“Xin thương xót chúng con và toàn thế giới!” – Chúa nhật II Phục Sinh năm A

16-04-2020 Chức năng bình luận bị tắt ở “Xin thương xót chúng con và toàn thế giới!” – Chúa nhật II Phục Sinh năm A by

Trong ngày Đại lễ Kính Lòng Thương xót của Chúa, chúng ta hãy cùng đồng thanh kêu xin: Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới!

Xin thương xót chúng con và toàn thế giới! Lời kinh được lặp đi lặp lại, như tiếng kêu cứu khẩn thiết lúc đang gặp gian nan. Chưa bao giờ, lời kinh cầu nguyện Lòng Thương xót lại có ý nghĩa như những ngày này, khi mà thế giới đang đau khổ chứng kiến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang tàn phá nhân loại từng ngày. Các tôn giáo đều cầu nguyện cho dịch bệnh sớm bị đẩy lui. Mọi người đều mong cho cuộc sống sớm trở lại bình thường. Những lúc dịch bệnh phải cách ly, mới thấy những điều bình dị của đời sống thường ngày thật đáng trân quý. Người ta ước mong có ngày lại được đi dạo ngoài phố, được mời bạn bè mừng sinh nhật hay tân gia, được đi thăm nhau giao lưu giữa tỉnh nọ với tỉnh kia, được vào Nam ra Bắc dễ dàng bằng các phương tiện giao thông khác nhau. Những điều này quá đỗi bình thường khi chưa có dịch, nhưng nay lại là điều bị cấm để tránh dịch bện lây lan.

Chúa nhật thứ hai Phục sinh là Đại lễ kính Lòng Thương xót. Đây là sáng kiến và sự cổ võ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thế giới đang cần đến lòng thương xót của Chúa để được chữa lành. Không chỉ chữa lành khỏi dịch bệnh COVID-10, nhân loại còn cần được chữa lành những căn bệnh trầm kha khác: dửng dưng vô cảm với Thượng đế và với tha nhân; sa đọa luân thường đạo lý; hôn nhân đồng tính; phá thai; thờ ngẫu thần; kiêu ngạo cho rằng nền kỹ thuật hiện đại có thể thay Thiên Chúa. Vâng, một nhân loại đang bị tổn thương nghiêm trọng cần được chữa lành.

Chúng ta vừa tưởng niệm cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu. Cái chết và sự phục sinh của Người là nguồn mạch ơn cứu độ cho trần gian. Chúa Giêsu cũng là vị Lương Y thần thiêng. Trong lúc rảo khắp xứ Galilêa để rao giảng Tin Mừng, Người đã chữa lành biết bao người đau ốm đủ mọi chứng bệnh khác nhau, thậm chí một vào trường hợp đã chết, Chúa đã cho sống lại. Chính Người đã sống lại vinh quang, ra khỏi nấm mồ tối để chiếu ánh sáng hy vọng cho con người.

Dưới cái nhìn trần gian, người ta nghĩ rằng Chúa đã chết là hết mọi chuyện. Nói đến một người đã chết mà sống lại, người ta coi như chuyện tầm phào. Điều này chẳng có gì mới, vì ngay như ông Tôma, một trong Mười hai tông đồ, cũng chẳng tin Thày mình đã sống lại. Vì vậy, ông thách thức và tìm những bằng cớ cụ thể nhãn tiền thì ông mới tin. Nếu trước đây Tôma đã ra điều kiện để tin, thì nay Chúa chấp nhận những điều kiện thách thức ấy. Khi Đấng Phục sinh hiện đến, ông Tôma chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa. Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Ngày hôm nay, Giáo Hội đứng trước một thách đố lớn khi rao giảng Đấng Phục sinh. Bởi lẽ trong con mắt của đại đa số những người đương thời hôm nay, trong đó có cả những tín hữu, đó là một điều khó chấp nhận. Câu chuyện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết có nguy cơ bị coi như một câu chuyện cổ tích xa vời. Qua lời nói với Tôma, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục. Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình. Như thế, tin vào Chúa Phục sinh đòi hỏi phải có một cái nhìn vượt qua những điều khả giác để vươn tới một thực tại siêu nhiên, đồng thời xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa. Đối với Ngài, “không có gì mà Ngài không thể làm được”. Thánh Phêrô đã khuyên chúng ta: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của Đức tin là ơn cứu độ con người” (Bài đọc II). Đức tin đem lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Đây không phải bình an của thế gian, nhưng là bình an do chính Chúa Phục sinh ban tặng.

Người thời nay đang đi tìm những chứng từ để tin Chúa Giêsu đã phục sinh. Chứng từ ấy, có thể tìm thấy nơi những cộng đoàn đức tin. Cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem đã làm nên những chứng từ rất sống động về sự hiện diện của Đấng Phục sinh: đó là sự hiệp nhất, chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, sốt sắng cầu nguyện và quảng đại thực hiện đức bác ái đối với anh em đồng đạo cũng như những người chưa cùng niềm tin (Bài đọc I).

Với một lối giải thích khác về chữ nghĩa so với tác giả Sách Tông đồ Công vụ, nhưng mang cùng một nội dung, trong Tông thư “Dung mạo Lòng Thương xót – Misericordiae vultus”, công bố ngày 11-4-2015Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Tất cả mọi hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng và không một chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại vắng bóng lòng thương xót” (số 10). Ngài cũng nói đến sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa và ngài nhắn nhủ Giáo Hội hãy đảm nhận trách vụ “vui mừng loan báo sự tha thứ”, “là sức mạnh làm tái sinh vào cuộc sống mới và mang lại can đảm để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng” (số 12). Quả thật, khi Giáo Hội thực hiện được lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trên đây, thì Giáo Hội trở nên hình ảnh sống động của Đấng Phục sinh, giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thực hành lòng thương xót, chính là một chứng từ khả tín của cộng đoàn Kitô hữu. Nhờ đó mà những người đồng bào của chúng ta nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

“Phúc cho ai không thấy mà tin!”. Vâng, giữa thảm họa đại dịch COVID-19 này, càng cần hơn nữa Đức tin để chúng ta đáng được Chúa xót thương, can thiệp cứu vớt. Trong ngày Đại lễ Kính Lòng Thương xót của Chúa, chúng ta hãy cùng đồng thanh kêu xin: Vì cuộc khỏ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới!

+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW