Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần
Trong đời sống đức tin của chúng ta, Màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một màu nhiệm căn bản, trọng tâm của các màu nhiệm khác. Nói cách khác, đây chính là mầu nhiệm mẹ của các mầu nhiệm. Đã là mầu nhiệm, với sự hiểu biết của con người, chúng ta không thể biết nếu không được mặc khải. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi – Nhất Thể mà lại Tam Vị quả thật là một mầu nhiệm vượt lên trên trí hiểu của con người. Chúng ta chỉ có thể biết được phần nào qua sự mặc khải của chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống, và cũng là một trong Ba Ngôi Vị đó.
1. ĐỨC GIÊSU LÀ NGÔI LỜI CỦA THIÊN CHÚA
Đức Giêsu là “Logos – Lời” của Thiên Chúa Cha. Lời quyền năng của Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa đã được tỏ hiện nơi các mặc khải của Đức Giêsu qua việc cho người mù được sáng mắt; kẻ què được đi; người phong hủi được sạch; và người điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại; người nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng (x. Mt 11,4-5; Lc 7,22). Đức Giêsu cũng được ví như hạt giống; cửa sự sống; cây nho; là cử đàn chiên… (x. Mt 7,13-14; Ga 12,24; Ga 10,7-9; 14,6; Ga 15,1-2; Ga 10,11; Lc 15,4-7).
Như vậy, Đức Giêsu chính là “Lời” của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Hiện hữu giữa trần gian là để mặc khải về Nước Thiên Chúa, về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hầu đưa nhân loại về với Cha trong ý định ban đầu của Người. Nhưng trước hết, không những chỉ biểu lộ chính mình, Đức Giêsu còn biểu lộ Chúa Cha là Đấng Đồng Nhất với Ngài.
2. ĐỨC GIÊSU MẶC KHẢI VỀ CHÚA CHA
Mặc khải đầu tiên được khởi đi qua biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan xong, các tầng trời mở ra và có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu, đồng thời có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu.” (Mt 1,11).
Tiếp theo, Thiên Chúa Cha được mặc khải như là tình Phụ Tử trong sứ điệp của Đức Giêsu: trong các sách Tin Mừng, Thiên Chúa được gọi là Cha trên 170 lần. Điều mới mẻ nơi Đức Giêsu là không những Ngài đã giảng về lòng từ phụ của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn gọi Thiên Chúa bằng tiếng “Abba” trong lời kinh của Ngài. Tiếng “Abba” thì chỉ một mình Marcô ghi lại (x. Mc 14,36), nhưng cách gọi Thiên Chúa là Cha thì rất nhiều: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha… vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn.”(Mt 11,25). Hay: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,46; x. Ga 17,1.5.11.21.25). Đức Giêsu thường xuyên gọi Thiên Chúa như thế. Sự kiện ấy nói lên tương quan đặc biệt giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa, một kinh nghiệm thân ái độc nhất vô nhị mà Đức Giêsu nhận được trong lời kinh của Ngài. Giữa Ngài và Thiên Chúa có một tương quan đặc biệt đến nỗi “không ai biết được Con trừ phi có Cha, và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con mặc khải ra cho” (Mt 11,27). Mạc khải về Chúa Cha còn phát xuất từ kinh nghiệm, lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha là Chúa trời đất” (Mt 11,25), nghĩa là của toàn vũ trụ. Đức Giêsu cũng đã dạy các môn đệ đọc lời kinh “Lạy Cha” (x. Mt 6,9-13; Lc 11,2-4). Chính tương quan độc đáo ấy đã giúp cho các Tông đồ sau biến cố phục sinh nhận ra Đức Giêsu là Con Một của Thiên Chúa.
Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu được mặc khải về Chúa Cha qua hình ảnh của một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân từ (x. Mt 5,45; x. Lc 6,35); là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 15,7); là Đấng Quan Phòng (x. Mt 6,27). Người theo dõi đến cả số phận những con vật nhỏ bé phải “rơi xuống đất” (x. Mt 6,29).
Kế đến, chúng ta sẽ được biết về Chúa Thánh Thần qua mặc khải của Ngài.
3. ĐỨC GIÊSU MẶC KHẢI VỀ CHÚA THÁNH THẦN
Khởi đầu Mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Maria (x. Lc 1,35). Tiếp theo sau là vai trò của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời của Chúa Giêsu: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa dưới hình chim bồ câu (x. Lc 3,22). Chúa Thánh Thần đã dẫn Đức Giêsu “vào hoang địa bốn mươi ngày” (x. Lc 4,1-2). Rồi chính Đức Giêsu đã nói về sự hiện diện của Thánh Thần trong cuộc đời và sứ mạng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…”. Khi trừ Quỷ, Đức Giêsu đã khẳng định quyền năng của Ngài khi nói: “Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Mt 12,28). Đức Giêsu đã đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc từ chối hay đón nhận: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” (Mt 12,31-32). Hay nói về Chúa Thánh Thần như một món quà cao quý mà Thiên Chúa trao ban cho con người: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?” (Lc 11,11-13). Và khi nói đến sự liên kết giữa việc yêu mến và giữ lời, Đức Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14,15-17). Biết mình sắp từ giã các Tông đồ, Ngài đã mặc khải cho các ông biết về vai trò và sứ mạng của Chúa Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật xuất phát từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” (Ga 15,26-27; x. 16,13). Khi bị treo trên Thập giá, trước lúc tắt thở, Ngài đã thốt lên: “Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (x. Ga 19,29-30). Sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã trao bình an và sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các Tông đồ, đồng thời cũng ban quyền tha tội cho các ông:“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23).
Tắt một lời, nhờ Đức Giêsu mặc khải, chúng ta biết được Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thật vậy,“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). Nhờ mặc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như phần rỗi của con người được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng Trung Gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn mạc khải.” (x. Dei Verbum, số 1, 2).
4. SỐNG TINH THẦN MÀU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Màu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong tương quan cá nhân
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên thụ tạo mới, được mang danh là người Kitô hữu, được trở nên hình ảnh sống động của Đức Kitô. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Tôma Aquinô thì, nhờ Bí tích, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần; chúng ta được Thiên Chúa yêu thương: “Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta.” (2 Cr 6,15).
Vì vậy, qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Kể từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Sống khiêm tốn, thánh thiện là điều kiện để xứng đáng trở nên đền thờ của Thiên Chúa ngự. Đồng thời chúng ta hãy sống thân tình với Chúa như Cha với con. Hãy học lấy tâm tình của Đức Giêsu khi Ngài thưa chuyện với Cha Ngài. Bởi vì Thiên Chúa ở trong cung lòng của ta, Người sẵn sàng nghe lời ta nói.
Màu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong tương quan gia đình
Đã nói đến gia đình là nói đến sự hiệp nhất. Nếu không hiệp nhất thì không thể nào đón nhận nhau trong cùng một ngôi nhà, cùng một mâm cơm… Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi phải được coi như là mẫu mực tuyệt đối của sự yêu thương và hiệp nhất: Chúa Cha và Chúa Con nên một nhờ Thần Khí (x. Ga,15.26). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã làm toát lên điều đó: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như Chúng Ta.” (Ga 17,11).
Trong đời sống gia đình, mỗi thành viên hãy biết yêu thương nhau. Luôn biết hướng tha để đùm bọc nhau. Hạnh phúc của người khác là điều chúng ta cần quan tâm hơn. Hãy noi theo hành động xuất ngoại của Thiên Chúa khi ngôi này vì ngôi kia và ngược lại nhưng vẫn chỉ là một Chúa duy nhất. Được như thế, thì dù gia đình chúng ta có đông người nhưng cũng chỉ là một. Tuy nhiên duy nhất, nhưng vẫn phải trung thành với những bổn phận riêng biệt của mình trong vai trò là chồng, là vợ, là con cái… Mỗi người phải sống đúng với địa vị và vai trò của mình. Vợ chồng biết tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ sống đúng với vai trò của cha mẹ, luôn làm gương sáng cho con cái bằng chính đời sống tiết độ, công chính của mình. Con cái phải biết vâng phục cha mẹ trong tâm tình yêu mến và thảo hiếu, như Đức Giêsu luôn vâng phục Chúa Cha (x. Ga 4,34; Dt 5,8-9).
Như vậy, mỗi khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là mỗi lần chúng ta xác tín vào Chúa Ba Ngôi. Một Thiên Chúa luôn yêu thương, tha thứ và quan phòng. Một Thiên Chúa luôn làm chủ vũ trụ và con người trong vai trò thánh hoá và biến đổi. Đồng thời, mỗi khi mừng lễ, chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa và sống yêu thương nhau nhiều hơn. Mặt khác, chúng ta hãy hãnh diện tuyên xưng về sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày qua việc thành kính tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi khi làm dấu Thánh Giá.
Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con tin Chúa, phó thác, yêu mến Chúa. Xin cũng cho chúng con biết yêu thương nhau và sống đúng vai trò của mình trong cuộc sống hằng ngày theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Jos.Vinc. Ngọc Biển (21/05/2013)