Vẻ đẹp của kinh Mân Côi
Tràng hạt Mân Côi là kinh nguyện hằng ngày của những tín hữu đạo đức. Đây là một hình thức cầu nguyện đơn giản mà hữu hiệu. Hiệu lực của kinh Mân Côi đã được chứng nghiệm trong lịch sử Giáo Hội cũng như trong đời sống cá nhân của rất nhiều tín hữu. Vào thế kỷ XVI, người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, đe doạ xâm chiến toàn vùng miền đất Công giáo Âu châu. Trước mối nguy cơ đó, Đức Thánh Piô V truyền lệnh cho các giáo phận tổ chức một nghi thức cầu nguyện gọi là "việc cầu nguyện 40 giờ" gồm các cuộc cung nghinh Đức Mẹ và đọc kinh Mân côi. Khi thuỷ quân của Hồi giáo xuống vịnh Lépante để tràn sang Âu châu, và trong khi đô đốc Don Juan người nước Áo chỉ huy hải quân Công giáo ra nghinh chiến, Đức Thánh Piô V cùng với giáo dân rước kiệu Đức Mẹ và đọc kinh Mân côi cầu cho các chiến sĩ Công giáo chiến thắng. Bỗng nhiên, tại vịnh Lépante gió đổi chiều làm lợi điểm cho các chiến hạm công giáo ào ạt tấn công đánh chìm các chiến hạm Hồi giáo, làm cho họ hoàn toàn bại trận ngày Chúa nhật 7-10-1571. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, Thánh Piô X Giáo Hoàng đã ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10 hằng năm.
Tại Lộ Đức, Đức Mẹ hiện ra với Bernađetta, đeo tràng hạt vàng ở cánh tay phải, và đọc kinh Mân côi với thiếu nữ Bernađetta. Tại Phatima, Đức mẹ hiện ra với 3 trẻ em Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Đức Mẹ đều thúc giục: "Các con hãy tiếp tục đọc kinh Mân côi hằng ngày". Ngày 13 tháng 10, Đức Mẹ xưng mình: "Ta là Đức Mẹ Mân Côi".
Người công giáo gọi tháng 10 dương lịch là “Tháng Mân Côi”. Mân Côi có nghĩa là hoa hồng. Tháng Mân Côi là tháng của những đóa hoa hồng dâng kính Đức Mẹ. Mỗi lời kinh kính mừng “Ave Maria” được so sánh như một bông hồng dâng lên để bày tò lòng hiếu kính đối với Đức Trinh Nữ. “Ave Maria” là lời Sứ thần Gabrien chào Đức Mẹ trong giờ truyền tin. Khi lần hạt, chúng ta cung kính nhắc lại lời chào ấy để ca tụng các nhân đức của Đức Mẹ, đồng thời xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trên bước đường dương thế. Người tín hữu đọc kinh Mân Côi để suy niệm cuộc đời Chúa Cứu thế, được phác họa qua hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, là hai mươi sự kiện liên quan đến cuộc đời của Chúa. Những mầu nhiệm này giúp chúng ta chiêm ngưỡng chân dung của Đức Giêsu ở nhiều khía cạnh khác nhau, kể từ khi Chúa sinh ra cho đến khi Người chịu chết, sống lại rồi lên trời vinh quang. Chiêm ngắm cuộc đời Chúa, chúng ta cũng mở rộng tấm lòng để lãnh nhận giáo huấn của Người. Mỗi biến cố vui buồn trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều mang lại giá trị cứu độ. Nhờ những mầu nhiệm ấy mà con người chúng ta, tuy thấp hèn, được Chúa nâng lên địa vị làm con Thiên Chúa. Khi suy ngắm những biến cố vui buồn của cuộc đời Chúa Cứu Thế, người tín hữu nhận ra cuộc đời của mình, được đan xen giữa những biến cố vui cũng như buồn, giữa niềm hân hoan và những âu sầu đau khổ. Qua thập giá tới vinh quang, kinh Mân Côi giúp cho người tín hữu có thêm sức mạnh để vươn lên giữa bao nghịch cảnh của cuộc sống. Như Đức Giêsu đã dùng thập giá là phương tiện biểu lộ tình thương Thiên Chúa, người tín hữu có thể qua những gian khó của cuộc đời để chứng minh Đức Tin son sắt của mình, đồng thời biết đón nhận những đau khổ với tinh thần của Chúa Giêsu, tức là hy sinh vì người khác, sống cho người khác và mong người khác được hạnh phúc trên đường đời. Kinh Mân Côi phác họa hành trình theo Chúa của chúng ta. Trong cuộc hành trình này, có những lúc ấm áp như mùa xuân tràn đầy sức sống, nhưng cũng có những lúc ảm đạm như mùa đông lanh lùng băng giá. Có những lúc chan chứa tiếng cười, nhưng cũng có những khi âu sầu rơi lệ. Trong những biến cố đó, Chúa vẫn hiện diện bên đời ta, cùng với ta vác thập giá bước đi. Bên cạnh đó, chúng ta còn có Đức Trinh Nữ luôn che chở bao bọc chúng ta, như người mẹ ủi an vỗ về con cái mình. Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, ta sẽ thấy niềm vui mà Đức Tin mang lại. Ta sẽ nhìn đời với cái nhìn lạc quan hơn. Bởi lẽ cuộc sống trần gian không chỉ là thung lũng nước mắt, mà còn là nơi Chúa bày tỏ vinh quang và lòng thương xót của Ngài.
Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cũng tôn vinh Đức Mẹ là Đấng Đầy Ơn Phúc. Chúng ta xin Đức Mẹ cho chúng ta có đủ sức mạnh để đứng vững trong những gian nan khốn khó của cuộc đời. Phần thứ hai của kinh Kính Mừng là lời cầu xin của Giáo Hội với lời tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đây là lời tuyên tín của Công đồng Ephêsô nhóm họp năm 431 để bàn về nội dung tín lý liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể và về thần tính của Đức Giêsu. Công đồng đã long trọng tuyên bố: vì Đức Trinh Nữ đã sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên Đức Mẹ là Mẹ Đức Giêsu và cũng là Mẹ của Thiên Chúa (tiếng Hy Lạp là Theotokos). Từ lời tuyên tín của Công đồng này, các tín hữu kêu cầu Đức Mẹ với tước hiệu: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”. Qua lời kinh này, chúng ta cầu xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta khi sống và khi chết, khi vui và khi buồn, hiện tại và tương lai, “khi nay và trong giờ lâm tử”. Nhờ sự hiện diện và lời cầu bầu của Mẹ, chúng ta luôn vững niềm hy vọng và tìm thấy bình an trong cuộc đời.
Kinh Mân Côi hợp với mọi lứa tuổi, cần thiết cho mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống. Các cụ cao niên hãy lần hạt để xin Chúa ban cho chặng cuối của hành trình cuộc đời được êm đẹp thanh thản; những bậc phụ huynh hãy lần hạt để xin Chúa giúp chu toàn bổn phận làm cha mẹ; các bạn trẻ hãy đọc kinh Mân Côi để xin Chúa soi sáng biết chọn lựa hướng đi cho đời mình; các em thiếu nhi hãy đọc kinh Mân Côi để tập một thói quen đạo đức tốt; những ai đang vui mừng hãy đọc kinh Mân Côi để tạ ơn Chúa; những người đang gặp khó khăn thất bại hãy đọc kinh Mân Côi để xin Chúa đỡ nâng; những người mang tang chế hãy đọc kinh Mân Côi để được vững tin sẽ được gặp lại người thân vừa an nghỉ. Đức Mẹ là “Đấng phù hộ các tín hữu”, chẳng có bị Mẹ bỏ rơi, chưa có ai đến cầu khấn mà bị Mẹ khước từ. Thánh Hilariô đã viết: “Dầu tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ, cũng không hư mất đời đời”.
Kinh Mân Côi mang một vẻ đẹp diệu kỳ. Đó là lời kinh diễn tả chương trình cứu độ yêu thương của Thiên Chúa. Để thực hành chương trình ấy, Đức Maria là người mời gọi cộng tác với Chúa. Mẹ đã hiến trót cuộc đời của mình để cùng với Chúa Giêsu mang niềm hạnh phúc cho con người. Mẹ là Đấng Đầy ơn phúc. Mẹ là Hiền Mẫu của chúng ta.
Tháng Mân Côi 2014
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên