ khi phải trả lời với Đức Giêsu về những điều họ đã bàn cãi. Trong các môn đệ của ngày hôm qua, cũng như chúng ta ngày nay, người ta có thể nhận ra những cuộc bàn cãi tương tự: “Ai là người quan trọng nhất?”
ĐTC nói tiếp: “Đức Giêsu không nhấn mạnh câu hỏi của mình, không buộc các môn đệ phải thuật lại cho Ngài những gì các ông đã bàn cãi trên đường; tuy nhiên câu hỏi đó vẫn hiện diện, không phải trong tâm trí nhưng là nơi con tim của các môn đệ.
“Ai là người quan trọng nhất?” Một câu hỏi sẽ đồng hành cùng chúng ta suốt cả cuộc đời và qua đó chúng ta sẽ được kêu gọi để đáp trả trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Chúng ta chẳng thể tránh khỏi câu hỏi này, vốn được ghi khắc trong con tim…Đức Giêsu không e sợ những câu hỏi của con người; không e sợ nhân loại, cũng như những điều nghi vấn khác nhau mà con người đặt ra. Ngược lại, Ngài hiểu rõ “chốn thâm sâu” trong cõi lòng nhân loại, và như một nhà giáo dục đại tài vẫn luôn sẵn lòng để đồng hành cùng chúng ta. Tin tưởng vào cách thức của Ngài sẽ giải quyết những nghi vấn và ước nguyện của chúng ta cũng như mang lại cho chúng một viễn tượng mới”.
ĐTC quảng diễn thêm về điểm này như sau:
“Tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ưu việt, viễn tượng của Đức Giêsu không chỉ dành cho số ít những người có đặc quyền khả năng để đạt đến một “sự hiểu biết đáng mong muốn” hay những trình độ khác biệt của sự thiêng liêng. Viễn tượng của Đức Giêsu luôn là một đề nghị cho đời sống hằng ngày, ngay cả ở đây, nơi hòn đảo của chúng ta; một đề nghị mà Ngài luôn thực hiện để đời sống thường ngày có giá trị vĩnh hằng.
Ai là người quan trọng nhất? Đức Giêsu trả lời một cách đơn giản: “Ai muốn làm đầu, thì phải là người rốt hết và phải phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Ai muốn làm lớn, phải phục vụ người khác chứ không phải để người khác phục vụ chính mình! Đúng là một nghịch lý của Đức Giêsu. Các môn đệ đã bàn cãi ai trong số họ có thể chiếm chỗ quan trọng nhất, ai là người có được đặc quyền, ai có thể đứng trên lề luật chung, trong chuẩn mực thông thường, để làm cho mình được nổi bật với ước vọng để trỗi vượt hơn tất cả. Ai có thể được vinh thăng một cách nhanh nhất để lãnh nhận những chức vụ mà rồi đây sẽ mang lại những lợi lộc cho họ.
Đức Giêsu đã đảo lộn luận lý của các môn đệ khi nói một cách đơn giản rằng đời sống đích thực là khi người ta sống bổn phận một cách cụ thể với người thân cận.”
Minh định thêm về sự phục vụ đích thực ĐTC nói: “Phục vụ có nghĩa là, chính yếu, quan tâm đến sự mỏng dòn. Quan tâm đến những người vốn có thể bị tổn thương trong gia đình, trong xã hội, trong dân tộc của chúng ta. Đó là những khuôn mặt đau khổ, không được bảo vệ và dễ tổn thương mà Đức Giêsu đề nghị phải trông chừng và mời gọi để yêu thương một cách cụ thể. Đó là tình yêu mà người ta cụ thể hóa trong hành động và quyết định. Tình yêu mà người ta bày tỏ trong những bộn phận khác nhau mà với tư cách là những công dân chúng ta được mời gọi để thi hành. Những ai bằng xương bằng thịt cùng với cuộc sống của họ, lịch sử của họ và đặc biệt tính dễ tổn thương của họ đó là những người mà Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy bảo vệ, hãy trợ giúp và phục vụ. Vì lẽ là một Kitô hữu đòi buộc phục vụ nhân phẩm của tha nhân, đấu tranh cho phẩm giá của tha nhân và sống vì phẩm giá của tha nhân. Vì điều này, Ki tô hữu luôn được kêu gọi để đặt sang một bên những yêu cầu, chờ đợi, những khao khát để trở nên tòa năng của chính mình để quan tâm cụ thể đến những ai mỏng dòn nhất”.
ĐTC kêu gọi cần tránh một hình thức phục vụ vì tư lợi khi muốn : “phục vụ nhưng để được phục vụ. Một dạng thức phục vụ vẫn tồn tại nhưng chỉ để mang lại lợi ích cho những ai thuộc về tôi, nhân danh chúng tôi. Sự phục vụ này luôn đặt ra bên ngoài cái của người khác, gây ra một động lực của loại trừ.”
Vì thế ĐTC kêu gọi: “Tất cả chúng ta được kêu gọi bởi ơn gọi phục vụ của Ki tô hữu để phục vụ và giúp đỡ chúng ta vượt thắng không sa vào cám dỗ của “phục vụ để được phục vụ”. Tất cả chúng ta được mời gọi, khuyến khích bởi Đức Giêsu để làm cho chúng ta đỡ gánh cho nhau vì tình yêu.”
Liên hệ đến dân tộc Cuba, ĐTC nói: “Dân thánh của Thiên Chúa sống ở Cuba là một dân tộc yêu mến lễ hội, tình bạn, và những điều đẹp đẽ. Đó là một dân tộc luôn bước đi, ca hát và chúc tụng. Một dân tộc có những vết thương, cũng như mọi dân tộc khác, nhưng đã biết mở rộng vòng tay, bước đi với hy vọng, bởi vì ơn gọi của các bạn là trở nên vĩ đại. Hôm nay tôi mời gọi các bạn hãy quan tâm đến ơn gọi này của các bạn, hãy quan tâm đến những tặng phẩm mà Thiên Chúa đã phú ban cho các bạn, nhưng đặc biệt là tôi muốn mời gọi các bạn hãy quan tâm đến và phục vụ sự mỏng dòn của anh chị em của các bạn. Đừng bỏ sót họ chỉ vì nguyên nhân của những dự án có vẻ hấp dẫn, nhưng lại chẳng quan tâm đến khuôn mặt của những ai đang bên cạnh, Chúng ta ý thức, chúng ta là những chứng nhân của “sức mạnh vô song” của sự phục sinh vốn “sản sinh trong mọi nơi chốn hạt mầm của tân thế giới này” (Evangelii gaudium, 276.278).
Lược dịch từ bản Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai
Nguồn: dongten.net