Thời kỳ đã mãn – Chúa nhật I mùa Chay B
Năm nay (năm 2024), Mùa Chay khai mạc vào ngày mồng năm Tết Giáp Thìn. Bầu không khí náo nhiệt của xuân mới đối với các Kitô hữu trở nên trầm lắng qua nghi thức khai mạc mùa Chay. Mùa Xuân là mùa đổi mới đất trời. Mùa Chay là mùa đổi mới lòng người. Cả mùa Xuân và mùa Chay đều đong đầy ý nghĩa, giúp chúng ta đổi mới cuộc đời, canh tân sám hối và tin vào Tin Mừng như Chúa Giêsu mời gọi.
Thời kỳ đã mãn! Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã tuyên bố những lời này khi Người khởi sự đời sống công khai. Hàng ngàn hàng vạn người đã đáp lại lời này để thay đổi cuộc sống, nỗ lực phục thiện để nên người tốt. Không chỉ hàng ngàn hàng vạn mà suốt 20 thế kỷ qua, rất nhiều người nam nữ được đánh động bởi lời kêu gọi này. Họ đã sám hối và nên hoàn thiện.
Thời kỳ đã mãn! Trước hết lời này nói với chúng ta về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tác giả thư gửi giáo dân Híp-ri đã nói đến “thời sau hết”. Trước đó, Thiên Chúa đã nói với con người qua các tổ phụ và các ngôn sứ, nhưng đến “thời sau hết” này, Ngài đã nói qua Người Con (Dt 1,1). Như vậy, có thể nói, nhân loại không còn phải đợi một ngôn sứ nào nữa. Vị Ngôn Sứ cao cả mà Thiên Chúa đã hứa sai đến với nhân loại, nay Người đã đến rồi. Đó là Đức Giêsu Kitô thành Na-gia-rét, vị Ngôn sứ quyền uy trong lời nói và việc làm. Dân chúng nghe lời Người giáo huấn và chứng kiến những phép lạ Người làm đã nhận định như vậy (Mc 1,21-22). Nhân loại không còn phải chờ đợi một đấng Thiên Sai nào nữa, vì Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến để chuyển tải thánh ý Chúa Cha. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. Ai nghe lời Chúa Giêsu là nghe lời Chúa Cha. Ai yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con sẽ đến và lưu lại nơi tâm hồn những người yêu mến Chúa Giêsu. Đó là vinh dự của người tín hữu.
Thời kỳ đã mãn! Lời tuyên bố của Chúa Giêsu giúp ta suy tư về thân phận mong manh của kiếp người. Một trăm năm trước đây, chúng ta không hiện hữu. Một trăm năm sau này, chúng ta cũng sẽ không còn. Quả thế, cuộc sống con người có ngần có hạn. Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về kiếp người ngắn ngủi chóng qua, như cỏ nội ngoài đồng, như đóa hoa buổi sáng và như đám mây gió thổi (phù vân). Nghi thức sám hối trong ngày lễ Tro, hay còn gọi là nghi thức xức tro trên đầu, diễn tả sự mong manh của kiếp người. “Người ơi hãy nhớ, mình chỉ là tro bụi. Sau này sẽ trở thành bụi tro”. Tuy vậy, nếu thân xác con người sau khi chết sẽ thành tro bụi, thì đến ngày phán xét, thân xác ấy sẽ được phục hồi để gắn bó với linh hồn bất tử. Nếu cuộc sống trần gian có hạn có ngần, thì cuộc sống vĩnh cửu lại vô cùng vô tận. Ý thức mọi sự trên đời chỉ là phù vân, sẽ giúp chúng ta cố gắng trau dồi đạo đức, gắn bó với Thiên Chúa là Đấng Vĩnh Cửu và với những giá trị trường tồn, vì vinh quang và phần thưởng của Thiên Chúa chỉ dành cho người công chính và đạo đức. Cuộc sống này ngắn lắm. Đừng hoang phí thời gian cho những việc làm vô nghĩa và phi nghĩa. Hãy yêu mến cuộc sống này và nhận ra những điều tốt đẹp nơi bạn bè và những người xung quanh. Khi nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống và khi chuyên tâm làm những điều thiện hảo, tâm hồn chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thoát. Mỗi ngày sống sẽ có ý nghĩa hơn.
Thời kỳ đã mãn! Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc chúng ta hướng về Đấng Vĩnh Cửu là Chúa Cha. Nếu chúng ta có nỗ lực trở về và canh tân bản thân, là vì chúng ta tin vào lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài là Đấng “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30,6). Bài đọc I kể với chúng ta bối cảnh sau Đại hồng thủy. Sau khi nước hồng thủy đã rút hết, Thiên Chúa tái tạo một nhân loại mới. Ngài hứa với ông Nô-ê, cũng là hứa với nhân loại, là sẽ không bao giờ có trận lụt kinh hoàng như thế nữa. Cầu vồng được thiết lập, như một giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại và là bằng chứng cho lòng trung tín của Ngài.
Thời kỳ đã mãn! Đây không phải là lối nói văn chương biểu tượng, nhưng là nguồn khích lệ rất cụ thể trong chính cuộc sống hiện tại. Người tín hữu sống trên đời phải chống chọi với biết bao cám dỗ và phải đối diện với biết bao nghịch cảnh. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mà cũng đã phải trải qua cám dỗ. Người đã chiến thắng. Mùa Chay giúp chúng ta tăng thêm nghị lực cho tâm hồn, để noi gương Chúa Giêsu, can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ. Như Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ trong sa mạc, chúng ta cũng sẽ chiến thắng cám dỗ trong cuộc đời. Chỉ có thể chiến thắng, nếu chúng ta biết gắn bó với Lời Chúa và cậy trông ân sủng của Người. Thánh Phêrô (Bài đọc II), đã so sánh trận Đại hồng thuỷ với bí tích Thánh Tẩy (Bí tích Rửa tội) mà chúng ta đã lãnh nhận. Nhờ Bí tích này, chúng ta được tẩy rửa tội lỗi, nên thanh sạch như nhân loại mới sau Đại hồng thủy. Những cố gắng hy sinh của mùa Chay cũng giúp chúng ta nên tinh tuyền, và được sống lại với Đức Giêsu Phục sinh.
Thời kỳ đã mãn! Mỗi chúng ta phải làm gì trong Mùa Chay năm nay?
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org