Tiểu sử Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sinh ngày 16-4-1927 (Thứ bảy Tuần Thánh) tại Marktl am Inn, thuộc giáo phận Passau, Đức quốc, và được rửa tội ngay ngày hôm đó. Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ gia đình nông dân. Mẹ của ngài trước khi kết hôn từng làm nghề nấu nướng trong một số khách sạn. Một gia đình công giáo bình dân và đạo đức.
Thời thơ ấu và thiếu niên của Đức Bênêđictô XVI trôi qua êm ả ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần biên giới Đức-Áo, cách Salzburg 30 cây số. Chính nơi đây, ngài nhận được nền giáo dục căn bản về nhân bản, văn hóa và đức tin Kitô giáo.
Tuổi thanh niên của ngài rơi vào một giai đoạn khó khăn của xã hội. Chế độ Đức quốc xã có thái độ thù nghịch với Giáo hội Công giáo. Chàng thanh niên Joseph Ratzinger tận mắt chứng kiến cảnh các linh mục bị đánh đập trước khi dâng lễ. Cũng chính trong giai đoạn này, ngài khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô, phần lớn là nhờ ảnh hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo hội trong mọi hoàn cảnh.
Từ năm 1946–1951, ngài học Triết và Thần học tại Freising và đại học München. Ngày 29-6-1951, ngài thụ phong linh mục, và một năm sau, bắt đầu dạy học ở trường Cao đẳng Freising.
Năm 1953, ngài nhận bằng Tiến sĩ thần học với luận án Dân Chúa và Nhà Chúa trong tư tưởng của Augustinô về Giáo hội.
Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của Gottlieb Söhngen, một giáo sư nổi tiếng về Thần học cơ bản, linh mục Joseph Ratzinger nhận thêm một bằng Tiến sĩ với luận án về Thời gian và Lịch sử theo thánh Bônaventura.
Sau khi dạy Thần học cơ bản và Tín lý tại Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn từ 1959–1963; tại Münster từ 1963–1966, và tại Tübingen từ 1966–1969. Trong năm 1969, ngài dạy về Tín lý và Lịch sử tín điều tại đại học Regensburg, đồng thời là Phó Viện trưởng tại đây.
Từ năm 1962–1965, ngài góp phần đáng kể cho Công đồng Vaticanô II trong tư cách chuyên viên, là cố vấn thần học cho Đức hồng y Joseph Frings, Tổng giám mục Köln (Cologne). Với những hoạt động trí thức phong phú, ngài được đề nghị làm việc cho Hội đồng Giám mục Đức cũng như cho Ủy ban thần học quốc tế.
Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar và nhiều nhà thần học nổi tiếng khác, ngài khởi xướng tạp chí thần học Communio (Hiệp Thông).
Ngày 25-3-1977, Đức Phaolô VI đặt ngài làm Tổng giám mục München và Freising. Ngài chọn khẩu hiệu“Người cộng tác của Chân lý”, và ngài giải thích: “Một đàng, khẩu hiệu này diễn tả mối tương quan giữa công việc trước đây của tôi, trong tư cách giáo sư, và nhiệm vụ mới. Cách tiếp cận khác nhau nhưng điều chính yếu vẫn là phục vụ chân lý. Đàng khác, tôi chọn khẩu hiệu này vì trong thế giới ngày nay, dường như chân lý bị bỏ quên và bị coi như cái gì đó quá lớn lao đối với con người, tuy nhiên nếu không có chân lý thì mọi sự đều sụp đổ”.
Cũng trong năm 1977, tại Công nghị hồng y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng hồng y.
Năm 1978, Đức hồng y Joseph Ratzinger tham dự Mật tuyển viện bầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I (ngày 25–26 tháng 8). Đến tháng 10, ngài lại dự Mật tuyển viện bầu Đức Gioan Phaolô II.
