Thiên Chúa muốn những người thừa hành của Ngài hãy thương xót
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo lại việc mang lấy một tâm hồn chai đá vốn khép lại trước lòng thương xót của Thiên Chúa.
Giảng trong Thánh Lễ sáng Thứ Ba (06/10) tại Nguyện Đường Santa Marta trước các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đang tập trung tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Toà Thánh Vatican, Đức Giáo Hoàng mời gọi người tín hữu đừng đặt những xác tín riêng hay một danh mục các điều răn trước lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lấy gợi hứng từ bài đọc thứ nhất Sách Tiên Tri Giôna, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng ông Giôna lúc đầu kháng cự lại ý muốn của Thiên Chúa, nhưng sau cùng thì biết rằng ông phải vâng lời Thiên Chúa.
Nhấn mạnh đến sự thật là thành Ninivê hoán cải nhờ vào lời rao giảng của Giôna, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “đó thực sự là một phép lạ, bởi vì trong trường hợp này ông đã bỏ lại sự bướng bỉnh của mình, sự chai cứng của mình, để vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, và ông đã thực hiện điều Thiên Chúa truyền cho ông”.
Và sau đó, Đức Giáo Hoàng nói, sau sự hoán cải của Thành Ninivê, ông Giôna “vốn không phải là người vâng theo Thần Khí của Thiên Chúa đã nổi giận”. Đức Giáo Hoàng nói ông thậm chí còn quở trách Thiên Chúa.
Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận, câu chuyện của ông Giôna và Thành Ninivê kể ở trong ba chương: thứ nhất “là sự kháng cự lại của Giôna trước sứ mạng Thiên Chúa uỷ thác cho ông”; thứ hai “là sự vâng lời của ông” và phép lạ xảy ra; và trong chương ba, “có một sự kháng cự lại với lòng thương xót của Thiên Chúa”.
Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu cũng đã bị hiểu lầm vì lòng thương xót của Ngài.
Ngài gợi nhắc rằng Chúa Giêsu sống cùng các Tiến Sĩ Luật là những người không hiểu vì sao Ngài lại không để cho cô dâm phụ bị ném đá, họ không hiểu vì sao Ngài lại dùng bữa với những người thu thuế và phường tội lỗi, “họ không hiểu. Họ không hiểu lòng thương xót”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng Thánh Vịnh mà chúng ta cầu nguyện hôm nay nói cho chúng ta “biết đợi chờ Thiên Chúa vì cùng với Thiên Chúa sẽ có lòng thương xót và ơn cứu độ”.
“Nơi nào có Thiên Chúa – Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận – nơi đó có lòng thương xót”. Và Ngài nói thêm, như Thánh Am-brô-xi-ô đã nói: “Nơi nào có những người thừa tác của Ngài thì ở đó có sự cứng lòng. Sự cứng lòng làm hỏng sứ mạng, thách đố lòng thương xót”:
“Khi chúng ta đang tiến đến Năm Thương Xót, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu được tâm hồn Ngài, hiểu được “lòng thương xót” nghĩa là gì, lòng thương xót nghĩa là gì khi Ngài nói: ‘Ta muốn lòng nhân, chứ không phải của lễ!”, Đức Giáo Hoàng nói.
Joseph C. Pham chuyển ngữ từ Vatican Radio