Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về những tình trạng gia đình khó khăn
VATICAN. Trong phiên khoáng đại thứ 6, chiều thứ tư, 8-10-2014, Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt đã bàn về những tình trạng mục vụ khó khăn và những cặp đồng phái.
Hiện diện trong phiên họp từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ chiều có ĐTC và 180 nghị phụ, dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil.
– Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội không phải là một sở quan thuế, nhưng là một nhà cha, vì thế Giáo Hội phải kiên nhẫn tháp tùng tất cả mọi người, kể cả những người ở trong tình trạng mục vụ khó khăn. Giáo Hội Công Giáo chân chính bao gồm cả những gia đình lành mạnh và gia đình khủng hoảng, vì thể nỗ lực hằng ngày trong việc thánh hóa không thể để Giáo Hội dửng dưng đối với những yếu đuối, vì sự kiên nhẫn cũng bao hàm việc giúp đỡ tích cực cho người yếu đuối nhất.
– Về công việc của tòa án hôn phối cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nói chung, nhiều nghị phụ đều nhận thấy cần cải tiến thủ tục để các vụ án này được cứu xét mau lẹ hơn, thu nhận nhiều hơn các giáo dân có khả năng trong các tòa án của Giáo Hội. Nhưng cũng có những nghị phụ cảnh giác về nguy cơ hời hợt và luôn luôn phải duy trì việc tôn trọng sự thật và quyền lợi của những người liên hệ, vì án hôn phối tiêu hôn không phải là tiến trình đi ngược với đức bác ái mục tử và việc mục vụ tư pháp phải tránh những ý tưởng buộc tội, trái lại khích lệ việc cứu xét các vụ án trong thanh thản.
Ngoài ra, có nghị phụ về nghị dùng cả các biện pháp hành chánh để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, tuy rằng biện pháp này không thay thế cho con đường tư pháp, hai con đường bổ túc cho nhau. GM là người có thẩm quyền quyết định xem vụ án hôn phối nào có thể được cứu xét theo đường hành chánh.
– Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng cần phải có thái độ tôn trọng đối với những tín hữu ly dị tái hôn, vì họ thường phải sống trong những tình trạng khó khăn hoặc bất công về mặt xã hội, họ chịu đau khổ trong thinh lặng và trong nhiều trường hợp, qua một tiến trình từ từ, họ tìm cách tham dự đầy đủ hơn vào đời sống Giáo Hội. Mục vụ đối với họ không được có tính chất đàn áp, nhưng đầy lòng từ bi thương xót.
– Về nạn đa thê, các nghị phụ nhấn rằng đây là một thực tại đang giảm bớt. Trong xã hội nông thôn, nạn đa thê dễ phát triển hơn, tuy nhiên ngày nay trào lưu thành thị hóa gia tăng. Cũng có những nghị phụ nhắc đến sự kiện có những người đa thê trở lại Công Giáo và muốn lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Người ta đặt câu hỏi: có những biện pháp mục vụ chuyên biệt để đáp ứng những hoàn cảnh như thế với sự phân định thích hợp hay không.
– Có nghị phụ trở lại vấn đề chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng hơn, nhất là nơi những người trẻ, cần trình bày cho họ vẻ đẹp của bí tích hôn nhân, cùng với sự giáo dục thích hợp về tình cảm, không phải bằng những lời nhắn nhủ luân lý, vì hành động này rốt cuộc tạo ra một thứ ”mù chữ” về tôn giáo và nhân bản. Trong tiến trình hôn nhân, cần có một sự tăng trưởng đích thực của con người.
Thảo luận tự do
Trong giờ thảo luận tự do từ 6 đến 7 giờ chiều thứ tư, 8-10, mỗi nghị phụ được phát biểu tối đa 3 phút.
– Một số nghị phụ trình bày những kinh nghiệm và kiểu mẫu cụ thể về việc mục vụ cho những người ly dị tái hôn. Họ dùng những nhóm lắng nghe. Điều quan trọng là tránh đưa ra một phán đoán luân lý, cũng như trách nói về tình trạng sống trong tội lỗi trường kỳ. Trái lại cần giúp những người ly dị tái hôn hiểu rằng việc không được rước lễ không loại trừ những phương thức khác để lãnh nhận ơn thánh trong Chúa Kitô; tình trạng không được rước lễ là do tình trạng khách quan theo đó mỗi giây bí tích bất khả phân lý trước đó vẫn còn. Trong nhãn giới đó, các nghị phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc rước lễ thiêng liêng. Dầu sao thì cả những đề nghị này cũng có những giới hạn và không có những giải pháp dễ dàng cho vấn đề.
– Về việc mục vụ những người đồng tính luyến ái, một số nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, và cả những nhóm lắng nghe nữa.
– Có nghị phụ nói đến vấn đề những tín hữu Công Giáo chuyển sang hệ phái Kitô khác, hoặc ngược lại, với tất cả những hậu quả khó khăn từ hôn phối hỗn hợp và sự kiểm chứng tính chất thành sự của các hôn phối ấy dưới ánh sáng của sự kiện trong các Giáo Hội Chính Thống, có thể được phép ly dị.
– Sau cùng, có nghị phụ nhận xét rằng từ Thượng HĐGM về gia đình Kitô hồi năm 1980 cho đến nay đó có những biến chuyển rất lớn trong nền văn hóa pháp lý quốc tế và vì thế Giáo Hội cần ý thức những điều ấy, và các tổ chức văn hóa, như các đại học Công Giáo cần đối chiếu với những tình trạng ấy để bảo tồn vai trò của mình trong cuộc thảo luận hiện nay.
G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 09.10.2014/ SD 9-10-12014