Truyền giáo – một sứ mạng, một tình yêu!
“Tông đồ là người có Chúa Giêsu trong trái tim, Chúa Giêsu trên tay, Chúa Giêsu trên mắt, Chúa Giêsu trên vai, Chúa Giêsu trên trán…” Câu nói này của Đức HồngYy Thuận giúp chúng ta hiểu được sứ mạng truyền giáo của sinh viên. Theo đó, cuộc đời sinh viên phải phản ảnh hình ảnh sống động của Chúa Giêsu qua cách sống, qua cách ứng xử lịch thiệp, chân thành, qua gương sáng về việc thờ phượng cũng như việc bác ái. Sinh viên truyền giáo là truyền lại lại cho mọi người chính khuôn mặt, hình hài của Đức Kitô bằng mọi cách.
Như chúng ta đã biết, việc truyền giáo không phải chỉ là công việc của các Giám Mục, Linh mục hay Tu sĩ; truyền giáo là sứ mạng của mọi Kitô hữu, không trừ một ai. Việc truyền giáo là của mọi người vì đó là lệnh của Chúa Giêsu trước khi Người về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Như vậy, mỗi một sinh viên chúng ta phải là một nhà truyền giáo, nhất là khi chúng ta là những tri thức, thì sức thuyết phục của chúng ta có thể sẽ tốt hơn, vì chúng ta biết nhìn nhận đức tin của chúng ta không chỉ bằng quả tim mà bằng cả khối óc Chúa ban. Để làm được như vậy thì mỗi sinh viên chúng ta phải noi gương ngôn sứ I-sai-a khi Thiên Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đi ? Và ai sẽ đi cho chúng ta ?” I-sai-a đã đáp: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8).
Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho mỗi người sinh viên chúng ta: Muốn truyền giáo sinh viên phải là người như thế nào? Truyền giáo là truyền những cái gì, truyền cho những ai và phải truyền như thế nào đây?
Chúng ta có thể khẳng định với nhau rằng: Chúng ta không thể cho ai cái mà ta không có. Sinh viên muốn đi làm gia sư phải có kiến thức, phải có kinh nghiệm được gom góp qua những năm tháng miệt mài với chuyên môn. Cũng vậy, truyền giáo là truyền Đạo mình cho người khác, mà truyền Đạo của mình chính là truyền Đức Kitô cho người khác. Như vậy, muốn truyền giáo cho ai đó, người sinh viên trước tiên phải là người có Đức Kitô trong mình, như ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhận định một cách đơn sơ trong cuốn Đường Hy Vọng: “Tông đồ là người có Chúa Giêsu trong tim, Chúa Giêsu trên tay, Chúa Giêsu trên mắt, Chúa Giêsu trên vai, Chúa Giêsu trên trán…” Nghĩa là cuộc đời sinh viên đó phải phản ảnh hình ảnh sống động của Chúa Giêsu qua cách sống, qua cách ứng xử lịch thiệp, chân thành, qua gương sáng về việc thờ phượng cũng như việc bác ái. Sinh viên truyền giáo là truyền lại lại cho mọi người chính khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô bằng mọi cách.
Vậy Khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô là khuôn mặt như thế nào?
Xin thưa, khuôn mặt đó ẩn sau những nghĩa cử, những lời nói của Người, là con đường mà Người đã đi qua, là chính cách sống hết sức nhân bản của Người: Đó là yêu thương hết lòng, yêu thương không điều kiện, yêu thương vô vị lợi, yêu thương cả kẻ thù, yêu thương đến độ hi sinh mạng sống mình. Khuôn mặt Đức Kitô chính là quên mình vì người khác; đó là sự khiêm hạ thẳm sâu. Những điều này có thể trái ngược với cách sống của nhiều người đương thời đầy ích kỷ và kiêu căng. Thế giới đang tan nát, đang đau đớn, đang trở nên lộn xộn chỉ vì thiếu những giá trị Tin Mừng vừa kể, thiếu khuôn mặt của Đức Kitô. Truyền Đức Kitô cho người khác là truyền tính lịch sử, tính nhân văn, nhân bản của một con người cụ thể. Nói đến truyền giáo, đối với sinh viên tưởng chừng xa vời quá, mông lung quá, viễn tưởng quá, nhưng thực ra đó là việc thực thi những điều hết sức căn bản, hết sức nhân bản, để một con người trở nên một con người đúng nghĩa của nó. Học để trở nên như Chúa Giêsu chính là học cách làm người, cách hoàn thiện nhân cách bản thân, hoàn thiện bản thân con người của chính mình.
Sinh viên Phải truyền giáo thế nào? Bằng cách nào?
Muốn truyền giáo phải lấy Chúa Giêsu là đích điểm, là trung tâm mọi hoạt động và suy nghĩ. Phải truyền giáo trong khiêm hạ thì mới đúng, mới tốt. Thật vậy, dù người sinh viên có nói trời nói bể, dù có hát hay, làm linh hoạt viên giỏi, cuốn hút mọi người bằng sự duyên dáng, bằng sự thông minh khéo léo, dù có trở nên thần tượng của giới trẻ, dù có vận dụng cả một kho kiến thức để truyền giáo, nhưng không có Chúa trong cuộc đời, không lấy Chúa Giêsu là Đấng chỉ đạo, người sinh viên đó chỉ gây được ảnh hưởng nhất thời rồi người ta sẽ thấy anh cũng nhạt nhẽo, vô vị và tất cả rồi sẽ sớm đi vào quên lãng. Nhưng nếu người sinh viên đó biết kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, cầu nguyện và hoạt động, nói và làm với tinh thần của Chúa, nhìn sự vật và những người khác với con mắt của Chúa, thì dù người sinh viên đó có quê mùa đến đâu, vụng về đến mấy, sớm muộn người ta sẽ nhận ra nơi anh có những giá trị xuất phát từ nơi Chúa, và ảnh hưởng của người sinh viên đó sẽ sâu sắc và lan tỏa tự nhiên.
Có thể nói có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cách truyền giáo. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mỗi người mỗi khác nhau, nên việc truyền giáo thật phong phú vì có người được ơn này, nhưng lại không có ơn kia. Việc truyền giáo không chỉ là những việc quen làm như một số việc đạo đức, đọc kinh, lần hạt, rước sách linh đình, không chỉ là giảng giải, là tuyên truyền mà còn bằng nhiều cách thế khác nhau. Thánh giáo hoàng Gioan XXIII nhìn nhận rằng: “Con người ngày nay không cần thầy dạy, nhưng cần những chứng nhân.” Có thể bạn chẳng cần phải nhiều lời để giảng giải về Đạo cho bạn bè bạn, nhưng chính cuộc sống của bạn, cách sống của bạn, con người của bạn đã là một bài giảng rồi. Chính khi bạn sống vui vẻ, thật thà, khiêm tốn với mọi người là lúc bạn đang truyền giáo rồi đó. Những nghĩa cử bác ái của bạn như giúp đỡ người khác trong lúc ốm đau, hoạn nạn; ngay cả những cái bắt tay chân thành, những cái nhìn thông cảm của bạn đối với người khác, bạn làm với tất cả con tim, với tâm tình của Chúa Giêsu, những nghĩa cử đó sẽ vượt xa ý nghĩa xã giao, ngoại giao thông lệ.
Đối tượng truyền giáo của sinh viên là ai? Đó chính là những người trong môi trường mà người sinh viên đó đang sống như trong ký túc xá hay nơi nhà trọ của anh. Chưa bác ái yêu thương những người chung quanh, những người sống cùng nhà, cùng phòng với mình thì không ai tin người sinh viên đó yêu Chúa. Thánh Gioan nói: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không thương yêu người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1Ga 4,20). Như vậy, đối tượng mà sinh viên truyền giáo chính là những người xung quanh, những người chúng ta gặp gỡ, học cùng, sống cùng, ăn cùng; họ là những người cùng làm việc, cùng nghiên cứu với chúng ta.
Sinh viên có thể truyền giáo không những bằng cách sống mà còn bằng tri thức của mình, bằng những công trình nghiên cứu của mình. Người sinh viên công giáo trí thức luôn biết khả năng của con người có hạn, trí tuệ của con người có hạn trước những điều vô hạn. Những gì ta biết chỉ là một hạt cát trên bãi biển, là hòn sỏi trước dãy núi bao la. Nhưng khi một người trí thức tin, là khi người đó khiêm nhường nhìn nhận khả năng của mình, con người bất toàn của mình trước Chúa. Như vậy, không hề mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học vì nếu chỉ dựa vào khoa học ta sẽ kiêu ngạo, ta sẽ không thể đến được với Chúa, không thể nhận ra Chúa, nên trong đời sống đức tin phải có cả hai đức tin và lý trí. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “ Đức tin và lý trí như đôi cánh của một con chim đang bay lên để chiêm ngắm Chân Lý”. Người sinh viên, bằng trí tuệ của mình, truyền giáo bằng cách giải thích cho người đương đại về niềm tin của mình: Tại sao tôi tin, tôi tin vào ai, tôi không mù quáng, tôi không ảo tưởng, tôi không mê tín mà việc tôi tin có cả sự có mặt của lý trí dẫn đường chứ không chỉ nhờ vào một mình con tim.
Tóm lại, Cánh đồng truyền giáo thật bao la, rộng lớn và công việc truyền giáo thật phong phú và cần thiết. Truyền giáo là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi truyền giáo mọi nơi mọi lúc, bằng chính đời sống chứng tá của mình, bằng tri thức của mình, theo cách thức truyền giáo khác nhau của mỗi người. Bằng nhiệt huyết của người trẻ, tôi cũng như bạn, mỗi chúng ta cậy vào ơn Chúa, hãy can đảm đem hết khả năng, sức lực của mình, sống Tin Mừng Đức Kitô, rao truyền Tin Mừng ấy đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Y thức được như vây, chúng ta có thể nói mỗi người sinh viên có thêm một nghề nữa: nghề truyền giáo.
Truyền giáo – một sứ mạng, một tình yêu!
Bài dự thi cuộc thi viết “Sứ Mạng Truyền Giáo” của Hội SVCG TGP. Hà Nội
Thomas Aquinas Vũ Trường Phong – Sinh Viên Hà Nội