Thư mục vụ Tháng 2/2021 của Giám đốc Caritas Việt Nam
07/02/2021
Số 08/01/2020/CVN
Tp. Thủ Đức, ngày 05 tháng 02 năm 2021
Kính gởi: Quý Cha Giám đốc Caritas Giáo phận
Anh chị em hội viên, tình nguyện viên, và quý ân nhân Caritas
Kính thưa Quý Cha và Anh chị em,
Xuân đang về trên quê hương Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của biến chủng mới SARS-CoV-2 và nỗi hoang mang lo lắng của mọi người. Dù sao chúng ta vẫn cầu chúc cho nhau một Năm Mới an lành, mạnh khỏe, hạnh phúc. Với người Việt, Tết là khoảng thời gian quý báu để chúng ta sum vầy bên người thân. Trong ý nghĩa đó, chúng ta cũng đừng quên các anh chị em, ở nơi nào đó và vì nhiều lý do khác nhau, không thể sum họp cùng gia đình, nhất là các nạn nhân của tình trạng “nô lệ thời hiện đại.”
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, thế giới đang có số nô lệ nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Ước tính hiện nay trên thế giới có 40.3 triệu nạn nhân của các hình thức nô lệ. Trong đó 24.9 triệu người là nạn nhân lao động cưỡng bức và 15.4 triệu người là nạn nhân khai thác tình dục (x. ILO, Global Estimates of Modern Slavery: Forced Labour and Forced Marriage, Geneva, Sept. 2017, 9-10).
Tại Việt Nam, dường như khái niệm nô lệ vẫn còn xa lạ, thậm chí không được nhiều người nhìn nhận. Tuy nhiên, đừng quên rằng trong số các di dân lao động trong nước cũng như ngoài nước, những người đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, không ít người phải đối mặt với những rủi ro và thách thức từ khâu tuyển dụng cho đến việc tiếp cận những quyền lợi chính đáng. Tổ chức Lao động Quốc tế kể ra 11 dấu hiệu của lao động cưỡng bức: lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; lừa gạt; hạn chế đi lại; bị cô lập; bạo lực thân thể và tình dục; dọa nạt, đe dọa; giữ giấy tờ tùy thân; giữ tiền lương; lệ thuộc vì nợ; điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; và làm thêm giờ quá quy định. Đó là chưa kể các anh chị em là nạn nhân khai thác tình dục hoặc bị ép buộc lựa chọn những nghề nghiệp không xứng đáng với phẩm giá con người.
Đức Thánh Cha Phanxicô, ngay trong năm đầu tiên của sứ vụ giáo hoàng, đã mạnh mẽ lên án nạn buôn người mà ngài gọi là “một hình thức nô lệ và tội ác chống lại loài người” và kêu gọi giải thoát các nạn nhân cùng loại bỏ tận gốc tội ác này, bắt đầu từ các gia đình cho tới cấp độ toàn cầu (x. Diễn từ với các tân Đại sứ ngày 12/12/2013). Ngài tha thiết mời gọi xây dựng một thế giới không còn nô lệ, nhưng nhìn nhau như anh chị em (x. Sứ điệp Hòa bình 2014 và 2015). Hơn thế, kể từ năm 2015, ngài thiết lập ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nâng cao Nhận thức Chống nạn Buôn người, được cử hành vào ngày 08/02, kính nhớ Thánh Josephine Bakhita – nạn nhân buôn người, chiến sĩ đấu tranh đầy đức tin mang lại hy vọng cho các nạn nhân, và là nguồn cảm hứng cho những người dấn thân chấm dứt “vết thương lở loét trên thân thể xã hội đương thời, vết roi hằn sâu trên cơ thể Đức Kitô” (Sứ điệp Hòa bình 2014).
Dựa theo chủ đề năm 2021 của gia đình Caritas Việt Nam, “Liên đới trong tình anh chị em,” chúng ta dành tháng 02/2021 để liên đới với những anh chị em đang phải sống trong những tình cảnh đáng thương này. Xin quý Cha Giám đốc và Anh chị em quan tâm hơn đến những người đang gặp khó khăn và có nguy cơ rơi vào các đường dây buôn người dưới nhiều hình thức. Cách cụ thể, chúng ta nên tổ chức những buổi cầu nguyện, hoặc nếu có thể, tổ chức những hoạt động thiết thực ở cấp độ Giáo xứ, Giáo phận nhằm nâng cao nhận thức của mọi người, đặc biệt các bạn trẻ, về những nguy cơ ẩn nấp sau những lời hứa hẹn rất hấp dẫn nhưng cũng chứa đựng nhiều bấp bênh.
Thay mặt Caritas Việt Nam, chúng con xin chân thành cám ơn sự cộng tác của quý Cha và Anh chị em. Kính chúc quý Cha và Anh chị em một Mùa Xuân ấm áp, an vui, hạnh phúc, và mạnh khỏe bên gia đình và người thân.
Kính mến,
Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám Đốc Caritas Việt Nam
Nguồn: caritasvietnam.org