Trong thời kỳ ổn định

18-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Trong thời kỳ ổn định by

Ổn định ở đây hàm ý rằng Quê hương chúng ta đã trải qua giai đoạn hình thành như đã lược thuật ở chương trước, nay đến thời kỳ đi vào nền nếp. Với tâm tình yêu mến, chúng ta cùng tiếp tục cuộc hành trình về lối cũ đường xưa. Từ năm 1870 đến giữa năm 1945.

1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Năm 1862, Pháp đã đô hộ Nam Kỳ Năm 1870, tình hình cấm đạo ở Bắc Kỳ đã dịu. Rồi trước sức mạnh của võ khí mới, Triều Đình Việt Nam đã phải ký hòa ước 1883 và 1884 nhận việc đô hộ của Pháp nốt trên Miền Bắc. Lúc đó, Nam kỳ là đất thuộc địa, Trung kỳ và Bắc kỳ là xứ bảo hộ, do vua Việt Nam cai trị. Nhưng Bắc kỳ bị tách dần ra khỏi sự điều khiển của Triều Đình Huế, theo chính sách chia để trị của thực dân.

Phong trào Cần Vương cứu quốc do vua Hàm Nghi lãnh đạo sôi sục trên toàn quốc. Dân làng ta cũng tích cực đào hào đắp lũy chống Pháp, nối tiếp truyền thống hào hùng chống Tàu thuở xưa…Có một câu ca dao quê hương còn truyền tụng

‘’Dân phu đắp lũy đào hào,
Lấp sông xây ụ ngày nào là ngơi.’’

Cũng còn một sự kiện đáng ghi là vào khoảng thượng tuần tháng 10 năm 1873, viên đại úy hải quân pháp là Francis Garnier đã đem 170 binh sĩ đóng tại bến đò Kẻ Sặt. Tại đây, y đã viết thư cho Jean Dupuis bàn kế hoạch đánh Hà Nội và mưu đồ nhờ Đức Giám Mục Puginier giới thiệu với ông Nguyễn Tri Phương.  Sau đó xẩy ra vụ nổ súng đánh Hà Nội ngày 15-10-1873.

Trong bối cảnh lịch sử đó, mọi mặt sinh hoạt của làng xứ Kẻ Sặt vẫn thể hiện rõ đặc tính tự trị của một đơn vị hành chánh trong xã hội Việt Nam, được thăng hoa bởi nền văn minh Thiên Chúa Giáo.

Với khoảng thời gian ngót một thế kỷ đó , Quê hương chúng ta đã trải qua bao diễn biến thăng trầm về mọi mặt của đời sống, mà những nét vàng son còn ghi đậm và có ảnh hưởng tốt đẹp mãi về sau.

2. GIÁO XỨ VƯƠN LÊN

Ngay từ trước khi Pháp chiếm được Miền Bắc, việc xây dựng giáo xứ vẫn được tiến hành. Nay với tình hình chính trị mới, việc truyền giáo trở nên thuận lợi hơn. Giáo Hội Việt Nam nói chung được tự do và bình an. Giáo xứ Kẻ Sặt được củng cố và phát triển mạnh mẽ , trở thành một cộng đoàn đức tin tiêu biểu của Giáo Hội Việt Nam.

A. KIẾN THIẾT NHÀ THỜ

Như đã nói, nhà thờ đầu tiên của giáo xứ từng được thiết lập tại lãnh địa Nhà Phước trên Khu Thượng…

Vì lý do địa điểm nhà thờ không thuận tiện, vả lại nhân trận bão mồng 3 tháng 8 năm Canh Ngọ (1870) đã gây hư hại nặng, do đó, cha chính Bắc ( Père Bactholoméo) là vị rất có thế lực với Pháp, đã quyết định xây dựng nhà thờ mới tại vị trí trung tâm của làng xứ.Thấy trước được viễn ảnh phát triển nhanh chóng của giáo xứ, nên chỉ ba năm sau, tức là năm 1873, cha chính Bắc đã thực thi một công trình vĩ đại là kiến tạo một ngôi thánh đường đồ sộ với khung sườn bằng sắt được đặt và chuyên chở từ Pháp sang .

Năm 1883, Đức Cha Hiến xây Trường Lý  Đoán tức Đại Chủng Viện tại Kẻ Sặt.

B. HỘI CÔNG ĐỒNG MIỀN

Năm 1900, một vinh dự đã được dành cho giáo xứ Kẻ Sặt là: Hội Công Đồng Miền  Bắc lần thứ nhất được tổ chức tại đây, suốt một tháng, từ ngày 11-2 đến ngày 6-3. Gọi là Miền Bắc Việt Nam, nhưng đúng ra là Công Đồng cho toàn cxi Đông Dương lúc đó. Để cầu xin ơn cho Công đồng gồm có 7 vị Giám Mục, do Đức Cha  José Terrés Hiến, Địa Phận Đông chủ tọa, với  3 Cha Chính Địa Phận, 3 Cha Bề Trên Dòng Đa Minh và 2 vị giáo sĩ chuyên viên. Đó là những vị có quyền biểu quyết. Ngoài ra còn những phụ tá của mỗi vị nữa…

Nhiều quyết định quan trọng và hữu hiệu về quy chế tổ chức cũng như điều hành hoạt động, về phối hợp các thừa sai nước ngoài và giáo sĩ bản xứ, về đào tạo tu sĩ và giảng dậy giáo dân, kể cả việc ban hành 6 Điều Răn Hội Thánh (tại Việt Nam); khiến cho cả Giáo Hội Việt Nam nên lớn mạnh, trong suốt Thế Kỷ 20 và nhiều điều vẫn còn được áp dụng cho tới ngày nay…

C. TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN

Năm 1902, hai cây tháp phụ tọa lạc tại công trường được xây cất, với bộ chuông vĩ đại nặng hàng tấn và tiếng ngân xa hàng chục cây số. Bộ chuông gồm 3 quả. Từ sân Ao Lấp nhìn lên, cây tháp bên trái treo 1 quả lớn nhất, có âm thanh của nốt Đồ, (thường gọi là quả Bồn, Boòng hay Bồng; vì lẽ các cha Tây khi nghe tiếng chuông đó thì thốt lên bằng tiếng Pháp ‘’Bon’’, nghĩa là Tốt); cây tháp bên phải treo 2 quả nhỏ hơn có âm thanh của nốt Mi và nốt Sol. Ba nốt Đồ Mi Sol khi cùng vang lên môt lúc thì tạo thành Hợp Âm Đô Trưởng Hoàn Toàn (Accord parfait Do majeur) nghe rất êm tai ,linh thiêng và vang rền đến nỗi có thể nói rằng không bất cứ một loại nhạc khí nào lại diễn được như thế!