Năm 1980, tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về đề tài “Sứ vụ của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay”, ngài đóng vai trò điều phối (relator). Trong Thượng Hội Đồng năm 1983 về “Hòa giải và sám hối”, ngài ở trong Chủ tọa đoàn.
Ngày 25-11-1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh và Ủy ban Thần học. Ngày 15-2-1982, ngài từ giã Tổng giáo phận München và Freising để về làm việc tại Rôma.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức hồng y Joseph Ratzinger cũng là Chủ tịch Ủy ban biên soạn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo, được chính thức công bố vào năm 1992.
Trong những tác phẩm của ngài đã được xuất bản (trước khi làm giáo hoàng), người ta chú ý đặc biệt đến cuốnDẫn vào Kitô giáo là tổng hợp những bài thuyết trình của ngài về Kinh Tin Kính; cuốn Tín điều và Giảng thuyết (1973) là tổng hợp những bài viết, bài giảng và suy niệm. Ngoài ra, những cuốn sách được thực hiện dưới dạng phỏng vấn, như The Ratzinger Report (1985) về tình hình đức tin trong thế giới ngày nay, Muối cho đời (1996), đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn thế giới.
Sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, các Hồng Y đã triệu tập Mật tuyển viện, và ngày 19-4-2005, Đức hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là: “Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các Hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trênhết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”.
Trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới: “Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có thể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng: thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”. (Còn tiếp…)
NHỮNG DẤU ẤN TRONG TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
Được bầu làm giáo hoàng khi đã bước vào tuổi 78, Đức Bênêđictô XVI đã tâm sự với những người thân cận rằng, do tuổi tác và sức khỏe, có lẽ ngài không thể theo gương Đức Gioan Phaolô II trong những chuyến thăm mục vụ khắp thế giới. Thế nhưng ngài mau chóng nhận ra rằng cách tốt nhất để vươn tới mọi người là đi đến với họ, vì thế ngài đã cố gắng thực hiện, trước hết là có mặt tại Đại hội Giới Trẻ thế giới được tổ chức tại Đức, chỉ vài tháng sau khi ngài làm giáo hoàng. Trong 5 năm đầu của triều đại giáo hoàng, ngài đã đi đến 5 châu lục, 14 quốc gia, qua quãng đường 60.000 kilômét. Ngài hiểu được sức mạnh của báo chí và truyền thông, và biết rằng nếu ngài đi đến với những người nghèo ở châu Phi thì giới truyền thông cũng đi theo. Qua họ, cả thế giới sẽ nhìn thấy tình trạng nghèo khổ ở đó và hố phân cách giàu nghèo trên trái đất này, để ý thức hơn và góp phần thay đổi.
Ngay từ khi lãnh nhận sứ vụ Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về vấn đề đại kết. Trong Thánh Lễ đầu tiên với tư cách Giáo hoàng, cử hành tại Nhà nguyện Sistine, ngày 20-4-2005, ngài đã khẳng định đại kết là mối quan tâm hàng đầu, và ngài sẵn lòng “làm việc không mệt mỏi nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Chúa Kitô”. Những tiến triển sau đó trong mối liên hệ của Tòa Thánh Rôma với Giáo hội Chính Thống, Luther, Anh giáo… cần được nhìn trong viễn tượng này.
Đức Bênêđictô XVI cũng là vị giáo hoàng của Công đồng Vaticanô II. Ngài đã có mặt tại Công đồng ngay từ đầu. Khi đó, Joseph Ratzinger còn là một linh mục trẻ 35 tuổi nhưng đã là một giáo sư thần học có tiếng tăm, được Đức hồng y Jospeh Frings của Köln chọn làm cố vấn thần học, sau đó được chọn làm chuyên viên của Công đồng. 50 năm sau, khi đã là giáo hoàng và đưa ra quyết định từ nhiệm, một trong những bài thuyết trình cuối cùng của ngài là bài nói chuyện với hàng giáo sĩ Rôma, và đề tài là về Công đồng Vaticanô II, khởi đi từ những kinh nghiệm và suy tư cá nhân của ngài. Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng gắn bó với Công đồng, và điều ngài thường xuyên nhấn mạnh khi nói đến các văn kiện của Công đồng là là tính liên tục. Vaticanô II không phải là sự đoạn tuyệt với quá khứ nhưng là sự tiếp nối dòng chảy miên man của đức tin Kitô giáo trong đời sống Giáo hội. Những cải tổ phụng vụ, suy tư thần học, hoặc canh tân mục vụ cần được thực hiện trong tầm nhìn này; nếu không, không thể giải thích và áp dụng cách đúng đắn tinh thần của Công đồng.
