Vượt thắng sự sầu khổ bằng cầu nguyện
Điều gì xảy ra trong tâm hồn khi chúng ta đang trong sầu khổ? Đó là câu hỏi Đức Thánh Cha gợi ý trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, xoay quanh nhân vật ông Gióp. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của thinh lặng và cầu nguyện trong việc vượt thắng những giây phút đen tối nhất.
Đức Thánh Cha phát triển bài giảng từ bài đọc trích sách Gióp. Ông Gióp rơi vào tình trạng bấn loạn vì ông đã mất hết mọi sự. Ông bị mất hết tài sản, thậm chí mất con cái. Giờ đây ông cảm thấy mất mát và cùng quẫn, nhưng ông không than trách Thiên Chúa.
Sớm hay muộn thì chúng ta cũng trải qua sự sầu khổ ghê gớm
Ông Gióp sống trong sự sầu khổ khủng khiếp và ông kêu gào lên Chúa, giống như đứa trẻ khóc nặng trước mặt cha mình. Ngôn sứ Giêrêmia cũng từng làm như thế, nhưng không bao giờ than trách Chúa.
Sự sầu khổ là điều gì đó xảy ra cho tất cả chúng ta. Khi ấy linh hồn đang trong tối tăm, thất vọng, nghi ngờ, không muốn sống, không thấy ánh sáng ở cuối con đường, sự rối bời trong tâm trí… Sự sầu khổ này làm chúng ta cảm thấy linh hồn bị giày vò rằng: thất bại, thất bại, không muốn sống, chết đi còn hơn! Điều ấy đã xảy ra với Gióp. Ông thấy thà chết còn hơn là sống như thế này. Chúng ta phải hiểu những lúc tăm tối xảy ra cho linh hồn, những lúc ấy dường như ngừng thở. Dù mạnh hay không… tình trạng này xảy ra cho tất cả chúng ta. Cần hiểu được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta khi ấy.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì trong những giây phút đen tối ấy, những bi kịch xảy đến gia đình, bệnh tật… Có người nghĩ tới viên thuốc an thần… Những cách ấy chẳng giúp ích. Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy cách thế để đối diện với sự sầu khổ này, với sự tuyệt vọng này.
Khi chúng ta cảm thấy mất mát, hãy tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa
Trong đáp ca Thánh Vịnh 87 có viết: “Ôi lạy Chúa, nguyện cho lời con thấu đến tai Ngài.” Chúng ta cần cầu nguyện, cầu nguyện van nài giống như Gióp: ngày đêm cầu nguyện để Chúa thấu tai.
Cầu nguyện giống như gõ cửa, gõ mạnh! “Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, mạng sống con gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế.” Đó chính là lời cầu nguyện. Chúa cũng dạy chúng ta phải làm thế nào để cầu nguyện trong những lúc khó khăn. “Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, trong nơi vực thẳm. Cơn giận Chúa đè năng thân con…” Đây là lời cầu nguyện. Vì thế chúng ta phải cầu nguyện trong những giây phút tệ hại nhất, buồn khổ nhất. Đây chính là lời nguyện chân thực. Gióp đã trút hết nước mắt, trút hết cõi lòng giống như một đứa trẻ, giống như một người con trước mặt người cha.
Sau đó sách Gióp nói về sự thinh lặng của những người bạn. Đứng trước những con người đau khổ, “lời nói có thể gây tổn thương”. Những gì cần là sự gần gũi thân thiết, là cảm nhận tình thân, chứ không phải là những lời nói.
Thinh lặng, cầu nguyện và hiện diện, để thực sự có thể giúp đỡ người đau khổ
Khi một người đau khổ, khi một người đang trong sầu khổ, bạn phải nói ít bao nhiêu có thể và phải giúp đỡ trong thinh lặng, trong tình thân, trong cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha.
Thứ nhất, nhận ra trong bản thân giây phút sầu khổ thiêng liêng, đó là lúc chúng ta đang trong tối tăm, thất vọng và đặt câu hỏi về nguyên do. Thứ hai, cầu nguyện cùng Thiên Chúa với Thánh Vịnh 87, dạy chúng ta về cầu nguyện trong thời khắc đêm đen. Hãy đến trước nhan thánh Chúa mà cầu nguyện. Thứ ba, khi đến gần người sầu khổ, người đau khổ về bệnh tật, về tâm hồn… thì hãy thinh lặng và là thinh lặng với đầy tình yêu mến, tình thân và sự quan tâm. Đừng nói dài dòng, vì vừa không giúp ích gì mà còn gây hại.
Chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa để Ngài ban cho chúng ta ba ơn. Ơn để nhận ra sự sầu khổ, ơn để cầu nguyện khi chúng ta rơi vào tình trạng sầu khổ, và ngay cả ơn để biết đồng hành với những ai đang sầu khổ.
Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 27.09.2016