Tương lai cuộc đời – Bài giảng Chúa nhật 33 Thường niên B
Sống trên đời, ai cũng mong có một tương lai tốt lành. Tương lai mà người tín hữu kỳ vọng không giống như mọi người không có đức tin mong đợi. Bởi lẽ, theo quan niệm trần gian, tương lai là những kỳ vọng thành đạt trong sự nghiệp hay học vấn, hoặc giàu có sung sướng về vật chất. Người Kitô hữu cũng cố gắng để có được một điều kiện sống hạnh phúc phong lưu. Tuy vậy, tương lai và hạnh phúc vĩnh cửu của họ là Nước Trời. Giữa cuộc sống này phủ đầy bóng tối, nhiều thử thách gian nan và dối gian lừa lọc, nhưng những tối tăm gian khổ ấy cũng có lúc kết thúc. Vương quốc mà chúng ta chờ đợi, đó là hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài. Hướng về tương lai vĩnh cửu, đó là mối ưu tiên hàng đầu của người tin Chúa.
Với lối hành văn theo thể loại được gọi là “Khải huyền”, tác giả sách Đanien đã diễn tả lúc tận cùng của thời gian, chúng ta vẫn gọi là ngày tận thế. Lúc ấy, Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho những người đã chết được sống lại. Sự can thiệp của Tổng lãnh Thiên Thần Micae như một cuộc tổng điều tra dân số. Những ai được ghi trong “Sổ hằng sống” sẽ được hưởng hạnh phúc ngàn thu, những ai không có tên trong đó sẽ phải trầm luân muôn kiếp.
Giống như tác giả sách Đanien, thánh sử Mác-cô đã sử dụng lối văn Khải huyền để diễn tả ngày cánh chung. Vào thời đó, các thiên thể tinh tú sẽ mất hết khả năng chiếu sáng và sẽ rơi xuống đất. Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú được các dân xung quanh thờ như những vị thần. Vào thời Thiên Chúa xuất hiện, các vị thần ấy sẽ bị đánh bại.
Có thể những tiên báo trên đây bị người thời nay coi là chuyện tầm phào. Người ta nói rằng, từ xưa đến nay, rất nhiều lần có lời đồn thổi về ngày tận thế, nhưng rốt cuộc thì ngày tận thế không đến. Lời Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta khi quả quyết: thế gian này chẳng thể tồn tại mãi. Sẽ có ngày cuộc đời này kết thúc, dù chúng ta không biết khi nào và như thế nào. Những hình ảnh được nêu trong sách Đanien và Tin mừng Thánh Mác-cô chỉ là những biểu tượng để giúp cho các độc giả cách chúng ta mấy ngàn năm dễ hiểu.
Nếu người ta có thể phủ nhận ngày tận thế, thì không ai có thể phủ nhận sự chết. Dù sang hay hèn, dù văn minh hay lạc hậu, ai cũng phải đến ngày kết thúc cuộc đời. Biết bao lần chúng ta đã chia tay những người thân, qua đó chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của thân phận con người. Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: giờ chết là tận thế đối với cá nhân mỗi người. Lúc đó họ sẽ phải trả lời Chúa về những việc mình đã làm khi còn sống trên dương gian. Chúa dựng nên con người có hồn và xác. Thân xác có thể bị mục nát trong lòng đất, nhưng linh hồn bất tử. Mỗi người phải mang trách nhiệm về những gì mình đã làm. Thời gian, sức khoẻ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và những ưu đãi khác đều là những “vốn” Chúa ban để sinh lợi. Trên trần gian, có người tốt kẻ xấu, lúc tận thế, cũng có người hưởng vinh quang, kẻ bị trầm luân muôn kiếp. Ngôn sứ Đanien đã nhìn thấy “những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời”. Niềm tin vào đời sau chính là tôn vinh phẩm giá con người. Niềm tin này cũng khích lệ chúng ta, như một lời hứa hẹn rằng, nếu chúng ta sống tốt ở đời này thì sẽ được hưởng vinh quang bất diệt đời sau.
Tin vào đời sau, đó không phải là sự ru ngủ như có người thiếu thành kiến với Giáo Hội đã suy diễn. Chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai tin vào Người sẽ được sống muôn đời. Tác giả thư Hípri nói với chúng ta: nếu chúng ta có hy vọng được hưởng sự sống đời là nhờ hy tế của Đức Giêsu dâng trên thập giá. Người là Thượng tế, đã dâng chính máu mình để chuộc tội cho nhân loại. Những ai tin vào Người sẽ được tha thứ tội lỗi và được hưởng hạnh phúc vô biên.
Vào lúc năm cùng tháng tận, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ về lúc kết thúc của cuộc đời. Hai chữ “tận thế” gợi cho chúng ta nỗi sợ hãi và bi quan chán nản, nhưng hai chữ “tương lai” lại giúp chúng ta bừng lên niềm hy vọng. Người vô thần cho rằng mỗi ngày sống là đang tiến dần tới nấm mộ; người tin Chúa lại cho rằng mỗi ngày sống là một nấc thang đưa họ đến với Đấng Tối cao. Quả vậy, khi đối diện với sự chết, người Kitô hữu nhìn nhận, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa. Đó cũng là sự biến đổi từ thân phận phải chết sang cuộc sống đời đời.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org