Tiếp kiến chung ĐTC: Sự chung sống sẻ chia trong gia đình
VATICAN. Một gia đình không bao giờ ăn chung với nhau, hay không trò chuyện với nhau tại bàn ăn nhưng xem truyền hình, hay là sử dụng smartphone, thì đó là “một gia đình thiếu vắng tính gia đình”. Khi con cái gắn chặt với máy vi tính hay điện thoại di động ở bàn ăn, và người ta không lắng nghe nhau, đó không phải là gia đình, đó là một nhà trọ. Sự chung sống sẻ chia là một nhiệt kế bảo đảm để đo lường độ lành mạnh của những tương quan trong gia đình.
Đây là nội dung chính bài huấn dụ của ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 11.11.2015 tại quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương.
Sau đây là bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:
Anh chị em rất thân mến,
Hôm nay chúng ta sẽ suy tư về một phẩm tính đặc nét của đời sống gia đình vốn khởi sự từ những năm đầu của cuộc sống: đó là sự chung sống sẻ chia, nghĩa là thái độ chia sẻ những thiện ích trong đời sống và hạnh phúc để thực hiện thái độ này. Nhưng chia sẻ và biết chia sẻ là một nhân đức đáng quý! Biểu tượng của sự chung sống chia sẻ là gia đình quây quần chung quanh bữa ăn ngày Chúa nhật. Sự chia sẻ bữa ăn – và vì thế, vượt quá thức ăn, đó là chia sẻ cả những tình cảm, những câu chuyện, và những biến cố… – là một kinh nghiệm nền tảng. Khi có lễ hội, sinh nhật chẳng hạn, một ngày kỉ niệm, người ta sẽ quây quần chung quanh bàn ăn. Trong một vài nền văn hoá, người ta có thói quen thực hiện cả điều này trong dịp lễ tang, để sống gần gũi với người đang đau khổ vì mất đi một người thân trong gia đình.
Sự chung sống sẻ chia là một nhiệt kế bảo đảm để đo lường độ lành mạnh của những tương quan: nếu trong gia đình có điều gì đó không ổn, hay có tổn thương nào đang bị che giấu, thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ ngay tại bàn ăn. Một gia đình không bao giờ ăn chung với nhau, hay không trò chuyện với nhau tại bàn ăn nhưng xem truyền hình, hay là sử dụng smartphone, thì đó là “một gia đình thiếu vắng tính gia đình”. Khi con cái gắn chặt với mày vi tính hay điện thoại di động ở bàn ăn, và người ta không lắng nghe nhau, đó không phải là gia đình, đó là một nhà trọ.
Ai cũng biết điều này là Kitô giáo có một ơn gọi đặc biệt đối với sự chung sống sẻ chia. Đức Giêsu đã dạy dỗ một cách tự nhiên tại bàn ăn, và thỉnh thoảng Ngài đã ví von Nước Trời giống như một bữa yến tiệc hoan hỉ. Đức Giêsu cũng đã chọn bàn tiệc để trao lại cho các môn đệ giao ước tinh thần của Ngài – Ngài làm việc ấy trong bữa ăn tối – cô đọng nó trong cử chỉ ghi nhớ Hiến Tế của Ngài: tặng phẩm là Mình và Máu Thánh của Người vốn là Lương Thực và Thức Uống cứu độ, sẽ dưỡng nuôi tình yêu đích thực và vững bền.
Trong viễn tượng này, chúng ta có thể khẳng quyết rằng gia đình là mái ấm của Thánh Lễ, đó là bởi vì gia đình mang đến với Thánh lễ chính kinh nghiệm của sự chung sống và vén mở nó cho ân sủng của sự chung sống đại đồng, của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới. Khi tham dự Thánh lễ, gia đình được thanh lọc khỏi cám dỗ đóng kín trong chính mình, nhưng được củng cố trong tình yêu và đức tin, và rộng mở những biên cương của chính tình huynh đệ phỏng theo con tim của Đức Ki tô.
Trong thời đại chúng ta ngày nay, được ghi dấu bởi rất nhiều bởi sự đóng kín và bức tường ngăn cách, sự chung sống sẻ chia được sản sinh từ gia đình và được triển nở nhờ Bí tích Thánh Thể, sẽ trở nên một cơ hội mấu chốt. Thánh lễ và các gia đình được nuôi dưỡng bởi đó có thể vượt thắng sự đóng kín và kiến tạo những nhịp cầu của đón nhận và bác ái. Vâng, Thánh lễ của một Giáo Hội tại gia, có thể tái tạo cho cộng đồng men nhiệt tình của sự chung sống và sự tiếp đón nhau, đó là một trường học bao gồm tính nhân bản mà chẳng bao giờ sợ hãi các sự đối chiếu!
Ký ức về những nhân đức quen thuộc sẽ giúp chúng ta hiểu điều này. Bản thân chúng ta đã và đang biết rằng biết bao phép lạ có thể xảy ra khi một người mẹ hướng nhìn và chăm chú, quan tâm dành cho những đứa con của người khác, hơn là cho chính con của mình. Cho đến mãi ngày hôm qua, chỉ cần một người mẹ là đủ để chăm sóc tất cả những đứa trẻ ở sân trường. Và vẫn còn đó: chúng ta biết rất rõ rằng đâu là sức mạnh mà một dân tộc thủ đắc qua đó những người cha luôn sẵn sàng để thực hiện sự bảo vệ con cái của người khác, bởi vì họ coi con cái như là một thiện ích để chia sẻ, và vì thế họ hạnh phúc và hãnh diện để bảo vệ.
Hôm nay rất nhiều bối cảnh xã hội tạo ra những trở ngại cho sự chung sống của gia đình. Thật thế, ngày nay nó không dễ dàng. Chúng ta phải tìm ra cách thế tái phục hồi nó: nói chuyện với nhau tại bàn ăn, lắng nghe nhau tại bàn ăn. Không thinh lặng, cái thinh lặng ấy không phải là thinh lặng của các nữ đan sĩ, nó là sự thinh lặng của tính ích kỷ: mỗi người có cái của mình hoặc là truyền hình hay máy vi tính… và người ta không nói với nhau nữa. Không, đừng thinh lặng. Hãy thu hồi sự chung sống chia sẻ trong gia đình miễn là bằng cách thích ứng nó với thời đại. Sự chung sống xem ra trở nên một thứ có thể mua bán được thì đã là một điều gì đó khác. Và sự nuôi dưỡng không luôn luôn là một biểu tượng của sự chia sẻ thích đáng về của cải, có thể đụng chạm đến người thiếu thốn cả của ăn và tình cảm. Trong những nước giàu có chúng ta bắt buộc phải chi tiêu cho nhu cầu thực phẩm một cách thái quá, và rồi chúng ta lại phải chữa trị cho sự thái quá đó. Và việc không biết suy xét này ngăn cản sự quan tâm của chúng ta đến cơn đói thực sự, nơi thể xác và linh hồn. Tệ hại hơn nữa là biết bao nhiêu quảng cáo đã tối giản sự đói khát đến một mức độ bạc nhược của một bữa ăn lỡ hay khao khát ăn đồ ngọt. Trong khi rất nhiều, rất nhiều anh chị em khác, vẫn còn đứng bên ngoài bàn ăn. Thật là hơi đáng xấu hổ phải không?
Chúng ta hãy nhìn đến mầu nhiệm của Bàn Tiệc Thánh Thể. Thiên Chúa đã bẻ Thân Mình và đổ Máu Mình ra cho tất cả. Thực ra chẳng có sự chia rẽ nào có thể chống cự lại với Sự Hiến Tế này; chỉ có thái độ của lừa dối, của mưu mô cùng với sự dữ mới có thể tách rời khỏi Hiến Tế này. Mọi xa cách khác không thể nào kháng cự lại với quyền năng không được che chở của chiếc bánh được bẻ ra và rượu được đổ ra này, là Bí Tích của Một Thân Mình duy nhất của Thiên Chúa. Giao ước hằng sống và quan trọng của các gia đình Kitô giáo, vốn đi trước, chống đỡ, và bao gồm trong năng động của sự hiếu khách của nó sự vất vả và niềm vui của đời sống hằng ngày, cộng tác cùng với ân sủng Thánh Thể, có thể tạo nên sự thông hiệp luôn mới mẻ cùng với uy lực có thể đón nhận và cứu độ.
Gia đình Kitô giáo sẽ cho thấy mức độ bao la của chân trời đích thực của nó, vốn là chân trời của Mẹ Giáo Hội của tất cả mọi người, của tất cả những ai bị bỏ rơi và loại trừ, của tất cả mọi dân tộc. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho sự chung sống của gia đình có thể tăng trưởng và chín mùi trong thời khắc của ân sủng của Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp tới”.
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai, dongten.net