Vatican muốn canh tân lòng nhiệt thành trong các trường Công giáo
Đức Hồng y nói các trường nên xác định mình là Công giáo cách mạnh mẽ hơn
Một tài liệu Vatican công bố gần đây kêu gọi một sự dấn thân mới mẻ nhằm khẳng định căn tính Công giáo trong hệ thống giáo dục ngày càng thế tục hóa.
Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 19-12, Đức Hồng y Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng Thánh bộ Giáo dục Công giáo cho biết, “bản sắc Công giáo của trường học là nền tảng cơ bản.”
Ghi nhận nhiều thách thức các trường Công giáo phải đối mặt, Đức Hồng y nói thêm: “một trong những vấn đề lớn nhất hôm nay là các tổ chức lớn muốn áp đặt tư tưởng.”
“Ngày nay, do sự tiến bộ của chủ nghĩa thế tục, các trường Công giáo phải nhận ra sứ mạng truyền giáo của mình, ngay cả ở các nước có truyền thống Kitô giáo từ lâu đời,” trích từ tài liệu “Giáo dục hướng đến Đối thoại liên Văn hoá trong các trường Công Giáo.”
“Trách nhiệm chính của các trường Công giáo là làm chứng. Trong những tình huống khác nhau được tạo ra bởi nền văn hóa khác nhau, sự hiện diện Kitô giáo phải được thể hiện và thực hành rõ ràng, có nghĩa là, nó phải được nhìn thấy, hữu hình và có ý thức”, tài liệu tiếp tục.
“Các trường Công giáo có trong Chúa Giêsu Kitô một nền tảng nhân loại học và sư phạm; họ phải thực hành ‘ngôn ngữ đối thoại,’ không phải là cách thức mang tính kỹ thuật, nhưng là liên hệ đến con người một cách sâu xa. Các trường Công giáo phải suy nghĩ về bản sắc riêng của mình, vì họ chỉ có thể cho đi những gì họ thực sự có.”
Đức Hồng y Grocholewski tái khẳng định tầm nhìn này tại cuộc họp báo. “Các trường Công Giáo là tốt nhất không chỉ vì họ đào tạo kiến thức và năng lực, nhưng vì họ quan tâm đến con người vì sự thiện hảo,” ngài nói.
Theo số liệu tổ chức Thống kê Giáo hội Thường niên đưa ra tại buổi họp báo, số lượng sinh viên tại các trường Công giáo đã tăng từ gần 55 triệu trong năm 2008 lên khoảng 58 triệu vào năm 2011.
Tuy nhiên, tài liệu này ghi nhận, “các trường Công giáo đang nhìn thấy một sự hiện diện ngày càng phát triển của sinh viên có quốc tịch và niềm tin tôn giáo khác nhau. Ở nhiều nước trên thế giới, hầu hết sinh viên tự nhận là ngoài Công giáo và chủ đề các cuộc đối thoại liên tôn giáo là không thể tránh khỏi.”
Đức Tổng Giám mục Angelo Vincenzo Zani, thư ký Thánh bộ Giáo dục Công giáo, hôm nay cho biết rằng “sự khác biệt giữa các nền văn hóa không phải là trở ngại, nhưng là cơ hội.”
UCAN 02.01.2013/ Kerri Lennartowick, Catholic News Agency