Đức Bênêđictô XVI cũng làm nổi bật vai trò giáo huấn của Tòa Thánh Phêrô. Là một học giả và giáo sư lỗi lạc, ngài tiếp tục công việc này đặc biệt qua những bài dạy giáo lý hằng tuần và những bài giảng, những diễn văn sâu sắc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngài còn dành thời giờ nghỉ ngơi thư giãn tại Castel Gandolfo để hoàn tất tác phẩm đồ sộ Đức Giêsu thành Nazareth. Cách riêng, ngài đã lưu lại cho Giáo hội 3 thông điệp quan trọng.
Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI là Deus caritas est, tóm kết giáo huấn của ngài về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nền tảng cho đời sống và dẫn đến những câu hỏi quan trọng của đức tin: Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên yêu thương không chỉ đơn thuần là điều răn phải giữ, nhưng là sự đáp lại của chúng ta trước tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy bao gồm toàn bộ đời sống con người. Trong tình yêu, phải biết cho đi và cũng biết đón nhận. Khi người Kitô hữu sống thân tình với Chúa, họ học nhìn người khác bằng cặp mắt của Chúa: “Nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, tôi có thể trao tặng người khác những gì lớn lao hơn những nhu cầu bên ngoài, tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát”.
Thông điệp Spe salvi về niềm hi vọng Kitô giáo trình bày Chúa Giêsu như cội nguồn hi vọng mà nhân loại đang khao khát. Đức Thánh Cha nhận định rằng không có phương thế nhân loại nào có thể sửa lại những sai lầm khủng khiếp trong lịch sử nhân loại, như việc tàn sát người Do Thái, những tai họa trong thiên nhiên, chiến tranh và khủng bố. Không có phương thế nhân loại nào có thể mang lại sự công bằng trọn vẹn: “Không ai và không điều gì có thể trả lời cho những thế kỷ của khổ đau”. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự phục sinh thân xác, mới có công bằng trọn vẹn, và mọi giọt lệ mới được lau đi.
Caritas in veritate là thông điệp xã hội, cố gắng vượt lên trên sự tương phản người ta thường nêu lên giữa công bằng và bác ái, linh đạo và phát triển, đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, mối quan tâm của những nước giàu và nhu cầu của những nước nghèo. Đức Thánh Cha nhắc nhớ chúng ta rằng những đòi hỏi của tình yêu mang cả hai chiều kích cá nhân và xã hội. Tình yêu phải được áp dụng cho những quan hệ ở tầm vi mô (với bạn bè, với gia đình, trong nhóm nhỏ), cũng như những quan hệ ở tầm vĩ mô (xã hội, kinh tế, chính trị). Ngài phê phán thứ kinh tế thị trường mà thiếu công bằng, hỗ trợ việc giúp đỡ các nước nghèo, kêu gọi thiết lập những cấu trúc quốc tế để giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ngài kêu gọi tôn trọng môi sinh vì chúng ta cư xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên cũng ứng xử với chúng ta như thế. Cũng vậy, không tôn trọng quyền sống của tha nhân sẽ làm suy yếu lương tâm của xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chắc chắn những thông điệp này là những di sản tinh thần quý giá mà các tín hữu công giáo cần đón nhận và tiếp tục đào sâu trong suy tưởng cũng như ứng dụng trong thực hành.
Nguồn: WHĐ