“Vườn đời” – Bài giảng Chúa nhật XI Thường niên năm B
Nếu cuộc đời được so sánh như một thửa vườn vĩ đại, thì Thiên Chúa là chủ vườn. Thiên Chúa vừa cho con người và muôn vật muôn loài được hiện hữu, vừa nâng đỡ điều khiển cho công trình tạo thành được vận hành trong trật tự.
Cuộc đời này được so sánh như một khu vườn rộng lớn mênh mông, mà mỗi cá nhân là một cây trồng trong thửa vườn đó. Mỗi cây có sắc thái riêng, như vườn hoa muôn sắc. Con người sống trong cuộc đời không ai hoàn toàn giống ai, nhưng mỗi người đều có cá tính, sở thích và tài năng riêng. Nếu cuộc đời giống như một thửa vườn, thì Thiên Chúa là chủ vườn. Ngài vừa là người tạo nên thửa vườn đó, vừa là người chăm sóc cho mọi loài cây cỏ được lớn lên một cách diệu kỳ.
Qua ngôn sứ Edêkien, Thiên Chúa nói về một chồi non của cây hương bá. Liên hệ với chồi non từ gốc tổ Giêsê được diễn tả trong ngôn sứ Isaia, chúng ta thấy cây hương bá ở đây là hình ảnh Đức Giêsu, vị ngôn sứ thành Nagiarét, Đấng được xức dầu và có bảy thần linh nâng đỡ. Người cũng là người Chúa Cha sai đến trần gian (x. Is 11,1-4). Chồi non của cây hương bá này đã mọc lên thành cây to lớn, chim trời đến nương mình. Đây là hình ảnh Giáo Hội, là thân mình của Đức Giêsu. Giáo Hội, bao gồm mọi sắc tộc, mọi ngôn ngữ. Giáo Hội quy tụ muôn dân làm thành một gia đình. Giáo Hội cũng là Dân Thiên Chúa, một dân lữ hành đang tiến về quê trời. Giáo Hội cũng chính là hiện thân của Đức Giêsu, như cây toả bóng mát nơi mọi người đến nương náu và tìm sự an bình thư thái.
Qua ngòi bút của ngôn sứ Edêkien, nhân loại cũng được diễn tả như các loại cây trong một thửa vườn: “Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa”. Quả vậy, từ bóng mát của “cây Giêsu”, những ai đến nương mình sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, để tiếp nối sứ mạng của Người, đem an bình và ơn cứu rỗi đến với tha nhân.
Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước. Người dùng hình ảnh hạt cải để so sánh với Nước Trời. Nước Trời chính là vương quốc mà Chúa Giêsu rao giảng, khi Người khởi sự công cuộc loan báo Tin Mừng: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Cây cải mà Chúa Giêsu nói tới ở đây khác với cây cải ở Việt Nam chúng ta. Hạt cải nhỏ bé, nhưng cây cải thì to lớn. Khi dùng hạt cải và cây cải để so sánh với Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn diễn tả sức sống âm thầm sâu lắng của Đức tin, nhưng lại tạo nên một sức mạnh thần kỳ. Quả vậy, sức sống của Đức tin không hệ tại những ồn ào bóng bẩy, những lễ hội với trang trí loè loẹt, nhưng với tâm tình cầu nguyện và lối sống trung thực, với thiện chí canh tân sám hối để trở nên con người mới. Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của Đức tin không đến từ những phương tiện trần thế như tiền bạc, quyền hành, quân sự áp đảo hay mưu mô mánh lới. Trái lại, sức mạnh của Đức tin đến từ Chúa, qua lòng đạo đức kiên vững của người tín hữu.
Nếu cuộc đời được so sánh như một thửa vườn vĩ đại, thì Thiên Chúa là chủ vườn. Thiên Chúa vừa cho con người và muôn vật muôn loài được hiện hữu, vừa nâng đỡ điều khiển cho công trình tạo thành được vận hành trong trật tự. Nếu mỗi người là một loài cây trong vườn đời, thì Thiên Chúa là ông chủ luôn chăm sóc tưới bón. Ông chủ luôn kỳ vọng ở mọi loài cây phải cho hoa thơm trái ngọt. Thiên Chúa luôn mong muốn cho con người sống thánh thiện: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh!”. Nên hoàn hảo là điều Thiên Chúa mong đợi nơi con người. Sự hoàn hảo chính là hoa thơm trái ngọt, là kết quả của những cố gắng nỗ lực từ bản thân, để càng ngày càng nên giống Chúa. Sự can thiệp của Chúa trong cuộc đời rất âm thầm, như sức sống của loài thảo mộc. Người ta không nhìn thấy sức sống, nhưng nhìn thấy cây có cành lá xanh tươi, hoa thơm trái ngọt và toả hương thơm ngát. Người tín hữu nhận ra hoạt động của Chúa để nâng đỡ và thêm sức cho con người. Qua lời ngôn sứ Edêkien: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp”, chúng ta thấy điều Đức Trinh nữ Maria nói sau này trong bài ca tạ ơn: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Thiên Chúa can thiệp, săn sóc và điều chỉnh cuộc sống con người, giúp họ nhận ra và sống theo Chân lý.
Như một hạt giống được gieo xuống lòng đất nhằm mục đích chờ đợi một cây mới sẽ sinh mầm và lớn lên, sự hy sinh của người tín hữu chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái. Ý thức được điều này, sự sống sự chết đối với người Kitô hữu không còn quan trọng. Điều căn bản là sống đẹp lòng Chúa. Thánh Phaolô đã khẳng định như vậy, "Bởi vì tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước toà án của Đức Kitô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tuỳ mình đã làm lành hay đã làm dữ" (Bài đọc II).
Mỗi chúng ta là một cây trồng trong vườn đời. Mặc cho bão táp mưa sa, mặc cho nắng hè thiêu đốt, mỗi cây trồng đều phải góp phần làm cho cuộc sống xanh tươi, đem lại hoa trái ngọt ngào. Mỗi chúng ta cũng là một cây trồng trong vườn Giáo Hội, để chung tay xây dựng Nước Trời. Nên thánh giữa vườn đời và trong vườn Giáo Hội, đó là sứ mạng của chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org