Tình thương đích thực phải trả giá đấy!
Tôi vẫn nhớ một cha già giảng thế này, “Tình thương nhưng không, nhưng giá của nó không rẻ!”
Như nhiều người có tuổi, cha già hiểu được thế nào là tình thương nhưng không, không giới hạn và bất ngờ của Thiên Chúa, nhưng ngài cũng biết rằng, tình thương ấy có cái giá của nó.
Giáo hội Công giáo quy định rằng, một tượng chịu nạn phải được đặt ở nơi dễ thấy gần bàn thờ của mỗi nhà thờ, thánh đường. Thực hành này nhằm nhắc nhớ chúng ta rằng, “chúng ta rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh” (1 Cr 1,23) và rằng vị Thiên Chúa chịu đóng đinh kia chính là Đấng đã phải trả giá vì yêu thương.
Mầu nhiệm thập giá cũng là mầu nhiệm tình yêu. Trong đáy sâu lòng mỗi con người có một khuynh hướng xấu luôn thôi thúc chúng ta đổ lỗi cho người khác. Ngay khi Cain giết em mình là Abel, khuynh hướng vu vạ để rồi giết hại người vô tội đã tác oai tác quái trong lịch sử nhân loại này.
Sự thôi thúc xấu xa này nơi bản tính của chúng ta, chẳng những khiến chúng ta đổ lỗi cho người khác, nhưng còn đoán xét và kết án họ nữa. “Bọn ấy là vấn đề,” chúng ta thường tự nhủ như thế, “và nếu chúng là vấn đề, thì chúng phải chết”.
Hệ quả của thứ thôi thúc này, thứ thôi thúc vội vã kết án, vu vạ cáo gian cho người khác, được tỏ bày ra nơi thập giá. Nơi đó, Đức Giêsu đôi tay rộng mở, chấp nhận bị vu vạ, Người gánh lấy những hình khổ dã man để đền thay tội luỵ cho nhân gian. Khi làm thế, Người đã chấp nhận bị trừng phạt dù vô tội, cử điệu yêu thương này của Người đã mở toang các cánh cửa yêu thương ra cho toàn thế giới.
Từ đây cho đến tận mút cùng thời gian, chúng ta không còn phải “chơi trò đổ lỗi” nữa, vì Người đã nhận lấy vào chính Người tất cả những vu vạ và hình phạt rồi. Hành vi này phả một năng động lực yêu thương vào trong trần gian, để rồi, cho đến tận cùng thời gian, tình thương lớn lao của Thiên Chúa trở nên một quà tặng nhưng không, nhưng cái giá phải trả cho tình thương ấy, xét ra không phải ít.
Giá phải trả cho yêu thương được nhận thấy, không chỉ hệ tại nơi hành vi yêu thương của Đức Kitô, nhưng còn hệ tại cách mà chúng ta đón nhận tình yêu nữa. Nếu tình thương của Đức Giêsu là nhưng không, nhưng giá phải trả cho tình thương ấy không phải ít, thì chúng ta cũng phải đón nhận tình thương ấy một cách nhưng không, nhưng không phải một cách rẻ rúng, hời hợt.
Tình thương bị rẻ rúng là tình thương được đón nhận một cách chiếu lệ, không có chiều sâu. Ai nghĩ rằng ân sủng tình thương đơn giản chỉ là việc “được thanh thoả” khỏi những điều sai trái đã trót phạm, thì người ấy chưa hiểu được mức độ cao sâu và cái giá phải trả để có được tình yêu. Ai nghĩ rằng, yêu thương sẽ không có đoán phạt và làm những gì họ thích, thì thứ họ nhận được sẽ chỉ là một thứ tình thương giả trá. Nếu chúng ta đến cùng Thiên Chúa để cầu xin ân sủng tình thương, mà lại không thực lòng thống hối về những sai phạm của bản thân, cũng không có thành tâm muốn thay đổi lối ăn nếp ở, vậy thì chúng ta cũng chỉ đang cầu xin thứ tình thương rẻ rúng chứ không phải thứ tình thương sâu đậm.
Để có thể biết và hiểu được chiều kích cao sâu và cái giá của tình yêu Đức Kitô, chúng ta cần xin cho được ơn sám hối. Giáo lý định nghĩa sám hối là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm nữa”.
Trước hết, chúng ta chưa hết lòng chê ghét tội đã phạm. Có thể chúng ta thấy buồn phiền, chẳng hạn vì chúng ta sợ mình sẽ bị bắt, chúng ta sợ phải sa hoả ngục, hoặc đơn giản là vì chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Có thể chúng ta cảm thấy xấu hổ vì những gì đã làm vì nó làm chúng ta bị hạ giá. Nguyên những cảm giác sợ hãi, mặc cảm tội lỗi hay xấu hổ không đủ để chúng ta có thể hiểu được tình Chúa cao sâu như thế nào. Giáo lý gọi đó là “ăn năn tội cách chẳng trọn”. Sám hối là ơn Chúa ban, nhưng nó cần để ta có thể lãnh nhận Bí tích Hoà giải, do vậy, việc sám hối của chúng ta cần được thực hiện một cách thực tâm và trọn hảo hơn.
Sám hối hay ăn năn tội cách trọn “xuất phát từ tình yêu trọn hảo đối với Thiên Chúa, yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự”, và đau đớn vì tội lỗi tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người. Khi chúng ta ăn năn tội cách trọn, chúng ta ngay lập tức nhận ra mức độ nghiêm trọng của những tội lỗi của mình, và hiểu được tại sao nó lại nghiêm trọng. Tội lỗi không nghiêm trọng chỉ vì ai đó nói rằng nó sai trái hay vì chúng ta có thể bị bắt, bị bôi nhọ hay bị trừng phạt.
Thay vào đó, tức khắc chúng ta ý thức được một cách rõ ràng rằng, tội lỗi là điều sai trái vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và gọi mời chúng ta dự phần vào trong mối liên hệ tình yêu vĩnh cửu, còn tội lỗi chúng ta phạm, thì tách chúng ta ra khỏi tình trạng ân sủng tốt lành và diệu vời này. Đây là lý do cho thấy, việc ăn năn tội cách trọn luôn gắn liền với ước ao và ý định đi xưng tội càng sớm càng tốt. Chúng ta muốn ra đi xưng thú tội lỗi và cảm nghiệm được tình yêu ân sủng diệu vời của Thiên Chúa – không phải vì chúng ta được bảo phải làm thế, cũng không phải vì chúng ta sợ, nhưng vì chúng ta muốn một lần nữa được ôm chầm lấy Người Cha Nhân Lành.
Ăn năn tội cách trọn là một hồng ân, và Mùa Chay là thời gian để cầu xin ơn này. Các quy định và các lời cầu trong Mùa Chay là những phương tiện hỗ trợ chúng ta, giúp chúng ta biết thật lòng ăn năn sám hối hơn. Từ chỗ ăn năn vì sợ hãi, vì mặc cảm tội lỗi hay vì hổ ngươi, chúng ta cần hiểu ra đâu là bản chất của tội, đâu là bản chất đích thực của tình yêu ân sủng.
Từ lúc xức tro cho đến giờ cử hành Nghi lễ Vọng Phục Sinh, Mùa Chay là thời gian được dành ra để chúng ta có thể khám phá ra một cách sâu sắc hơn tình yêu ân sủng của Chúa nhờ việc ăn năn tội cách trọn.
Các giáo phụ, các bậc thầy tâm linh thuộc Giáo hội Đông phương dạy rằng, linh hồn tiến bộ nhanh nhất trên đường thánh thiện ở vào chính giây khắc nó biết ăn năn tội cách trọn. Khi trọn vẹn con người chúng ta thổn thức vì khát khao ân sủng tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ thực hiện được bước nhảy ngoạn mục trong đời sống tâm linh.
Trong dụ ngôn Người Cha nhân lành, thời điểm này xảy ra khi người con hoang đàng phải đi ở đợ chăn heo, anh ta bất ngờ ý thức ra tình trạng của mình, nhận ra được tình yêu nhưng không và kiên nhẫn của cha mình. Bản văn Kinh thánh cho chúng ta biết: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ”; và chính giây phút ấy, anh ta nhận ra rằng, anh ta có đây cũng là nhờ bởi tình yêu cao cả, diệu vời của cha mình.
Trong Năm thánh Lòng thương xót, thật dễ dàng để tất cả chúng ta, những người đang sống trong một thế giới hời hợt và uỷ mị, đón nhận hồng ân tình yêu của Chúa một cách nhạt nhẽo, thiếu ý thức. Mùa Chay thực sự luôn bao hàm việc nhận ra rằng, tình thương, yêu thương là một công việc nghiêm túc, và dù rằng, Giáo hội vẫn gọi mời người ta đến đón nhận hồng ân tình yêu Thiên Chúa cách nhưng không đi nữa, thì giá trị, sức mạnh đích thực của tình yêu cũng sẽ chỉ được hiện thực hoá khi chúng ta, nhờ ơn Chúa giúp, biết thực sự dọn lòng ăn năn sám hối cách trọn.
Khi chúng ta thực hiện được việc này, chúng ta sẽ thấy vang lên tự đáy lòng mình những lời đơn sơ của vị cha già: “Tình thương nhưng không, nhưng giá của nó không rẻ!”
Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh, daminhvn.net
www.ncregister.com