Năm 1914, cây tháp chính gắn liền với cuối nhà thờ được thực hiện xong, tạo thành thế hoàn chỉnh, mỹ thuật, nguy nga và đồ sộ. Tại ngôi tháp này còn có một đồng hồ bốn mặt lớn lao có thể nhìn thấy giờ từ khoảng 5 cây số trở lại. Trong cuộc di cư năm 1954, hai quả chuông điểm giờ đã được đem theo vào Miền Nam mà tập san Thế Giới Tự Do bằng nhiều ngôn ngữ đã in hình và bình luận là một biểu tượng đức tin.

Cho tới năm 1922 dưới thời cha chính Y và cha Tuyển, cuộc đại tu thánh đường được thực hiện và hoàn thành công trình để đời.  Niên đại này được ghi trên  khung cửa chính hướng ra công trường. Tính cả phủ bì thì, thánh đường có chiều dài 100 m, chiều rộng 26 m, diện tích lòng nhà thờ là 2000 mét vuông.  Về chiều cao, tính tới chồng diêm thông hơi là 20m, tới vòm ngọn tháp giữa là 45 m, và tới đỉnh cột thu lôi là 48m. Hai cây tháp phụ mỗi cây cao 30m. Tính cả khu vực thánh đường và nhà chung thì rộng ngót 3 mẫu tây hay khoảng 22.000 mét vuông.

D. XÂY DỰNG NHÀ MỤ

Cha Tràng Liêm, tên Y pha nho là Bonifacius Garcia, đã lập ra nhà mụ, nhà thương xót và cả chợ Sặt nữa. Chợ lấy danh nghĩa là chợ của Nhà Thương Xót, lợi tức dùng để nuôi người già yếu, bệnh tật. Đây chính là mục vụ thực hành đức ái vậy. Sau vì thấy được mối lợi lớn, Chính Quyền Đîa Phương bèn cho đấu thầu, chỉ còn dành cho Nhà Thương Xót một phần nhỏ. Năm 1935, chính quyền cho cất hai dẫy quán bằng khung sắt, lợp tôn.

Năm 1942, Khu Nhà Mụ được chỉnh trang với những kiến trúc  theo nét tây phương. Bà cô Huệ làm bà nhất, Bà cô Khiêm làm bà nhì. Cả hai bà đều là người Sặt. Lúc đó giáo dân thường gọi là nhà mụ, cô mụ, bà mụ và thân thương hơn, gọi là bà cô. Nay thì gọi là nhà phước, nhà dòng, dì phước, bà phước hoặc cũng gọi là ‘’sơ’’ phiên âm từ tiếng Pháp ‘’soeur’’.Các vị chuyên lo về cầu nguyện, dạy học và việc thiện.

E. VỊ MỤC TỬ ĐẶC BIỆT

Cha Chính Bonifacius Garcia, tiếng Việt thường gọi là Cha Tràng Liêm còn lập ra những phép tắc cho xứ Sặt; các chức vị như Chánh Trương, Trùm, Bạ; các Giáp, các Hội đạo đức như Hội Ông Thánh Giuse, Hội Camêlô, Họ Dòng Ba, Hội Bà Thánh Anna v.v…

Thiết tưởng cũng cần nói thêm về vị chủ chăn đặc biệt này của chúng ta. Ngoài sự nghiệp mở mang nước Chúa đáng kể như trên, Cha Tràng Liêm còn có những hành động bênh vực giáo dân hết sức tích cực trong việc chống lại những sự hà lạm của quan quyền đương thời. Vì viên đồn trưởng Tây lúc đó đóng ở Kẻ Sặt rất hống hách, y từng đòi bắn bỏ nhiều người, Cha đã xách ba toong ra tận đồn thách thức y, rồi ngài còn thông báo cho công sứ Hải Dương nữa. Sau đó y bị đổi đi.

Trong quan hệ đối với phụ nữ, ngài tỏ ra rất nghiêm. Khi cần thiết, ngài chỉ cho phép gặp khoảng năm phút tại nhà khách ở ngay khu vực cổng chính nhà chung. Rất tiếc Chúa đã gọi ngài về trước tuổi ngũ tuần.

F. TỔ CHỨC GIÁO XỨ

Giáo xứ được tổ chức theo một quy chế rất khoa học, tinh vi với những đặc  tính văn hóa Đông Tây hòa hợp, vì được hướng dẫn bởi các vị chủ chăn Tây phương và được phối hợp với những giá trị truyền thống Á đông.

1. KHU

  • Đứng đầu cộng đoàn là vị Chánh Trương Xứ hay là Trùm Ba Khu. Giáo xứ Kẻ Sặt gồm có: Khu Thượng, Khu Trung, Khu Hạ, Khu Tư và các Họ như An Quý, Thuỷ Cơ, Phúc Cầu, Bối Tượng. Mỗi khu có một điếm, thường gọi là điếm tuần, là trụ sở hội họp, canh gác và tổ chức lễ nghi tôn giáo.
  • Mỗi Khu lại có Chánh và Phó Trùm Tộc, Thủ Bạ, hai Ông Trương, hai Bà Trương, (đây là trương kinh, khác với trương tuần) và Ông Trùm Xăng Ti (chỉ lo về việc tổ chức một kỳ lễ) .

2. NGÕ

  • Mỗi Khu còn được chia ra các Ngõ hay Xóm, đứng đầu là một vị Trưởng Họ, với một viên Thủ Dịch để phụ tá các ông trùm, bạ và hai Bà Mụ lo việc gây quỹ. Tổ chức ngõ xóm là một tập thể các gia đình có liên hệ với nhau về tình hàng xóm.
  • Nhiệm vụ của Ngõ là chung lo việc tế tự và lễ nghi tôn giáo, giữ gìn an ninh trật tự, phòng hỏa và cứu hoả, bảo vệ và tu bổ các công trình công cộng, nhất là đường xá trong làng.
  • Đặc biệt, mỗi Ngõ còn có một bản qui ước ghi những điều khoản thực hành đức yêu thương, bổn phận đối với việc công ích, việc giữ gìn an ninh trật tự và những biện pháp chế tài như khiển trách, kể cả đánh đòn khi vi phạm tài sản hay đả thương người khác…Những qui định của các Ngõ mặc nhiên trở thành bộ hương ước chung của làng Kẻ Sặt vậy.
  • Khu Thượng có 7 Ngõ: Phương Chính,Trung Chính, Quang Chính, Quy Chính, Thuần Chính, Đoan Đông và Đoan Tây.
  • Khu Trung có 7 Ngõ: Tràng Xuân, Đồng Xuân, Tân Xuân, Lạc Xuân, Thường Xuân, Tiên Đông và Tiên Tây.
  • Khu Hạ có 8 Ngõ: Ứng Hòa, Ruyệt Hòa, An Hoà, Thanh Hoà, Trung Hoà, Hợp Hoà, Xuân Hoà và  Nhân Hoà.
  • Khu Tư cũng gọi là Khu An Quý được thành lập sau, lúc  phố Sặt phát triển thành một thị tứ sầm uất, do những di dân từ các nơi dến lập nghiệp, nhất là người Bát Tràng. Vì đặc tính phố xá nên Khu Tư không có các Ngõ mà chỉ lập ra các Giáp. Lúc đầu là hai giáp An Thành và Liệt Thị; sau vì đông dân lại thêm hai giáp An Phú và An Nghĩa.
  • Năm 1945, những người Bát Tràng định tách rời An Quý thành khu tự trị. Nhưng gặp phản ứng mạnh, điển hình là một cuộc biểu tình với khẩu hiệu ‘’Đất Sặt phải do người Sặt trông coi’’. Do đó ý định trên đã không thành.

3. GIÁP

Giáp là một tập hợp gồm nhiều gia đình, khởi đầu là cùng một dòng họ, sau mở rộng ra cùng một ngõ xóm, có mục đích chính là giúp đỡ nhau lo về việc tang chế và cao hơn hết là để thể hiện tình tương thân tương ái. Cho nên có thể gọi Giáp là một tổ chức yêu thương.

Có tất cả 27 Giáp: Tráng Nguyên, Hưng Nhượng, Thọ Thuận, Thọ Ninh, Thọ Thượng, Phú Thứ, Phú Giáo, Phú Cường, Cường Trung, Cường Thái, Cường Hòa, An Thành, An Phú, Phú Cường Thượng, Hưng An, Lộc Mỹ, Thọ Hành, Thọ Hòa, Phú Tráng, Phú Lộc, Phú Thọ, Cường Bản, Cường Hữu, Cường Đại , Cường Thượng, Liệt Thị và An Nghĩa.

Thanh niên khi đến tuổi 18 phải có cơi trầu để xin ghi danh vào Hàng Giáp, cũng gọi là vào làng. Ai không có cha mẹ và những người ngoài làng muốn được trở thành phần tử trong dân Sặt, thì cần phải có bố đỡ đầu thì mới được chấp thuận.

Trong tục ngữ quê hương có câu ‘’Năm cha ba mẹ’’ cũng diễn tả cả ý nghĩa đó. Năm và Ba chỉ có nghĩa về số nhiều, vì người ta có thể có nhiều cha và mẹ. Ví dụ: Cha đẻ hay thân phụ, cha nuôi hay dưỡng phụ, cha đỡ đầu hay nghĩa phụ, thầy dạy văn võ hay sư phụ và cha vợ hay nhạc phụ. Về Mẹ cũng có: mẹ đẻ hay thân mẫu, mẹ nuôi  hay dưỡng mẫu và mẹ vợ hay nhạc mẫu.

Mỗi cuối năm, các Giáp có một cuộc tính sổ, theo thứ tự trong  danh sách, mời các  vị lão hạng lên cỗ trên, công bố tên các thanh niên mới gia nhập, cử thư ký và xác nhận tân trưởng giáp, gọi là Ông Trưởng. Phó trưởng Giáp gọi là Ông Xỉ. Trong các buổi họp thường có những cuộc tranh luận sôi nổi .Kết thúc đại hộii là một bữa cỗ tưng bừng. Sau năm 1954, ở Miền Bắc cũng như Miền Nam, không còn lệ ăn cỗ nữa, mà chỉ có uống trà và ăn trầu đơn giản thôi.

‘’Chôn xác kẻ chết’’ nguyên là một trong 14 mối thương người theo giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, khi áp dụng trong tổ chức Hàng Giáp thì tinh thần cao quý  đó lại bị lệch lạc đi, đến nỗi trở thành phản chứng cả Tin Mừng.

Chẳng hạn: Khi gia đình có bố hay mẹ nằm xuống, người con trai hay trưởng tộc, dù đang quá đau buồn bối rối vẫn phải với khăn tang, áo thụng tìm đến tận nhà ‘’có lời’’ với các cụ xin hàng giáp đưa xác thì mới…phải phép. (Lẽ ra, ngay khi nghe thấy hồi chuông báo tử, thì các cụ phải mau mắn tìm hiểu, rồi huy động hàng giáp tự nguyện đến mà phân ưu, mà giúp đỡ thì mới thể hiện được tinh thần đức ái chứ ?! )

Còn nữa tại nhà tang, hàng giáp cứ  kéo dài cuộc họp bàn cắt đặt, trong khi ở nhà thờ thánh lễ đã và đang cử hành thì lại nghe có tiếng lệnh ở ngoài nổi lên. Thì ra đó là tiếng lệnh… rước các cụ lên dự lễ cầu cho người chết vậy!

Tổ chức Hàng Giáp quả thật rất cần thiết trong những giai đoạn lịch sử dài trước đây, khi mà đời sống dân làng còn ở trong khuôn khổ của luỹ tre xanh với những điều kiện sinh hoạt nông nghiệp thủ công, đường xá chặt hẹp và lầy lội, chưa có phương tiện di chuyển tiện nghi…

Do đời sống xã hội càng ngày càng tiến bộ hơn và đã thay đổi nhiều, như cách cư trú mới, sự phân tán rộng, đường xá thuận tiện…; cho nên thay vì Đòn Khiêng cổ điển và kém vệ sinh, thì ngày nay từ Nam ra Bắc đã thực hiện một Xe Tang trang trọng, với bánh xe lăn dễ dàng, có thành vịn để bắt tay vào mà đấy đi. Người đẩy là mọi người đưa xác, bao gồm: thân nhân trong tang quyến và bà con trong cộng đoàn.

Vì thế, tổ chức hàng giáp với những nội quy phức tạp và ‘’kính chẳng bõ phiền’’ đã đóng xong vai trò rồi, nay không còn cần thiết tồn tại nữa!

4. HỘI TƯ VĂN

Gọi là hội nhưng thực ra lại có tính chất của một cơ chế, gồm các vị hương lão, các chức sắc tân, cựu, đạo, đời, các vệ, binh, nhiêu. Đứng đầu là một chánh hội. Hội Tư Văn phụ trách về  những việc: cố vấn, tổ chức và điều hành  các lễ nghi xã hội cũng như tôn giáo.

