Thiên Chúa không đơn độc – Bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi năm B
Những ai tin Chúa cũng không còn đơn độc ở đời này. Họ luôn có Chúa đồng hành bao bọc chở che.
« Thiên Chúa không đơn độc ». Đó là tựa đề một tác phẩm của nhà thần học Jean-Noel Besançon. Trong cuốn sách này, tác giả suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi ở nhiều khía cạnh khác nhau, đồng thời trình bày mối tương quan giữa màu nhiệm Chúa Ba Ngôi và đời sống Kitô hữu. Phụng vụ hôm nay khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc Khi nói đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta đứng trước một màu nhiệm cao cả, và chỉ có thể thốt lên như lời ông Môisen: « Có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa các dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã giang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Thiên Chúa của anh em không ? » Những gì được trình bày về Chúa Ba Ngôi trong khoa thần học chỉ là những nét chấm phá, dựa trên mạc khải và lý trí để suy niệm về chính Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin kính và tôn thờ.
Thiên Chúa không đơn độc, vì Ngài là Tình Yêu. Đã là tình yêu thì phải có đối tượng để chia sẻ và trao đổi tình yêu, chứ không thể đơn độc một mình. Từ những trang đầu của sách Sáng thế, Kinh Thánh đã trình bày với chúng ta hình ảnh Thiên Chúa là Đấng sáng tạo. Ngài sáng tạo vì yêu thương con người và muốn san sẻ cho con người sự thánh thiện của Ngài, ngõ hầu nhờ đó mà con người được hưởng hạnh phúc.
Khi sáng tạo con người, Thiên Chúa nói với chính mình: « Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh và giống như chúng ta » (St 1,26). Nên chú ý ở đây Thiên Chúa dùng động từ ở ngôi thứ nhất số nhiều. Một cách nào đó, chúng ta có thể hiều, nếu Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình, thì con người có thể nhận ra Ngài nơi chính khuôn mặt của con người, của đồng loại, vì Thiên Chúa đã dựng nên họ giống hình ảnh của Ngài. Chiêm ngưỡng con người để gặp gỡ Chúa. Khởi đi từ con người để gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ Chúa nơi chính anh chị em đồng loại, đó là điều sau này Đức Giêsu luôn nhấn mạnh trong giáo huấn của Người.
Sau khi sáng tạo ông Ađam, Thiên Chúa nói: « Con người ở một mình không tốt » (St 2,18). Một tác giả đã viết rất hài hước: « Thiên Chúa ở một mình không tốt ». Thực ra Thiên Chúa không bao giờ là một mình, không bao giờ là đơn độc. Dựa trên mạc khải trong Tân ước, Giáo Hội Kitô khẳng định và tuyên xưng: Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha, và Con và Thánh Thần. Nhiều người ngộ nhận khi cho rằng mầu nhiệm Ba Ngôi chỉ là diễn tả chính hữu thể của Thiên Chúa, chứ không liên quan đến đời sống người tín hữu. Chúng ta hãy cũng nhận ra mối tương quan căn bản mang tính hiện sinh giữa người tín hữu với mầu nhiệm này.
Chúa Ba Ngôi là cội nguồn và đích điểm của đời sống Kitô hữu. Được thanh tẩy và được tái sinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Chúa Ba Ngôi là cội nguồn và khởi đầu hành trình Đức tin của người tín hữu. Tuy chỉ là một cá nhân bình thường trong cuộc đời mênh mông này, người tín hữu là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người được sáng tạo bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Con và được thánh hoá bởi Chúa Thánh Thần. Khi diễn tả như thế, chúng ta không tách rời hoạt động của môi ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi lẽ những hoạt động ấy luôn liên kết với nhau. Vì vậy mà chúng ta khẳng định: mỗi người là một công trình tuyệt tác của Thiên Chúa.
Là cội nguồn tức là nơi xuất phát, Chúa Ba Ngôi cũng là đích điểm hướng tới của cuộc sống tín hữu. Quả vậy, hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa Giêsu hứa ban cho người công chính, là sự chiêm ngưỡng và kết hợp với Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô đã diễn tả một cách cụ thể: lúc đó chúng ta không còn thấy Chúa lờ mờ như trong gương, nhưng mặt giáp mặt như chúng ta nhìn thấy nhau trong cuộc đời. Lúc ấy cũng không cần đến Đức tin nữa, bởi vì người ta chỉ đòi hỏi tin vào một điều chưa nhìn thấy. Hạnh phúc vĩnh cửu là được chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi và được chia sẻ hạnh phúc viên mãn của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: « Con muốn rằng, con ở đâu thì chúng (những kẻ Cha đã ban cho Con) cũng ở đấy với Con và chúng được chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con ».
Không chỉ chờ đợi sau khi chết mới được hưởng thánh nhan Chúa, người Kitô hữu tin Chúa Ba Ngôi luôn đồng hành với họ từng giây từng phút của đời sống hiện tại. Nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà chúng ta được gắn bó với Chúa Cha trong lời cầu nguyện và trong tâm tình yêu mến. Tất cả đời sống người Kitô hữu đều quy hướng về Chúa Cha, nhờ đó mà chúng ta được chia sẻ vinh quang của Người ngay khi còn sống ở đời này. « Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần », lời đọc này, kèm với cử chỉ phác hoạ hình thánh giá trên thân mình, vừa là lời tuyên xưng Đức tin, vừa là lời nhắc bảo người tín hữu phải sống ngay lành trong cư xử hằng ngày, bời lẽ một khi mang danh Kitô hữu, họ không còn sống cho mình mà thôi, nhưng họ đang góp phần làm vinh danh Chúa. Khi nói năng, ứng xử và hành động, người Kitô hữu nhân danh Chúa, chứ không còn nhân danh cá nhân mình.
Như trên đã nói: Thiên Chúa không đơn độc. Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Thiên Chúa là Tình Yêu, là nguồn mạch và đích điểm của người Kitô hữu. Những ai tin Chúa cũng không còn đơn độc ở đời này. Họ luôn có Chúa đồng hành bao bọc chở che.
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org