Thánh Thể, lương thực thần linh
Kitô giáo là tôn giáo của “Mặc khải”, có nghĩa là do chính Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người. Con người nhận biết Chúa là vì Chúa chủ động thông truyền chính mình cho họ. Ngài tỏ mình ra cho con người không phải để cho người ta thờ phượng, nhưng việc tỏ mình cho con người nhằm mục đích cho họ thông phần vào bản tính thần thiêng của Ngài. Đây là đặc tính chỉ thấy có ở nơi Do Thái giáo và Kitô giáo.
Kitô giáo tiếp nối di sản của Do Thái giáo, tức là kho tàng mạc khải mà Thiên Chúa đã thông truyền cho con người “qua các tổ phụ và ngôn sứ”. Nhưng nếu trong Cựu Ước Thiên Chúa chỉ nói qua các tổ phụ và qua các ngôn sứ là những trung gian chuyển tải sứ điệp, thì tới thời Tân Ước, thời mà tác giả thư Do Thái gọi là “thời sau hết”, Ngài không nói qua trung gian nữa. Thiên Chúa đã hạ cố làm người để trở nên bạn hữu của con người. Lời Thiên Chúa đã thành xác thịt. Thiên Chúa đã đến ở giữa nhân gian. Thiên Chúa đã mang trái tim con người và gần gũi với mọi người. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đây là màu nhiệm của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới khiến cho người cha người mẹ hy sinh chấp nhận tất cả những gian lao vì con cái mình. Đức Giêsu giống như một vị vua thương dân nghèo, đã vi hành đến với người nghèo để trực tiếp thấy nỗi thống khổ của họ. Còn hơn một vị vua vi hành, Đức Giêsu ban cho con người không chỉ là một quà tặng vật chất, mà Người ban cho họ chính bản thân mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn.
Thánh Thể là lương thực thần linh. Con người đang sống nơi trần thế được nuôi dưỡng bởi Bánh các thiên thần. Chính Chúa Giê-su đã khẳng định sự cần thiết của lương thực này: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Ăn thịt và uống máu Chúa, đây cũng là một đức tin và một giáo lý độc nhất của Ki-tô giáo. Nhờ được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa mà chúng ta có sự sống thần linh, để rồi giữa cuộc sống nhân gian, trong ta có Chúa ngự trị. Dòng máu đang chảy trong huyết quản của ta được hòa lẫn với dòng máu của Chúa, nhờ đó mà ta suy nghĩa như Chúa, nói năng như Chúa và hành động như Chúa. Thánh Augustinô đã khuyên các tín hữu: “Anh em hãy cố gắng để trở nên điều mà anh em rước lấy hằng ngày”. Như thế, với nỗ lực và hy sinh, mỗi tín hữu được trở nên một “thánh thể” giữa anh chị em mình, vì được kết hợp với “Thánh Thể” là thân mình Chúa Giêsu, Đấng đang hiện diện giữa nhân loại.
Trong Năm Đức tin này, Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám mục, linh mục, tu sĩ và tín hữu trên toàn thế giới hãy thể hiện lòng tôn sùng Thánh Thể một cách đặc biệt. Ngày chúa nhật, 2-6-2013, vào lúc 17g00 giờ Rôma, Đức Thánh Cha chủ sự giờ chầu Mình Thánh Chúa. Ngài ước mong trên các nhà thờ trên toàn thế giới cũng cử hành nghi thức chầu Mình Thánh vào cũng giờ đó để hiệp thông với Ngài. Sự kiện toàn thế giới công giáo cùng tôn thờ Thánh Thể vào cùng một giờ quy định là một biến cố chưa từng thấy trong lịch sử. Sự khác biệt về múi giờ khác nhau không ngăn cản tình hiệp thông mạnh mẽ với Đức Thánh Cha và với Giáo Hội. Thế giới đã thực sự trở nên “một thế giới phẳng” do biến cố quan trọng này. Chỉ có đức tin mới liên kết muôn người nên một như vậy. Chỉ có Thánh Thể với thắt chặt tình hiệp thông đến thế. Có thể là không được 100% những người công giáo tôn thờ Thánh Thể, nhưng sự kiện này cũng nói lên sức mạnh vô địch của Giáo Hội. Ý chỉ của nghi thức chầu Thánh Thể là cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, cho con người sống với nhau trong tình liên đới và hiệp thông. Xin cho mọi người nhận biết Chúa và yêu mến Ngài.
Tôn thờ và yêu mến Thánh Thể, đó là nét đẹp của truyền thống Giáo Hội và cũng là điểm son của hầu hết các vị thánh. Ngày hôm nay, khuynh hướng tục hóa muốn xóa bỏ nghi thức đạo đức này. Họ cho rằng người tín hữu cần thực thi lời Chúa dạy hơn là tôn thờ Chúa. Họ đã sai lầm. Bởi lẽ không yêu mến tôn thờ Thánh Thể, con người sẽ không kín múc được từ nơi Chúa những nghị lực siêu nhiên để thực thi ý Ngài. Hơn nữa, yêu mến Chúa cũng chính là một trong những nội dung quan trọng Chúa đã dạy, mà tôn thờ Thánh Thể chính là cụ thể hóa lòng yêu mến ấy. Hình ảnh cành nho gắn với thân nho đã biểu thị rất rõ ràng sự thông chuyển nhựa sống thiêng liêng này. Hơn nữa, tôn thờ Thánh Thể là lúc chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ chính mình, xét lại những hành vi cử chỉ của mình, nhận ra những lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Tại một số quốc gia, rất ít người đi lễ và thực hành Đạo, phải chăng đó là hậu quả tai hại của quan niệm không còn tin vào sự thánh thiêng và ân sủng của Thánh Thể? Thiếu gặp gỡ và kết hợp với Chúa, đời sống con người trở nên trống rỗng, một thứ trống rỗng không thể được lấp đầy bằng vật chất và hưởng thụ.“Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã thực sự làm thỏa mãn cơn khát sự sống hằng ấp ủ từ sâu thẳm nội tâm con người qua bao thời đại.
“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11). Thiếu Thánh thể, đời sống tín hữu sẽ chơi vơi như thiếu nền tảng và thiếu mục đích.
“Nếu giác quan không cảm thấy gì, ta hãy cảm nhận bằng đức tin”. Hãy đến với Bí tích kỳ diệu này, và nhận ra nơi đó Đức Giêsu đang thường trực để lắng nghe và tâm sự với chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy và yêu mến Chúa. Xin đổ tràn tình yêu của Chúa vào lòng chúng con. Amen
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên – TGM. Hải Phòng