Nói riêng về chức Nhiêu: Đây là một chức có thể mua được nên thường gọi là ‘’mua nhiêu’’. Ai có tiền thì cũng có thể trở thành ông nhiêu. Mục đích của chức này là sau khi đã đóng góp vào công quỹ, thì được miễn làm những việc lao dịch như tuần canh, phu phen, hộ đê…

G. ĐIỀU HÀNH GIÁO XỨ

Cũng như những vị giữ chức vụ hành chánh về đời, những vị giữ chức vụ tôn giáo về đạo cũng từng góp công sức và tiền của trong việc điều hành và xây dựng cộng đồng đức tin, rất đáng được ghi nhận.

Để được chọn làm ông Trùm Cả hay Chánh Trương, thì người đó phải đã làm Trùm Khu rồi. Tuy nhiên, nếu vị đó mà đã từng giữ chức vụ hành chánh thì cũng được chọn làm ông Trùm Cả. Như thế gọi là được ‘’trạch bầu’’, nghĩa là theo cách ưu tuyển.

(Tổ chức và chức vụ trong một xứ đạo cũng thay đổi theo thời thế. Như sau này gọi là Hội Đồng Giáo Xứ với chức Chủ Tịch hoặc bình thường hơn chỉ gọi là Ban Hành Giáo với chức vụ Trưởng Ban. Tuy nhiên, nhiều người ra làm việc vẫn cứ thích được gọi là ‘’Ông Trùm’’ hơn ! )

Trong thời kỳ ổn định kéo dài ngót 100 năm này của Giáo Xứ đã có rất nhiều vị ra làm việc công. Sau đây, xin được cố gắng nêu lên quý danh tánh những vị đứng đầu, gọi là Ông Trùm, với hy vọng được đầy đủ. Nếu vạn nhất mà còn thiếu sót, hoặc chưa đúng theo thứ tự trước sau, hoặc không định rõ Trùm Khu, Trùm Cả hay Trùm Ba Bốn Khu, Trùm Xăng Ti; thì rất mong được bổ túc và đính chính:

01. Ông Trùm Trâm          02. Ông Trùm Chỉnh                03. Ông Trùm Quyên

04. Ông Trùm Trúc            05. Ông Trùm Ran                 06. Ông Trùm Năm

07. Ông Trùm Đồ              08. Ông Trùm Siu                   09. Ông Trùm Hồ

10. Ông Trùm Hồi             11. Ông Trùm Chắt                 12. Ông Trùm Huệ

13. Ông Trùm Quế            14. Ông Trùm Tám                  13. Ông Trùm Chiền

16. Ông Trùm Phúc          17. Ông Trùm Xưởng               18. Ông Trùm Ngàn

19. Ông Trùm Khấn           20. Ông Trùm Dị                     21. Ông Trùm Xương

22. Ông Trùm Di                23. Ông Trùm Hồng                24. Ông Trùm Sáu

25. Ông Trùm Kiệm

3. TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH LÀNG XÃ

Hệ thống tổ chức Khu, Ngõ, Giáp nguyên uỷ là tổ chức về xứ đạo. Nhưng riêng ở thực thể làng xứ Kẻ Sặt chúng ta, đạo và đời đã từng bước hòa đồng một cách tự nhiên và đặc thù. Quả vậy, theo điều 284 Bộ Dân Luật Bắc Kỳ năm 1931; Khu, Ngõ và Giáp đã được hợp thức hóa và được ban cấp tư cách pháp nhân (personne juridique), tức là một chủ thể có nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật như một cá nhân. Nhưng trên cả hệ thống này là một cơ cấu tổ chức quản trị hành chánh làng xã rất chặt chẽ và dân chủ như sau:

A. CƠ QUAN QUYẾT NGHỊ

Là Hội Đồng Kỳ Mục, gồm các thân hào nhân sĩ; các người có khoa bảng như những ông đồ, ông khóa; các vị có phẩm hàm; các cựu hương trưởng như chánh, phó tổng, tiên, thứ chỉ, lý, phó trưởng; các hương mục như khán thủ, trưởng, thứ, lang, xã đoàn, đội, xếp, cai, vệ, binh, nhiêu; và các hương lão tuổi từ 60 trở lên. Đứng đầu hội đồng này là vị tiên chỉ (riêng các Hương trưởng, Hương Mục và Hương Lão lại còn là 3 ngành của một hội đoàn có tên là Hội Kỳ Anh, đứng đầu là một cụ nhất, tức là hội trưởng hay chủ tịch) Theo thói quen, cơ quan quyết nghị của làng thường được gọi một cách bình dân và kính mến là Các Cụ. Hội đồng kỳ mục có chức năng của một hội đông nhân dân ở địa phương hay quốc hội ở trung ương thời nay. Tuy nhiên, phần lớn là chỉ  lo về những việc thuộc  nội bộ và kỷ cương truyền thống của làng mà thôi.

Đến năm 1921, chính quyền bảo hộ cải tổ Hội Đồng Kỳ Mục thành ra Hội Đồng Hương Chính cũng gọi là Hội Đồng Tộc Biểu, do dân bầu, mỗi Giáp đề cử 1 người, có nhiệm kỳ 3 năm. Người đứng đầu là Chánh Hương Hội. Năm 1941 lại đổi thành Hội Đồng Kỳ Hào.

B. CƠ QUAN CHẤP HÀNH

Xem như trên, cơ cấu tổ chức cơ quan quyết nghị thật là nặng nề, xuất phát từ não trạng danh phận hoặc chức vị trong chốn ‘’hương đảng tiểu triều đình’’. Tới đây, tổ chức cơ quan chấp hành cho chúng ta thấy tính chất đầy đủ và cần thiết đối với đời sống xã hội của dân chúng.

Đứng đầu là một vị Lý Trưởng, vị phụ tá là Phó Lý. Hai nhân vật này do một cử tri đoàn gồm các chức dịch đại diện nhân dân bầu lên.

Các viên chức thuộc uỷ ban hành chánh còn có: Thư Ký, Thủ Quỹ, Hộ Lại (lo về khai sinh, hôn thú), Chưởng Bạ (lo về điền thổ, khác với Ông Bạ là một chức vị tôn giáo làm trưởng ban tổ chức một kỳ lễ Phục Sinh), các Trương Tuần (do Hội  Đồng Kỳ Mục chỉ định, lo về an ninh trật tự, khác với Trương Kinh là nhiệm vụ tôn giáo lo dạy kinh nhi đồng) và các Tuần Đinh. Năm 1944, Kẻ Sặt được nâng lên hàng thị xã, vẫn gồm 4 khu Thượng, Trung, Hạ và khu Tư. Đứng đầu mỗi khu này gọi là Hộ Phố hay Khán Hộ. Lý trưởng kiêm nhiệm chức vị Chánh Hội Thị Xã.

Có câu danh ngôn thường cho rằng: ‘’Sau sự thành công của người đàn ông, vẫn có bóng của người đàn bà’’. Thực vậy, phu nhân của các ông vốn ở nhà âm thầm hy sinh giúp các ông hoàn thành công vụ  về hành chánh cũng như tôn giáo cách tốt đẹp.

Vì thế, không thể quên được vai trò quan trọng của những: Bà Lý, Bà Phó, Bà Bá, Bà Chánh, Bà Thủ, Bà Thơ, Bà Bạ, Bà Hộ, Bà Hội, Bà Trùm. Và còn cả những bà góa hay đồng trinh như Bà Trương, Bà Trưởng, Bà Quản, Bà Mụ (lo việc quyên tiền) v.v…

Tuy có cơ quan quyết nghị như nói trên, trong thực tế cơ quan chấp hành mà điển hình là người đứng đầu lãnh đạo nền hành chánh, lại có rất nhiều quyền hạn và có ảnh hưởng mạnh đối với dân làng, vì trực tiếp làm việc cho quyền lợi và nghĩa vụ của toàn dân.

Nhận định chung, thì một người được cử ra làm việc công, về đạo cũng như đời, thường được căn cứ vào 3 yếu tố theo thứ tự ưu tiên là: phẩm hạnh, tài sản và năng lực. Riêng với bản thân mỗi vị thì thường vì Danh hơn vì Lợi. Thành thử, hầu như vị nào cũng sẵn sàng đem cả tài sản ra để phục vụ. Tục ngữ có câu ‘’Muốn làm ông thì phải mất lông’’. Trách nhiệm tuy nặng nề, nhưng vinh dự lại đáng kể. Ở đây không đặt ra vấn đề phê phán… Tuỳ theo mức độ đạo đức cũng như trình độ tài năng, mỗi vị lại thể hiện thành tích một cách khác nhau…

C. LÃNH ĐẠO HÀNH CHÁNH

Trong thời kỳ ổn định này, đã có nhiều vị đứng đầu nền hành chánh làng như quý vị  nêu sau đây. Có thể chưa được hoàn toàn đầy đủ, tuy nhiên xin cứ được ghi nhận:

01. Ông Chánh Phong    02. Ông  Chánh Thọ       03. Ông Tổng Chung       04. Ông Tổng Rạng

05. Ông Lý Thương       06. Ông Tiên Kiền           07. Ông Tiên Điều          08. Ông Lý Hồ  

09. Ông Lý Nghi            10. Ông Lý Tuyên          11. Ông Chánh Tốn         12. Ông Chánh Tiễn            

13. Ông Tổng Át            14. Ông Hội Tiêu            15. Ông Lý Minh            16. Ông Lý Lung

17. Ông Lý Nghĩa          18. Ông Chánh Ngọc       19. Ông Chánh Thành

20. Ông Chánh Át          21. Ông Lý Phước         22. Ông  Lý Khánh

23. Ông Chánh Miễn      24. Ông Lý Khoái           25. Ông Lý Kiệm 

D. VÀI NÉT ĐÁNG GHI

Có một nhân vật đặc biệt trong thời đại này là ông Chánh Xuyên. Ông đã lên làm Chánh Tổng Thị Chanh bằng một đường lối độc đáo. Những huyền thoại về ông được kể lại theo nhiều cách… Chẳng hạn như: Thuở niên thiếu, ông là một tay lãng tử, đến nỗi đã bị bắt khoán trong một đại hội ở đình làng. Ông đã dám chống lại các cụ và bỏ đi khỏi làng với lời cảnh cáo "rồi sẽ biết tay ông’’. Quả vậy, ông đã tìm cách làm phu,rồi làm tới thư ký tại sở than Mạo Khê của tây. Nhờ thông minh và có chí lớn, ông học nói tiếng Pháp rất thạo, lại trở thành con nuôi của viên công xứ Hải Dương là Pouchet. Gặp lúc chức Chánh Tổng Thị Chanh khuyết, bao nhiêu hồ sơ đạo đạt với những điều kiện khả dĩ đều bị xếp. Công xứ Pouchet đã quyết định phong cho ông chức Chánh Tổng Thị Chanh, có quyền trên cả xã Tráng Liệt. Thế là ông đã thực hiện được lời thề, mà cũng là lời cảnh cáo lúc bỏ làng ra đi. Và quả thật, khi cưỡi ngựa về làng cùng lính hầu cận, mọi người đã ‘’biết tay ông’’!

Trong số các vị hương trưởng, ông Lý Lung là người làm việc làng lâu dài nhất, với những thành tích đáng kể. Ông được tín nhiệm tái cử nhiều lần. Tổng cộng nhiệm kỳ của ông tới những 19 năm trường !

Ông Chánh Miễn nguyên là Ông Phó, thay vị tiền nhiệm bị ngưng chức, lên Quyền Lý Trưởng, rồi làm Chánh Hương Hội.

Ông Lý Kiệm, cũng gọi là ông Bá Kiệm, vì là người đạt được phẩm hàm cao nhất, tức Cửu Phẩm Văn Giai do sắc phong của vua Bảo Đại, xác định tước vị Chánh Phẩm Bá Hộ, kiêm nhiệm cả về văn và võ. Tháng  giêng năm 1944, một cuộc rước sắc và khao vọng linh đình đã được tổ chức suốt hai tuần lễ. Cũng năm này, Kẻ Sặt được nâng lên hàng thị xã, và ông được uỷ thác luôn chức vụ Chánh Hội Thị Xã. Ngoài ra, trong niềm vinh dự chung của quê hương lúc đó, ông lại được yêu mến trao phó thêm một nhiệm vụ tôn giáo nữa là Trùm Ba Khu. Mừng lễ Phục Sinh năm 1944, cả ngọn núi Calvario làm hang đá đã được thiết dựng bao trùm hết một khu nhà dẫy, huy động mọi năng khiếu nghệ thuật và tổ chức khéo léo của dân xứ.

Trong chừng mực và tế nhị, vài nét sơ lược trên chỉ là những sự kiện đã có và xin ghi lại, như ghi những sự kiện khác vậy.

4. SINH HOẠT ĐẠO ĐỨC

Về ơn gọi, có thể nói rằng giáo xứ Kẻ Sặt là cái nôi vàng, nơi xuất thân của rất nhiều vị từ  bậc tu sĩ nam, nữ đến thiên chức linh mục. Trong Giáo Hội Việt Nam, dường như không thấy một cộng đoàn đức tin nào lại có được con số đông đảo người đáp lại tiếng Chúa gọi, và được Chúa tuyển chọn như tại đây. Vâng, tính từ khởi đầu cho tới giai đoạn ổn định này, riêng về các linh mục đã có tới trên con số 30 vị… (Và tính tới khi những dòng này được viết là năm 2008, thì đã có tới trên một trăm vị Linh Mục Kẻ Sặt về Dòng cũng như Triều! Đặc biệt, có 2 vị trọng nhất là Đan Viện Phụ Giuse Chu Công và Đức Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên. Xin coi phần Phụ Bản).

Nói chung, sinh hoạt đạo đức của dân xứ Kẻ Sặt thì vô cùng sốt sáng, vì là một giáo xứ toàn tòng và là miêu duệ của các Đấng Anh Hùng Tử Đạo Tiền Nhân.

Các hội đoàn công giáo thuộc mọi giới nam, phụ, lão, ấu được hình thành như trăm hoa đua nở và hoạt động rất tích cực.

Đặc biệt, những ngày lễ lớn theo niên lịch phụng vụ như Lễ Phục Sinh, Lễ Mình Máu Thánh (Lễ Xăng Ti), Tháng Dâng Hoa, Lễ Đức Mẹ Văn Côi quan thầy giáo xứ và Lễ Sinh Nhật (Lễ Giáng Sinh) đều được tổ chức hết sức linh đình. Nhất là Lễ Phục Sinh, khởi sự từ Mùa Chay với việc ngắm đứng và dâng hạt, những việc làm hang đá, nhà táng, trang hoàng thánh đường, điếm tuần, dựng cổng chào v.v… Rồi khi tới Tuần Thánh là cao điểm của mùa lễ, bao nhiêu nghi thức nữa lại diễn ra như: lễ lá, rước chiên, làm quân dữ, đóng đinh, than quyển, tháo đanh, táng xác, hôn chân và kiệu mừng Chúa sống lại.

Một điều đáng ghi nhận là hàng năm, vào dịp đại lễ này ở Sặt, bà con giáo dân từ các họ đạo trong vùng lại đổ về xứ Sặt để mừng lễ, thậm chí họ còn đựng lều ở sân lấp như đi picnic. Thực sự đây là một cuộc hành hương vậy. Mọi hình thức tổ chức Lễ Phục Sinh như trên tuy không đúng với phụng vụ chính thức của Giáo Hội và có nhiều tính chất vui vẻ hơn là thương khó. Tuy nhiên, từ đó mà truyền thống đạo đức tốt đẹp của làng xứ đã được hình thành và có tác dụng mãi cho tới ngày nay.

Không chỉ có ngày Chủ Nhật, mà hầu hết bà con ta vẫn xách chiếu đi lễ hàng ngày, rồi mới trở về nhà chuẩn bị việc đồng áng hay chợ búa. Cách nói phổ thông lúc đó là đi xem lễ. Mà đi xem lễ thật, vì suốt buổi lễ cha chỉ đọc tiếng la tinh, còn giáo dân thì cứ việc lần hạt kinh Mân Côi mà thôi. Khi giảng, cha phải xuống toà giảng ở giữa nhà thờ để mọi người có thể nghe rõ, vì lúc đó không có phương tiện phóng thanh. Nội dung bài giảng không hẳn là để tìm hiểu Lời Chúa, mà thường là những điều chấn chỉnh giáo hữu, kể cả việc mắng mỏ nữa, vì dân trí đương thời. Các cha tây cũng nói tiếng Việt với giọng lơ lớ nhưng nghe hiểu. Các cha ta thì thường nói dài như cha Quý. Do đó, có một ông bổn đạo mỗi lần đi lễ mà thấy ngài làm chủ tế thì ông thường kêu rằng ‘’lại Quý’’, nhiều khi ông bỏ ra về luôn.

Ngoài những nghi lễ, việc thăm viếng an ủi bịnh nhân rất được chú trọng, điển hình là tổ chức Hội Kẻ Liệt. Việc chôn xác kẻ chết như đã nói trong tổ chức Hàng Giáp; riêng về việc khóc kẻ chết thì còn… nặng phần trình diễn hơn là tiếc thương thật, vì các bà thường vừa khóc vừa kể lể theo bài bản thuộc truyền khẩu… Đến việc cầu nguyện cho người qua đời còn thiết tha hơn nữa khi đọc cả một tràng hạt 150, với đủ 3 mùa Vui, Thương, Mừng và rất nhiều kinh khác nữa…

Một giai thoại có tính cách lịch sử và đức tin đáng kể lại là việc hai ông Ba Đà và Thần Cây đã bị chết một cách tức tưởi rồi gây nên nhiều hiện tượng phi thường. Nguyên hai ông thuộc Khu Thượng, chuyên sống về nghề đi câu. Một hôm hai ông rủ nhau xuống cánh đồng làng Quàn (Đình Tổ). Dân làng này nghi là hai tên do thám cho Tây nên đã bắt hai ông treo trên cành đa và đốt cỏ ở dưới mà hun. Ý định của họ chỉ để cảnh cáo, không ngờ hai ông đã chết ngạt vì khói. Ngay đêm đó, hai ông đã hiện vào trong làng Quàn làm náo động khiến dân làng phải hoảng sợ. Hai ông còn cảnh cáo rằng nếu không cầu nguyện nhiều cho các ông thì cả làng còn mất ăn mất ngủ vô hạn định. Dân làng Quàn đã nghiêm chỉnh thi hành và còn lên Sặt xin cầu nguyện thêm nữa. Do đó, có một thời gian giáo hữu xứ Sặt đã thêm vào kinh Phục Rĩ hai câu: "Cầu cho ông Ba Đà, Cầu cho ông Thần Cây’’; mãi tới khi không còn hiện tượng lạ nào nữa.

5. ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VÀ TINH THẦN

Truyền thống đạo lý đông phương nơi dân làng Sặt vốn được thể hiện rõ nét qua việc quý trọng các vị cao niên như những câu ‘’kính lão đắc thọ’’ và ‘’trưởng nhất tuế vi huynh’’. Những ông khi tới tuổi 55 thì được vào danh sách ‘’trình hạng’’ và khi đủ 60 tuổi thì gọi là lên lão, và tổ chức một tiệc mừng lớn tức là khao lão.

Tết Nguyên Đán đầu mỗi năm là dịp ăn mừng lớn. Suốt ba ngày tết cả làng tấp nập đi lại với biết bao lời chúc, tiếng cười nói vui vẻ và hội họp ở các nhà tổ để biếu tết,chúc tuổi và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Các môn sinh lại còn tập hợp đông đủ ở nhà các ông,bà trương kinh để bầy tỏ lòng kính trọng và biết ơn. Các học trò đối với thầy giáo cũng làm tròn nghĩa vụ tôn sư trọng đạo. Trong những ngày tết còn có rất nhiều hình thức chơi bài bạc của người lớn và cả trẻ em nữa, kéo dài đến suốt Tháng Giêng là tháng ăn chơi .

Tết Trung Thu cũng được ăn mừng không kém, với bánh nuớng, bánh dẻo, trái cây, lồng đèn và các trò chơi, các cuộc hát trống quân, các buổi diễn kịch… Trong dịp lễ này, các chàng rể mới thường phải sêu tết bố mẹ vợ bằng hình thức biếu nhiều loại trái cây. Dần dần, tết Trung Thu trở thành ngày hội đặc biệt của thiếu nhi.

Riêng về kịch nghệ, phải công nhận thanh niên Sặt có tâm hồn nghệ sĩ và khả năng khá phong phú. Nhiều đoàn hội được thành lập ra và thi đua diễn xuất. Lúc đó không có những tiết mục song ca, hợp ca tân nhạc mà thường chỉ có những vở kịch xã hội và lịch sử rất ý nghĩa như vở Ông Lý Mỹ là một vị tử đạo của Giáo Hội Việt Nam. Về các vai nữ thì thường thanh niên hóa trang chứ không có thanh nữ nào đóng, vì quan niệm đương thời giới hạn vị trí nứ giới. Ngoài ra, những vở hài kịch cũng rất sáng giá, vui cười và có tác dụng. Không có hội trường riêng mà thường tổ chức trong sân những tư gia rộng hay ở khoảng trống giữa nhà thờ và nhà dẫy.

Về đời sống tình cảm và hôn nhân thì:  vì lễ giáo khắt khe và nghiêm khắc, dưới bóng tháp cao và trong lũy tre xanh, mối quan hệ nam nữ tự nhiên vẫn có những cuộc tình nên thơ lãng mạn kể cả lâm ly bi đát. Nhưng tựu chung, trong việc hôn nhân, nguyên tắc ‘’cha mẹ đặt đâu con ngồi đãy’’ thường được tôn trọng và áp dụng triệt để. Do đó, hạnh phúc gia đình ở làng xứ Kẻ Sặt vẫn là những tấm gương sáng ngời, với những người vợ thủy chung, những con dâu thảo, những bà mẹ hiền.

Một nét đặc trưng của giải đất tứ quý này khó phủ nhận được, là con gái làng Sặt khá xinh đẹp và đảm đang. Cũng vì lẽ này cho nên lúc đó từng nẩy sinh một cái quan niệm rát cực đoan rằng ‘’lấy quân thiên hạ không bằng lấy chó làng ta!’’ Thật là một quan niệm đầy tính chất phân biệt chủng tộc kiểu ‘’apartheid’’ ngày nay. Tuy nhiên, quan niệm này đã được nghiêm chỉnh xét lại và nhanh chóng trở nên lạc hậu rồi.

Cũng trong thập niên 1940, một tệ đoan xã hội xuất hiện ở phố Sặt, đó là hiện tượng mấy nhà hát cô đầu được mở ra. Hát cô đầu hay hát ả đào nguyên là một hình thức sinh hoạt văn chương tao nhã từ lâu, chuyên ngâm vịnh những bài hát nói do các nhà nho sáng tác, với đàn địch và trống chầu điểm nhịp. Tuy nhiên, sinh hoạt này dần dần biến thành một tệ đoan… Câu ca dao sau đây đã nói lên điều đó:

‘’Cô đầu cô đít cô đuôi,
Bố tôi đi vắng ai nuôi cô đầu ?’’

Về việc học hành,các khoa thi chữ Nho bị bãi bỏ ở Bắc Kỳ từ năm1915. Các vị nho học còn lại như đã đề cập trong phần Địa Lý rằng: uyên thâm như cụ Khóa Chinh, thơ hay như cụ Khóa Thanh, dạy giỏi như cụ Khóa Chu v.v… Tuy các kỳ thi chữ Nho đã bỏ, nhưng việc học chữ Nho ở các làng vẫn được duy trì. Nhiều gia đình còn đón thầy đồ về nhà dạy con cháu nữa.

Phong trào học chữ Quốc Ngữ được nở rộ khắp nước. Nhóm Nam Phong nối tiếp chương trình của Đông Kinh Nghĩa Thục…

Như đã nói trong phần Địa Lý, thời kỳ Tây học này, có hai trường công lập: trường sơ học cạnh huyện lỵ và trường tiểu học ở nhà ga cũ. Ngoài ra còn có bốn trường tư thục tại tư gia của: ông giáo Nhẫn ở Khu Thượng, ông giáo Biểu ở Khu Hạ, ông giáo Lục ở Bến Bè và ông giáo Hiện ở ngoài Phố có tên là trường Gia Long.

Người Sặt ra Hà Nội học đầu tiên là ông giáo Thuân. Chương trình giáo dục mới của chính phủ bảo hộ buộc học trò nước Nam phải học tiếng Pháp.

Thời kỳ này làng ta cũng có một số nhỏ theo học và thường chỉ đậu tới bằng Tiểu Học (Certificat D’étude Primaire) và một vài người đậu bằng Trung Học (Diplôme), quen gọi là bằng Thành Trung.

Theo truyền thống tốt đẹp của quê hương, học trò thi đỗ được các cụ đón tiếp ở đình để ban thưởng 1 đồng bạc Đông Dương và tuyên bố cho miễn mọi công dịch một cách rất vinh dự.

Tưởng cũng cần ghi lại một sự kiện xã hội đổi mới, rất mới trong thời kỳ này, đó là vào năm 1940, khởi đầu từ Khu Tư và Khu Hạ, có phong trào phụ nữ Sặt mặc quần thay cho váy như từ xa xưa, còn mặc áo dài thì cài cúc vào cho gọn gàng thay vì mở cúc để hở cả yếm ra như trước kia. Lúc đó, sự kiện này có thể ví như một cuộc cách mạng thời trang, gọn gàng kín đáo và đẹp đẽ hơn trước, thế mà cũng bị những đầu óc thủ cựu, cố chấp lên án gắt gao, thậm chí còn rủa là ‘’đồ con đĩ” chẳng hạn. Dù sao, trào lưu mới này đã thắng thế, vì cái lẽ hợp tình hợp lý và tiến bộ văn minh.

Sự kiện cuối là trong thời đệ nhất thế chiến (1914-1918) và đệ nhị thế chiến (1939-1945), nhiều thanh niên Sặt đã gia nhập quân đội Pháp để tham chiến tại Âu châu. Cấp bậc cao nhất được ghi nhận là ‘’Đội’’ như ông Đội Cầm, chỉ huy một trung đội bộ binh. Cấp bậc nhiều người đạt được là ‘’Vệ’’ chỉ huy một tiểu đội bộ binh trong quân đội Liên Hiệp Pháp hải ngoại (Légion étrangère francaise).

6. ĐỜI SỐNG KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

Trong thời kỳ này, về mặt kinh tế và xã hội cũng có nhiều sự kiện được ghi nhận cho chúng ta ngày nay nhận biết được từng bước phát triển của quê hương

Như đã nói trong phần địa lý, Kẻ Sặt có một vị trí rất thuận lợi về kinh tế, thương mại trong toàn vùng, với trên bến, dưới thuyền và đường xá, kể cả đường sắt. Nhiều di dân đã đến lập nghiệp tại Sặt, nhất là ở Khu Phố như người từ Bát Tràng và cả người Trung Hoa, Ấn Độ nữa. Nhưng phải ghi nhận rằng người Sặt mình rất có khiếu về kinh doanh. Nghề nông gồm trồng rau và cầy cấy vẫn là chính. Một số đã chuyển sang lãnh vực buôn bán cũng rất thành công.

Con đường đá từ Quán Gỏi (ngã ba với quốc lộ số 5), bọc sau cơ sở Huyện, băng qua Khu Thượng tới Cầu Chanh được đắp năm 1928.

Năm 1931, trận lụt lớn do nước sông Dương Tử bên Trung Hoa dâng lên, khiến cho 3 triệu 7 trăm ngàn người Tầu thiệt mạng. Bắc kỳ trong đó có làng Sặt cũng bị ảnh hưởng tai hại của trận lụt này. Cả làng phải bác ráo cao đến gần mái nhà để ở, có gia đình phải rỡ cả mái, tình trạng kéo dài đến nhiều tháng trời.

Đặc biệt, trận lụt lớn này đã tạo nên một cái ao lịch sử; đó là Ao Vực ở sau đền Thánh Camêlô. Nguyên do vì nước dâng cao khiến cho đê Ông Bống và đê Đằng Bùi bị vỡ. Khối nước lớn tràn vào khu vực đồng trũng sau Đình Làng hướng ra sông Sặt. Nước xoáy quá mạnh, nên đã làm cho khu đồng ruộng trũng càng rộng hơn và sâu như một cái vực thẳm. Đến cuối trận lụt, nước rút đi hết và khu đồng  trũng trở thành một cái ao. Đó chính là Ao Vực!

Ba điếm canh của ba khu được xây dựng vào những năm 1940 (điếm Khu Hạ). Năm 1937 (điếm Khu Trung) và năm 1939 (điếm Khu Thượng). Riêng trên cửa chính Điếm Khu Trung có ghi 3 chữ Nho đại tự là ‘’Quyết Trung Chấp’’, có nghĩa hãy quyết tâm trung thành mà chấp hành mọi kỷ cương của cha ông để lạị cho con cháu mãi về sau…

Về nhu cầu và tiện nghi đời sống thời kỳ này có những phương tiện mới như xe đạp, xe tay, ôtô; những mặt hàng tân tiến rất được ưa chuộng như diêm hộp hiệu con chim của nhà máy diêm Hà Nội, bật lửa, đèn pin, thuốc lá Cotab, bia Hommel, rượu Văn Điển, sữa bò đóng hộp hiệu tổ chim nhập cảng từ Pháp, bánh biscuit, thuốc tây như aspirine, máy hát quay dây cót, đèn cồn và đèn dầu hỏa. Đèn dầu này thường gọi là đèn Hoa Kỳ, vì kể từ cuối Thế Kỷ 19, ngay sau khi người Pháp đặt xong nền đô hộ ở Bắc Kỳ, thì hàng hóa của các nước phương tây bắt đầu xâm nhập vào thị trường mới mẻ và còn chậm tiến này. Để quảng cáo mà cũng là để hướng dẫn sử dụng, công ty dầu hỏa Rockerfeller của Mỹ đã có sáng kiến làm những cây đèn bằng đồng để bán với sản phẩm dầu hỏa tại các nước Á châu, nên dân ta gọi là đèn Hoa Kỳ.

Sau này, do nền văn minh mới, đèn khí đá, thường gọi là đèn đất, rồi đèn măng xông (manchon) sáng như đèn néon ngày nay mới được sử dụng mỗi khi có việc làng, rước kiệu hay nhà có đám, đập lúa…

Những năm đầu của thập niên 40, đời sống kinh tế Kẻ Sặt đang ở vào thời kỳ thịnh đạt, nhất là ở ngoài Khu Tư. Nhiều kiểu ăn chơi thị thành cũng xuất hiện, trong đó có vấn đề bài bạc. Vì mục đích để cho vui, tưởng cũng nên kể về một truyện gọi là ‘’Canh bạc lịch sử’’.

Ông Nhiêu Ngát là một trong những người giàu có nhất ở phố Sặt, với những bè gỗ lim trải dài theo bờ sông. Ông Bá Kiệm cũng còn là một điền chủ hàng đầu, với vườn cây, ao cá và ruộng thẳng cánh cò bay.

Trong một buổi tối đầy hào hứng tại phố Sặt, hai ông đã thách thức cùng nhau đánh một canh lắc đĩa xả láng, với lời cam kết nếu ai bị thua, thì sẽ chịu mất hết tài sản của mình cho bên thắng. Ông Kiệm chọn Chẵn. Ông Ngát chọn Lẻ.

Mọi người thuộc cả hai phe, mà phần đông đều là đệ tử của mình, và những tay chơi từ các địa phương khác tới cùng làm chứng.

Dưới ánh đèn manchon sáng trưng, bát, đĩa và đồng tiền trinh được đem ra đặt trên chiếu sẵn sàng. Người làm cái ngồi vào vị trí giữa để lắc. Phe ông Bá ở bên phải, phe ông Nhiêu ở bên trái, và mọi người hồi hộp chờ đợi…

Nhưng, thay vì những tiếng đồng tiền được lắc đều và vang rền lên, để khi mở bát ra sẽ biết Chẵn hay Lẻ; thì bỗng ở cả hai phía Phải và Trái, mọi người quỳ cả ra chiếu, chắp tay mà cùng thiết tha nói: ‘’Lạy thầy, thế là đủ rồi, xin thôi đi!’’

Các đệ tử của cả hai ông bỗng dưng đều không muốn có cuộc thách đấu này, vì chắc hẳn thầy mà trắng tay  thì trò cũng tay trắng  thôi.

Thế là canh lắc đĩa được ăn cả, ngã về không này gọi là Canh Bạc Lịch Sử  đã không hề diễn ra. Chẳng có ai thua mà cả hai ông đều là người thắng. Thắng vì cùng có cái bản lãnh liều như nhau. Bên tám lạng, bên nửa cân.

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW