Từ bỏ để trở thành môn đệ – Chúa nhật XXIII mùa Thường niên C

02-09-2016 Chức năng bình luận bị tắt ở Từ bỏ để trở thành môn đệ – Chúa nhật XXIII mùa Thường niên C by

Nếu trong cuộc sống, lòng tham đã khiến người đàn bà tối mắt đến nỗi thuê người chặt chân chặt tay, thì việc từ bỏ mọi tham lam lại là một điều kiện cần thiết cho những ai muốn trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Người đã khẳng định: "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Câu 33).

Dư luận mấy ngày qua xôn xao bàng hoàng trước tin một người phụ nữ 30 tuổi ở  huyện Phúc Thọ, Hà Nội, thuê người chặt chân tay mình để trục lợi bảo hiểm. Mặc dù được chuẩn bị với một kịch bản tinh vi, vụ việc vẫn bị bại lộ khi cơ quan điều tra vào cuộc. Thì ra, vì lòng tham, người ta có thể làm bất cứ điều gì. Đúng là "tiền mất tật mang". Người phụ nữ này không những mất tiền, mang tật, mà còn mang nỗi ân hận suốt đời vì đã làm một việc trái đạo đức, tự làm cho mình mang thương tật suốt đời. Người thanh niên 21 tuổi được thuê chặt chân tay với giá 50 triệu đồng, cũng vì lòng tham mà nhắm mắt làm liều mà không nghĩ tới hậu quả là có thể bị truy tố vì huỷ hoại thân thể người khác. 

Nếu trong cuộc sống, lòng tham đã khiến người đàn bà tối mắt đến nỗi thuê người chặt chân chặt tay, thì việc từ bỏ mọi tham lam lại là một điều kiện cần thiết cho những ai muốn trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Người đã khẳng định: "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Câu 33). Người không chỉ yêu cầu từ bỏ của cải vật chất, mà còn từ bỏ những ràng buộc thiêng liêng như cha mẹ, vợ con và họ hàng thân thuộc, thậm chí cả mạng sống của mình. Xem ra đây là một nghịch lý, nhưng, Chúa cũng quả quyết với chúng ta: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (Ga 12,25). Sự hy sinh Chúa kêu gọi không phải là vô ích, nhưng là một điều kiện để chúng ta được sống đời đời. Hành trình đời Kitô hữu cũng là hành trình thập giá. Chúng ta đang vác thập giá mỗi ngày như Chúa Giêsu và theo Chúa Giêsu. Qua thập giá, Đức Giêsu đã diễn tả sự vâng phục của Người đối với Chúa Cha. Qua thập giá, Người cũng chứng minh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người bao la như trời bể, rộng lượng như trời cao. Trong cuộc đời, ai cũng có những khó khăn thử thách cần phải vượt qua. Những khó khăn ấy, chúng ta gọi là thập giá. Nếu chúng ta vác thập giá cuộc đời với tâm tình của Chúa Giêsu, gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng, nỗi buồn sẽ biến thành niềm vui. 

Đi theo Đức Kitô là một chọn lựa, đòi hỏi người môn đệ phải biết khôn ngoan để phân biệt tốt với xấu, gạt bỏ những gì dễ làm họ lạc đường. Đức Giêsu dùng hai hình ảnh để diễn tả chọn lựa này, đó là một người xây tháp và vị vua chuẩn bị giao chiến. Đây là những việc cần phải cẩn trọng cân nhắc, để đạt tới thành công và tránh những rủi ro thất bại. Cả hai trường hợp, đương sự cần tính toán, không cho phép chấp nhận thất bại, vì nếu tháp xây dở dang sẽ bị thiên hạ chê cười, giao chiến thất bại sẽ mất cả mạng sống. Theo Chúa là một chọn lựa. Chọn lựa này sẽ trở thành định hướng căn bản cho tương lai, cũng là động lực thúc đẩy những suy nghĩ và hành động của người tín hữu.

Giữa một xã hội con người chạy theo lối sống hưởng thụ và tôn thờ vật chất, lời dạy của Chúa xem ra giống như một cung đàn lạc điệu. Tuy vậy, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm "từ bỏ" mà Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng. Con người sống trên trần gian có thể vừa sở hữu tài sản, vừa có tinh thần thanh thoát tự do, không bị của cải ràng buộc làm nô lệ. Trong lịch sử, có những người giàu có mà vẫn nên thánh. Những người này sử dụng của cải như phương tiện chứ không phải là mục đích. Họ ý thức rằng, trên đời này, ta sở hữu điều gì, chỉ là Chúa trao phó cho quản lý và sinh lợi. Họ như những người quản lý khôn ngoan, biết dùng của cải Chúa ban mà nối kết tình huynh đệ, cổ võ tình bác ái và giúp đỡ người nghèo khó bất hạnh.

Từ bỏ vật chất là một điều khó, từ bỏ chính mình để đón nhận người khác lại là điều khó hơn. Thánh Phaolô khuyên ông Philêmôn đón nhận một người nô lệ tên là Ônêximô (Bài đọc II). Anh đã dại dột trộm cắp tài sản của chủ. Thánh Phaolô đã tiếp đón chàng thanh niên này và cho anh nhập Đạo, đồng thời muốn gửi lại cho ông Philêmôn và mời ông đón nhận “không phải như một người nô lệ, mà là một người anh em rất thân mến”, thậm chí còn “đón nhận nó như đón nhận chính tôi”. Chỉ có người môn đệ đích thực của Chúa mới có thể thực hiện nghĩa cử này. Môn đệ là người từ bỏ tất những gì thuộc về mình, nhưng lại sẵn lòng đón nhận tất cả mọi người như anh chị em thân thiết.

Nếu chúng ta sẵn sàng lên đường theo Chúa Giêsu, là vì chúng tin tưởng và phó thác vào quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của tác giả sách Khôn ngoan (Bài đọc I), đã nói lên sự khác biệt giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa với khả năng suy nghĩ hẹp hòi của con người. Giáo huấn Kitô giáo nhận ra Đức Giêsu là "Đức Khôn Ngoan" của Thiên Chúa. Người đến trần gian để chỉ dạy con người đạt tới hạnh phúc đích thực và chân lý vĩnh cửu. Người cũng xoá bỏ khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người, để rồi, mặc dù là con người phàm hèn, chúng ta có thể thân thưa với Chúa :"Lạy Cha chúng con ở trên trời!".

Ước chi mỗi chúng ta khám phá mỗi ngày niềm vui của người môn đệ Đức Kitô, nhờ đó, chúng ta sẽ sẵn sàng từ bỏ những gì bất xứng với danh hiệu cao quý này.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW