Văn hóa Nghệ thuật Đất mới: hành trình 10 năm gieo gặt và trao giải
Sáng 16/11/2020, tại Hội Trường Tòa Giám Mục, chương trình Trao giải Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới đã diễn ra trong niềm vui, và hạnh phúc. Đây là thành quả của biết bao công sức của Ban Tổ Chức gồm quý Cha và quý vị trong Ban Giám khảo thuộc các ban Văn hóa, Truyền Thông và Thánh nhạc.
Ngoài các tác giả có các tác phẩm dự thi và lãnh giải, cũng như quý khách mời có mặt tại hội trường trong ngày đặc biệt này, có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Phụ Tá, và Đức Cha Cố Đa Minh Nguyễn Chu Trinh- Người đã khởi xướng chương trình Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới bắt đầu từ năm 2011. Chương trình còn thêm sự long trọng khi có sự hiện diện của quý Cha Đặc trách Văn hóa của các Giáo phận Quy Nhơn, Phan Thiết, và Long Xuyên.
Phần 1 với nội dung “GIEO” đưa mọi người tham dự trở lại với những điểm mốc bắt đầu 2011, một chương trình Văn hóa Đất Mới do Đức Cha Cố Đa Minh Nguyễn Chu Trinh khởi xướng khi Ngài đang tại vị. Và từ những năm 2017 đến nay, Đức Cha Giáo phận đã tiếp nối với những định hướng và phát triển. Trong vai trò định hướng đó, với phần đầu của chương trình, Đức Cha đã chai sẻ với quý tham dự viên về những điểm quan trọng, cũng như nhìn nhận những thành quả mà VHNT Đất Mới mang lại.
Trưng dẫn các văn kiện của Giáo Hội trước và sau Công đồng Vatican II, Đức Cha giúp mọi người, cả những anh chị em không Công Giáo, thấy được con đường mà Giáo Hội đã và đang hướng dẫn con cái mình trong lãnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật Công Giáo. Nếu trước Công đồng Vatican II, Giáo Hội nói đến tầm quan trọng của văn hóa liên hệ với đời sống con người, thì sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội chuyển từ “gìn giữ” văn hóa truyền thống sang “làm” văn hóa, chuyển từ văn hóa sự chết đến văn hóa sự sống. Đức Cha nói tiếp, “Văn hóa nghệ thuật ĐẤT MỚI ra đời trong bối cảnh này…. Không chỉ là gìn giữ văn hóa truyền thống của Việt nam, nhưng còn là làm nảy sinh ra những bông hoa tươi đẹp mới, làm cho nền văn hóa sự sống phát triển, đẩy lùi một nền văn hóa của sự chết. Có như vậy, mới đi vào được trong giòng chảy của xã hội, của Giáo Hội.”
Nhắc đến sự toàn cầu hóa trong thế giới hiện nay, Đức Cha Giáo phận nhìn nhận “giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật Đất Mới đã đi vào vòng xoáy toàn cầu hóa này. Vì thế, các tác giả có các tác phẩm dự thi đến từ ba Giáo Tỉnh, có cả người Công Giáo lẫn không Công Giáo”. Như một đúc kết cho hành trình 10 năm (2011-20250), Đức Cha tiếp, VHNT Đất Mới “như là một gạch nối, quy tụ lại các tác giả với những sức mạnh về văn hóa.” Để chính nhờ sức mạnh liên kết, bền chặt, sâu đậm này sẽ đem đến một sức mạnh cho một nền văn hóa sự sống, để “không chỉ cho anh chị em trong Giáo Hội, mà cả ngoài Giáo hội cũng được hưởng nhờ.”
Trước khi kết thúc, Đức Cha Giáo phận thông báo định hướng hành trình tiếp theo từ năm thứ 11 trở đi của VHNT Đất Mới. Sẽ có sự thay đổi thời gian trong việc tổ chức thi và trao giải: hai năm một lần, thay vì hằng năm như trước. Mục đích thay đổi này, như Đức Cha nói, “là để các tác phẩm dự thi có chất lượng hơn.”
Trong phần II của chương trình, đúng như chính nội dung nói đến “GẶT”, Ban Tổ chức đã trình bày cho thấy biểu đồ số lượng tác giả, tác phẩm đóng góp tham gia cuộc thi trong 10 năm qua: 9537 tác phẩm gửi dự thi với bao gồm nhiều thể loại của 1147 tác giả. Riêng năm 2020, có 1865 tác phẩm dự thi của 364 tác giả, trong đó, Tổng GP Sài gòn 211, Tổng GP Hà Nội là 57, Tổng GP Huế 38. Trong 364 tác giả, có 306 tác giả là người Công Giáo, số còn lại là không Công Giáo. Với ảnh nghệ thuật, có 260 tác giả gửi bài với 716 tác phẩm- có những bài dự thi theo ảnh bộ, nên hơn 1000 ảnh. Từ những con số tác giả, tác phẩm đó, Ban tổ chức đã đưa ra những nhận định về những thành quả đạt được từ cuộc thi, trao giải VHNT Đất Mới. Những giá trị gặt được có thể nhận ra như giá trị của việc tổ chức giải – là nỗ lực của toàn Giáo phận, của quý Đức Cha, của ban tổ chức…, bảo vệ giá trị văn hóa Công Giáo, bảo vệ môi trường thiên thiên, bảo vệ và xây dựng văn hóa Công Giáo trong xã hội hôm nay. Cho dẫu việc đóng góp của văn học Công Giáo vào giòng chảy văn học đương đại còn khiêm tốn, nhưng với ban tổ chức, đó là niềm vui, là những dấn ấn đạt được khi nhìn lại hành trình 10 năm, và ước mong chu kỳ 10 năm tiếp theo sẽ vẫn, và còn nhiều tác giả cùng đồng hành, đóng góp cho văn hóa thêm những bông hoa đẹp, mở ra những mùa gặt cho Tin Mừng tại Giáo Hội Việt Nam.
Tiếp sau là phần trao giải thưởng về các tác phẩm dự thi với nhiều thể loại: thơ, truyện dài, truyện ngắn, kịch, bài hát, ảnh đẹp nghệ thuật.
Đỉnh cao của buổi trao giải thưởng chính là Thánh Lễ, nơi diễn ra hy tế Thánh Thể mà Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào cánh đồng truyền giáo, giới thiệu vẻ đẹp của Thiên Chúa được tỏ hiện qua những vẻ đẹp của nghệ thuật. Và nơi Thánh Lễ, như Đức Cha Giáo phận ngỏ lời, là “để tạ ơn Chúa vì những gì chúng ta đã làm được, và xin Chúa chúc lành cho những dự tính, không chỉ cho VHNT Đất Mới, nhưng còn là cho những ai đang làm văn hóa, cho các tác giả biết làm cho vẻ đẹp của Thiên Chúa luôn tươi sáng trên nhân loại., và đó là cách thức để loan báo Tin Mừng, phận vụ của tất cả mọi người.
Giảng trong Thánh Lễ, Đức Cha nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giêsu trong bài đọc Tin Mừng. Đức Cha nói rằng, lệnh truyền đi truyền giáo, làm cho mọi người biết Chúa mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ ngày xưa, cũng là đang trao cho từng người, trong hoàn cảnh cụ thể tại Giáo Hội Việt Nam, ngay chính Giáo phận Xuân Lộc này. Cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội thật mênh mông, rất cần đến những người ra đi loan Tin Mừng. Cho dẫu có bao khó khăn, nhưng Chúa Giêsu đã yên ủi “mọi quyền năng được trao cho Thầy…” điều này cũng có nghĩa là “hãy tin vào sức mạnh của Chúa”. Tuy nhiên, có quyền năng của Chúa, nhưng cũng cần có sự nhiệt thành. Đức Cha nói “Giáo Hội không thiếu các linh mục, các tu sĩ, giáo dân… nhưng Giáo Hội chỉ thiếu những linh mục, tu sĩ, giáo dân có lòng nhiệt thành truyền giáo.” Đến đây, Đức Cha liên hệ lòng nhiệt thành truyền giáo với những người làm văn hóa nghệ thuật. Lòng nhiệt thành truyền giáo nơi những người làm văn hóa sẽ ngày cành dồi dào nếu họ dành hết tâm huyết để làm sáng tỏ vẻ đẹp của Đấng Tạo Dựng, Đấng Tình yêu, Chúa của muôn loài. Để có được điều này, Đức Cha đưa ra “bí quyết”: phải có sự kết hợp mật thiết với Chúa, phải gặp Chúa, phải có được cái “biết” của con tim với Chúa chứ không phải chỉ là cái biết của tri thức, của đầu óc, cần cái “hồn”, sức nóng của tình yêu với Chúa của người làm văn hóa.
Sau Thánh Lễ, quý Cha và mọi người tham dự, nhất là quý tác giả dự thi và đạt giải đã được quý Đức Cha mời dùng bữa trưa, một bữa ăn có được cả giá trị tinh thần lẫn nét đẹp văn hóa ẩm thực mà mọi người được thưởng thức.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Nguồn: giaophanxuanloc.net