Xứ đạo dậy men
Với 18 hội đoàn hoạt động năng nổ, giáo xứ Kẻ Sặt (Biên Hòa, Đồng Nai, GP Xuân Lộc) là mẫu hình của một họ đạo sống động, hiện diện hơn 60 năm giữa lòng Giáo hội.
Kẻ Sặt ngày nay là một giáo xứ lớn mạnh với hơn 6000 giáo dân (chiếm tỷ lệ 90% dân cư trên địa bàn). Qua dòng thời gian, bộ mặt chung của toàn họ đạo ngày càng trở nên khang trang hơn. Hồi tưởng lại quãng thời gian ban đầu cách đây 63 năm (1954), cụ Phạm Thanh Đức, một trong những người thuộc thế hệ đầu của giáo xứ bồi hồi kể: “Lúc chúng tôi mới đến vùng đất này, khắp nơi là rừng hoang, đất là loại pha cát nên không thể trồng trọt được. Đối mặt với con đường phía trước đầy bế tắc, một số bà con đã lựa chọn tiếp tục di cư đến những vùng khác, số còn ở lại thì vẫn cố gắng từng ngày để vượt qua khó khăn”. Người làng Sặt từ ngoài quê vốn nhạy bén với nghiệp bán buôn nên đã kịp nắm bắt được những ưu thế do vị trí địa lý, nằm trên tuyến giao thông quốc lộ 1, họ nhanh chóng tìm đường mưu sinh. Các hàng quán, cửa hiệu được mở ngay tại khu dân cư, kinh doanh đủ loại mặt hàng. Việc buôn bán ngày càng sầm uất đã giúp cho đời sống người dân được cải thiện và khu chợ Sặt nổi tiếng của vùng đất Đồng Nai cũng được hình thành.
Thánh đường Kẻ Sặt
Chỉ hai năm sau khi đặt chân đến vùng đất mới, linh mục Giuse Hoàng Trọng Thu đã cùng với mọi người chung tay dựng nên ngôi nhà thờ tạm để có nơi sinh hoạt phụng tự. Đến khi cha Đaminh Hoàng Văn Tiên (1966 – 1968) và cha Gioan Baotixita Nguyễn Thái Chưởng (1968 – 1972) được giao trách nhiệm coi sóc giáo xứ thì đời sống đạo của người tín hữu nơi đây dần đi vào ổn định. Cũng trong khoảng thời gian này, mong muốn xây dựng lại thánh đường của người dân trong xứ nảy sinh và bắt đầu đặt nền móng chuẩn bị. Năm 1972, linh mục Giuse Nguyễn Thanh Minh được giáo phận bổ nhiệm về làm chánh xứ thì ngay năm sau, ngài đã cùng với cộng đoàn khởi công xây dựng nhà thờ mới mang đường nét như hiện nay. Với 32 năm gắn bó cùng đoàn chiên, cha Minh đã lèo lái con thuyền xứ đạo đi qua những tháng ngày khó khăn để cánh buồm Kẻ Sặt vượt sóng gió, vươn cao. Những di sản của ngài đã được linh mục Giuse Trần Phú Sơn (về nhận sở năm 2004) tiếp nối cho đến hôm nay. Không chỉ dựng xây nhà Chúa, các cha xứ và cộng đoàn cũng thực hiện việc quy hoạch lại khu nghĩa trang, trải bê tông các con đường để khung cảnh giáo xứ mỗi ngày thêm tươi đẹp.
Cha chánh xứ tham gia ngày Hiến máu nhân đạo do giới trẻ giáo xứ tổ chức
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến giáo xứ Kẻ Sặt là tình đoàn kết của mọi thành phần giáo hữu. Là một xứ đạo toàn tòng và cùng có chung một cố hương – vùng đất Tráng Liệt, Hải Dương, GP Hải Phòng – nên chính đức tin và tình làng nghĩa xóm là chất keo gắn kết mọi người. Dường như trong các sinh hoạt nơi đây vẫn còn len lỏi đâu đó những phong tục, những nét đẹp truyền thống của sinh hoạt làng xã ngày trước. Các cụ cao niên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động. Bất cứ chuyện gì dù lớn hay nhỏ cũng đều phải trải qua sự cân nhắc, đồng thuận của các bậc lão thành trong xứ. Ông Phạm Văn Huy, thư ký HĐMVGX cho biết : “Vào đầu mùa Chay mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức họp hàng xứ với sự hiện diện của các bậc cha chú nơi họ đạo. Đây là thời điểm chúng tôi đưa ra chương trình hoạt động cho cả một năm với sự cố vấn của các cụ. Mỗi việc được thông qua sẽ được triển khai cho mọi người cùng làm. Qua đó, chúng tôi duy trì truyền thống tôn trọng ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong cộng đồng, tạo nên con đường cho lớp trẻ noi theo”. Như thế xứ đạo cũng là gia đình và tình gia đình thiêng liêng chính là sợi dây bền chắc lôi kéo mọi người con trở về góp phần cho nhà mình thêm khởi sắc.
Một điểm sáng nữa của Kẻ Sặt chính là sự tiến bộ trong việc học hành của thế hệ trẻ trong xứ. Trước đây khi đời sống còn nhiều khó khăn thì việc học cũng ít được chú trọng. Đến năm 1994, cha cố Giuse Nguyễn Thanh Minh thành lập Ban Khuyến học để hỗ trợ và khuyến khích học sinh hăng say học tập, lập quỹ học bổng dành cho các em nghèo hiếu học trong giáo xứ. Trung bình hằng năm có khoảng 170 phần quà được trao tặng cho các em đạt thành tích tốt trong học tập và có đời sống đạo đức tốt. Cứ thế, liên tục trong suốt 23 năm qua, Ban Khuyến học đã chắp cánh và tiếp thêm động lực cho hàng ngàn người trẻ thướng về tương lai.
Buổi tuyên dương các hoc sinh giỏi trong giáo xứ
Bác hoạt động bác ái cũng được mọi thành phần trong xứ rất mực chú trọng. Từ nhiều năm nay, giáo xứ hỗ trợ các mặt hàng lương khô, thực phẩm cho Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, mỗi năm bốn đợt. Ngoài ra, từ năm 2013, giới trẻ giáo xứ đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố Biên Hòa tổ chức chương trình Hiến máu nhân đạo trong cộng đồng với khoảng 200 người tham gia mỗi đợt. Việc thăm hỏi, tặng quà cho những người già yếu, neo đơn, tặng xe lăn cho những người khuyết tật trong giáo xứ vẫn được thực hiện đều đặn hằng năm. Bên cạnh đó là những cuộc quyên góp, những chuyến đi đến “vùng ngoại biên” của Ban Bác ái xã hội và của các hội đoàn xứ đạo. Nơi thì trao nhà, nơi thì đào giếng, nơi lại tặng quà gồm các nhu yếu phẩm… Mỗi một chuyến đi, mỗi việc làm của những người con Kẻ Sặt luôn mang tinh thần sẻ chia, nâng đỡ và đã trở thành kim chỉ nam sống thiết thực cho các thế hệ mai sau.
Chia tay Kẻ Sặt, tôi chợt miên man suy nghĩ về hình ảnh men muối cho đời…
MAI LAN
Ảnh: giaoxukesat.com
Nguồn: cgvdt.vn