Tìm hiểu đôi nét về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Trong suốt 300 năm bắt Đạo, trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách, trong số này, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân.
- Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các cơn bắt Đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh…
- Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp bốn trăm ngàn người Công Giáo dưới triều Vua Tự Đức…
- Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người công giáo bị chết khi có Phong trài Văn Thân nổi lên tàn sat người Công Giáo…
Như thế, con số Cha Ông Tử Đạo chúng ta, trong ba trăm năm bị bắt Đạo, phải tính lên đến ba trăm ngàn người trong vòng ba trăm năm. Nếu tính theo tỷ lệ, trong ba trăm năm bắt Đạo, cứ một trăm năm thì có một trăm ngàn Vị Tử đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và đổ đồng, cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo! (x.tonggiaophanhue.net).
1. Vài tư liệu
a. Thời gian và con số
- Thời gian bắt đầu vào năm 1580 và chỉ kết thúc hoàn toàn vào năm 1888, kéo dài gần 3 thế kỷ.
- Có khoảng 400.000 người bị lưu đầy, phát lưu và phân sáp. Hơn 100.000 người đã chết vì đạo trong số này đã có 117 vị được Giáo Hội chính thức tôn phong lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988.
b. Về các hình khổ: Các ngài đã phải chịu mọi thứ cực hình mà người ta có thể nghĩ ra được như:
- Gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói.
- Bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng.
- Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết tức là bị chặt đầu, bị xử giảo tức là bị thắt cổ, hay bị thiêu sống.
- Vô cùng man rợ và hiểm độc như bị xử lăng trì, phân thây ra từng mảnh hay là xứ bá đao.
c. Quá trình Giáo Hội phong thánh
- Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lêo XIII phong 64 vị lên hàng chân phước.
- Ngày 20-5-1906 Đức Thánh Cha Pio X phong thêm 8 vị.
- Ngày 02-5-1909 cũng Đức Thánh Cha Piô X phong thêm 20 vị nữa.
- Ngày 29-4-1951 Đức Thánh Cha Pio XII phong 25 vị.
Trong 117 vị được phong chân phước có:
- 8 Giám mục ( Giám mục thuộc dòng Đaminh và 2 Giám mục thuộc Hội thừa sai Paris)
- 50 Linh mục (Gồm 37 là người Việt Nam, 8 thuộc Hội thừa sai Paris và 5 thuộc dòng Đaminh)
- 15 Thầy giảng
- 44 Giáo dân thuộc đủ mọi thành phần xã hội: công chức, thương gia, công nhân, quân nhân, y sĩ, ngư phủ, trùm họ…
d. Theo loại hình phạt
- 79 vị bị trảm quyết tức là bị chặt đầu. Như vậy là con số bị trảm quyết nhiều nhất.
- 18 vị bị xử giảo tức là bị thắt cổ.
- 8 vị chết rũ tù
- 6 vị bị thiêu sinh
- 4 vị bị lăng trì tức là phân thây ra từng mảnh
- 1 vị bị tử thương
- 1 vị bị bá đao
e. Về thời gian
- 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Doanh
- 2 vị chịu tử đạo thời Trịnh Sâm
- 2 vị chịu tử đạo thời Cảnh Thịnh.
- 57 vị chịu tử đạo thời Minh Mạng
- 3 vị chịu tử đạo thời Thiệu Trị
- 51 vị chịu tử đạo thời Tự Đức
2. Những cuộc bắt Đạo trong thế kỷ XVII (1625-1692)
Cũng như Giáo Hội Rôma ngày xưa, Giáo Hội Việt Nam từ giây phút đầu tiên được nghe rao giảng Tin Mừng, đã phải đối phó với những cơn giông tố dữ dội cấm Đạo nổi lên ác liệt.
Trong thế kỷ XVII (1625-1692)
- Dưới thờ Vua Sãi Vương bắt Đạo: cấm người công giáo làm bàn thờ trong nhà, không được mang chuỗi tượng công khai, chịu những hình khổ của tù nhân, không được làm những chức phận gì trong triều đình. Các nhà thờ bị triệt hạ, các linh mục ngoại quốc bị tập trung về Hội An và bị trục xuất ra khỏi nước.
- Dưới thời Vua Thượng Vương bắt Đạo: người công giáo bị bắt bỏ tù, rồi lập hồ sơ đưa ra toà án: nếu là thầy giảng hay linh mục không chịu bỏ đạo thì chém đầu; nếu là giáo dân không chịu bỏ Đạo thì bị đánh bách trượng, bị cạo trọc đầu, bị chặt các đầu mút ngón tay, bị thả về tàn phế như vậy, không được cấp dưỡng gì hết.
- Dưới thời Vua Hiền Vương bắt Đạo: các nhà thờ và các nhà nguyện công, tư bị triệt hạ; các tượng ảnh bị thiêu đốt, các thầy giảng và các chức việc bị bỏ tù; các linh mục ngoại quốc bị trục xuất ra khỏi nước; nhiều hình khổ rùng rợn được áp dụng như giam đói, giam khát, bị chặt đầu, phân thây, treo ngược vào cột để xé xác ra làm sáu phần; cho voi chà nát; đâm gươm vào hông; chặt đứt hai tay, hai chân, chỉ còn đầu và thân mình.
- Dưới thời Vua Vua Ngãi Vương bắt Đạo: cấm ba tội, là tội đánh bạc, tội đá gà và tội theo đạo Công Giáo; các nhà thờ bị triệt hạ; thường dân theo Đạo Công Giáo thì bị bắt bỏ tù, sĩ quan có đạo thì bị truất chức; ai tố cáo người công giáo đi dự lễ thì được thưởng, ai biết mà không chịu đi tố cáo thì bị tội; ai không chịu chối Đạo thì phải mang gông phơi nắng chín ngày, bị thắt cổ, bị treo chân vào cột đánh đòn.
3. Những cuộc bắt Đạo trong thế kỷ XVIII (1698-1801)
- Dưới thời Vua Minh Vương: người công giáo chịu thuế nặng gấp ba lần người không công giáo; ai cũng được tự do làm hại người công giáo bất cứ bằng cách nào; áp dụng nhiều hình khổ lạ hơn như xẻo hai tai, vấn dẻ vào các ngón tay rồi đổ dầu mà đốt; lấy dao khắc hình Thánh Giá vào trán người công giáo rồi xiềng hai chân với cổ lại, bắt đi bứt cỏ nuôi voi của Nhà Vua suốt đời, hình phạt nầy được gọi là Thảo tượng chung thân; lập chuồng giam người công giáo như giam súc vật: chuồng lợp lá, chật chội, người công giáo bị giam trong đó, có lính canh đêm ngày không cho họ ra khỏi, nhưng bên ngoài, lại có dọn đồ ăn rất ngon, lính canh đứng ngoài cứ hô to: “Nước đó, cơm cá đó. Cứ bỏ đạo rồi ra mà ăn, mà uống”…
- Dưới thời Vua Võ Vương và Nhà Trịnh: hình khổ được áp dụng thêm, là kẹp các đầu ngón tay cho ra máu; lập nhà giam Sinh Tử, có hai cửa, một cửa gọi là Cửa Sinh, một cửa gọi là Cửa Tử, cửa Sinh có Dấu Thánh Giá, ai bước qua để đi ra thì được sống, cửa Tử có để thanh gươm, ai bước qua là tỏ dấu không muốn bỏ Đạo, thì bị xử tử.
- Trong thời kỳ Nhà Tây Sơn bắt Đạo, đặc biệt tại Thừa Thiên và Quảng Trị, giáo dân phải bị tàn sát dữ dội. Riêng tại Quảng Trị, trong thời kỳ này, nhiều giáo dân phải bỏ nhà cửa, bồng bế con cái chạy trốn vào rừng núi La Vang, và được Đức Mẹ Maria hiện ra an ủi năm 1798.
4. Những cuộc bắt Đạo trong thế kỷ XIX (1830-1885)
- Dưới thời Vua Minh Mạng bắt Đạo: các nhà lao xá như Trấn Phủ, Khám Đường được thành lập để giam người công giáo; đày người công giáo đến những nơi rừng thiêng nước độc; áp dụng hình khổ Bá Đao; xử giảo thắt cổ; bắt tám người công giáo phải mang một cái gông dài như cái thang để khỏi phải chạy trốn.
- Dưới thờ Vua Tự Đức bắt Đạo: lệnh ban ra giết các linh mục Việt Nam và các linh mục ngoại quốc; tróc nã các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; quân sĩ nào theo đạo Công Giáo, trước khi ra trận, phải Phạm Ảnh, nghĩa là phải bước qua Thánh Giá; thi hành kế hoạch Phân Sáp để tiêu diệt tận gốc người Công Giáo.
- Cuối thế kỷ XIX, xảy ra nhiều cuộc tàn sát người Công Giáo bởi Phong trào Văn Thân. Thời kỳ Văn Thân này tương đối ngắn, nhưng có đến sáu vạn giáo dân bị thảm sát. Riêng tại một tỉnh Bình Định, có 24.000 giáo dân bị giết. Tại Quảng Trị, chỉ trong vòng một tháng, hơn 8.000 giáo dân bị giết.
5. Kế hoạch Phân Sáp để tận diệt người Công Giáo
Kế hoạch Phân Sáp được thi hành trong năm 1851 và 1856. Do sự thi hành kế hoạch này mà 400.000 giáo dân phải bị đi phân sáp, từ 50.000 đến 60.000 giáo dân phải chết nơi phân sáp, 3.500 giáo dân bị xử tử, 100 làng công giáo bị đốt phá bình địa, 2.000 Họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 115 linh mục Việt Nam và 10 giáo sĩ ngoại quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2.000 nữ tu Mến Thánh Giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh Giá chết vì Đạo.
Kế hoạch Phân Sáp gồm 4 mặt:
- Không cho người công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương;
- Mỗi người công giáo phải bị 5 người lương canh gác cẩn mật;
- Các làng công giáo bị bị phá huỷ, của cải ruộng đất người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người này xử dụng và nộp thuế lại cho Nhà Nước;
- Không cho đàn ông công giáo ở với đàn bà công giáo; không cho vợ chồng công giáo ở một nơi với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau; con cái phải để cho người lương nuôi. (x.tonggiaophanhue.net).
Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô đã từng nói: “Giáo hội Việt nam đã phát sinh những nhân chứng, đặc biệt là Các Vị Tử Đạo, lời tiền nhân nói không sai: Máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu, vì do máu Các Đấng Tử Đạo của dân tộc và Giáo hội Việt nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ”.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: conggiao.info