Xem lại Công chính và Bác ái
Ronald Rolheiser, 2019-12-09
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ai cũng phân biệt được công chính và bác ái. Bác ái là cho thì giờ, năng lực, tài lực và cho chính mình để giúp người anh em khi họ cần. Và đó là một đức hạnh đáng kính phục, dấu hiệu của một trái tim nhân hậu. Mặt khác, công chính thì ít trực tiếp với hành động cho, công chính là tìm cách thay đổi các hệ thống, các điều kiện để giúp người khác đang cần.
Chắc chắn chúng ta đều quen thuộc với ngụ ngôn được dùng để minh họa sự khác biệt này. Ngắn gọn nó như sau:
Có một thị trấn ở bên bờ sông ngày nào cũng có các thi thể nổi lềnh bềnh trên sông từ thượng nguồn chảy về. Dân làng thường giúp những người còn sống và tôn kính chôn người chết. Với lòng thành, họ làm từ nhiều năm nay; nhưng cũng trong các năm tháng này, không ai lên thượng nguồn để xem vì sao hàng ngày đều có người bị thương, có người chết trôi về.
Người dân thị trấn có lòng tốt và có đức ái, nhưng họ không làm gì để thay đổi tình trạng này. Hơn nữa, người dân nhân hậu cũng không ý thức về lối sống của họ, rõ ràng là nó chẳng liên quan gì đến các người bị thương, các người bị chết họ thấy mỗi ngày, như thế trên thực tế, họ cũng góp phần vào các nguyên do cho những cuộc đời mất mát này, họ tốt bụng nhưng họ cũng đồng lõa trong chuyện làm hại người khác, dù cho chuyện này mang động lực và phương tiện đến để họ làm việc từ thiện.
Bài học ở đây không phải chúng ta không nên tốt bụng, không nên bác ái. Bác ái giúp đỡ nhau, như dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu đã nói rõ ràng, và cũng đòi hỏi chúng ta, vậy vừa phải nhân đạo, vừa phải là tín hữu kitô. Bài học là có lòng tốt thôi chưa đủ. Đó là điểm khởi đầu, một chuyện tốt, nhưng nó còn đòi hỏi chúng ta hơn. Tôi nghĩ đa số chúng ta đã biết, nhưng có thể chúng ta ít ý thức hơn về một chuyện ít rõ ràng hơn, có thể chính tính quảng đại của chúng ta có thể làm chúng ta mù quáng, làm chúng ta ủng hộ (và bỏ phiếu cho) các khuynh hướng chính trị, kinh tế, các hệ thống văn hóa đổ lỗi cho những người bị thương, các thi thể mà chúng ta thấy trong các tổ chức từ thiện của chúng ta.
Công việc tổ chức từ thiện có thể làm chúng ta mù quáng, đồng lõa trong cái bất công, là điều được nhấn mạnh trong quyển sách gần đây của tác giả Anand Giridharada, Người chiến thắng có tất cả: Cuộc diễn hành ưu tú của việc thay đổi thế giới (Winners Take All: The Elite Charade of Changing the World). Trong một khẳng định đáng lo, tác giả Giridharada cho rằng, lòng rộng lượng có thể và thường là chọn lựa thay thế, một phương tiện để tránh sự cần thiết của một hệ thống phân phối quyền lực công chính và công bằng hơn. Bác ái là điều tuyệt vời nhưng chưa phải là công bằng; một tấm lòng tốt là điều tuyệt vời, nhưng chưa phải là chính sách tốt, chưa phục vụ cho những người kém may mắn nhất; và vị tha cũng là điều tuyệt vời nhưng nó có thể làm chúng ta lẫn lộn với bác ái mà chúng ta làm với công chính đòi hỏi của chúng ta. Vì lý do này, và trong số các lý do khác, các vấn đề tác giả Giridharada đưa ra không nên được riêng tư hóa và ủy quyền cho lãnh vực từ thiện cá nhân, như bây giờ thường hay xảy ra.
Christiana Zenner, khi bình luận sách của Anand trên tờ America, đã tóm tắt như sau: “Hãy cẩn thận với cám dỗ lý tưởng hóa một tổ chức hay một người hứa giúp mà người này, tổ chức này không ít nhất ở giữa chúng ta và không để ý đến các yếu tố có thể tạo điều kiện dễ dàng đầu tiên hết cho việc thống trị ». Và bà nói thêm: “Khi chúng ta thấy sự vi phạm của người khác qua các việc làm bất công trực tiếp, chúng ta bực mình, nhưng bất công và thủ phạm là chuyện hiển nhiên. Chúng ta thấy một cái gì sai và chúng ta tìm ai đó để đổ lỗi. Nhưng đây chính là điểm thực sự của nó, khi chúng ta sống với các hệ thống bất công vi phạm đến người khác, mà chúng ta có thể mù quáng đồng lõa, vì chúng ta cảm thấy mình tốt do các tổ chức từ thiện của chúng ta có thể giúp những người bị tác hại.»
Chẳng hạn: Chúng ta hình dung, một người tốt bụng cảm thấy mình chân thành đồng cảm với người vô gia cư trong thành phố. Vì lễ Giáng Sinh gần đến, tôi tặng một số lớn thức ăn và tiền bạc cho các tổ chức từ thiện địa phương. Hơn nữa, đến ngày lễ Giáng Sinh, trước khi ăn lễ ở nhà, tôi phục vụ hàng giờ cho bữa ăn của những người vô gia cư. Lòng bác ái của tôi là đáng khâm phục, và tôi cảm thấy tốt về việc tôi vừa làm. Và đó là điều tốt! Nhưng khi ủng hộ cho một chính trị gia hay một chính sách ưu tiên cho người giàu và như thế là bất công với người nghèo, chúng ta có thể dễ dàng suy luận, tôi chỉ làm đúng phần tôi và tôi có một quả tim cho người nghèo, trong khi chính lá phiếu của tôi đảm bảo rằng, sẽ luôn có người vô gia cư cần thức ăn vào ngày lễ Giáng Sinh.
Ít có đức tính nào quan trọng hơn đức bác ái. Đó là dấu hiệu của một quả tim nhân lành. Nhưng cảm nhận mình xứng công khi mình cho chính mình trong đức ái không được nhầm lẫn với cảm nhận sai lầm rằng chúng ta đã thật sự làm phần của mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn