Vấn đề cầu nguyện
Cầu nguyện là điều rất cần, vì đó là phương thế giúp chúng ta không bị sa chước cám dỗ (Mc 14:38; Lc 22:40; Lc 22:46). Cầu nguyện còn làm cho chúng ta được “nâng cao”. Nhà vật lý kiêm toán học André-Marie Ampère (1775-1836) nói: “Chúng ta chỉ vĩđại khi chúng ta cầu nguyện”. Nhà vật lý kiêm toán học Blaise Pascal (1623-1662) nói: “Con người vĩđại khi họ cầu nguyện”. Họ là phàm nhân mà còn nói được nhưvậy đấy!
Các môn đệ không biết cầu nguyện thế nào cho đúng, thế nên họ xin Sư Phụ Giêsu dạy cách cầu nguyện, Ngài bảo “đừng lải nhải” (Mt 6:7), và Ngài dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13). Nhưng Ngài “láy” thêm câu này: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15).
Ai cũng phạm tội nên ai cũng cần được tha thứ. Nhưng chúng ta được tha thứ ít hay nhiều là tùy vào mức độ chúng ta tha thứ cho tha nhân. Đó là “thước đo” chuẩn nhất mà Chúa Giêsu đưa ra.
Thiết nghĩ, thật sai lầm trong cách cầu nguyện khi chúng ta “xin như ý”. Trong các Thánh Lễ, chúng ta thường thấy linh mục cũng “vô tư” mời gọi mọi người hợp ý cầu nguyện “xin như ý”. Trong các buổi cầu nguyện (của các hội đoàn, giáo xứ, dòng tu,…) cũng vậy, vẫn thấy nhiều người “xin như ý”.
Có lẽ “quá quen” nên chúng ta coi là bình thường. Thật ra, “xin như ý” là… nguy hiểm. Ý chúng ta luôn ích kỷ, muốn gì phải được, thậm chí là phải được ngay lập tức, đồng thời còn những ý xấu đối với người khác, như có người nói: “Chúa nhân từ quá, sao Chúa không cho họ bị nạn nhãn tiền cho họ sáng mắt ra nhỉ?”. Ôi chao, nghe chừng “tốt lành” lắm, thế nhưng lại ngược Ý Chúa, vì Chúa Giêsu bảo: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Nếu Chúa “hỉ xả” mà chấp nhận lời “xin như ý” của chúng ta thì có phải là rất nguy hiểm không? Thậm chí chúng ta còn lỗi đức ái nữa đấy!
Vả lại, chính Chúa Giêsu không hề cầu xin được như ý, dù Ngài cảm thấy “rợn tóc gáy” khi nghĩ đến những gì sắp xảy đến cho Ngài, nhưng Ngài vẫu cầu nguyện chân thành: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Chúa Cha im lặng. Chúa Giêsu nhân biết Ý Cha và bằng lòng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha” (Mt 26:42). Và chúng ta cũng nhớ lại lời “xin vâng” của Đức Maria (Lc 1:38). Đức Mẹ “ngại” lắm, nhưng không muốn “như ý” mình mà chỉ muốn Ý Chúa nên trọn.
Với đức vua chỉ là phàm nhân, thế mà Hoàng hậu Ét-te cũng không hề “xin như ý”, dù đức vua hứa với bà: “Khanh thỉnh cầu gì, ta sẽ ban cho; khanh có muốn xin gì nữa thì cũng sẽ được” (Es 9:12). Nhưng bà vẫn khiêm nhường thưa: “Nếu đẹp lòng đức vua, xin ban phép cho người Do Thái ở Su-san ngày mai cũng được hành động như sắc chỉ đã cho phép hành động ngày hôm nay; còn mười đứa con của Ha-man thì xin treo cổ chúng lên giá” (Es 9:13). Và rồi đức vua đã cho bà toại nguyện.
Chúa biết rõ chúng ta hơn chúng ta tự biết chúng ta. Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta thì Ngài ban. Ngài là Đấng chí thánh, chí minh, chí thiện, Ngài chỉ ban cho chúng ta điều tốt lành nhất. Cha mẹ là những người đầy sai lầm và có thể có ác ý, thế mà họ còn lo cho con cái mọi điều tốt nhất kia mà.
Còn nữa, chúng ta cũng thường nói rằng chúng ta xin mà chưa được vì “Thiên Chúa thử thách chúng ta”. Có lẽ “không ổn” đâu! Tác giả Thánh Vịnh nói: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:1-5). Chúng ta không đủ trình độ nên không thể biết tâm địa của nhau, vì thế chúng ta mới phải “thử thách” nhau để biết đâu là vàng hay thau. Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài biết rõ chúng ta thế nào từ ngàn xưa, vậy thì Ngài cần gì thử thách? Có chăng là Ngài muốn tạo “công trạng” cho chúng ta đó thôi.
Gương điển hình mà người Công giáo nào cũng “rành sáu câu” là Thánh nữ Monica. Bà kiên trì cầu xin Chúa cho con trai là Augustinô quay về đường ngay nẻo chính. Chúa không cho ngay, không phải là Ngài thích “đùa dai” hoặc muốn “trêu ngươi”, mà Ngài muốn cho người mẹ lập công phúc, và để người con thấy mẹ đau khổ mà “sáng mắt”, rồi phải quay về chính lộ. Trạng thái đó giống như “triệt buộc”, nhưng chính “thế bí” đó mới khiến con người chúng ta hết “mù tâm linh”.
Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể hiểu thấu. Điều mà chúng ta cho là “bất hạnh”, là xui xẻo, vì không “như ý” của chúng ta, nhưng chính điều đó lại có lợi cho chúng ta. Thiên Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:8-9). Vả lại, “như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ tôn thờ Người cũng trổi cao” (Tv 103:11).
Thật tuyệt vời với câu nói của Giáo hoàng tiên khởi Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Lời của tông đồ Phêrô có vẻ như “miễn cưỡng”, nhưng đó là sự “miễn cưỡng” thật thú vị !
Cầu nguyện là “sức mạnh” của con người và là “sự yếu đuối” của Thiên Chúa. Ngài chấp nhận như vậy và cho phép như vậy, vì Ngài quá đỗi yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: “Ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:8; Lc 10:11). Và Ngài hứa chắc: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm” (Ga 14:13).
Lạy Thiên Chúa, xin dạy bảo chúng con về đường lối của Ngài (Tv 25:4), xin chấn chỉnh nếp nghĩ của chúng con để chúng con luôn vui mừng khi tuân phục Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu